Lắng Nghe và Đáp Trả

Khiêm Nhu

Tình Yêu Trọn Vẹn

Giản Dị nhưng Tinh Khiết

Hy Sinh

An Lạc, Trọn Vẹn và Khiêm Tốn

Bình Dị, Thân Thương và Chân Quê

Đẹp Thanh Cao, Tinh Khiết

Tình Yêu Cao Đẹp và Trong Sáng

September 4, 2015

Nhớ Về Em

“Ị … oa….., ị…. oa, ị…ến …ơi…. ồi…..!!!” (Nghĩa là chị Hoa, chị Hoa, chị đến rồi!!!) Chính em đã giúp tôi tìm gặp được Chúa Giê-su.”


Năm là tên cô bé mà tôi được gặp gỡ ở một cô nhi viện nằm giữa Sài Thành xa hoa nhưng không kém vội vã. Em khoảng mười ba tuổi, đồng nghĩa với mười ba năm gắn bó cuộc đời mình với cô nhi viện này. Nếu có những thay đổi, thì cũng là những di chuyển từ phòng này qua phòng khác, từ giường nhỏ sang giường lớn hơn, bởi vì đôi chân em lòng khòng như hai cành cây cong. Cánh tay em tê cứng làm tôi cảm giác mình đang đọ sức với em khi cần giúp em giữ chặt một vài món đồ chơi nho nhỏ. Giọng nói em ngọng nghịu, ú a ú ớ chẳng nên lời. Và chính em đã đổi cái tên tôi xinh đẹp mà bố mẹ đã đặt cho tôi thành “ị… oa, ị…oa… ị..ến..ơi..ồi!!!
Cuộc đời em là những dấu chấm hỏi cho người ở kẻ đi. Ba em là ai, không ai biết. Mẹ em, chẳng ai hay. Chị em, họ hàng thân thích, có lẽ mình Thiên Chúa mới biết. Chỉ biết rằng, cả thế giới của em là căn phòng cô nhi viện. Chiếc giường sắt là ngôi nhà thân thương. Chiếc đèn nê-on là ánh mặt trời. Trần nhà cao cao kia là bầu trời xanh. Và ánh sáng nhỏ nhoi từ chiếc đèn ngủ là ánh mặt trăng hiền hòa. Hàng xóm của em là hơn hai mươi người bạn đồng trang lứa, kẻ thì nói chẳng ra lời, người thì thở chẳng ra hơi, ngay cả ăn cũng cần người giúp, quần áo phải có người thay. Nhưng dường như em không bận tâm nhiều về những câu hỏi của người khác về cuộc đời em.
Những đứa trẻ cô nhi như em được gặp rất nhiều người, nhưng họ đến rồi lại đi như cơn gió thoảng, mà chẳng mấy ai gắn bó đích thực cùng các em. Có chăng là những cô bảo mẫu với núi công việc, vì vậy chẳng ai còn giờ để đưa em ra ngoài ngắm ánh mặt trời hay dạo chơi trong vườn. Khi tôi đến, ánh mắt em bừng sáng khi được đưa dạo chơi xung quanh sân cô nhi viện, chỉ cho em thế giới bên ngoài, trao cho em nụ cười, bắt cho em mấy chú chí đang gặm nhấm cái đầu của em. Thế đó, những gì tôi cho em chỉ đơn giản vậy thôi. Ấy thế mà, tôi trở thành một đại ân nhân quan trọng đối với em. Đôi mắt em ánh lên niềm hy vọng; đôi chân em cố bật lên để thể hiện niềm hạnh phúc; đôi môi em nở nụ cười giòn tan như thể em vừa giành được một kho báu. Cả cơ thể em đắm chìm trong niềm vui và hạnh phúc để đón chào sự hiện diện của tôi.
