October 22, 2012

Lời Khấn Khiết Tịnh


"Tôi phải chết cho mọi sự, nếu tôi muốn sống cho Đức Kitô."
Thánh Rafaela Maria

Trong chương trên chúng ta đã thấy rõ ý nghĩa nơi Mẹ Giáo Hội về ba lời khuyên Phúc Âm. Bây giờ chúng ta sẽ cùng suy ngẫm về lời khuyên Phúc Âm Khiết Tịnh.

Dấu chỉ cụ thể của khấn hứa lời khuyên Phúc Âm Khiết Tịnh “bao hàm nghĩa vụ tiết chế hoàn toàn trong sự độc thân”. Nhưng thiết tưởng chỉ chú tâm đến phương diện này có vẻ quá tiêu cực. Lời khấn không hệ tại sự từ bỏ, nhưng chủ chốt trong “lựa chọn”. Khi nghe các môn đệ phát biểu ý kiến về đời sống hôn nhân, Đức Giêsu đã dùng một hình ảnh cụ thể dẫn chứng những trường hợp khác nhau, để đề cập đến việc tự nguyện sống độc thân trọn vẹn, suốt đời như một lối sống đặc biệt để phục vụ nước Trời. Người phán: “Có những người là hoạn nhân vì bị người ta hoạn; và có những người là hoạn nhân do họ tự ý sống như thế vì nước Trời”. (Mt. 19: 12)

Người tu sĩ không dấn thân vào một tình yêu duy nhất, qua sự gắn bó hôn nhân, nhưng tự hiến mình cho một tình yêu khác thường. Không kết thân cùng một người khác, không phải là chạy trốn gánh nặng gia đình, cũng không phải vì một khuyết tật. Nhưng từ chối kết thân cùng một người khác, người tu sĩ tận hiến để chỉ thuộc về Thiên Chúa, hoàn toàn vâng theo kế hoạch của Ngài, phục vụ nhân loại, nhất là phục vụ Tình yêu cứu độ. Sống độc thân, người tu sĩ hội nhiều điều kiện thuận lợi để thực thi Đức Mến cách hoàn hảo. Đi tu không để tránh nợ đời, tránh dây dưa tình cảm. Thay vì hiến dâng trái tim cho một người, đời tận hiến mở rộng biên giới tình yêu mình cho mọi người, ôm lấy một chiều kích đại đồng, phổ quát hơn. Mọi người là thân thuộc họ. 

Ý thức được tình yêu bao la của Thiên Chúa, theo lời Thánh Gioan, Người đã yêu họ “…trước và đã sai Con Một mình giáng thế để chúng ta nhờ đó mà được sống” (1Gioan 4: 9-10), người tu sĩ cũng muốn đáp trả bằng một tình yêu vô điều kiện, không tính toán. Sống tình yêu, người tu sĩ làm chứng cho tình yêu hoàn thiện của đời sống vĩnh cưủ, thực hiện được ngay giữa cảnh tạm bợ của kiếp sống phù dung. Theo gót Đức Giêsu, người tu sĩ dấn thân phục vụ không phân biệt giàu sang, quyền chức, hay vị thế, màu da. Như Đức Giêsu tìm đến kẻ tội lỗi cùng đinh trong xã hội, những “con chiên lạc”, người tu sĩ cũng chú tâm đến người bần cùng, nghèo khó, đói rách, trần truồng, người sa cơ thất thế, kẻ số phận hẩm hiu, người bị xã hội chê bai.

Giữa một nền văn hóa hưởng thụ coi thường
mọi quy tắc đạo đức khách quan của tính dục, hay còn giản lược tính dục thành một thứ trò chơi và một món hàng tiêu thụ, buông trôi tôn thờ bản năng, các phương tiện truyền thông đại chúng lại đồng lõa trong việc đó. (ĐSTH số 88)

Đời sống “đức khiết tịnh hoàn hảo”, được coi “như một chứng tá về quyền năng của tình yêu Thiên Chúa trong sự mỏng dòn  của  thân  phận  con người” (Ibid.)  

Chứng tá,
trong đức Kitô người ta có thể yêu mến Chúa với hết cả con tim, đặt Ngài lên trên mọi mối tình, và yêu thương mọi thụ tạo với sự tự do của Thiên Chúa…minh chứng rằng sức mạnh của tình yêu Thiên Chúa có thể làm những điều phi thường ngay giữa cảnh thảm khốc của tình thương nơi loài người (Ibid).

