Cuộc đời
này không có cái gì tự nhiên mà hiện hữu. Tục ngữ ca dao Việt Nam có câu: “Có lửa mới có khói”. Hơn thế nữa, ông bà
ta còn đề cập đến luật nhân quả được thể hiện qua lối sống, hành vi con người
như “Đời cha ăn mặn, đời con uống nước”.
Ở Việt Nam là vậy. Nhìn xa hơn, định luật này không chỉ bị giới hạn trong một
vùng lãnh thổ hay văn hóa nào, nhưng là phổ quát. Trong Tin Mừng, Ðức Giê-su đã
nói đến định luật nhân quả qua những câu như: Hễ cây tốt thì sinh quả tốt,
cây xấu thì sinh quả xấu. Cây tốt không thể sinh quả xấu, cũng như cây xấu
không thể sinh quả tốt (Mt 7, 17-18), Tất cả những ai cầm gươm sẽ chết
vì gươm (Mt 26, 52). Cựu Ước cũng có những câu như: Kẻ nào ăn nho xanh,
kẻ ấy sẽ bị ghê răng (Jer 31,30), Ðời cha ăn nho xanh, đời con phải ê
răng (Ez 18,2). Trong những câu này, nhân và quả tương ứng với nhau. Nhưng
Thánh Kinh còn cho biết giữa nhân và quả cũng có sự đối nghịch nhau: Ai tôn
mình lên, sẽ bị hạ xuống; còn ai hạ mình xuống, sẽ được tôn lên (Mt 23,12),
hay Gieo trong đau thương sẽ gặt giữa vui mừng; đi khóc lóc u sầu sẽ về giữa
muôn lời ca (Tv 126, 5-6).
Những kinh nghiệm luật nhân quả nào tôi
đã trải nghiệm trong đời? Thiên Chúa ở đâu nhưng kinh nghiệm đó?
Tin
Mừng Mattheu mời ta chiêm ngắm luật nhân quả qua bài giảng trên núi của Chúa
Giê-su. Đồng thời cùng suy tư từng Căn Tính Người Nữ Tỳ với tám mối phúc Chúa dạy
để dám đứng lên và ra đi thực hành điều Thiên Chúa mời gọi.
Vậy trước tiên câu hỏi được đặt ra: Phúc nghĩa
là gì? Trong nguyên ngữ Hi-lạp, PHÚC là makarios, là giai cấp giàu sang trong
xã hội, sống bên trên những lo toan cơm áo hằng ngày. Nghĩa khác là điều kiện của
những vị thần Hi-lạp mãn nguyện vì đạt được tất cả những gì họ trông mong.
Trong bài giảng trên núi, Chúa Giê-su nói rằng, những ai tin theo Chúa, sẽ được
như những người thuộc giai cấp quý tộc sung sướng và như các vị thần mà người
ta vẫn tin tưởng. Tuy nhiên, sự sung mãn của họ không đến từ quyền lực hay tiền
của nhưng là sở hữu một niềm tin cậy bên trong khi họ bằng lòng tiến bước trên
con đường chân chính. Nhìn vào cuộc sống, tôi hỏi chính mình rằng tôi đã nhận
lãnh được PHÚC này chưa? Hãy liệt kê xuống những PHÚC mà tôi đã được nhận?
Các
phúc lành Chúa dạy là những nguyên tắc xây dựng đức tính chân chính của người Ki-tô
hữu, dẫn đưa chúng ta đến sự thỏa mãn trong hiện tại cũng như tương lai.
Phúc lành thứ nhất:
Phúc thay ai có tâm hồn nghèo khó, vì Nước
Trời là của họ.
Nghèo
khó trong tâm linh là đặc tính căn bản của người Ki-tô hữu. Còn nhớ lời ông
Si-mê-ôn nói về Chúa Cứu Thế khi ông bồng bế Hài nhi Giê-su trên tay. Ông nói:
"Con Trẻ này sẽ làm cho nhiều người
Israel vấp ngã, trong khi nhiều người khác được giải cứu" (Lc 2, 29). Vấp
ngã phải xảy ra trước khi được giải cứu. Phần chính của Phúc âm là công nhận có
tội bao giờ cũng đi trước ăn năn hối lỗi; lên án trước khi giải phóng; khổ nạn
trước khi có Phục Sinh.
