Lắng Nghe và Đáp Trả

Khiêm Nhu

Tình Yêu Trọn Vẹn

Giản Dị nhưng Tinh Khiết

Hy Sinh

An Lạc, Trọn Vẹn và Khiêm Tốn

Bình Dị, Thân Thương và Chân Quê

Đẹp Thanh Cao, Tinh Khiết

Tình Yêu Cao Đẹp và Trong Sáng

July 25, 2013

Hành Trình

Nhìn lại hành trình ơn gọi tôi cảm thấy mình chưa đi đến đâu cả, nhưng vẫn trung thành và tiếp tục dấn thân. Với những bước thăng trầm trong đời sống thiêng liêng và xuôi ngược của đời sống cộng đoàn, tôi dần hiểu hơn ý nghĩa hai chữ "ơn gọi".
Tôi không biết chính xác niềm ước mơ được trở thành Môn Đệ Chúa bắt đầu từ lúc nào. Chỉ biết rằng từ lúc còn bé, các nữ tu Mến Thánh Giá Quy Nhơn đã khuyến khích tôi đi tu bởi vì tôi hát hay và giữ nhịp bài hát tốt. Tôi được chọn vào ca đoàn lúc bảy tuổi và có cơ hội chia sẻ tiếng hát của mình trong những dịp lễ lớn. Nhưng chưa bao giờ nghĩ đến việc đi tu vì tính cách cứng đầu và hơi ngông ngông của tôi.
Cuộc sống vẫn êm trôi. Như bao đứa bạn đồng trang lứa, trái tim tôi lần đầu tiên biết thương biết nhớ một người. Đang ngây ngô mộng mị về một chàng hoàng tử tuyệt vời, mẹ tôi bất chợt hỏi: "Duyên (con chú) nó đi tu, con có muốn đi tu cho 'dzui' và cũng để có chị có em không?" Tôi thầm nghĩ rằng đi tu có dzui thiệt không? Chỉ có một điều rõ ràng trước mắt là vào dòng thì tôi sẽ có được cơ hội đi học. Nếu ở nhà, tôi có thể phải nghỉ học để nhường cho các em. Vì là chị hai nên tôi không có lý do gì để than phiền. Và cũng từ khi ý nghĩ đi tu len lỏi vào trí óc, tôi bắt đầu tâp làm quen với các sách thiêng liêng. Vì nghĩ đến cái dzui của đời tu, tôi tìm hiểu một Dòng tu nhưng phải dừng lại vì cảm thấy không tìm thấy điều tôi đang kiếm tìm.
Thiên Chúa có cách riêng của Ngài. Sau một thời gian ở với gia đình, tôi lại một lần nữa đắn đo chọn lựa giữa việc đi học hay tiếp tục tìm hiểu đời sống ơn gọi tu sĩ của mình. Tôi đã quyết định. Gia nhập vào một Dòng khác mở ra một bước ngoặc mới cho đời tôi. Dòng Nữ Tỳ Thánh Tâm Chúa Giêsu đón nhận và đồng hành với tôi trên hành trình tìm kiếm thánh ý Thiên Chúa. Nơi này tôi tìm được hạnh phúc đời mình. Tôi được đào tạo và được hướng dẫn để phát triển mình trở thành người Nữ Tỳ thánh thiện. 
Nhưng dường như thách đố vẫn chưa dừng lại. Lời mời gọi lớn lên và trưởng thành hơn trong đời tân hiến thúc đẩy tôi chọn ở lại thêm một năm nữa. Tôi cảm thấy chưa thật sự sẵn sàng để bước thêm một bước tiếp trong chương trình huấn luyện. Buồn thật buồn vì sao đường tu có quá nhiều trắc trở, tôi trách mình đủ điều. Tôi trách Chúa vì Ngài quá im lặng và bỏ rơi tôi. Thời gian trôi đi, đôi mắt tâm hồn tôi cũng được mở ra. Tôi thật sự nhận thấy mình lớn lên và trưởng thành nhiều qua từng biến đổi cuả cuộc sống.
Giờ đây nhìn lại hành trình được Thiên Chúa yêu thương chọn lấy và giữ gìn. Tôi chỉ muốn thốt lên: "Muôn ngàn đời, Chúa vẫn trọn tình thương!" Tôi hiểu rằng khi chọn sống đời tận hiến là dâng cho Chúa cả cuộc đời. Vì vậy, tôi chỉ biết xin được ơn trung thành và an bình trong tâm hồn để đời sống tôi ngày càng giống Chúa hơn, Ngài là đấng tôi theo đuổi và tôn thờ.
Cảm tạ Chúa vì những thăng trầm. Nhờ ơn Ngài tôi luôn nhận ra Ngài luôn hiện diện lặng thầm trên hành trình cuộc đời tôi. Tôi xin Chúa tiếp tục ban ơn bình an để tôi luôn vững bước đi.