Em cười hạnh phúc, trái tim tôi nhảy mừng. Nước mắt tôi tuôn trào trong niềm xúc động khôn nguôi. Tôi thầm nói với em “Năm ơi, chị quan trọng với em vậy sao? Trái tim em sao đơn giản quá vậy? Ước mơ của em mộc mạc vậy thôi sao Năm? Tất cả những gì em đang được thụ hưởng như một kho tàng vô giá. Em không cần vàng bạc, chẳng tham danh vọng, không chờ đợi quà cáp, hay địa vị giàu sang như những người lành mạnh như tôi tìm mọi cách để đạt được, ngay cả có thể làm tổn hại đến người anh chị em mình …. Với em, chỉ như vậy là đủ, là mãn nguyện.
Đã mười năm rồi, tôi không quay lại cô nhi viện năm nào, nhưng cuộc đời em Năm giúp tôi ngẫm nghĩ về cuộc đời mình, về chân lý đạt được hạnh phúc đích thực – sống vui, hài lòng và biết ơn với tất cả những gì tôi đang có, là dám để lại những tham vọng riêng tư để sống cho tha nhân.
Tôi đã gặp gỡ trái tim Chúa Giê-su trong trái tim đơn sơ bé nhỏ của em. Tôi giúp em thấy ánh mặt trời, em chỉ cho tôi con người vĩ đại đã tạo dựng nên ánh mặt trời tươi đẹp ấy. Tôi dành cho em chút thời gian và sức khỏe, em mang lại cho tôi nguồn sinh khí mới của giá trị đích thực cho sự chọn lựa hướng đi đời tôi. Tin chắc rằng, em không ý thức chính em đã giúp tôi tìm thấy ý nghĩa của cuộc đời –  sống là biết cho đi. Chính em đã là nguồn sức mạnh và nghị lực giúp tôi quên đi tất cả những mệt mỏi khi đạp xe gần hai mươi cây số giữa cái nắng gay gắt của Sài Gòn trong những ngày hè. Nụ cười đơn sơ và niềm hạnh phúc chân thành của em làm tôi đã quên đi tất cả những vất vả của học hành, của công việc và của một thời khóa biểu nghiêm ngặt. Đến với em, gặp gỡ em, giúp tôi cảm nhận sâu sắc hơn ý nghĩa của sứ mạng Đền Tạ, Đặc sủng của Dòng Nữ Tỳ Thánh Tâm Chủa Giê-su. Và chính em đã giúp tôi xác tín mạnh mẽ ơn gọi thánh hiến của mình.
Tôi vẫn trên hành trình dấn thân cho sứ mạng loan báo Tin Mừng của người Nữ tỳ. Những kinh nghiệm ngày ấy với em đã mang lại cho tôi ánh sáng, giá trị và lửa mến của đời sống người tông đồ Chúa Giê-su.
Không biết bây giờ em thế nào rồi? Chắc là em đã trở thành một cô thiếu nữ xinh đẹp hơn? Có lẽ em đã được chuyển em qua một phòng khác với chiếc giường lớn hơn? Dù em ở đâu, tôi vẫn luôn cầu mong em sẽ gặp được nhiều người thiện nguyện đến thăm và tiếp tục mang cho em ánh mặt trời, cũng như em sẽ tiếp tục là nguồn cảm hứng và sức mạnh cho những ai gặp gỡ em.
Và trong đôi mắt em ngày đó, là hình ảnh của triệu trẻ thơ như em đang khao khát được nhìn thấy ánh mặt trời và được cảm nghiệm niềm hạnh phúc đơn sơ như những người may mắn.


