Lắng Nghe và Đáp Trả

Khiêm Nhu

Tình Yêu Trọn Vẹn

Giản Dị nhưng Tinh Khiết

Hy Sinh

An Lạc, Trọn Vẹn và Khiêm Tốn

Bình Dị, Thân Thương và Chân Quê

Đẹp Thanh Cao, Tinh Khiết

Tình Yêu Cao Đẹp và Trong Sáng

April 4, 2018

Sống Vững Vàng

Bạn thân mến,
Bạn có biết, Tanzania, Marốc, Trung Quốc và Việt Nam là những quốc gia xếp hạng cuối trong bảng nghiên cứu về tính trung thực của Simon Gachter và các đồng nghiệp? Đường dẫn: http://vietnamnet.vn/vn/giao-duc/nguoi-viet-nam-xep-cuoi-bang-ve-tinh-trung-thuc-293323.html.
Bạn là, tôi là và chúng ta là những kẻ sống thiếu trung thực? Thiếu trung thực từ lời nói, trong suy nghĩ và ngay cả hành động? Từ bao giờ? Sự trung thực đi đâu rồi? Từ lúc nào?
Sự trung thực không chỉ là nói đúng sự thật hay nói thật, nhưng còn là sống chân thật và chân thành với chính mình và với tha nhân. Nhưng dường như sự trung thực trở nên thật xa xỉ trong xã hội ta đang sống. Ta đồng lòng nói dối, sống dối; đoàn kết nói dối, sống dối và nói dối, sống dối theo đúng quy trình từ học đường cho đến gia đình và ra xã hội.
Tất cả đều biết rằng sự trung thực là một phẩm chất cao quý làm nên nhân cách con người. Do đó, ta có thể dễ dàng nổi giận khi có người bảo: “Anh/Chị nói dối!” Thế nhưng, tiếng nói lương tâm ta yếu ớt, ta chấp nhận im lặng và thỏa hiệp với sự không trung thực, để cùng lội chung dòng nước với cả một tập thể lớn? Sự trung thực đang dần biến mất trong xã hội ta? Niềm tin chỉ còn là những con chữ múa nhảy trên sách vở? Ta có bi quan quá không?
Gia đình ngày nay không đủ điều kiện giúp ta sống trung thực. Cha mẹ thời kinh tế thị trường luôn bận rộn kiếm tiền và cũng không có nhiều kinh nghiệm về tâm lý để bắt kịp tâm lý của con cái ở thời đại này. Trường học đang chất chồng lên vai những đứa trẻ các thành tích, chỉ tiêu phải đạt một cách bất chấp. Hơn ai hết, mỗi người chúng ta phải là người chịu trách nhiệm cho mình nhiều nhất, thương mình hơn ai hết để có thể sống vững vàng giữa những sự thật - giả của cuộc đời. 
Vậy đời tu có được miễn nhiễm bởi lối sống thiếu trung thực này không?
Còn nhớ cách đây không lâu, cả lưu xá nơi tôi đang sống rộn ràng đề tài về một bạn tu sĩ nọ sao y bản chính câu chuyện ơn gọi của một bạn tu sĩ khác rồi đăng lên Facebook của mình với chữ ký tên mình là chủ sở hữu trí tuệ này. Một số bạn sinh viên vào bình luận và trưng dẫn bản quyền thì ngay sau đó đều bị chặn. Vậy đó, sự thiếu trung thực len lỏi vào mọi ngóc ngách của cuộc sống, ngay cả nơi cánh cửa nhà tu. Có phải ta đang dễ dàng cho phép thế giới tục hóa len lỏi vào đời tu của ta để nuốt chửng ta?
Bạn, tôi và chúng ta hãy cùng tự vấn lương tâm mình?
Chúa Giê-su đã đứng về sự thật và chết cho sự thật. Là những Kitô hữu, làm sao ta mang được những kinh nghiệm của Thiên Chúa vào đời sống ta? Đây là đề tài lớn và là bận tâm của tất cả chúng ta.
Hãy chọn lại thái độ và lối sống của ta. Chọn sống vững vàng giữa thế giới đa chiều, ảo nhiều hơn thật, sự dối gian làm chủ sự thật.
Hãy nói: bạn sống được vì tôi cũng có thể và chúng ta cùng sống trung thực.
Lê Đỗ Quyên, aci

August 26, 2017

Chỉ Cần Sông Cứ Chảy ...