Chọn lựa sống độc thân vì nước Trời không có ý nâng cao tầm quan trọng của lối sống này trên cuộc sống lứa đôi. Tính cách đa dạng của sự hiện hữu, đòi hỏi nhiều ơn gọi khác nhau. Sự khác biệt chỉ nêu lên tính cách bổ túc chứ không hẳn để so sánh. Mỗi người hoàn thành sứ nhiệm trong đấng bậc của mình là cha mẹ, hay con cái, người ở vậy, hay tu sĩ. Giá trị sự dâng hiến không hệ tại phương cách dâng hiến, nhưng trong sự trọn vẹn của lễ vật.

Nhưng dâng hiến hoàn toàn cho Chúa, không cùng nghĩa với thoát trần. Bao lâu còn sống giữa xã hội, người tu sĩ còn bị ảnh hưởng của đòi hỏi bản thân và lối sống trần tục. Người tu sĩ cũng cảm nghiệm cô đơn lẻ loi, cái lẻ loi của kiếp làm người. Ngay cả những người sống đời hôn nhân, mặc dù luôn chia sẻ tình thân mật cùng bạn đời, cũng không thoát khỏi kinh nghiệm buồn tẻ đơn côi. Người tu sĩ cũng bị thu hút bởi khuynh chiều tìm khoái lạc, mong ước những tiện lợi hưởng thụ hầu thỏa mãn đòi hỏi bản thân. Đây chính là cạm bẫy xui khiến người tu sĩ tìm quên trong sự bận rộn công việc. Hay người tu sĩ cũng có thể sa vào cám dỗ,  dùng chức vị của mình để làm người khác lệ thuộc vào ho,ï hầu che đậy cái trống rỗng trong lòng. Nhất là lúc cuộc đời về chiều, khi sức lực hăng say của tuổi trẻ tàn dần, khi người tu sĩ thấy mình gần như bị tước khỏi tất cả những thành công hay mối liên hệ bạn bè. Người tu sĩ không thể đặt tin cậy vào những giải thoát không bền vững này. Người tu sĩ cần biết tìm thỏa mãn trong Chúa mà thôi, không sự vật nào có thể thay thế được. Trong cách hành xử hàng ngày, người tu sĩ cần có những tình bạn có thể thân thiết, với anh em, chị em cùng cộng đoàn, hay cả người khác giới, miễn tình bạn đó đặt trong tình yêu Chúa. Mối liên kết với người cùng lý tưởng có thể góp phần quan trọng cùng cố bước đường hành hương của họ.

Điều nên nhớ là không thể đóng khung cuộc sống trong một mẫu mực hay quy chế. Mỗi ngày đến với những mới mẻ và bất ngờ của nó. Chỉ những ai sẵn sàng tiến tới trong đức tin,  mới nhận ra sự gần gũi của Thiên Chúa. Họ luôn cởi mở,sẵn sàng đón nhận tất cả anh em đồng loại, cũng như những sự vật, như những món quà từ chính Chúa. Họ không để bất cứ người nào, hay sự vật nào chi phối, mà thỏa mãn dừng lại như đã tới đích. Không, họ nhận ra giá trị đích thực của tất cả như môi giới dẫn tới Chúa.

Khiết Tịnh không là một nhân đức để bảo tồn khỏi mất mát. Nhưng là một thể chất sống động cần được nuôi dưỡng hầu nảy nở. Càng lớn lên trong tình thân mật cùng Chúa, người tu sĩ càng thấy trái tim mở rộng để chia sẻ, hướng về đối tượng duy nhất của lòng. Ơn đặc sủng của những vị lập dòng và hiến chương dòng,  không những là khiên mộc, mà còn là đuốc sáng soi đường cho họ.

Ca dao ta có câu: “Yêu nhau yêu cả đường đi…”  Muốn yêu cả đường đi nước bước của Chúa để nên đồng hình đồng dạng với Người, người tu sĩ cần phải biết Chúa mật thiết hơn. Muốn biết Chúa mật thiết hơn, cần quen thuộc với lối sống của Chúa. Muốn thông thạo lối sống của Chúa, chỉ có cách sống lời Chúa qua tâm tình cầu nguyện liên lỉ.

Các bạn có thể tìm hiểu hoặc liên lạc thêm qua những trang mạng và số điện thoại dưới đây:

0966 771 913/0166 47 57 705

0 comments:

Post a Comment

 
Back to Top