Bạn có bao giờ ước muốn mang ánh mặt trời cho những bé thơ kém may mắn hơn bạn và tôi không? Như trong sách Cv 20, 35 “Cho đi thì có phúc hơn là nhận.”
Nguyễn Thị Kim Thoa, aci

August 15, 2015

Con Yêu Ba!

Ba kính yêu của con!
Hôm nay sinh nhật lần thứ 69 của Ba, con chẳng có quà gì để dành tặng Ba trong ngày vui này ngoài món quà cuộc sống mà chính con được trải nghiệm qua những năm tháng đời tu của con.
Ba còn nhớ đã dặn dò con trước khi con rời gia đình để bước chân vào giảng đường đại học? Ba bảo rằng con hoàn toàn tự do để chọn lựa tương lai cho đời con. Con đã chọn. 
Ba con nhớ ngày con về nhà xin phép được đi theo tiếng gọi của con tim mình và được sống với sự chọn lựa của con? Ba đáp lời bằng ánh mắt đầy thất vọng. Con hiểu rằng con đang đánh cược cuộc đời mình với lời mời gọi yêu thương mà có thể Ba cần thời gian để hiểu.
Nhưng con vẫn ra đi.
Ba yêu! Cũng đã mười hai năm rồi con gắn bó với đời tu. Ðó là mười hai năm con sống những lời Ba đã dạy. Ba dạy con hãy biết khóc với người khổ đau; vui với người hạnh phúc; là bờ vai chia sẻ quặng gánh của người anh em; cho nhiều hơn nhận lại; dám làm điều nhân nghĩa nhưng nói ít lại; dám tránh mình sang vệ đường để nhường chỗ cho những ai muốn chạy về đích trước; dám vui lên khi có lúc những cố gắng của con dường như bị lãng quên; dám lên tiếng tiếng trước những bất công để nhân nghĩa được trân trọng.Và hơn thế nữa, ba dạy con dám sống cho tình yêu để rồi chết trọn vẹn cho tình yêu.
Thế mà, khi con sống những điều Ba dạy bằng chính đời tu của con thì Ba lại chưa sẵn sàng để đón nhận, bởi vì Ba vẫn nghĩ rằng cánh cửa cuộc đời con cũng đóng lại cùng cánh cửa tu viện. Không Ba à! Ðời tu cũng cống hiến trọn tuổi xuân xanh với tất cả nhiệt huyết, sự hăng say và lòng hy sinh, mong mang lại cho đời cho người nhân nghĩa và tình yêu trao ban.
Ba biết không, con đang sống những năm tháng ý nghĩa nhất cuộc đời con. Con đang sống những điều có ý nghĩa của con tim. Con cố gắng từng ngày để mang lại cho đời hoa thơm quả ngọt, dù chẳng được trả công. Nhưng con luôn xác tín như Ba hằng xác tín bằng chính kinh nghiệm cuộc đời mình - không hơn thua với đời. Như Chúa Giê-su đã dạy: "Hãy yêu kẻ thù. Hãy làm ơn cho kẻ ghét mình. Hãy chúc phúc cho kẻ nguyền rủa mình. Hãy cầu nguyện cho kẻ vu khống mình. Vì nếu các con yêu kẻ yêu mình thì còn ân nghĩa gì nữa?" Lc 6, 28 - 30.
Ba ạ! Ðể lại gì cho đời sau một kiếp người? Tiền tài? Danh vọng? Ba dạy con lòng nhân và tình yêu. Và đó cũng là lý tưởng đời tu của con.
Con yêu Ba!
Lê Đỗ Quyên, aci