Uốn lượn dường như là một điều tất yếu của cuộc đời mỗi con sông
Có ai biết đâu là khởi nguồn của một dòng sông?
Nếu lần về thượng nguồn, có lẽ ta sẽ tìm thấy một mạch nuốc hay một dòng suối nhỏ đang đổ về xuôi. Để nước trở thành sông, thì nó phải chảy. Và trong dòng chảy đó, nó tiếp nhận nguồn sống từ những cơn mưa, từ những mạch nước và từ những nhánh sông khác. Khi nó ngưng tiếp nhận nước thì một điều tất yếu là sự sống của sông sẽ cạn kiệt. Và cũng trong dòng chảy đó, nó chia nước cho những nhánh sông khác. Nó rẽ vào hồ, nó chìm vào đất, nó hoá thành mây và lại biến thành mưa.
Thử nghĩ, nếu sông không chảy, nghĩa là không tiếp nhận và không chia san, nó sẽ đọng lại nơi mình bao nhiêu là rác rến, sẽ ô nhiễm và sẽ tự hủy diệt chính mình. Chính tương tác cho và nhận này tạo nên một dòng chảy, và chỉ khi sông chảy thì nó mới có thể là chính mình. Nên dù phải mang vào mình những thứ có thể làm cho mình bị biến dạng, thì sông vẫn cứ tiếp nhận, cho đi, chảy đi và cuốn trôi đi tất cả. Sông biến đổi và nước nguồn trong sạch lại về. Vì mang phận là sông nên nó luôn chịu những cái phải mang lấy, nhưng luôn biến đổi không ngừng.
Sông là thế. Sông nghĩa là sống, bởi nó luôn có tương giao. Chính vì sông có tương giao nên được gọi là dòng.
Không phải vô cớ mà người ta nói “dòng đời”. Dòng đời mình cũng cần phải trôi và cần biến đổi, nếu không mình sẽ lạc mất căn tính. Mỗi người chúng ta, ai cũng mang lấy những vui buồn, sướng khổ và nhiều lúc cả những thứ “rác rến” của cuộc đời. Và chính mình cũng nhiều lúc trở thành “rác rến” trong cuộc đời ai đó. Đôi khi ta sẽ phải nghe, phải nhìn, phải nhận những điều mình không muốn, không thích. Đôi khi ta nhận những khích bác, chỉ trích, hờn ghen, đố kỵ, như là những rác rưởi từ một nhánh sông nào đó. Và cũng có khi, ta vô tình hay hữu ý đổ vào cuộc đời người khác những trách móc, lạnh lùng hay dửng dưng.
Do đó, cũng như dòng sông, dòng sống của mình lại càng cần phải có những tương giao.
Có tương giao để chuyển biến, để luôn xác định lại căn tính của mình.
Có tương giao để tiếp nhận yêu thương, tha thứ, tiếp nhận những phản hồi, những bài học.
Có tương giao cũng là để trao ban chính những yêu thương và tha thứ mà ta đã nhận được. Trong tương tác này, ta được biến đổi. Nếu sông cứ chảy, sông sẽ mãi là sông. Nếu tôi cứ đón nhận và trao ban, thì tôi sẽ sống.
Chẳng có một con sông nào, dù lớn hay bé lại không trải qua những thay đổi trong hình thù, trong hướng chảy hay trong độ nông sâu của nó. Uốn lượn dường như là một điều tất yếu của cuộc đời mỗi con sông. Có những lúc sộng lần lựa, loay hoay, quanh đi quẩn lại trên cùng một địa hình. Có những lúc sông tìm cách uốn mình, dồn nước tự giúp mình vượt qua những bãi bồi, những tảng đá dường như đang muốn nó ngừng chảy. có những lúc sông lại gồng mình trong một vùng núi đá để rồi nơi sườn núi này, sông đổ ầm về xuôi tạo nên một nguồn sống vô tận. Rồi nó lại tiếp tục nhẹ nhàng lững lờ trôi trên một vùng đồng bằng bát ngát.
Những êm đềm hay thử thách, những vất vả chống chọi, những vinh quang hào hùng hay là những nhàm chán lẩn quẩn trong dòng đời này không phải là một thực tại vĩnh cữu. Tất cả rồi sẽ trôi đi. Chính trong hành trình tìm kiếm cho mình một hướng đi, tôi sẽ định hình cho mình những kinh nghiệm sống, những giá trị đặc thù. Và một thực tại hiển nhiên là, cho dù sông bắt nguồn từ đâu, thì trong dòng chảy của cuộc đời này, mọi dòng sông sẽ trôi về BIỂN.

Chỉ cần sông cứ tiếp tục chảy và tôi cứ tiếp tục tương giao.
Nguyễn Ngọc Trinh, aci

August 18, 2017

Còn Đâu?

Điều gì đang làm ta cạn kiệt năng lượng?
Điều gì đang làm cho phẩm chất ta suy giảm?
Dường như cuộc sống ta ngày càng có thêm nhiều thói quen không dễ thương, nó đã và đang lấy đi những hạnh phúc nho nhỏ trong mỗi giây phút sống của đời ta?
Còn đâu?
Đây là những câu hỏi tôi đã tự hỏi mình trong một lần đến thăm cộng đoàn các Sơ nhà hưu của Dòng tôi. Nhìn các Sơ, tôi kịp nhận ra sự dấn thân một thời của họ như thế nào. Và đôi bàn tay co quắp lại, dị dạng của một Sơ đang nằm liệt trên giường làm tôi không khỏi ngừng nghĩ về ý nghĩa cuộc đời, cùng đích và những chọn lựa trên hành trình đời mình. Với Sơ, chín mươi hai năm cuộc đời qua đi là những trải nghiệm cũng như kinh nghiệm sống như thế nào được gọi là sống hạnh phúc. Để lúc này trên giường bệnh, nằm bất lực hoàn toàn và Sơ chờ mong vào sự giúp đỡ của người khác, Sơ vẫn mỉm cười hạnh phúc an nhiên vì Sơ biết rõ rằng mình đã chọn đúng và đã sống trọn cuộc đời mình đơm hoa kết quả.
Ngày xưa, Sơ là một nghệ sĩ pianô, Sơ có thể đã từng nghĩ rằng cây đàn dương cầm kia là cuộc đời mình và những ngón tay xinh đẹp nhảy múa trên từng phím đàn là sự sống của Sơ. Ấy vậy mà, trên chiếc giường bệnh này Sơ có gì? Sơ còn gì sau những năm tháng dấn thân, rong ruổi cuộc đời mình đi theo Chúa? Chỉ còn là một con người lực bất tòng tâm. Những ngón tay ấy, tài năng ấy bây giờ chẳng còn ra hình dạng gì nữa.
Con đường Sơ đi cũng đã đến gần đích rồi. Vậy theo Chúa, Sơ được gì? Có lẽ với nhiều nhiều người, Sơ chẳng được gì cả. Gia tài giá trị nhất lúc này là chiếc giường bệnh và các chị em đồng tu đang ở với mình. Nhưng với Sơ, đó là hạnh phúc khi dám luôn chọn số 0 về mình và để nó trở nên giá trị hơn mỗi ngày khi Sơ dám cho Chúa là số 1 của cuộc đời mình. Và số 0 chỉ có giá trị khi nó đứng sau số 1. Sơ đã chọn cho mình mãi mãi là 0 trước Thiên Chúa và Sơ hạnh phúc.
Cũng vậy, cuộc sống là những sự chọn lựa liên luỹ. Ta phải chọn con đường để bước đi, chọn lý tưởng để sống, chọn mục đích để dấn thân hay phải chọn giữa cái tốt và cái xấu, cái tốt với cái tốt hơn, hay giữa hai cái xấu. Để rồi tâm của ta, cuộc đời ta hạnh phúc, cảm thụ được giá trị hạnh phúc đích thật, chứ không phải là những chất chồng gánh nặng lên nhau và làm nhau suy kiệt tinh thần cũng như thể lý mỗi ngày.
Nhưng dường như điều căn bản này của cuộc sống đang vắng mặt dần, khi việc sống tử tế bị lên án, bị chê cười hay bị nghi ngờ. Như nhà thơ Bùi Minh Quốc đã cảm nghiệm qua bốn câu thơ.
Có khi nào trên đường đời tấp nập
Ta vô tình đã đi lướt qua nhau
Bước lơ đãng chẳng ngờ đang để mất
Một tâm hồn ta đã đợi từ lâu

