"Lúc này hơn bao giờ hết tôi phải lập lại ước muốn nên thánh của tôi. Tôi phải ước muốn bằng mọi giá. Đây chính là bổn phận của tôi trước mặt Thiên Chúa và Hội Dòng."
Thánh Rafaela Maria
Như đã nêu ra, chương trình đào tạo căn bản cho cả phía nam tu và nữ tu là Tập Viện và Kinh Viện. Dĩ nhiên, để thích hợp hóa cùng sứ nhiệm của ơn gọi làm linh mục, thời kỳ Kinh Viện bên phía nam tu thường được gọi là Triết Học và Thần Học.
Với nữ tu sĩ, trừ một số trường hợp đặc biệt, đa số các hội dòng theo chương trình sau đây:
. Thỉnh Tu: 3 tháng tới 6 tháng.
. Nhà Thử: 6 tháng tới 1 năm.
. Tập Viện: 2 năm.
. Kinh Viện: 3 năm tới 6 năm.
Mặc dù Tập Viện và Kinh Viện là hai thời kỳ đào tạo sơ khởi chính thức, tùy thuộc mỗi dòng, trước Tập Viện, thường có thời kỳ trắc nghiệm như Thỉnh Tu và Nhà Thử. Trong giai đoạn tìm hiểu làm quen, một tuyển sinh được mời tìm hiểu hội dòng trong thời gian 3 tháng hay 6 tháng. Sau đó được chấp nhận, người dự tu gia nhập thời kỳ Nhà Thử. Đây là một bước tiến xa hơn, cơ hội để cả hội dòng lẫn tuyển sinh tìm hiểu lẫn nhau. Thời kỳ này thay đổi từ 6 tháng tới một năm. Thiết tưởng nên nhớ là trong cả hai thời kỳ sơ khởi này, người dự tu chưa dứt khoát cùng lối sống hiện tại. Họ vẫn duy trì công việc của mình. Trong thời kỳ thỉnh tu họ vẫn sống cùng gia đình, duy có những cuối tuần hoặc lễ nghỉ, họ được mời tham dự đời sống cộng đồng. Lối sắp xếp này để đảm bảo phương tiện sống, trường hợp họ khám phá ra đời tu trì không phải là hướng đi của mình.
Tiếp theo là thời kỳ Tập Viện. Nơi đây các tập tu được học hỏi thêm về đời sống tu trì qua các văn kiện của hội dòng cũng như của Tòa Thánh. Theo luật giáo hội năm đầu là thời kỳ ngặt. Thời gian này các tập tu chăm chú nhiều vào rèn đúc đời sống thiêng liêng. Nhiều thời giờ dành củng cố kết hợp cùng Chúa. Trong năm này các tập sinh ít được ra ngoài. Kế đó trong năm thứ hai, người tập sinh có cơ hội để tập dung hòa đời sống cầu nguyện với đời sống tông đồ. Từ khoảng 3 tháng tới 6 tháng dành cho thực tập phục vụ trong một công việc tông đồ của hội dòng. Qua thời gian này nếu bề trên cũng như chị giám tập, dưới dự hướng dẫn và theo dõi hàng ngày, nhận thấy đương sự hội đủ điều kiện cần thiết để sống đời sống độc thân trong hội dòng sẽ cho đương sự tuyên khấn lần đầu.
Những lời khấn tạm thời ba lời khuyên Phúc Âm, Khiết Tịnh, Khó Nghèo, và Vâng Lời, trong một thời gian nhất định mở đầu cho đời sống Kinh Viện. Thời gian này kéo dài từ 3 năm đến 6 năm tùy theo hiến chương mỗi tu hội dòng. Có trường hợp kéo dài 9 năm. Thường một tu sĩ tuyên khấn tạm cho 3 năm. Sau đó nếu đương sự ước muốn tiếp tục, và được chấp nhận sẽ khấn lại cho 3 năm nữa. Thời gian này được tận dụng để củng cố thêm đời sống thiêng liêng và tu nghiệp, sửa soạn cho sứ nhiệm tông đồ trong tương lai.
Về phía nam tu, lối dàn xếp hơi khác phía nữ. Vì chương trình đào tạo đời sống tu trì cần được hòa hợp với chương trình huấn luyện mục vụ, họ cần phải trải qua Triết học và Thần học. Vì sự khác biệt này, thiết tưởng lộ trình đào tạo của ba dòng dưới đây giúp tầm hiểu biết chung.