July 21, 2013

Như Abraham Xưa!

Hạnh phúc thật chỉ khi được Thiên Chúa ngỏ lời "Yêu Thương"

   Một hôm Bà Dì của mẹ nhỏ to: "Mẹ mày cho cháu nó đi tu" (vì trong làng cũng có mấy người họ hàng đi tu Dòng Đa Minh). Ngồi trong phòng nên nghe lỏm được câu chuyện của hai người, con bé ở cái tuổi mười bốn như tôi cũng cảm thấy khó chịu rồi lẩm bẩm một mình: "Đi tu là việc của mình, sao người lớn không hỏi trước là có thích hay không, đằng này lại đi nói thẳng với mẹ chứ?" Tuy trong lòng có chút bực tức, nhưng ngồi ngẫm nghĩ về đời tu, tôi tưởng tượng ra một viễn cảnh thật đẹp và thánh thiện. Từ đó, hai chữ "đi tu" in vào tâm trí tôi.
     Cùng năm đó vì phải vâng lời Bà Dì, tôi tham gia khóa tìm hiểu ngắn ngày được tổ chức ở Dòng Đa Minh. Tôi tự an ủi mình xem đây là cơ hội làm quen với môi trường tu hành. Con bé như tôi cũng lây lất sống qua những ngày đầu đời trong môi trường Dòng tu với biết bao sự ngạc nhiên. Trở về lại gia đình, tôi không còn chút lưu luyến hay ấn tượng gì về đời tu ngoài những giờ giấc nghiêm ngặt và tiếng chuông hiệu cho các buổi sinh hoạt chung. Tôi lao vào những bận rộn của đời học sinh và nghĩ: “biết để cho biết” và xem những kinh nghiệm đời tu như của để dành. Ai biết đâu được, sẽ có một ngày nào đó tôi lại cần đến rồi sẽ lấy ra xem xét. 
     Cuộc sống trôi đi bình yên nơi miền quê hiền hòa cho đến một ngày tôi nhận tin báo đậu vào trường Đại Học Công Nghiệp ở Hà Nội. Tin vui làm rộn rã cả xóm nghèo. Tôi rời gia đình để bắt đầu những năm tháng sống tự lập. Đời sinh viên lắm thăng trầm không chỉ việc học mà còn lo toan cơm áo gạo tiền. Cho đến năm thứ ba Đại Học, tôi kiếm được công việc bán thời gian vừa học vừa làm để chia sẻ gánh nặng với gia đình. Tôi tạm hài lòng với những gì mình đang có nên cũng chẳng ước mơ gì hơn.
     Chính lúc cảm thấy thoải mái với bản thân, thì cũng là lúc tôi được thúc đẩy kiếm tìm những điều sâu xa hơn cho cuộc đời. Tôi trăn trở, suy tư và lo sợ sự thay đổi, sợ phải bắt đầu lại. Khi nhận ra rằng bấy lâu nay tôi chỉ luôn quẩn quanh với những bận rộn tẻ nhạt hằng ngày. Tôi không muốn cuộc đời mình kết thúc một cách vô vị và buồn tẻ như vậy. Thời gian dần qua, tôi cảm nghiệm rằng tất cả những thứ tôi có được là từ lòng nhân hậu của Thiên Chúa ban tặng. Nếu Ngài lấy đi thì tôi cũng chỉ là một kẻ trắng tay.
     Tất cả đều là phù vân!
