"Ai không sống tinh thần Chúa Kitô thì không trông mong kết hiệp với Ngài."
Thánh Rafaela Maria
Vâng
lời là gì? Từ chữ Latinh ob-audire có nghĩa là nghe một cách thận trọng sâu xa.
Như thế người vâng lời là người biết lắng nghe một cách chín chắn. Đây cũng bao
hàm ý nghĩa bổn phận đối đáp. Nghĩa là người nghe cho chắc sứ mệnh để rồi đem
ra thực hành. Chính Chúa Giêsu đã nêu cao gương sống kết hợp mật thiết cùng Chúa
Cha trong khi thi hành sứ nhiệm.
Lịch
sử cứu độ cho thấy Thiên Chúa đã vì tình yêu mà dựng nên con người trong hình ảnh
Người. Nhưng tình yêu đó đã không được đáp ứng. Trái lại vì muốn lên ngang hàng
cùng Chúa, con người đã bội phản lòng tin tưởng của Người. Tổ tông con người đã
không vâng lệnh Chúa. Nhưng Chúa đã không vì thế mà sao lãng con người. Ngược lại
chính Chúa đã nối lại giao ước cùng họ. Dòng lịch sử minh chứng sự bất trung của
con người. Họ đã lơ là với Chúa để thỏa thuận giao ước cùng những thần khác. Để
chuộc tội bất tuân của họ, Thiên Chúa đã hy sinh chính Con một mình. Đức Giêsu đã
đến để thi hành Thánh ý Cha Người “Lạy
Cha, nếu chén này không thể rời khỏi con, nhất định con phải uống, thì xin cho ý
Cha được thể hiện.” (Mt. 26:42 ) Nhập thể với một sứ mệnh, Đức Giêsu đã
trung thành gắn bó cùng Cha mình. “Lương thực của Thày là thi hành ý muốn của
Đấng đã sai Thầy, và hoàn tất công trình của Người.” (Gioan 4: 34).
Thấm
nhập đường lối của Đức Giêsu, các môn đệ đã ý thức tầm quan trọng của nhu cầu gắn
bó cùng Chúa. Khi bị điệu đến giữa Thượng Hội Đồng, và bị răn đe ngăn cấm rao
giảng danh Chúa Giêsu, ông Phêrô và các Tông Đồ khác đáp lại: “Phải vâng lời
Thiên Chúa hơn là vâng lời người phàm”. (CVTĐ 5:29) Tuyên xưng trung thành
cùng đấng Tạo Hóa, các tông đồ đã nêu lên cùng đích của người tín hữu. Vâng lời
Thiên Chúa tức là vâng phục Đức Giêsu Con Thiên Chúa, Người đã vì yêu mà nhập
thể. Thánh Phaolô quả quyết: “ Chúa Giêsu là nguồn ơn cứu độ vĩnh cửu cho tất
cả những ai tòng phục Người,…” (DT.5:9) Vâng theo Đức Giêsu đòi hỏi thực
thi sứ điệp Tin Mừng. Thánh Phêrô tuyên
bố: “Nhờ vâng phục sự thật anh em đã thanh luyện tâm hồn….” (1Pet.
1:22) Ngày nay, muốn theo gót Chúa người
tín hữu cũng cần tuân theo, “…quy luật đạo lý…” (Rm.6:17) của giáo hội .
Như đã
vạch ra trong lịch sử đời sống tận hiến, trong thời sống ẩn dật của những “tu
sĩ của hoang địa” sự sống cách biệt, lìa thế trần được nâng cao. Mãi thế kỷ
thứ 7 mới thấy đề cập đến vâng lời. Thánh Gioan Climacus nêu lên đòi hỏi từ bỏ
hoàn toàn. Ngoài hai việc từ bỏ mọi sự và tất cả những người thân, Ngài thêm từ
bỏ chính quyền định đoạt của mình. Ở Ai
Cập khi đời sống ẩn dật bắt đầu vào khuôn khổ, đòi hỏi đầu tiên nơi một người
muốn nhập tu, là sự tòng phục dưới sự dạy bảo của một vị linh hướng. Dần dần lối
sống từ bỏ ý mình để vâng theo lời linh hướng được ca ngợi.
Cũng
nên để ý tới hai khuynh hướng thực tập vâng lời thời đó: Vâng lời trong đức ái,
và vâng lời trong đức tin. Trong thời tu ẩn dật của hội dòng Pachomian và các
thánh Basil, Augustine và Phanxico, đức Vâng Lời được thi hành như một phương
tiện để duy trì trật tự trong đời sống cộng đòan cũng như củng cố đức ái. Hiểu
như thế đức vâng lời được xem như mối dây ràng buộc sự thông công của những tấm
lòng theo đuổi cùng lý tưởng. Luật lệ gắn bó họ với nhau trong tinh thần tận hiến.
Qua truyền thông của các đan viện, đan tu sĩ nam hay nữ luôn mở lòng nghe lời
Chúa qua vị linh hướng, và sau này qua vị đan viện trưởng hay bề trên. Thí dụ điển
hình của lối thực hành này là cuốn “ Luật của Thày’ và cuốn “ Luật của các Đan
Viện” của thánh Benedict (Discipleship, pp.234). Như thế, qua đức tin, người đan sĩ nhìn Bề trên như đại diện của Chúa.