Một dự tu dòng Tên trải qua 2 năm tập viện. Mục đích chương trình chung quy rèn đúc đời sống thiêng liêng. Mãn hạn, tập sinh được khấn vĩnh viễn ba lời khuyên Phúc Âm nhưng là khấn đơn. Điều đáng chú ý là họ không có khấn tạm. Với lời khấn, người tu sĩ mới bắt đầu đời sống Kinh viện. Theo tập tục, thời kỳ này thường kéo dài từ hai đến ba năm. Ngày nay được thay đổi tùy trường hợp. Sau đó là chương trình Triết lý trong 2 hay 3 năm. Tiếp theo, như để tạo dịp cho người tu sĩ cơ hội phục vụ và suy nghĩ chín chắn hơn, kinh nghiệm hợp tác trong công việc mục vụ hay giáo dục được kéo dài 2 hay 3 năm.
Trở lại ghế nhà trường, người tu sĩ trẻ bắt đầu chương trình Thần học trong 4 năm. Đến năm thứ ba, nếu hội đủ điều kiện, đương sự có thể được chịu chức. Nhưng, ra trường khóa Thần học không có nghĩa là chương trình đào tạo đã kết thúc. Người tu sĩ trẻ được dịp tiếp tục theo đuổi một ngành tùy khả năng và sở thích. Thời gian chuyên ngành hay dọn bằng phó tiến sĩ mất khoảng 2 hay 3 năm. Đến đây, người tu sĩ trẻ được mời nhập thời Thử Thứ Ba trong vòng một năm. Đặc biệt nhất trong chặng huấn luyện cuối này là chương trình Linh Thao trong vòng một tháng. Mãn thời kỳ Thử Thứ Ba này, người tu sĩ được coi như hoàn toàn là phần tử của dòng Tên. Một lộ trình 16 năm.
Trong dòng Tên cũng có một lời khấn thứ tư, là lời khấn vâng lời Đức Giáo Hoàng, dành riêng cho những phần tử do Bề Trên Cả lựa chọn và quyết định. Với lời khấn này họ được coi như đã tuyên khấn long trọng so với lời khấn đơn của các anh em khác.
Trong dòng Đa minh nam tuyển sinh chỉ cần một năm ở tập viện. Ngay tại nước Phi Luật Tân, một tuyển sinh cũng phải trải qua 2 năm thỉnh tu và 1 năm nhà Thử. Sau thời kỳ nhà Tập, tập sinh được tuyên khấn tạm cho ba năm. Sau thời gian khấn tạm 6 năm người tu sĩ Đa minh trẻ được tuyên khấn vĩnh viễn. Thời gian này cũng được dành để học Triết Lý và Thần học. Lúc này, người tu sĩ có thể được chịu chức Thầy Sáu, và sáu tháng sau có thể chịu chức Linh Mục. Dĩ nhiên cũng có chương trình học cao hơn hay chuyên ngành tùy trường hợp. Tổng cộng, lộ trình đào tạo một tu sĩ Đa minh kéo dài trong 10 năm.
Dòng Phan Sinh Nam cũng chỉ cần thời gian một năm cho Tập viện. Ơû Phi Luật Tân, trước thời kỳ đào tạo sơ khởi có một năm thỉnh tu và một năm nhà Thử, dành để học Triết học. Nếu tuyển sinh nhập dòng khi mới học xong Trung học, thì đương sự tiếp tục chương trình Đại học trước khi gia nhập Thỉnh tu và nhà Thử. Sau Tập Viện, tập sinh được khấn tạm cho 3 năm. Thời gian này dành cho Thần học. Kết thúc chương trình Thần học người tu sĩ xin khấn trọn đời. Một năm sau người tu sĩ trẻ có thể được chịu chức linh mục. Như thế để trở thành một tu sĩ Phan Sinh, một người dự tu đã học xong Đại học phải trải qua lộ trình đào tạo 7 năm trời.
Nhìn qua, chúng ta thấy các hội dòng cả nam lẫn nữ đã ý thức tầm quan trọng của một “việc đào tạo toàn diện…bao gồm các giai đoạn trưởng thành của con người, từ trưởng thành tâm lý và thiêng liêng đến trưởng thành thần học và mục vụ…”( ĐSTH số 65). Nhưng như vậy vẫn chưa đủ. Bản Tông Huấn còn nhấn mạnh đến “thường huấn”:
…do giới hạn của con người, người được thánh hiến không bao giờ có thể coi là đã hoàn tất nơi mình, việc thai nghén con người mới, con người mà trong mọi hoàn cảnh sống, đều có những tâm tình của Chúa Giêsu. Do đó, việc đào tạo sơ khởi phải được củng cố bằng việc thường huấn, đặt người tu sĩ trong thế sẵn sàng để được đào tạo mỗi ngày trong đời mình (ĐSTH số 69).
Các bạn có thể tìm hiểu hoặc liên lạc thêm qua những trang mạng và số điện thoại dưới đây:
Các bạn có thể tìm hiểu hoặc liên lạc thêm qua những trang mạng và số điện thoại dưới đây:
0966 771 913/0166 47 57 705
0 comments:
Post a Comment