     Ra trường và đi làm cũng chẳng giúp tôi quên đi nỗi bất an trong tâm hồn. Những suy nghĩ về cuộc đời thôi thúc tôi tìm kiếm ý nghĩa hai chữ Hạnh Phúc. Tôi quyết định nghỉ việc với bao sự tiếc nuối của nhiều người. Lấy hết can đảm, tôi nói lời chia tay với người bạn trai thương mến không một lời giải thích. Tôi lắng nghe và mò mẫm theo tiếng gọi thẵm sâu trong tâm hồn, mơ hồ nhưng dai dẵng. Đây là nguyên nhân khiến tôi quay lại Dòng Đa Minh nơi mười năm trước tôi đã một lần đặt chân đến. Ở trong Dòng một năm, một năm với nhiều sóng gió trong tâm hồn. Tôi không cảm thấy thỏa mãn và bất an. Trách Chúa thật nhiều, tôi trách Chúa đã làm gián đoạn cuộc đời, trách Chúa đã làm tôi trắng tay, trách Chúa thử thách tôi quá nhiều để tôi phải bắt đầu lại. Tôi trách Chúa vì cả ngàn điều không hay…. Tuy sống trong dằn vặt và lo lắng, tôi vẫn nán lại và cố gắng hết sức mình với một lời hứa "con sẽ làm tất cả chỉ vì Chúa mà thôi". 
     Trong lúc tôi cảm thấy tăm tối nhất thì một ánh sáng khai mở tâm trí. Tôi suy ngẫm về giáo dục, đặc biệt giáo dục những đứa trẻ lang thang, ăn xin ở trạm xe buýt ở Hà Nội mà tôi nhìn thấy hằng ngày. Từng khuôn mặt của các em ẩn hiện và đeo bám tâm trí tôi. Rồi tôi chợt nghĩ: “ước gì mình tìm được Dòng tu phục vụ những nhu cầu xã hội như vậy”. Lần theo ánh sáng đó, tâm hồn tôi như được mở rộng hơn khi có lần nghe một chương trình của Đài Chân Lý Á Châu nói về sự can đảm, dám nghĩ dám làm để ra khỏi vỏ bọc an toàn của mình. Như được thêm sức mạnh để lần theo ánh sáng mới này, tôi đang liều lĩnh bước đi vì chẳng ai ủng hộ để giúp tôi nâng bổng ước mơ của mình và biến nó thành sự thật.
     Nhưng Chúa có những bất ngờ riêng của Ngài. Tôi gặp một linh mục dòng Đa Minh từ trong Nam ra Bắc giảng dạy cho các nữ tu Đa Minh. Lấy hết can đảm, tôi xin gặp Cha và chia sẻ những thách đố và khao khát tôi đang phải đấu tranh để dành lấy. Thật an ủi, Cha thông hiểu và đồng hành với tôi trong suốt thời gian đó. Nhận thấy tôi trưởng thành trong quyết định và ước muốn của mình, Cha giới thiệu Dòng Nữ Tỳ Thánh Tâm Chúa Giêsu với niềm tin đây đúng là nơi tôi đang tìm kiếm. Không chút do dự, tôi rời Dòng Đa Minh ngập tràn hy vọng nhưng cũng không ít lo lắng về một hành trình mới tôi sắp bước vào. 
     Trở về nhà xin phép gia đình nhưng buồn thay tôi không nhận được sự ủng hộ nào vì tôi đang mạo hiểm chính cuộc đời mình. Bạn bè thì cho rằng tôi là đứa thích chơi ngông. Chào người thân thì chỉ nhận được những lời bàn lui. Tôi thất vọng tràn trề nhưng không nhụt chí. Tôi quyết định ngày vào Sài Gòn để xin gia nhập Dòng Nữ Tỳ Thánh Tâm Chúa Giêsu. Tôi ra đi như Abraham năm xưa, chỉ biết duy nhất một điều rằng Chúa gọi thì ông ra đi vì tin rằng sự trung tín sẽ không bao giờ bị phản bội.
     Tôi chọn.
     Tôi bước đi.
     Tôi đang di.
     Và tôi sẽ đi.
     Tôi chỉ muốn nói điều này với các bạn trẻ: “Dù trước mắt bạn không hề có điểm tựa nào để thực hiện những khao khát của chính bạn và khao khát của Thiên Chúa cho cuộc đời bạn. Hãy tin vào lời hứa của Thiên ChúaTa luôn ở cùng con!’


July 16, 2013

Món Quà Cho Thế Giới


Đây là câu chuyện của một vị thánh  nữ anh hùng!