Không
những vậy, đây còn là công thức tự xét mình dành cho riêng chúng ta. Có một ngọn
núi chúng ta phải cân lường, xem xét chiều cao phải trèo. Và trước tiên, chúng
ta phải nhận thức khi nhìn lên ngọn núi mà mình phải trèo: tôi có thể thực hiện
được không? Nghèo khó trong câu này
không liên quan gì đến thiếu thốn về vật chất hay bất an về tài chính. Nghèo
khó trong tâm linh mô tả một tâm linh hối hận, hạ mình, xác nhận trước Chúa là
mình đã hoàn toàn bị phá sản về tâm linh. Những người nhận rõ tình trạng tâm
linh mình như thế và bằng lòng trở về với Chúa, thì phúc lành dành cho họ là cả
Nước Trời hạnh phúc.
Đây
có lẽ là quan niệm mà thế gian cho là ngu xuẩn. Bởi vì thế gian xem trọng sự tự
lực, tự tin và tự thể hiện. Một lẽ hiển nhiên là muốn tiến thân trong đời thì
phải tin ở mình. Quan niệm này khống chế cuộc sống chúng ta hiện nay. Hay nói
đúng hơn, khống chế toàn bộ cuộc đời bên ngoài sứ điệp Phúc âm. Một người bán
hàng giỏi là người tự tin và bảo đảm hàng mình tốt. Nghĩa là phải tạo ấn tượng
tốt nơi khách hàng. Nếu ta muốn thành công trong một ngành nghề, thì quan trọng
là phải cho người ta cái cảm nghĩ là mình thành công và mình còn có thể thành
công hơn thế nữa. Tóm lại, cách sống của người thế gian là phải tự thể hiện, tự
tin và tự xác nhận rằng mình có khả năng, hãy cho mọi người biết như vậy.
Thế
nhưng, mối phúc thứ nhất Chúa Giê-su dạy điều hoàn toàn tương phản. Thái độ phải
có là hãy coi mình như không là gì cả. Thánh Phao-lô nói: "Chúng tôi không
giảng về chính mình, nhưng chỉ nói về Chúa Giê-su mà thôi." Lời mời gọi sống
nghèo khó trong tâm linh không phải là khác đời hay là tỏ vẻ bối rối, lúng
túng, cũng không phải là yếu đuối hoặc thiếu can đảm. Có những lúc ta nhầm lẫn
thái độ nghèo khó trong tâm linh với khiêm nhường, hạ mình quá mức đến độ trở
thành khiếp nhược, lúc nào cũng từ chối và đứng lùi lại phía sau mọi người, chứ
không dám nói dám làm gì cả. Ta cũng nên nhớ rằng nghèo khó trong tâm linh
không phải bẩm sinh nhưng là một thái độ.
Nhưng
nghèo khó trong tâm linh là thái độ tự nhận ra con người hư hoại, không xứng
đáng trước quyền năng, thánh khiết và vinh quang của Chúa, là một nhận thức rằng
mình không là gì cả trước mặt Chúa. Mình không thể làm được điều gì cho thân phận
mình.
Hãy nhìn vào gương sống của anh Giu-se. Một khi đáp
tiếng Xin Vâng, Giuse chịu thương chịu khó với nghề thợ mộc của mình để lo lắng
cho gia đình. Ngài không đòi hỏi, không đòi trả công. Nhưng thử nhìn lại xem
nghề thợ mộc từ ngày xưa cho đến hôm nay. Đây là một nghề không cao trọng.
Giuse chấp nhận khó nghèo. Chấp nhận áp lực xã hội và vượt thắng yếu đuối nội
tâm, sự dèm pha của người đời dành cho một thanh niên trai tráng không có chí
tiến thủ. Chúng ta có thể thấy đàn ông Do Thái thời đó được coi trong như thế
nào qua câu chuyện của (Mt 14, 13 – 21) về phép lạ bẻ bánh. Câu chuyện chỉ cho
con số 5,000 người đàn ông ăn bánh, chưa kể phụ nữ và trẻ em. Sống bằng nghề mộc
với đồng tiền kiếm được ít ỏi, nhưng lương thiện, bằng chính mồ hôi nước mắt của
mình.
