October 26, 2012

Lời Khấn Khó Nghèo



"Tôi thuộc về Chúa và chỉ thuộc về Chúa mà thôi. Và như thế tôi phải chấp nhận mọi sự như đến từ bàn tay của Ngài."
Thánh Rafaela Maria


Chúng ta cùng suy ngẫm lời khuyên Phúc Âm Khó Nghèo.

Trong điều luật số 600, Giáo Hội khẳng định:
Lời khuyên Phúc Âm Khó Nghèo để bắt chước Đức Kitô, Đấng tuy giàu sang nhưng đã trở nên nghèo vì chúng ta…

Đây chính là tiếng vọng lại của Thánh Phaolô trong thư gởi tín hữu Corintô:
Quả thật, anh em biết Đức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta, đã có lòng quảng đại như thế nào: Người vốn giàu sang phú quý, nhưng đã tự ý trở nên nghèo khó vì anh em, để lấy cái nghèo của mình mà làm cho anh em trở nên giàu có”. (2Cor. 8: 9)

Là Chúa tể càn khôn, Chúa đâu cần thiết chi. Nhưng để hòa đồng cùng tạo vật hèn yếu, Đức Giêsu đã,  theo lời Thánh Phaolô gởi Philiphê:
…vốn dĩ là Thiên Chúa, mà không nghĩ phải nhất quyết duy trì địa vị ngang hàng với Thiên Chúa, nhưng đã hoàn toàn trút bỏ vinh quang mặc lấy thân nô lệ, trở nên giống phàm nhân sống như người trần thế (Phil. 2:6-7)

Sống như người trần thế để phục vụ con người, nhất là những người ngoài lề xã hội. Chấp nhận sống nghèo không có nghĩa là Chúa tâng bốc sự nghèo khổ. Trong Cựu Ước, ý thức sự ghê tởm của nghèo khổ, các tiên tri đã không ngần ngại sống đời ngôn sứ, để chống trả lại những kẻ bắt bớ, đàn áp kẻ hèn yếu, nghèo nàn. Thiết tưởng cũng nên ôn lại ý nghĩa của nghèo hèn  qua Kinh Thánh. Thuở đầu, khi người Do Thái còn là dân mục, tình liên đới còn chặt chẽ trong lối sống ít khác biệt nên chẳng có nghèo khổ. Nhưng khi họ định cư ở đất hứa, với công việc trồng trọt và chăn nuôi, nhiều người bắt đầu thu thập nhiều bổng lợi và trở nên giàu có.

Của cải, thành công, là những dấu chỉ được chúc lành. Những người kém may mắn, bị liệt vào hạng tội lỗi không được Chúa để ý tới. Hoàn cảnh này đổi ngược khi họ phải đi đầy qua Babylon. Trong lúc hoạn nạn, họ cho là Chúa đã ở lại đền Giêrusalem, và đã không theo họ trong lưu đầy. Đúng lúc này, các ngôn sứ hoạt động mạnh hơn, để trấn an họ và gầy lại niềm tin. Chúa vẫn yêu họ, mặc dù họ đã bất trung. Chúa luôn sẵn sàng chờ đón họ. Trong lúc khốn đốn họ kêu đến Chúa và Người nghe lời.

Nhập thể, Đức Giêsu đã là hiện thân của tin mừng này. Người mặc khải lòng thương vô biên của Chúa Cha. Như người Cha nhân hậu, luôn chờ đón đứa con hoang trở về, Chúa diễn tả niềm vui của cả triều thần Thiên quốc đón nhận con chiên lạc. Đặc biệt Chúa chú tâm đến những người nghèo khổ, bị xã hội rẻ rúng. Chính Chúa Giêsu đã tuyên bố trong Tin Mừng của thánh Luca:
Thần khí Chúa ngự trên tôi, vì Chúa đã sức dầu tấn phong tôi, để tôi loan báo tin mừng cho kẻ nghèo hèn”. (Lk 4: 18)   hay:

Phúc cho anh em là kẻ nghèo khó, vì nước Thiên Chúa là của anh em. Phúc cho anh em là những kẻ bây giờ đang phải đói, vì Thiên Chúa sẽ cho anh em no lòng. Phúc cho anh em là những kẻ bây giờ đang phải khóc, vì anh em sẽ được vui cười. (Lk. 6: 20-21)

Đây không phải là một phản ứng nghịch lại quan niệm trong Cựu Ước. Hồi đó người thành công là người được chúc phúc, ở đây người nghèo là người được chúc phúc. Ơn lành không hệ tại hình thái sống. Cũng không hệ tại công phước con người. Nhưng ơn phước, phép lành tùy thuộc lòng nhân từ của Chúa. Dụ ngôn những thợ làm vườn nho là một thí dụ điển hình. Những người vô làm muộn, cũng được trả công bằng những người cặm cụi cả ngày. Vì ơn phước tùy thuộc lòng nhân từ Chúa, người cảm nghiệm nhu cầu khấn xin sẽ không bị từ chối. Đức Giêsu đã quả quyết: “Hãy xin thì sẽ được!”