     Vào buổi chiều ngày đầu tháng 3 năm 1850, tại ngôi nhà ngài thị trưởng Ildefonso Porras, một biến cố khác với những ngày bình thường đang xảy ra. Người ta nghe những tiếng nói cười vang hạnh phúc. Một bé gái xinh xắn dễ thương vừa cất tiếng khóc chào đời. Đó là Rafaela Maria Porras Ayllon, sau này được cả gia đình cô gọi với một cái tên trìu mến, Rafaela. Cô là thành viên thứ mười trong gia đình Porras.

Gia đình Porras nổi tiếng không những đông con mà còn giàu sang nhất thành phố. Tuy là địa chủ vùng Pedro Abad, nhưng nhà cửa họ cũng giản dị như những ngôi nhà xung quanh. Ngài Ildefonso, thân phụ Rafaela, đảm trách chức vụ thị trưởng cho tới mãn đời. Ông chu toàn trách nhiệm một cách tận tụy với tinh thần bác ái Kitô giáo và truyền thụ gương sống này cho các con.
     Năm 1854 khi bé Rafaela vừa tròn bốn tuổi, căn bệnh dịch tả đã gieo tai ương xuống trên toàn vùng Pedro Abad và các làng lân cận cũng như trên tòan lãnh thổ Tây Ban Nha. Thân phụ Rafaela vốn là thị trưởng của vùng, ông quyết định ở lại với dân làng để chăm sóc họ. Cuối cùng ông niêm ấn cuộc đời lành thánh của mình bằng một cái chết anh hùng đang khi phục vụ những nạn nhân dịch tả. Cha mất khi còn quá nhỏ, Rafaela không có nhiều ký ức về thân phụ của mình, nhưng cô luôn yêu kính và trân trọng ông nhờ lòng yêu thương và những câu chuyện của thân mẫu về người cha quá cố của mình.
    Các anh của Rafaela đi học tận Cordova. Còn ở nhà, bà Ildefonso mời ông Manuel Jurado, một gia sư nổi danh tài giỏi và nhân đức đảm nhiệm công việc giáo giục cho 2 cô con gái. Có lần Rafaela ngắm mình trong gương và reo lên: “Lạy Chúa! Sao con xinh đẹp thế này!” Bất chợt tiếng vị gia sư vọng từ phía sau: “Con nghĩ gì về khuôn mặt xinh đẹp của con lúc chết, Rafaela?” Kể từ đó câu hỏi ấy đã lưu lại một dấu ấn sâu đậm trong tâm trí non nớt của cô.
   Đầu tháng 3 năm 1857, Rafaela cùng chị gái Dolores được diễm phúc rước lễ lần đầu đúng ngày sinh nhật thứ bảy của cô. Sự kiện này khiến nhiều người ngạc nhiên vì cô còn rất nhỏ. Bất ngờ hơn, vào ngày Lễ Truyền Tin 25 tháng 3 năm 1865, năm cô bé Rafaela tròn mười lăm tuổi, cô âm thầm dâng mình cho Chúa và khấn hứa giữ mình đồng trinh trọn đời.
     Bốn năm sau, vào một đêm lạnh giá của tiết trời tháng Hai, người mẹ thân thương của Rafaela đột ngột qua đời. Các anh của cô cũng lần lượt lập gia đình và ra sống riêng, duy chỉ có cậu con trai út ở lại với hai chị, nhưng rồi cậu cũng qua đời vì bạo bệnh. Cuối cùng chỉ còn lại hai chị em Dolores và Rafaela cùng những người làm công sống trong tòa dinh cơ rộng lớn. Nhưng cuộc sống sung túc không làm họ thỏa nguyện, hai nàng luôn ước vọng được phụng sự Giáo Hội và phục vụ người nghèo và điều này khiến họ ray rứt khôn nguôi. Những buổi tiệc tùng, những chuyến du ngoạn, và các buổi họp mặt náo nhiệt không còn hấp dẫn họ nữa. Hai chị em bắt đầu tập làm việc nhà với những người làm công. Sự thay đổi trong cách sống của họ khiến gia đình và thân nhân phật lòng.
