"Tôi thuộc về Chúa và chỉ thuộc về Chúa mà thôi trong mọi hoàn cảnh, lúc thành đạt cũng như khi khốn khó. Tôi phải lãnh nhận tất cả như đã đến từ bàn tay nhân lành của Chúa. muốn thế, chú tâm duy nhất của tôi cũng như cố gắng tôi cần phải loại trừ mọi lời nói, hành động, và ngay cả tư tưởng đi ngược lại ước muốn này."
Thánh Rafaela Maria
Như đã bàn qua
lần trước, đời tu được hiểu là một cuộc hành trình theo gương Chúa Con để “tự
hiến cho Chúa Cha với một con tim không chia sẻ, và qua sự thúc đẩy của Chúa Thánh
Thần mà góp phần vào việc xây dựng và
canh tân xã hội”(ĐSTH số 1). Như thế, hiểu theo nghĩa tổng quát, bất cứ ai,
nam hay nữ, muốn chọn lối sống đó có thể bước theo con đường đó. Sự chọn lựa là
điều tối cần, vì có cưỡng bách người ta không thể thực thi thánh ý Chúa được.
Theo thánh I-Nha,õ mỗi người trong chúng ta mang nặng nhiều ý muốn khác nhau.
Suy nghĩ, phân tích, cầu nguyện sẽ giúp chúng ta phân biệt đâu là những ước muốn
cao thượng. Những ước muốn hướng thiện giúp chúng ta đến gần Chúa hơn. Và tất cả
những gì dẫn chúng ta kết hợp cùng Chúa đều tốt. Như thế sự hiện diện của ước
muốn hiến thân theo Chúa đảm bảo đặc ân được chọn.
Nhưng làm sao
một người biết mình được mời gọi? Làm sao một người có thể quả quyết là mình muốn
“hiến thân triệt để”? Hay nếu có ước muốn, làm sao một người dám nghĩ là
mình có thể “hiến thân triệt để”? Dĩ nhiên ngày nay Chúa không còn đích
thân kêu mời như kinh nghiệm giao ước của tổ phụ Abraham. Cũng chẳng có những
tiếng gọi trong đêm vắng như trong đời tiên tri Samuel. Chúa cũng chẳng thi thố
quyền năng đẩy người được chọn ngã ngựa (hay ngã xe ngày nay!) như thánh Phaolô
xưa. Nhưng như tiên tri Jê-rê-mi-a, thời đại rầm rộ của chúng ta thường nhận ra
tiếng Chúa trong những cơn gió thoảng. Mà theo thánh Augustin, trái tim con người
chỉ an nghỉ trong Chúa. Có lẽ vì thế mà ngày nay phong trào trở về nội tâm hầu
như thu hút nhiều người.
Không có một công
thức hay quy lệ nào để trả lời thắc mắc: “Làm sao biết mình được chọn?” Cuộc đời là một
bí nhiệm. Mỗi người một tính, với những ước muốn thầm kín biểu lộ dưới nhiều hình
thức khác nhau. Trừ những trường hợp rất đặc biệt, ít ai dám quả quyết rõ rệt hướng
đi của số phận đời mình. Tất cả đều nằm trong bàn tay quan phòng của Chúa. Niềm
tin tưởng vào tình yêu Chúa khiến người tín hữu ý thức sự quan tâm của Chúa trên
mỗi người. Chính sự ý thức này mặc khải trong thâm tâm mỗi người thánh ý Chúa.
Bước đầu người
ta có thể rung động bởi những kích thích, hứng cảm do một sự kiện bên ngoài nào
đó. Người ta cũng có thể vì một rung cảm trước lối sống vui tươi cởi mở, hồn
nhiên, nhiệt tình xả kỷ của một chân tu hay một cộng đoàn mà tự nguyện theo gương.