Đó là cuộc đời của những người đi trước đọng lại trong tôi những trăn trở về cuộc sống, về xã hội tôi đang sống khi con người ta đặt hạnh phúc cuộc đời mình vào người khác quá nhiều, để cũng nhanh thèm chóng chán và mãi loay hoay tìm kiếm con đường hạnh phúc. Nhưng thầy Giêsu đã khẳng định “Ta là đường”. Vậy ta vẫn còn tìm con đường nào nữa để đưa ta đến được cùng đích của một cuộc sống hạnh phúc và ý nghĩa?
Lê Đỗ Quyên, aci


May 17, 2017

Con Đường Tên Giêsu

Thánh ý của Thiên Chúa là trên hết!”                         Thánh Raphaela Maria Porras
Còn nhớ ngày 05 tháng Hai năm 1876, Đức Giám Mục Cordova tống đạt một mệnh lệnh khẩn đến cộng đoàn bé nhỏ vừa được thành lập, nơi Mẹ Raphaela, Mẹ Pilar và mười bốn tập sinh đang bắt đầu ổn định đời sống mới: “Các chị có hai mươi bốn giờ để suy nghĩ và quyết định: hoặc là chấp nhận lời đề nghị của Đức Giám Mục hoặc phải giải tán.” Cùng với linh mục Ortiz Urruela (SJ) và cả cộng đoàn họp nhau cầu nguyện xin ơn soi sáng để nhận ra thánh ý Thiên Chúa. Thế nhưng, chưa tròn hai mươi bốn giờ, tất cả quyết định rời khỏi Cordova trong đêm khuya với quyết tâm giữ quy luật và sống linh đạo Thánh Inhaxiô Lôyôla.
Đó là câu chuyện năm xưa của Thánh nữ Raphaela Maria. Thì ngày nay, cũng có nhiều bạn trẻ đã và đang trải nghiệm kinh nghiệm năm xưa của chị thánh – lên đường đi theo tiếng gọi Giêsu. Họ cùng chọn đi trên con đường mang tên Giêsu, nơi khởi điểm và cũng là cùng đích của cả hành trình cuộc đời. Chính Đức Giêsu bảo “Ta là Đường” (Ga 14, 6a). Chọn đi trên con đường tên Giêsu là chọn đi vào con đường hẹp với một tâm hồn thênh thang. Đó là khi ta dám bỏ lại cả thế giới của những sự hưởng thụ, thú vui, chức quyền, danh vọng hay bạc tiền để đáp lời Xin Vâng một cách mau mắn bước vào cuộc hành trình cùng Giêsu.
Nếu xưa kia Raphaela đã dám bỏ lại những tiện nghi của một cô chủ để bước theo một Giêsu “không có chỗ tựa đầu” (Lc 9, 58), thì ngày nay vẫn có nhiều bạn trẻ dám để lại một tương lai rộng mở để được sống nghèo như Giêsu.
Nếu xưa kia Raphaela chọn rời khỏi Cordova để được sống theo lời mời gọi thiết tha của Thiên Chúa, thì ngày nay không ít bạn trẻ đang phải giằng co giữa trách nhiệm chăm sóc gia đình và được sống theo thánh ý Thiên Chúa.
Nếu xưa kia Raphaela đã sống ba mươi hai năm ẩn dật trong sự bị hiểu lầm của các chị em mình, thì ngày nay nhiều bạn trẻ phải đối diện với một cuộc khủng hoảng giữa sự bất tuân của người con và điều bất như ý của cha mẹ.
Nếu xưa kia Raphaela ước muốn sống trọn cuộc đời mình với một trái tim yêu thương không bị giới hạn chỉ dành cho một vài người nhưng có thể ôm trọn cả thế giới, thì ngày nay biết bao bạn trẻ cho phép trái tim bé nhỏ của mình được đập lỗi nhịp theo tiếng thì thầm của Giêsu.
Hành trình lội ngược dòng với xu thế thời đại làm ta có những lúc tưởng mình đơn độc bước đi, nhưng rồi chợt nhận ra nơi sâu thẳm tâm hồn ta một sự thong dong đến lạ và sắc xuân đang thênh thang. Để rồi ta tiếp tục chọn cho mình một lối sống khi đứng trước thiên nhiên và Thiên Chúa, ta cảm thấy mình quá bé nhỏ và tầm thường với những vụn vặt của cuộc sống.
Đó cũng là điều mà Thánh Raphaela Maria đã sống và cảm nghiệm “có Chúa” qua những thăng trầm trên suốt hành trình đời mình. Đức Thánh Cha Piô XII đã công nhận chân các nhân đức anh hùng của Mẹ ngày 18 tháng 05 năm 1952 trong thánh lễ tôn phong Mẹ lên hàng chân phước. Đức Thánh Cha chia sẻ: “Raphaela là một vị thánh quá đỗi khiêm nhường, dịu dàng, hiền từ và thánh thiện, chứa đầy kho báu thiêng liêng và là một tấm gương nhà giáo dục … Chúng ta có thể nghe được lời Mẹ mời gọi bước theo con đường thánh thiện của mẹ … Anh chị em hãy đến và xem. Anh chị em hãy đặt mình trước sự hiện diện của Chúa Giêsu trong Bí Tích Thánh Thể. Hãy thinh lặng và cầu nguyện.
Raphaela Maria đã lên đường và đến đích. Ngày 23 tháng Giêng, Đức Thánh Cha Phaolô VI đã tôn phong Mẹ lên bậc hiển thánh. Là những hậu duệ của Thánh nữ Raphaela Maria, ta cũng được mời gọi lên đường để dấn thân trọn vẹn và tròn đầy để thực hiện thánh ý Thiên Chúa trong mỗi ngày sống ngay cả khi ta phải đánh đổi bằng chính cuộc đời ta, để Chúa Giêsu Thánh Thể được toả lan.
Lê Đỗ Quyên, aci