     Công việc phục vụ người thiếu may mắn chưa làm Rafaela và Dolores hoàn toàn thỏa nguyện. Họ vẫn còn khao khát dâng hiến trọn vẹn cho Chúa. Rafaela và Dolores bàn với nhau: “Cha mẹ đã mất, chị em mình đã trưởng thành, các anh và bà con họ hàng không có quyền quyết định thay cho chúng ta, chúng ta cứ theo đuổi ơn gọi tu trì của mình. Thánh ý Chúa là trên hết. Bằng mọi giá, chị em mình phải trở thành nữ tu.”
     Trong sự quan phòng của Thiên Chúa, hai chị em gặp cha Antonio Ortiz Urruela. Ngài giới thiệu họ với các nữ tu dòng “Chị Em Đền Tạ” có gốc bên Pháp. Niềm khao khát trở thành nữ tu thánh thiện từ bao năm của Rafaela và Dolores thành hiện thực. Hai chị em được mặc tu phục và trở thành tập sinh dòng Chị Em Đền Tạ. Kể từ đó Rafaela chọn tên dòng là Rafaela Thánh Tâm còn Dolores nhận tên Maria del Pilar. Các chị em gọi họ là Mẹ Rafaela Thánh Tâm và Mẹ Pilar.
     Niềm vui tăng gấp bội khi cộng đoàn bé nhỏ của họ tiếp nhận thêm mười bốn thiếu nữ khác. Tuy nhiên, vui chẳng tày gang tay, các nữ tu dòng Chị Em Đền Tạ buộc phải trở về Sevilla vì những bất đồng với linh mục Chưởng Ấn. Cuối cùng mười bốn tập sinh này quyết định ở lại với hai chị em nhà Porras và cùng nhau duy trì nếp sống tu trì, thực hành giáo huấn Phúc Âm và làm việc từ thiện. Nhóm chọn linh đạo thánh Inhaxiô Loyola và cùng nhau thực hành đời sống đạo đức phổ quát hồi ấy trong Giáo Hội.
     Tuy mới là một nhóm tu sinh nhỏ nhưng các chị em được Đức Cha Zeferino Gonzalez, tu sĩ dòng thánh Đa Minh vừa nhậm chức Giám Mục của địa phận quan tâm. Ngài chỉ định Rafaela làm Bề Trên cộng đoàn. Đức Giám Mục yêu cầu chị em thay đổi một số lề luật như phải sống đời chiêm niệm, mỗi tuần chầu Thánh Thể hai lần chứ không phải là hằng ngày như trước và phải sống theo qui luật dòng thánh Đa Minh. Ngày 5 tháng 2 năm 1876, Giám Mục Cordova tống đạt một mệnh lệnh đến cho cộng đoàn: “Các chị có hai mươi bốn giờ để suy nghĩ và quyết định: hoặc chấp nhận đề nghị của Giám Mục hoặc phải giải tán.
     Đúng 10 giờ đêm cùng ngày, mười bốn cô gái trẻ trong y phục lỗi thời trẩy tàu đi Andujar. Họ xin trú tại một bệnh viện của dòng Nữ Tử Bác Ái. Mọi việc được giải quyết trong sự quan phòng của Thiên Chúa sau cuộc hành trình gian khổ này. Tháng 4 năm 1877, Đức Hồng Y giáo phận Toledo ban phép cho Rafaela và các tập sinh được định cư tại Madrid. Nếp sống và công việc phục vụ của chị em chẳng mấy chốc lan truyền khắp nơi. Họ luôn nhắc nhở nhau hãy sống liên kết “… như các ngón trong một bàn tay”. Với sự ủng hộ của nhiều Giám Mục, Rafaela đệ đơn xin Đức Giáo Hoàng phê chuẩn Hội Dòng.
     Rafaela được chi em tín nhiệm bầu chọn làm Bề Trên Tổng Quyền tiên khởi của Hội Dòng. Tháng Giêng năm 1886, mặc dù chưa được mười năm tuổi, Giáo Hội chính thức công nhận và đổi tên Hội Dòng thành Nữ Tỳ Thánh Tâm Chúa Giêsu (Ancilla Cordis Iesu). Đặc sủng của Dòng là Đền Tạ Thánh Tâm Chúa Giêsu qua việc tôn sùng Thánh Thể và truyền bá Tin Mừng trong lãnh vực giáo dục. Trong mọi sự các chị em cố gắng quy hướng tất cả về Chúa Kitô Thánh Thể để đáp lại tình yêu Thiên Chúa luôn tuôn đổ xuống trên Hội Dòng.
