October 3, 2012

Đời Sống Thánh Hiến Có Cần Thiết Không? Đời Tu và Phúc Âm

"Tất cả mạng sống tôi, linh hồn tôi, và trái tim tôi chỉ để trong Chúa Giêsu, cho Chúa Giêsu, và vì Chúa Giêsu mãi mãi."
Thánh Rafaela Maria



Lần trước chúng ta đã lướt qua sự suy giảm nhân số trong đời tu trì và lý do tại sao đời tu vẫn cần thiết trong Giáo Hội. Trong bài này kính mời các bạn cùng suy niệm cách chi tiết hơn lý do đó. 

Lý do thứ nhất nằm trong bản chất sống Phúc Âm cách thuần túy vô điều kiện của đời sống thánh hiến trong Giáo Hội. Theo Đức Thánh Cha, trong "Tông Huấn về đời sống Thánh Hiến" qua "tuyên khấn các lời khuyên Phúc Âm, khiết tịnh, khó nghèo, và vâng lời, các nét đặc trưng của Đức Giêsu được trở thành hữu hình trên toàn thế giới" (ĐSTH số 1). Hơn nữa, cũng trong văn kiện đó, Đức Thánh Cha đã khẳng định lại: 
  • "Trong thực tế, đời sống Thánh Hiến được đặt ngay giữa lòng Giáo Hội, như một yếu tố quyết định đối với sứ mạng của Giáo Hội, bởi vì đời sống này, biểu thị rõ ràng bản tính sâu xa của ơn gọi Kitô giáo và tình trạng toàn thể Giáo Hội đang ra sức vươn tới chỗ được kết hợp với Đấng Phu Quân duy nhất." (ĐSTH số 3)  
Tuyên giữ các lời khuyên Phúc Âm, người tu sĩ luôn cố gắng mặc lấy tâm tình của Chúa Giêsu. Nhưng đầy tớ không hơn Thầy. Tuyên khấn kết hợp cách riêng cùng Đức Kitô, người tu sĩ không có con đường nào khác ngoài con đường Ngài đã đi. Như Chúa Giêsu đã giải bày tình yêu muôn thuở trên thập giá, người tu sĩ coi "việc chiêm ngưỡng Đức Kitô bị đóng đinh là khởi điểm của mọi ơn huệ, đặc biệt nhất là ơn sống đời thánh hiến" (ĐSTH số 23). 

Cảm nhận tình yêu vô biên của kẻ được chọn, người tu sĩ ý thức bổn phận làm chứng nhân tình yêu thập giá. Theo chân Chúa, người tu sĩ tận hiến để tận tụy với tha nhân, chuyển cầu cho những nhu cầu anh em họ, phục vụ quảng đại, ngay cả sẵn lòng hy sinh bản thân mình. Sống lời khuyên Phúc Âm, sự hiện diện của người tu sĩ nhắc nhở mọi Kitô hữu ơn kêu gọi hướng về sự thánh thiện nơi quê hương thật trên trời, vì họ sống giữa thế gian nhưng không thuộc về thế gian. Đây là vai trò cánh chung của họ. Được gọi để theo sát Đức Kitô, người tu sĩ sẵn sàng nối tiếp công cuộ rao giảng tin mừng. Sự hiện diện của muôn ngàn người tận hiến trong mọi lĩnh vực minh chứng rõ ràng vai trò của họ. 

Trong vấn đề giáo dục, từ các nước văn minh cho tới cậm tiến, gởi con đi học trường các cha hay các dì là mong muốn của các bậc phụ huynh. tại Pháp, mặc dù tình hình tôn giáo có vẻ báo động, chỉ khoảng 10% thực hành trong tỷ lệ 82.5% Công Giáo. Ngày nay, Giáo Hội Công Giáo tại đó đảm trách gần 10,000 ngàn trường trung, tiểu học, 182 trường cao đẳng và đại học, với tổng cộng hai triệu học sinh và sinh viên. Ở Philippines, Giáo Hội có 1,0304 trường trung tiểu học, 150 trường cao đẳng và đại học với hơn 1,016,871 học sinh và 517,392 sinh viên. Đây chưa kể những trường mẫu giáo và vườn trẻ. Nổi tiếng trong lĩnh vực này có các Thầy Dòng Lasalle, Dòng Tên, Dòng Đa Minh nam, Dòng Ngôi Lời, Dòng Đa Minh Nữ, Dòng Đức Mẹ, Dòng các chị Lê-rê-tô, Dòng Ursulina, Dòng Nữ Tỳ Thánh Tâm Chúa Giesu,... 


Theo Gương Đức Giêsu, "Người đã được thánh hiến để đem tin mừng cho người nghèo khổ", những tu sĩ nam nữ vì Giáo Hội dấn thân để phục vụ những người bị áp bức, những người sống ngoài lề xã hội, những người già cả, những người bệnh hoạn, những trẻ em, tất cả những ai bị coi và đối xử như những "kẻ rốt hết" trong xã hội (ĐSTH số 82). Phục vụ người nghèo "sẽ dần dần đưa họ tới chỗ sống như người nghèo và bênh vực chính nghĩa của người nghèo" (ĐSTH số 82). Muốn làm thế, người tu sĩ cần quả cảm, sẵn sàng "dấn thân cổ võ cho công lý trong lĩnh vực xã hội nơi họ làm".