April 11, 2017

Hẹn và Gặp

Vậy là tôi đến địa chỉ đã hẹn.
Địa chỉ là đây, sao nhà Dòng mà nhỏ thế? Có chỗ cho tôi không? Tôi đã ngạc nhiên về hình ảnh một nhà Dòng trong lần đầu tiên ấy. Thật là ngoài sự hiểu biết và trí tưởng tượng của tôi! Nơi đây cũng là trường tình thương dành cho con em của những gia đình di dân có hoàn cảnh khó khăn cả về tài chính lẫn hành chính.
Tôi bước theo Sơ vào bên trong với sự bỡ ngỡ xen lẫn chút tò mò giữa những tiếng vui đùa của học trò. Chúng chưa một lần gặp tôi, cũng chẳng biết tôi là ai, nhưng vẫn khoanh tay “con chào Cô”.  Đó là học trò, các Sơ thì cũng chẳng giống Sơ gì cả. Từ Sơ lớn đến Sơ nhí làm tôi không phân biệt được ai lớn, ai nhí. Cho đến giờ cơm trưa cũng là bữa cơm đầu tiên của tôi nơi nhà Dòng này, cả nhà vui nhộn với bao câu chuyện về học trò và thầy cô giáo, tôi mới “aha” phân biệt được các vị trí trong nhà.
Tôi đã được vỡ mộng thực sự….
Nhưng chính cái điều e không nghĩ tới lại là cái làm tôi nhanh chóng thích nghi với con người và cuộc sống nơi đây: không câu nệ, không cấp bậc, không mới cũ, … Mọi người gần gũi và thân thiện. Ngày đầu quá đỗi lạ lẫm với buổi ra mắt trước học trò bằng việc đứng ở cổng trường để bắt tay chào học trò ra về. Một niềm vui nhẹ nhàng, nhưng ấm áp làm sao! Tôi cảm nhận được rằng tôi sẽ gắn bó với nơi đây. Đó là điều đầu tiên giữ tôi lại.
Tuần đầu tiên của chương trình “Một tháng sống cùng người Nữ Tỳ” thời gian dường như trôi chậm hơn bình thường, dù cuộc sống đời tu có lắm tiếng cười và không ít sự lạ lùng. Tôi cảm thấy mệt và buồn ngủ, tôi nhớ nhà, nhớ mấy đứa cháu, rồi bao nhiêu suy nghĩ chợt đến “nếu mình đồng ý đi du học, nếu mình đi làm, nếu mình tiếp tục mối tình đó, ….” đến nỗi đã có lần tôi nghĩ sẽ bỏ cuộc và mong hết một tháng. Tuy nhiên, tôi trân trọng những suy nghĩ này, bởi tôi cho rằng đó là những thứ không chỉ bây giờ mà sẽ cả sau này và còn hơn thế nữa, tôi sẽ phải vượt qua. Tôi tin rằng Chúa muốn thì Ngài sẽ có cách. Tôi luôn nhắc nhớ mình: “Đến đây để làm gì? Để tìm gì?” Nhưng Chúa thật là biết an ủi người khác, dần dần tôi cảm thấy bình an và thênh thang với những hạnh phúc nho nhỏ mỗi ngày. Tâm hồn tôi nhẹ nhàng và tâm trí thì thoải mái. Để rồi tôi chợt nhận ra, bấy lâu nay tôi cứ khắc khoải đi tìm cái giây phút này, cảm giác ấy… Đã quá lâu rồi tôi đã để cho tâm hồn mình nặng trĩu vì lo lắng và bon chen chuyện học hành, bận rộn của cuộc sống và những mối tương quan. Tôi tin rằng thời khắc chín mùi đã đến, Chúa mới cho tôi nhận ra và cảm nhận niềm an bình của Ngài nơi những bận tâm riêng của tôi.
Tôi hăng say dấn thân khi hiểu hơn sứ vụ các Sơ đang chia sẻ qua công việc giáo dục nơi trường tình thương này. Thú vị thật. Để được vào học trong ngôi trường này, học trò cũng cần phải có “ điều kiện” lắm, các em phải “ trả giá cao”  lắm: em thì bơ vơ không cha hoặc không mẹ; em thì sống với ông bà; em thì phải cơ cực và nhơ nhớp khi phải đi học buổi sáng, chiều về đi bán vé số dạo, đi rửa chén thuê hay đi cắt chỉ quần áo; em thì được sinh ra trong sự ghẻ lạnh của người thân; em thì là sản phẩm ngoài sự chờ mong của những ông bố, bà mẹ hờ; … nhưng cũng có em được hạnh phúc với sự đủ đầy tình thương cha mẹ mặc dù phải chiến đấu với việc chạy cơm từng bữa.
Trong một tháng ở kinh nghiệm này, tôi còn được đến thăm gia đình một số học trò. Tôi đau!  Trong nhà đến cái bát ăn cơm cũng không có, thay vào đó là những cái lon; dường như nhà chẳng có khách bao giờ vì tôi không tìm thấy một chỗ để có thể ngồi đàng hoàng, do đó chỗ ngủ là một điều xa xỉ, ngoài cửa thì vịt, bò ( chăn thuê cho người ta), phía trên đầu là chim, bên dưới là người ở, … Tôi tin rằng Chúa đã dùng cuộc thăm viếng này để đánh thức tôi, mở mắt tôi để nhìn rõ hơn nhiều mảnh ghép bất hạnh và đa chiều của cuộc sống. Chính tôi cũng nhận ra rằng mình đã nhiều lần sống vô ơn giữa những hạnh phúc đong đầy.
Tôi thật sự bận tâm với những hình ảnh và cuộc sống của những con người này.
Chúa ơi, phải chăng….?
Một tháng sống với các Sơ Dòng Nữ Tỳ Thánh Tâm Chúa Giêsu đã kết thúc. Tôi cảm thấy vui vì sắp được về nhà để chuẩn bị cho hành trình xa hơn và dài hơn, nhưng hơn nữa là vì tôi đã bắt đầu đi tìm câu trả lời cho vấn đề của mình.
Một tháng không quá nhiều để tôi hiểu nhiều hơn về nơi đây, nhưng tôi tin đó là khởi đầu của một cuộc đi tìm.
Một tháng không quá dài để tôi được trải nghiệm nhiều hơn, nhưng đôi mắt tôi đã phần nào được mở to hơn, tai tôi nghe rõ hơn, miệng tôi biết nói lời tạ ơn nhiều hơn và trái tim bé nhỏ của tôi biết thổn thức hơn.
Một tháng chưa thực sự tròn nhưng đủ để tôi thấy mình đã sống có mục đích, có ý nghĩa và tôi sẽ phải nhìn lại mình mà cố gắng hơn mỗi ngày.
Một tháng chưa phải là cú chạm mạnh nhưng nhẹ nhàng mà ấm áp cho tôi sống thân tình với Chúa hơn, chân thành với các Sơ và các chị em, để tôi thấy mình đã được đón nhận như một thành viên của cộng đoàn
Tạ ơn Chúa đã cho con bị vỡ mộng.
Tạ ơn Chúa cho một tháng “ở thử nhưng sống thật” là chính mình.
Tạ ơn Chúa đã “chạm lòng con” để con thổn thức mà chọn lựa.
Lạy Chúa, con xin chọn Chúa làm gia nghiệp đời con!
Tôi được bàn tay Chúa chạm vào tâm hồn qua kinh nghiệm một tháng sống trong Dòng Nữ Tỳ Thánh Tâm Chúa Giêsu. Còn bạn? Bạn đã để cho bàn tay Thiên Chúa chạm vào tâm hồn bạn chưa? Hãy cảm nhận qua kinh nghiệm sống mỗi ngày của bạn và hãy lắng nghe!