Thế
kỷ 12 chứng kiến sự xuất hiện của hội dòng khất sĩ cũng như những hội dòng
tông đồ khác. Vì sứ nhiệm hoạt động tông đồ, đức vâng lời cho sứ nhiệm bắt đầu
thịnh hành. Vâng lời cho sứ nhiệm tức là vâng lời trong sứ nhiệm truyền giáo của
Giáo Hội, và do đó cần có sự hợp nhất cùng các phẩm trật trong Hội Thánh. Vâng
lời trong hiệp thông với sứ mạng rao giảng của Giáo Hội và hiệp thông với quyền
bính trong Giáo Hội.
Ngày
nay, trong Bộ Giáo Luật điều 601 chúng ta đọc:
Lời
khuyên Phúc Âm Vâng Lời, được chấp nhận trong tinh thần tin yêu để theo Đức Kitô
vâng lời cho đến chết, bó buộc ý chí phải tùng phục các Bề Trên hợp pháp, khi họ
thay mặt Thiên Chúa truyền khiến hợp theo hiến pháp riêng.
Sự
vâng phục Chúa Cha làm cho tu sĩ hiệp nhất với Chúa Kitô, Đấng được sai đến để
cứu độ trần thế, nữ tu hay nam tu, một khi cam kết bước vào đời tận hiến, công
khai tỏ lộ ý chí nối gót Đức Kitô, dốc quyết bỏ ý mình vâng theo sự hướng dẫn,
có đối thoại, của Bề Trên, hay của các vị có thẩm quyền, trong cộng đoàn mà mình
chung sống. Họ không còn quyền định đoạt trên đời sống mình nữa. Qua lòng tòng
phục, họ chứng tỏ mình được Chúa Giêsu Kitô chiếm hữu. Họ được mời gọi tham gia
vào thứ tự do khải hoàn của Chúa Kitô phục sinh. Họ sẵn sàng đi bất cứ nơi nào,
làm bất cứ việc gì Chúa muốn. Bằng chính cuộc sống của mình, họ loan báo cho anh chị em đồng đạo, cũng như toàn thế
giới biết rằng một trật tự mới, qua cái chết trên thập giá và sự phục sinh của
Chúa Kitô đã được thiết lập.
Sống
trong lòng Giáo Hội, tu sĩ hiệp nhất với giáo hội để làm chứng về tình thương
trước mắt mọi người. Với những người ôm ấp đời sống chiêm niệm, họ tháp tùng các
công tác tông đồ của anh chị em bằng lời cầu nguyện và sự hy sinh. Nhưng với những
tu sĩ thuộc hội dòng tông đồ, những người được mời gọi tích cực tham gia rao giảng
Tin Mừng, vâng theo sự chỉ định của Bề trên, nhiều khi đặc sủng riêng của hội dòng
đưa họ ra ngoài biên giới tổ quốc, cũng như những liên hệ máu mủ của họ. Nhưng đức
vâng lời không có nghĩa thụ động. Ngược lại, người tu sĩ được khuyến khích cộng
tác cùng bề trên tìm hiểu thánh ý Chúa. Tình yêu phải là động cơ chính của sự tòng
phục. Phải có đàm thoại, chia sẻ và tham khảo ý kiến. Cần có sự cởi mở cả đôi bên.
Bề
trên phải nên nhớ tinh thần phục vụ trong khi thi hành nhiệm vụ. Chính Chúa Giêsu
đã khẳng định Ngài không đến để được phục vụ. Với tinh thần khiêm nhường luôn sẵn
sàng tìm lợi ích chung, các đấng Bề trên luôn khuyến khích anh em hay chị em dưới
sự chăm sóc của mình, để tận dụng tài năng mở mang nước tình yêu. Nhất là trong
thời kỳ huấn luyện, người tu sĩ cần được chỉ dẫn sống hoàn toàn sẵn sàng. Với tấm
lòng rộng lớn không màng đến những biên giới trong bất cứ phương diện địa lý, văn hóa, lý trí hay tình
cảm, người tu sĩ phải coi cả cộng đồng nhân loại là anh em mình. Muốn được như
vậy, người tu sĩ cần có hai tư cách: đó là từ bỏ hoàn toàn, không gắn bó cùng bất
cứ người nào hay sự vật nào; và sẵn lòng làm bất cứ một nhiệm vụ nào miễn là
danh Chúa cả sáng.
Sống
trong một xã hội nơi
“những
quan niệm về tự do đã tách rời tự do đích thật là quyền thiết yếu của con người,
ra khỏi tương quan căn bản với chân lý và tiêu chuẩn đạo đức” (ĐSTH số
91), “Đức vâng phục đặc thù của đời thánh
hiến là một lời đáp ứng hữu hiệu cho tình trạng trên” (Ibid.)
Noi
gương Đức Giêsu vâng phục chúa Cha, người tu sĩ nêu cao “ý thức tương quan
nghĩa tử” tuyên xưng uy quyền tối cao của vị Cha nhân lành trên gia đình nhân
loại. Để được nhạy cảm trong nhận định thánh ý Chúa, người tu sĩ cần sự hỗ trợ của anh chị em đồng lý tưởng. Đây
chính là lý do quan trọng của đời sống cộng đoàn của tu sĩ.
Các bạn có thể tìm hiểu hoặc liên lạc thêm qua những trang mạng và số điện thoại dưới đây:
0966 771 913/0166 47 57 705
0 comments:
Post a Comment