    Khi Hội Dòng vững chãi và phát triển thì cũng là lúc những hiểu lầm nảy sinh giữa các thành viên trong Ban Cố Vấn. Mẹ Pilar nặng lời chỉ trích em mình, cho Rafela là nguyên nhân của mọi khó khăn tài chính của Hội Dòng. Sau nhiều nỗ lực hòa giải nhưng không thành, nhằm tách hẳn Mẹ Rafaela khỏi những hoạt động tại Tây Ban Nha, Ban Cố Vấn đề nghị Mẹ đi thăm cộng đoàn ở Rome. Mẹ Rafaela chấp nhận lui về sống đời sống thầm lặng và bị tất cả mọi người hiểu lầm. Những điều này không làm mẹ đánh mất nụ cười của mình. Mẹ luôn tìm cách giúp đỡ các chị em chung quanh. Cách sống và việc phục vụ của Mẹ đã làm cho các nữ tu trẻ ngạc nhiên và ngưỡng mộ.
  Vài năm sau, ngọn ngành về vấn đề tài chính của Hội Dòng được sáng tỏ. Dolores lại một lần nữa bị cách chức như em mình, hiểu được tâm trạng của Mẹ Rafaela, Mẹ Pilar đã ngỏ lời xin lỗi và tìm cách phục hồi thanh danh cho Rafaela, nhưng Mẹ Rafaela đáp lại: “Xin chị đừng phiền lòng. Chúng ta là những viên đá tảng. Chúng càng được chôn sâu, tòa nhà càng vững chắc!
  Sau hai mươi năm kể từ khi Mẹ Rafaela từ chức Tổng Quyền của hội dòng Nữ Tỳ Thánh Tâm Chúa Giêsu, rất ít người biết đến Mẹ là Bề Trên Tổng Quyền tiên khởi và là đồng sáng lập với Mẹ Pilar.
Cuối cùng, sau ba mươi hai năm chịu đựng những hiểu lầm và chứng bệnh đau khớp, Mẹ Rafaela đã về bên Chúa ngày 6 tháng Giêng năm 1925. Mẹ sống những năm cuối đời là một nữ tu bình thường. Mẹ giữ trọn các lời khấn hứa của mình mà không hề oán thán nhưng chuyên tâm cầu nguyện cho Hội Dòng.
  Ngày 22 tháng 11 năm 1939, tiến trình xin phong thánh cho Mẹ Rafaela được khởi sự. Ngày 18 tháng 5 năm 1952, Đức Piô XII công nhận các nhân đức anh hùng của Mẹ và tôn phong Mẹ lên hàng Chân Phước. Ngày 23 tháng Giêng năm 1977 tại Vương Cung Thánh Đường Thánh Phêrô, Đức Phaolô VI tôn phong Mẹ Rafaela Maria Porras lên bậc hiển thánh. Ngài xác nhận: “Ba mươi hai năm chịu đựng những hiểu lầm và khiêm nhường sống đời ẩn dật tự nó đã là phép lạ.” Cho đến nay thi hài thánh nữ Rafaela vẫn còn nguyên vẹn và được lưu giữ tại thánh đường của Hội Dòng nằm trên đường Piave ở Rome.
  Ngày 20 tháng Giêng năm 2010, Đức Benedicto XVI đã làm phép và đặt bức tượng thánh nữ Rafaela Maria Porras, Đấng sáng lập hội dòng Nữ Tỳ Thánh Tâm Chúa Giêsu vào hàng ngũ các thánh lập dòng tại Vương Cung Thánh Đường Thánh Phêrô.
     Cuộc đời thánh nữ Rafaela minh họa cho giáo huấn của Chúa Giêsu: “Nếu hạt lúa mì rơi xuống đất không chết đi, thì nó sẽ trơ trọi một mình. Nhưng nếu nó chết đi, thì sẽ sinh nhiều bông hạt.” (Gioan 12, 24)
    Ngày nay hội dòng Nữ Tỳ Thánh Tâm Chúa Giêsu hiện diện tại hai mươi lăm quốc gia. Noi theo tinh thần thánh nữ Rafaela Maria, họ hăng say đem tình yêu Thiên Chúa đến với mọi người không phân biệt màu da, chủng tộc, tôn giáo hay ngôn ngữ.


 
Back to Top