 Sol Trần

January 22, 2017

Được Gì Khi Dám Buông Bỏ?

Chuyến đi Myanmar vào đầu tháng Giêng vừa qua đã gợi lên trong tâm hồn tôi nhiều suy nghĩ về câu chuyện của một bạn trẻ đang tìm kiếm ý nghĩa của cuộc sống, lý tưởng và một sự chọn lựa đúng cho cuộc đời.
Có lẽ hình ảnh các nhà sư ở Myanmar mỗi sang chậm bước trên các con đường để khất thực đủ cho một ngày sống cũng là một bữa ăn duy nhất đã chạm vào con tim và suy nghĩ của tôi. Họ đã đi chậm giữa thế giới vội vã. Họ lội ngược dòng khi thế giới đi xuôi dòng. Họ sống thanh tịnh nơi thế giới yêu cuồng sống thử. Và có lẽ câu chuyện nhà sư khất thực Ajahn Siripanno, người từng được đào tạo tại Anh và thong thạo tám thứ tiếng và là con trai độc nhất của nhà tỷ phú Krishnan, người giàu thứ hai ở đất nước Malaysia, như thêm niềm xác tín cho tôi rằng chính sự buông bỏ một cách tự do và quãng đại mới là một tài sản lớn hơn. Chính ông Krishnan đã phải thốt lên khi bị con trai mình lịch sự từ chối lời mời dung bữa với ông rằng: “Với tất cả tài sản của tôi vẫn không nuôi được con tôi.” (With all my wealth I cannot even afford to feed my own son)
Có phải tiền của không mua được bình an và hạnh phúc nội tâm?
Và câu chuyện cuộc đời của người bạn trẻ của tôi đang kiếm tìm giá trị đích thực cho đời mình thúc bách tôi chia sẻ.
Những tháng ngày đời sinh viên khép lại không mấy nhẹ nhàng. Nó tự vạch ra nhiều dự định và kế hoạch đầy sắc màu huy hoàng. Bắt đầu là chuyện kiếm một tấm visa đi du học, nhưng duyên chẳng tròn khi chương trình tốt nghiệp bị lùi lại. Giải pháp vào Sài Gòn đi làm xem ra cũng tốt. Nó mang tâm trạng nóng hổi của một sinh viên mới ra trường chứa chan niềm hy vọng rằng môi trường mới này nó có thể thoải mái bay nhảy và tự do thực hiện những ước mơ.
Sài Gòn đón nó bằng cơn mưa chiều tầm tã, đường phố đông đúc người và xe. Nó cảm giác lạc lõng, chông chênh giữa dòng người ngược xuôi hối hả. Nó thì thầm: mày đang đi tìm gì? Mày sẽ làm gì? Nó không biết nên làm gì khi nó muốn làm nhiều điều cùng một lúc: “đi làm?” hay “rẽ ngang?” Nó thực sự bối rối. Nó đã từng tự dặn lòng rằng phải cho phép nó trải nghiệm thêm cuộc sống để biết trân quý tiền của và sử dụng chúng khôn ngoan. Nhưng tận thẳm sâu tâm hồn nó cảm thấy được thôi thúc đi tìm kiếm điều mà nó chưa thấy, chưa cảm được cách rõ ràng. Nó chỉ có thể xác tín rằng nó thích được đắm mình trong các thánh lễ và giờ Chầu Thánh Thể. Nó chưa hiểu, nhưng nó bị thôi thúc mạnh mẽ hơn nữa, khi nó được Chúa “chạm vào” nơi nhà nguyện bé nhỏ của Dòng Nữ Tỳ Thánh Tâm Chúa Giêsu trong một lần đến thăm. Nó thích thú khi biết rằng “mỗi người Nữ Tỳ sẽ chầu Chúa Giêsu Thánh Thể một giờ mỗi ngày” đã làm xao xuyến tâm hồn nó. Nó đã thật sự cảm được sự đụng chạm của Thiên Chúa vào tâm hồn nó.
Chợt nó thấy đoạn đường đang đi này gập ghềnh, trắc trở và dường như phía trước còn có khúc quanh. Nó nghĩ nó cần nghỉ ngơi để lấy lại sức, để lắng nghe và lựa chọn. Nó thấy nó đang đứng giữa ngã ba, dù chọn đi hướng nào thì cũng có những bông hoa nhỏ trên bụi gai, biết đâu có cả chú thỏ non ăn cỏ và cả sỏi đá làm chậm bước chân nó.
Phải lựa chọn là điều gì đó thực sự khó với nó. Đúng thì tốt, không thì … vì đã không ít lần nó chọn sai. Nó đặt lên bàn cân, cán cân nghiêng về phía này, nhưng rồi lại lệch sang bên kia, làm nó nhớ đến “cái chạm nhẹ” để rồi nó thấy mình được thúc đẩy. Nó quyết định, nhưng vẫn tiếp tục cân để xác tín hơn vào điều nó đã chọn.
Rồi được gì khi buông bỏ tất cả?
Nó được sự tự do nội tại.
Nó được hạnh phúc.
Nó được sống một cuộc đời ý nghĩa hơn.
Và nó được là chính nó trước một Thiên Chúa dễ thương!
Như Thánh nữ Raphaela Maria đã chọn “Năm nay, tôi ước muốn là niềm vui của Thiên Chúa.” Hôm nay, ngày 23 tháng Giêng chúng ta cùng chia sẻ niềm vui với các chị em Nữ Tỳ Thánh Tâm Chúa Giêsu nhớ đến Thánh nữ trong ngày mừng kính ngài được Giáo Hội tôn phong lên bậc hiển thánh.