Một kinh nghiệm lầm lỡ bản thân dẫn đến một dốc lòng cải huấn cuộc đời. Một gương
thánh nhân hay một cảm phục gương sống anh dũng của người đi trước, làm nổi dậy
lòng ước nguyện hiến thân phục vụ. Tình cảnh xã hội đầy khổ đau xui khiến con
người quảng đại đem tài năng ra phục vụ người kém may mắn tạo dựng cơ hội nếm
trước phần nào hạnh phúc “trời mới, đất mới” (Kh. 21, 1) nơi mà Chúa “Sẽ
lau sạch nước mắt họ. Sẽ không còn sự chết, cũng chẳng còn tang tóc, kêu than và
đau khổ nữa, vì những điều cũ đã biến mất” (Kh. 21, 4)
Lại cũng có những
người luôn ý thức số phận thụ tạo yếu hèn mỏng manh thúc đẩy một khao khát cống
hiến cuộc đời cho một thực tại bền vững, vĩnh cửu, vì theo thánh Phaolô “trên
đời này không có thành trì bền vững” (Heb. 13, 14). Người có hướng nội tâm
thường hay bất mãn với cảnh tượng cuộc sống xô bồ, sa đọa, ham danh, hưởng thụ
thiên vật chất làm nảy sinh ước muốn tìm kiếm sự thâït toàn hảo sống ẩn dật
trong thầm lặng chú tâm đến “Điều cần thiết duy nhất là là tìm kiếm ‘Nước
Thiên Chúa và đức công chính của Ngài.’” (ĐSTH số 26)“
Ở nước Phi Luật
Tân còn có những trường hợp đi tu vì lời khấn nguyện. Thí dụ có người tha thiết
khấn xin một ơn đã hứa sẽ đi tu nếu lời khấn có kết quả. Hay có người đã chọn lựa
hiến dâng để chu toàn lời khấn của cha mẹ. Trường hợp này không mới mẻ chi vì
chúng ta đã thấy trong Cựu Ước. Mẹ tiên tri Samuel đã trải qua bao dằn vặt đau
khổ vì son trẻ. Bà cầu xin tha thiết cho được một đứa con. Bà đã bị hiểu lầm là
say rượu chính lúc bà tha thiết lẩm nhẩm lời xin cũng như lời khấn hứa. Bà hứa
sẽ dâng đứa trẻ phục vụ trong đền thờ. Và bà đã đúng hẹn đem dâng Samuel vào nhà
Chúa.
Nhưng lòng muốn
thúc đẩy bởi cơ hội nào đó chưa hẳn là nguyên nhân hay động cơ chân chính của đời
sống thánh hiến. Dấu chỉ sơ khởi cần được củng cố bằng những tham khảo cùng những
người thuần thạo, hoặc qua lối sống, hoặc qua kinh nghiệm dẫn dắt những người
khác. Các cha linh hướng, các sơ phụ trách huấn luyện hướng dẫn đương sự nhận định
lời mời khách quan thường được gọi là “ơn thiên triệu”. Thêm vào đó nhiều
hội dòng còn có một thời gian thỉnh tu kéo dài khoảng sáu tháng tới một năm để đương
sự làm quen cùng hội dòng. Trong thời gian này, thường người thỉnh tu vẫn tiếp
tục công việc đang làm, và sống tại gia đình mình. Đây cũng là cơ hội cho những
vị có thẩm quyền nghiên cứu, và nhận xét ao ước của đương sự. Cũng có hội dòng
tạo cơ hội cho người thỉnh tu chung sống trong cộng đoàn họ trong ít tháng trời.
Điều cần, là đương sự chưa cắt đứt hẳn cùng lối sống hiện tại hầu không bị gián
đoạn trong trường hợp khám phá sau đó ơn gọi chỉ là một hứng cảm nhất thời.
Qua thời gian
thỉnh tu, sau khi có sự thỏa thuận của đôi bên, nghĩa là người dự tu nhận ra mình
đã tìm thấy đúng chỗ, và phía hội dòng cũng không thấy chi trở ngại, người dự
tu được đón mời vào nhà tập, một chặng đường sâu hơn trong cuộc tìm kiếm thánh ý
Chúa. Sau đó tập sinh chính thức tuyên khấn tạm thời, dọn mình cho ngày cam kết
làm bạn Chúa vĩnh viễn.
Dưới bất cứ hình
thức nào, người được chọn luôn cảm thấy bất xứng. Như bà Elisabeth phải thốt lên
“bởi đâu tôi được mẹ Thiên Chúa kết thân với”, bởi đâu mà tôi được mời
tham dự “làm dấu chỉ cánh chung”, “tham dự trước thời hạn vào thế giới
vĩnh cửu” (ĐSTH số 26).
Các bạn có thể tìm hiểu hoặc liên lạc thêm qua những trang mạng và số điện thoại dưới đây:
0966 771 913/0166 47 57 705
0 comments:
Post a Comment