Chính đời sống phàm trần của Đức Giêsu, đã là hiện thân của lối sống thanh bần. Người đã trút bỏ vinh quang hầu trở nên giống phàm nhân. Hoàn toàn hòa đồng cùng người nghèo, Người đã nói: “Con chồn có hang, chim trời có tổ, nhưng con người không có chỗ tựa đầu.” (Mt. 8: 20). Nối bước Đức Giêsu, qua sự tình nguyện sống thanh bần, không những người tu sĩ chứng tỏ tình liên đới, chia sẻ yêu thương với những người nghèo khổ, bị khinh khi mà còn tuyên xưng Thiên Chúa tuyệt đối là sự giàu có duy nhất của họ. Tận hiến cho Thiên Chúa và qua Chúa cho tất cả mọi loài thụ tạo, họ hùng hồn xác tín vững chắc về hạnh phúc mai hậu trong giáo hội. Người tu sĩ chấp nhận thiếu thốn để tuyên xưng cho thế giới hiện đại với những ràng buộc bởi những lời hứa hẹn giả trá, niềm vui phúc thật duy nhất chính là Thập Giá của Chúa Kitô. Vì vinh phúc sống lại không thể đạt được ngoài con đường phó thác của thập giá.

Đức khó nghèo làm chứng cho Thiên Chúa, kho tàng đích thực của trái tim con người. Tuyên khấn lời khuyên khó nghèo người tu sĩ nêu lên ba khía cạnh: đó là niềm tin cần hoàn toàn trong tình Chúa quan phòng, chỉ tiên vàn chú tâm tìm kiếm nước trời; tiếp đó người tận hiến được mời làm chứng cho Tin Mừng một cách mới mẻ và mạnh mẽ, trong sự từ bỏ và tiết độ bằng một nếp sống huynh đệ, với nét nổi bật là đơn sơ và hiếu khách, hầu giảm bớt phần nào thái độ dửng dưng, khuyến khích chia sẻ nhu cầu của người lân cận. Vì từ bỏ tất cả, người tu sĩ  không còn quyền tự do xử dụng hoặc định đoạt tài sản nữa. Chính nét sống thanh đạm nêu lên ý thức sự giới hạn của tài nguyên thiên nhiên hầu củng cố tôn trọng, và bảo vệ công trình tạo dựng, bằng cách giảm bớt tiêu thụ, tránh phung phí và biết tự kiềm chế những ước muốn của mình.

Sống nghèo khó và đơn giản về tiện nghi vật chất, người tu sĩ có tâm hồn tự do, không lệ thuộc, không bám trụ, luôn ở thế lữ hành, sẵn sàng cho không những gì được lãnh nhận nhưng không, để mang bình an cho muôn người. Một cách tóm tắt theo lời Bộ Giáo Luật, người tu sĩ, ngoài một nếp sống nghèo cả về vật chất lẫn tinh thần, cần cù và thanh đạm, không dính bén tài sản thế tục, còn mang kèm theo sự lệ thuộc và hạn chế trong việc sử dụng và định đoạt tài sản, chiếu theo quy tắc của luật riêng của từng hội dòng.

Sống thanh bần, người tu sĩ đi ngược lại khiêu khích của “chủ nghĩa vật chất thèm khát sở hữu, dửng dưng với những nhu cầu và nỗi đau khổ của những người yếu đuối,” (ĐSTH số 89).  Sống thanh bần, người tu sĩ biến mình thành những máng thông ban những gì lãnh nhận được, vật chất, trí thức, hay thiêng liêng, cho những anh em kém may mắn. Nghĩa là trong cuộc sinh hoạt hàng ngày, người tu sĩ cũng thu nhận thù lao hay quà cáp. Sau khi dùng đủ cho nhu cầu cộng đòan cũng như bản thân, những gì dư giả cần được chia sẻ cùng phần tử nghèo nàn của chi thể Chúa Kitô. Cũng thế trong vấn đề trí thức, vì có nhiều phương tiện hơn, người tu sĩ có bổn phận tận dụng tài năng thu thập để phục vụ anh em đồng loại. Người tu sĩ cần cầu nguyện cho toàn Giáo Hội, cũng như những anh em đang trong cơn khốn khó.

Tuy nhiên, vì xã hội tiêu thụ hiện tại hướng về vật chất, người tu sĩ hay bị cám dỗ tự tạo cho mình một lối sống dư dật, thu thập của vải phù du. Chúng ta cần chung lời cầu để họ được mạnh dạn đặt hết tin tưởng vào Chúa, Người đã xuống thế đảm nhận thân phận yếu hèn của nhân loại.


Các bạn có thể tìm hiểu hoặc liên lạc thêm qua những trang mạng và số điện thoại dưới đây:

0966 771 913/0166 47 57 705

2 comments:

  1. cảm ơn bạn vì bài viết hay, nguyện xin Chúa ban bình an cho bạn

    ReplyDelete
  2. Nhiều bà bầu thiếu axit folic có sao không, vì loại axit này rất cần cho cơ thể người phụ nữ trong thời gian thai kỳ, những thực phẩm giúp bé thông minh trong thời gian thai kỳ là những loại nào, có giúp bé thông minh và phát triển tốt không, bà bầu có nên đọc sách trong thời gian thai kỳ không, vì bà bầu cần nghỉ ngơi nhiều, bà bầu bị nhiễm độc thai nghén có sao không là triệu chứng của bị ngộ độc thực phẩm, dễ ảnh hưởng tới thai nhi, ngộ độc thực phẩm khi mang thai có sao không là điều thắc mắc mà nhiều chị em lo ngại, chúng tôi sẽ giải đáp điều này.

    ReplyDelete

 
Back to Top