Cả cuộc đời thánh nữ là một sự chọn lựa thuộc về Thiên Chúa mãi mãi. Nó cũng học gương sống này để sống phó thác và luôn biết chọn Chúa làm gia nghiệp cuộc đời nó.
Nữ Tỳ Thánh Tâm Chúa Giêsu

January 5, 2017

Thiên Chúa của Những Ngạc Nhiên Vĩ Đại

Đức Thánh Cha Phanxicô quỳ gối trước thi hài còn nguyên vẹn
của Thánh Raphaela Maria Porras
       Đó là sự thật!
    Đức Thánh Cha Phanxicô viếng thăm chị em Nữ Tỳ Thánh Tâm Chúa Giêsu.
      Ngày 2 tháng Giêng năm 2017, một niềm vui bất ngờ và dư tràn cho hàng ngàn chị em Nữ Tỳ trên toàn thế giới. Đức Thánh Cha Phanxicô đã đến Cộng đoàn XX Settembre tại Roma để viếng thăm thi hài còn nguyên vẹn của thánh Raphaela Maria Porras, Đấng Sáng Lập Dòng Nữ Tỳ Thánh Tâm Chúa Giêsu và các chị em Nữ Tỳ
Ngài ngồi cầu nguyện cùng Thánh Raphaela Maria
Thi hài Thánh Raphaela Maria còn nguyên vẹn đang được đặt tại 
XX Settembre - Roma 
Cận ảnh thi hài Thánh
Cận ảnh thi hài Thánh - chiếc nhẫn là dấu chỉ của sự kết giao trọn đời với Thiên Chúa
     Ngài đã biết đến Thánh Raphaela qua các chị em Nữ Tỳ tại Argentina khi ngài còn là linh mục. Cuối cùng, Đức Thánh Cha đã mang đến cho Mẹ Thánh Raphaela và các chị em Nữ Tỳ một món quà đầu năm bất ngờ đầy yêu thương này!
     Qua sự kiện đáng nhớ này trong lịch sử Hội Dòng. Các chị em cũng không quên ngày 6 tháng Giêng năm 1925. Vậy là chín mươi mốt năm Mẹ Thánh Raphaela Maria Porras đã được hưởng tôn nhan Thiên Chúa.
     
Bức ảnh này được treo trên Quảng trường Thánh Phêrô ngày 18.05.1952
Mẹ được phong Á Thánh 
     Noi gương tinh thần thánh nữ Raphaela, các chị em Nữ Tỳ tiếp tục hăng say đem tình yêu Thiên Chúa đến với tha nhân, không phân biệt màu da, chủng tộc, tôn giáo hay ngôn ngữ.
ĐTC thăm các Sơ nhà hưu

Ngài cùng lưu kỷ niệm chung với các chị em Nữ Tỳ
     Cảm ơn Đức Thánh Cha Phanxicô đã cho chúng con ngửi được mùi chiên của ngài. 

December 28, 2016

Có Bao Giờ ...