Lịch sử đời tận hiến đã không thiếu nhiều gương anh dũng của những vị đã hy sinh chính đời minh để phục hồi hình ảnh Thiên Chúa, mà theo Tông Huấn Đời Sống Thánh Hiến số 75, đã bị bóp méo trên bộ mặt anh chị em mình, những bộ mặt hốc hác vì đói khổ, những bộ mặt chán chường vì những lời hứa chính trị, những bộ mặt uất hận của những ai bị người ta khinh dể nền văn hóa của mình, những bộ mặt sợ hãi cảnh bạo lực mù quáng thường ngày, những bộ mặt lo âu của người trẻ, những bộ mặt tủi hổ của những phụ nữ bị xúc phạm và làm nhục, những bộ mặt mệt mỏi của những người di dân không được ai tiếp nhận, những bộ mặt u buồn của những người có tuổi không có điều kiện để sống đàng hoàng (ĐSTH số 75).

Ý thức được nhu cầu của thế giới hiện đại, đã có xuất hiện "những hình thái mới mẻ hoặc được đổi mới" của đời sống thánh hiến. Trong cuốn Sự Thăng Trầm của Đạo Công Giáo của tác giả Patricia Wittberg cho thấy trong một cuộc sống tham khảo về ơn gọi ngay tại nước thứ nhất, một số dòng mới lập như dòng Thừa Sai Bác Ái của mẹ Teresa Calcuta, hay dòng Đạo Binh Chúa Giêsu ở Mexico đã và đang thu thập rất nhiều ơn gọi. Một cuốn địa chỉ của các dòng mới liệt kê tất cả 63 dòng. Đó là chưa kể 24 dòng ngoài bảng thống kê đó. Cùng tiến triển với các hình thái mới cũng có những dòng không phải mới lập, nhưng đã biết tái đào tạo chính minh. Họ đã khẳng định lại và củng cố trung tâm điểm đời tận hiến trong Đức Kitô. Họ đã dám cải huấn hoạt động tông đồ theo nhu cầu xã hội hiện tại. Thêm vào đó, giới lãnh đạo cũng như những phần tử đã nhanh chóng  nhận ra nhu cầu canh tân theo biến đổi thời gian. Với những phát triển trong lĩnh vực giao thông, ranh giới giữa các nước hầu như được xóa bỏ. phải chăng đây là cơ hội nối chặt tình liên đới quốc tế? Một ví dụ cụ thể đã được nhận ra tại Philippines. Trong bài "Vai trò của nam nữ tu sĩ trong giáo hội Philippines" Đức Cha Cornelio de Wit đã ghi lại có đến 70 tu hội dòng của nước Ý đến Phi để chiêu mộ ơn gọi. Trường hợp này cũng được ghi nhận tại các nước khác như Ấn Độ, Thái Lan, ...

Mấy gợi ý cho thấy vấn đề không hệ tại "đời tu cần thiết hay không cần thiết". Câu hỏi phải được đặt ra trên hình thái sống của tu sĩ. Sống trong một xã hội văn minh hưởng thụ và tục hóa, đưa đến sự sớm trưởng thành và tự chủ của giới trẻ, cũng như những gì là tiêu cực như một đời sống ích kỷ, chủ nghĩa cá nhân, với những hậu quả như ly dị, phá thai, xì ke, bạo lực,... chủ trương "kỷ cương luật pháp" của khuôn khổ thời xưa không còn hợp thời nữa. Ngược lại, muốn được hữu hiệu trong thế giới hiện tại, người tu sĩ cần biết tái tạo chính minh, biết Phúc Âm hóa chính mình, hầu phác họa cho xã hội một dung mạo mới của hội thánh, phản ánh những nét Tin Mừng có khả năng đồng hành tích cực với xã hội hôm nay. Chúa Giêsu đã phán: 
  • Thầy là cây nho, anh em là cành. Ai ở lại trong Thầy và Thầy ở lại trong người ấy, thì người ấy sinh nhiều hoa trái, vì không có Thầy, anh em chẳng làm gì được (Gioan 15,5).
Như thế còn chi để nghi ngờ, Chúa tồn tại mãi mãi. Trong Chúa họ sợ chi lỗi thời, và với Chúa họ có thể làm được mọi sự. Điều cần hệ tại lòng chung thủy cùng bản tính siêu nhiên của mình.

Xin các bạn thêm lời cầu nguyện cho các tu sĩ nam nữ trên hoàn cầu, để họ luôn chiếu tỏa tình yêu vô bờ của bạn tình muôn thuở của họ là Chúa Giêsu Kitô Chúa chúng ta.


Các bạn có thể tìm hiểu hoặc liên lạc thêm qua những trang mạng và số điện thoại dưới đây:

0966 771 913/0166 47 57 705

0 comments:

Post a Comment

 
Back to Top