Và cô Maria mang thai trước khi thành hôn là một việc
tày trời. Nhưng cô cũng biết rằng, chấp nhận thánh ý Thiên Chúa là chấp nhận tất
cả, ngay cả khi bị kết án vì tội ngoại tình phải bị ném đá cho đến chết. Ấy vậy
mà cô vẫn thưa xin vâng. Có nghĩa là cô đã lấy thánh ý của Thiên Chúa, lấy
chương trình của Thiên Chúa làm kim chỉ nam cho quyết định của mình. Rồi khi về
chung sống với nhau, cuộc sống nay đây mai đó, phải trốn chạy trong đêm khuya
vì sự an toàn của hài nhi. Vậy mà Maria không một lời than trách. Maria tin tưởng
hoàn toàn vào Giuse, không chất vấn, không nghi ngờ.
Ta
thử tự hỏi: Tôi có ý thức rằng mình đang sống thái độ nghèo khó trong tâm linh
không? Tôi thực sự nghĩ gì về chính mình khi đứng trước hiện diện của Chúa? Khi
tôi sống, nói năng, cầu nguyện, tôi thường nghĩ gì về chính mình?
Tôi
không có gì để khoe khoang cả, vì tất cả chỉ là ân sủng của Chúa mà thôi.
CĂN
TÍNH NGƯỜI NỮ TỲ
Để đi đến một tổng
hợp những đặc tính của ơn gọi Nữ Tỳ, ta cần trở về lại thuở sơ khai để chiêm ngắm
đời sống Đấng Sáng Lập, hầu tìm ra những thái độ căn bản giúp ta nhận ra tiếng
Chúa và đáp trả một cách quảng đại. Như Thánh Rafaela đã nói và đã sống: “Hãy sống khiêm tốn, khiêm tốn và khiêm tốn.”
Những lời Mẹ khuyên như lời mời gọi nên thánh hằng ngày cho tất cả chúng ta “thánh, thánh, thánh” Mẹ đã sống từ chính
lời của Mẹ qua kinh nghiệm của mươi hai năm cuối đời bị lãng quên để rồi sự âm
thầm khiêm nhu. Người con nhỏ bé của Chúa đã được ân thưởng bằng kinh nghiệm kết
hiệp mật thiết với Thiên Chúa.
Nhìn
lại lịch sử hội Dòng, ta nhận ra luật nhân quả hiển hiện cụ thể trong các sự kiện
lớn nhỏ của Hội Dòng mà hình ảnh Đấng Sáng lập là một cụ thể. Căn tính đầu tiên
chúng ta được thừa hưởng là SỰ KHIÊM NHU. Các ngài cho phép ý định của Thiên
Chúa được thực hiện bằng sự mềm dẻo hoàn toàn, sẵn sàng vô điều kiện, từ bỏ của
cải, mạng sống mình và ngay cả thay đổi quyết định ban đầu về phục vụ người
nghèo và chọn dòng tu để thực thi công việc được trao phó. Các ngài đã để mình
nghèo trong tâm linh. Các ngài luôn cầu nguyện và nhận định nhằm đáp ứng chương
trình của Chúa, bởi tình yêu và lòng tín thác hoàn toàn vào trong sự quan phòng
của Thiên Chúa.
Trong cuộc sống, mỗi người chúng ta đều
được Thiên Chúa mời gọi sống theo thánh ý của Ngài, nhưng có người khước từ lời
mời gọi này. Cũng có người đáp trả lời mời gọi bằng việc chấp nhận bị quấy rầy,
bị đảo lộn nhưng rồi để được biến đổi. Thiên Chúa muốn thực hiện công trình và
kế hoạch của Ngài qua dân Ngài. Những công trình và kế hoạch là những lúc chúng
ta phải phân định, cân nhắc và bị giằng co, chập chờn như trong giấc mộng của
Giuse.
Chúng ta đáp trả như thế nào? Có phải
khiêm tốn mở rộng lòng mình ra để học nơi thánh Giuse, nơi các Đấng Sáng Lập
Dòng để biết dẹp bỏ mọi toan tính loài người hầu quảng đại cộng tác vào kế hoạch
Thiên Chúa.