CÓ BAO GIỜ BẠN TỰ HỎI?
Có bao giờ bạn tự hỏi: “Tôi là ai?” để bạn dám sống trọn CÁ VỊ và TÍNH DUY NHẤT của mình.
Có bao giờ bạn tự hỏi: “Đối với Thiên Chúa, tôi là ai?” để bạn dám mở cửa tâm hồn mình mà lắng nghe tiếng thì thầm của Ngài giữa những ồn ào của chợ đời.
Có bao giờ bạn tự hỏi: “Tôi đang tìm kiếm điều gì?” để bạn dám dấn thân trọn vẹn hơn.
Có bao giờ bạn tự hỏi: “Tôi muốn gì cho tôi và cho đời?” để bạn dám ra khỏi những lẩn quẩn của cái tôi cá nhân và cái tôi ích kỷ, ù lì.
Có bao giờ bạn tự hỏi: “Mục đích đời tôi là gì?” để bạn dám nổ lực hơn nữa tìm ra mục tiêu đích thực của đời mình mà theo đuổi đến cùng.
Có bao giờ bạn tự hỏi: “Tại sao tôi cảm thấy đời tôi chưa trọn vẹn?” để bạn dám tháo gở những trói buộc của sự mê mải sống trong hoài niệm hay ảo tưởng xa xôi, nên không kịp nhận ra trách nhiệm mình phải sống trọn giây phút hiện tại của đời mình.
Có bao giờ bạn tự hỏi: “Tôi sẽ đi về đâu?” để dám đứng lên ĐI RA mà RA ĐI.
Có bao giờ bạn tự hỏi: “Thiên Chúa mời gọi tôi làm gì?” để bạn dám đáp trả một cách quảng đại trong việc góp phần làm cho cuộc sống quanh ta trở nên đẹp hơn, yên bình hơn và ý nghĩa hơn.
Có bao giờ …
Và có bao giờ …
Chúng tôi, các chị em Nữ Tỳ Thánh Tâm Chúa Giêsu mời các bạn:
1.      Có lòng ao ước sống đời sống thánh hiến và trưởng thành tâm linh
2.      Có khả năng sống đời sống cộng đoàn
3.      Giới tính: Nữ, độc thân
4.      Tuổi: 20 – 28
5.      Trình độ: đã tốt nghiệp Trung Cấp trở lên
6.      Có sức khoẻ tốt
Hãy Đến và Xem để Cảm Nghiệm tình thương của Thiên Chúa trong suốt hành trình đời bạn và Nhận Ra ước mơ của Ngài trên cuộc đời bạn.
Nữ Tỳ Thánh Tâm Chúa Giêsu

November 6, 2016

Một Phật Tử trở thành Nữ tu Công Giáo

Sinh ra trong một gia đình Phật giáo, bà chuyển sang Công giáo năm 12 tuổi. Bị thu hút bởi đời sống trong tu viện và việc chầu Thánh Thể, bà gia nhập viện và trở thành một nữ tu. Trong suốt 40 năm ở Ấn Độ, bà dạy dỗ các trẻ em khiếm khuyết về trí tuệ, “nhìn thấy Chúa Kitô” trong họ.

Thái Hà (27.10.2016) – Sơ Asunta Nakade là một nữ tu sĩ Nhật Bản; thuộc Tu hội Nữ tì Thánh Tâm Chúa Giêsu (Handmaids of the Sacred Heart of Jesus). Bà đã sống ở Ấn Độ, trong tu viện Dilkhush Juhu, trong 40 năm qua. Bà rời bỏ nước Nhật là quê hương mình, vào ngày 21/10/2016.
Chúng tôi rất biết ơn bà, vì những đóng góp của bà cho đất nước Ấn Độ chúng tôi, đặc biệt là Tổng Giáo Phận Mumbai, với sự phát triển chung của các trẻ em đặc biệt. Chúng ta hãy nhìn lại hành trình đức tin của bà, hành trình đến với Chúa Giêsu Kitô, là bậc Thầy của bà.
Sơ Asunta Nakade sinh năm 1937 tại Tokyo, trong một gia đình Phật giáo. Tên thật của sơ là Keiko. Cha của bà làm việc cho một công ty thương mại nhiều chi nhánh, vì thế bà phải thường xuyên thay đổi trường học.
Vào năm 12 tuổi khi ở Kobe, lúc ấy bà đã có một cuộc gặp gỡ mầu nhiệm với Giáo Hội Công Giáo (và với chính Thiên Chúa).
Vào một buổi tối, Keiko thấy hàng xóm của mình đi tới nhà thờ và bà liền đi theo họ. Trong nhà nguyện cạnh nhà thờ, có đặt xương thánh của Thánh Phanxicô Xaviê. Bà thấy một đoàn người xếp thành hàng dài tiến lên bàn thờ, từng người một, để tôn kính thánh tích.
Mặc dù khi ấy bà không biết gì về đạo Công giáo, nhưng bà đã và sẽ không bao giờ quên được kinh nghiệm của ngày hôm ấy! Keiko đã bị choáng ngợp bởi sự thánh thiêng! Sau đó, bà tin chắc rằng nhờ thánh Phanxicô Xaviê, mà bà nhận được hồng ân đức tin nơi Chúa Giêsu Kitô.
Khi Keiko 13 tuổi, bà được chuyển đến một trường dòng của các nữ tu Phanxicô. Một lần nữa bà bị choáng ngợp bởi sự thánh thiện của các nữ tu. Bà bắt đầu tham dự những buổi học về đức tin Công giáo vào ngày Chúa nhật. Những trải nghiệm về sự hiện diện của Thiên Chúa trong trái tim bà rất mạnh mẽ, vì thế bà muốn dâng mình hoàn toàn cho Thiên Chúa, bằng cách gia nhập một tu viện.
Bà trình bày mong muốn của mình với cha mẹ, nhưng họ không thể hiểu được. Bà tiếp tục nuôi dưỡng đức tin, và được rửa tội vào ngày 15/8/1950 cùng với 3 bạn học. Bà lấy tên là “Asunta”.
Mặc dù gia đình bà theo Phật giáo, nhưng cha của bà đã không phản đối việc bà trở thành người Công giáo. Mẹ bà được rửa tội 2 năm sau đó, và kế đến anh trai bà cũng theo Công giáo. Cha của bà muốn giữ đạo Phật như tôn giáo của gia đình, vì thế ông không rửa tội.
Năm 19 tuổi, Asunta đến thăm Tu viện của Dòng Thánh Tâm Chúa Giêsu tại Yokosuka, theo sự linh hướng của một linh mục Dòng Tên. Bà bị thu hút bởi đời sống tu viện, đặc biệt là các giờ Chầu Thánh Thể mỗi ngày. Bà muốn dành cả cuộc đời mình cho Chúa Giêsu Kitô.
Sau khi tốt nghiệp, bà bày tỏ mong muốn gia nhập tu viện; mẹ bà vì không được ý định của bà nên đã rất đau đớn khi mất đi đứa con gái duy nhất của mình. Nhưng, cha của bà tuy là một Phật tử, nhưng ông hiểu được ý nghĩa của việc bước theo Chúa Giêsu và ông không phản đối. Ông khuyên bà hãy trung thành, và không bao giờ ngoái lại nhìn phía sau.
Asunta gia nhập tập viện ngày 13/11/1962; cùng với 20 người khác. Bà khấn lần đầu vào ngày 11/2/1965, và sau 3 năm trải nghiệm trong tập viện, bà tuyên khấn trọn đời vào ngày 15/8/1972.
Bốn năm sau, bà đến Ấn Độ vào ngày 6/7/1976. Tại Ấn Độ, nữ tu Asunta gia nhập một cộng đoàn nhỏ của tu hội Thánh Tâm ở Dilkhush, Juhu. Lúc ấy có 5 nữ tu nước ngoài, đang coi sóc một trường học dành cho trẻ em kém trí tuệ.
Trong 3 tháng đầu tiên, bà cảm thấy thật khó khăn để hòa nhập với môi trường mới. Sơ Asunta được bổ nhiệm làm giáo viên cho cấp nhỏ tuổi.
Bà nói: “Thật không dễ dàng để ứng phó với các em, nhưng đặc sủng của dòng chúng tôi là tôn thờ Chúa Giêsu Thánh Thể, đó là nguồn sức mạnh và niềm vui của tôi. Kinh nghiệm về sự hiện diện mầu nhiệm của Chúa Kitô trong Thánh Thể, cũng giống như việc nhìn thấy Chúa Kitô trong các em. Khi Thiên Chúa yêu thương những đứa trẻ, chúng trở nên đáng yêu.”
“Những trẻ em đặc biệt này là món quà đặc biệt mà Chúa ban cho tôi, ở Ấn Độ này. Tôi đã có một khoảng thời gian tuyệt vời, khi dạy dỗ và được học hỏi từ chúng, rất nhiều những trải nghiệm về tình yêu, sự nhạy cảm và chăm sóc từ chúng!”
Sơ Asunta là một người nữ phục vụ. Bà luôn hiện diện trong mọi hoạt động của Giáo xứ Thánh Giuse ở Juhu. Bà thích đến thăm các gia đình trong giáo xứ, và ngay cả ở tuổi 79 hiện thờ, bà vẫn đến trao Thánh Thể cho các bệnh nhân và những người không thể ra khỏi nhà vì đau bệnh!
Bà có một trái tim vĩ đại dành cho người nghèo. Bà bước ra khỏi con đường của mình để giúp đỡ họ, cho dù đó là giáo dục của trẻ em nghèo hay trợ giúp các nhu cầu y tế cho bệnh nhân HIV.
Bà rất nổi tiếng giữa những người nghèo từ đảo Madh cho đến Dadar! Bất cứ người nghèo nào đến trung tâm ở Dilkhush, sẽ không về tay không, mà không nhận được lúc thì một thức uống lạnh hay đồ ăn nhẹ từ sơ Asunta. Bà sẽ rất buồn nếu họ không được phục vụ thức ăn.
Ngoài ra, bà còn giúp nhiều gia đình bị đổ vỡ; hàn gắn họ với nhau và hầu hết các trường hợp đều tiến triển rất tốt.
Vào ngày sinh nhật hay những dịp đặc biệt của bà, nhiều người nghèo đến đây cùng với gia đình họ để chúc mừng, và thể hiện lòng biết ơn của họ. Và vào dịp kỷ niệm 50 năm khấn dòng năm 2010, bà muốn có một buổi lễ kỷ niệm đặc biệt chỉ với người nghèo.
Vì thế, chúng tôi mời tất cả người nghèo mà bà có dịp tiếp xúc để họ quy tụ với nhau. Thật tuyệt vời khi họ tự tổ chức mọi chương trình mừng lễ cho sơ Asunta. Sự kiện kết thúc với một bữa ăn.
Sơ Asunta chia sẻ, “Ấn Độ là một mảnh đất của sự chiêm niệm. Chúa Thánh Thần làm việc trong thinh lặng, và đưa chúng ta đến những trải nghiệm về sự hiện diện của Thiên Chúa cũng như tình yêu vô điều kiện của Ngài. Ba chữ ‘C’ này là ngôi sao hướng dẫn của tôi: ‘Contemplation, Communion and Compassion’ (Suy niệm, Thánh Thể và Lòng từ bi).”
Giờ đây khi gần bước sang tuổi 80, Nakade chuẩn bị trở về lại Nhật Bản là quê hương của bà.
Sơ nói rằng mình có một lòng ngưỡng mộ lớn lao đối với Mẹ Têrêsa, người mà sơ đã gặp khi mẹ tới thăm trường Dilkhush dành cho trẻ em đặc biệt.

Nakade cũng cho biết, bà là một fan hâm mộ lớn của Đức Giáo Hoàng Phanxicô, “một người thúc đẩy việc đón nhận người bị loại trừ vào xã hội.”

Cát Trắng dịch từ Asianews và Crux

May 20, 2016

Nữ Tỳ Thánh Tâm Chúa Giêsu


Nữ Tỳ Thánh Tâm Chúa Giêsu là những chị em đã cảm nghiệm tình yêu Chúa Giêsu trong Bí tích Thánh Thể và cùng ước muốn cứu độ nhân loại qua Thánh Tâm Ngài. Tình yêu ấy được đáp trả bằng đời sống Đền Tạ Thánh Tâm Chúa Giêsu.


 
Back to Top