August 5, 2015

Anh Đi Tu

Anh vào Chủng Viện, em có muốn đi tu giống anh không?
Ngày nhận được thư mời anh sẽ được lãnh nhận chức Thánh, tôi chia vui với anh bằng một tấm thiệp mừng vì đang ở xa, nhưng không quên nhắc lại câu hỏi năm xưa của anh “Anh vào Chủng Viện, em có muốn đi tu giống anh không?” Giờ anh đã là một linh mục. Tôi cũng là một nữ tu Dòng Nữ Tỳ Thánh Tâm Chúa Giê-su.
Anh hơn tôi một tuổi, học trước tôi một năm. Anh người miền Nam, tôi người miền Trung. Anh hiền lành và là một con chiên ngoan đạo, tôi cứng đầu và cứng tin. Thế nhưng, chúng tôi có cùng một niềm đam mê – làm việc xã hội. Những cơ hội làm việc chung đưa tình bạn của chúng tôi đến gần nhau hơn, dù có nhiều khác biệt.
Một tuần trước khi rời đất Sài Thành để bắt đầu chương mới cho cuộc đời sau những năm gắn bó với giảng đường, anh và tôi dành cho nhau chút thời gian cuối cùng. Tôi cũng không ngạc nhiên khi biết anh sẽ đi tu, vì nhìn vẻ bên ngoài của anh đã giống thầy tu rồi. Nhưng tôi vẫn cảm thấy tiếc khi anh chọn chôn cuộc đời mình nơi cánh cửa nhà tu. Còn anh hỏi tôi về những dự định cho tương lai, những niềm vui trong cuộc sống mà tôi sẽ xây dựng và ngay cả tuýp người đàn ông tôi sẽ chọn để cùng chung tay vun đắp mái ấm cho riêng mình, … Tôi kể cho anh nghe về dự định năm tới sau khi tốt nghiệp, nào là sẽ làm việc nơi này, đi nơi kia, lấy chồng năm nào, sống ở đâu, … Vậy là anh cứ im lặng nghe, còn tôi mặc sức huyên thuyên về những mơ mộng của mình. Anh chợt quay lại hỏi tôi: “Anh vào Chủng Viện, em có muốn đi tu giống anh không?” Tôi tròn xoe đôi mắt nhìn anh, ú ớ: “Anh đang nói đùa với em à? Em vừa kể cho anh nghe những dự định của em mà?” Anh không nói thêm điều gì nữa và chúng tôi tiếp tục những câu chuyện khác.
Anh đã vào Chủng Viện. Tôi vẫn giữ liên lạc với anh qua những cánh thiệp mừng lễ nhưng không chia sẻ với anh bất cứ điều gì về tôi từ sau khi ra trường, vì tôi … mắc cỡ. Tôi sợ anh cười thật to khi biết tôi cũng … đi tu.
Ra trường, tôi tiếp tục đi làm nơi tôi đã làm bán thời gian trong khi còn là sinh viên. Ngày qua ngày đối diện với những bạn trẻ đang bị nàng tiên nâu chế ngự cuộc đời khiến tôi suy nghĩ nhiều hơn về mục đích sống và ý nghĩa cuộc đời. Chính tôi cũng như một số bạn trẻ có lẽ đang chi xài tuổi trẻ của mình quá lãng phí và ích kỷ. Tôi hỏi chính mình: “Cuộc đời chỉ có vậy thôi sao?” Chính câu hỏi này như một sức mạnh vô hình thôi thúc tôi đi tìm kiếm điều mà mắt thường tôi không thể nhìn thấy.
Tôi tìm.
Và tôi đã gặp.
Tôi gặp Ngài qua giờ Chầu Thánh Thể mỗi ngày của các chị Nữ Tỳ Thánh Tâm Chúa Giê-su.
Tôi gặp Ngài qua Đặc Sủng Đền Tạ Thánh Tâm Chúa Giê-su mà các chị Nữ Tỳ Thánh Tâm Chúa Giê-su đang sống.
Tôi gặp Ngài qua cuộc sống chứng tá của tình yêu mà các chị Nữ Tỳ Thánh Tâm Chúa Giê-su dành cho các em nhỏ của các gia đình di dân.
Tôi gặp Ngài qua chính sự giản đơn và gần gũi trong cuộc sống hằng của các chị Nữ Tỳ Thánh Tâm Chúa Giê-su.
Tôi gặp Ngài …
Gặp được Ngài, tôi khao khát được biết về Ngài nhiều hơn vào ao ước được trở nên giống Ngài. Vậy là tôi âm thầm bỏ lại tất cả phía sau lưng để tiến về phía trước với niềm tin xen lẫn sợ hãi. Niềm tin vì chính cảm nghiệm bình an và hạnh phúc trong suốt thời gian kiếm tìm và tìm gặp. Sợ hãi vì tôi không biết điều gì sẽ chờ đợi tôi phía trước khi tôi xác định rõ ràng rằng gia đình sẽ TỪ tôi. Sợ hãi vì những chi phối xung quanh. Sợ hãi vì không chắc mình sẽ vượt qua được những thách đố mới. Nhưng tôi vẫn bước đi.
Tôi bước đi cho đến khi vào nhà Tập II thì mới chính thức tin cho anh hay rằng tôi đi tu. Tôi bảo với anh rằng ‘ai cũng nói đi tu là sướng nhưng với em, đi tu khó quá, nhưng sao em vẫn thích đi tu’. Đây cũng là thời gian những cản trở giữa gia đình và tôi cũng tạm được hóa giải. Anh vui và hạnh phúc với tôi.
Vậy là cũng gần mười ba năm rồi chưa một lần gặp lại nhau, cũng chẳng mấy khi buồn hỏi thăm nhau với lý do ‘bận rộn’. Hôm nay ngồi viết xuống câu chuyện đời tu của mình, tôi nhớ đến anh thật nhiều, người luôn trả lời những câu hỏi của tôi bằng nụ cười.
Thiên Chúa luôn có những bất ngờ cho cuộc đời mỗi người. Điều quan trọng là chúng ta đón nhận những bất ngờ này thế nào và quãng đại với Ngài bao nhiêu.

Còn bạn?
Lê Đỗ Quyên, aci

July 4, 2015

Chị và Ơn gọi

Có kẻ khác nữa thưa rằng: Lạy Chúa, tôi sẽ theo Chúa, song xin cho phép tôi trước về từ giã người trong nhà tôi. Ngài phán rằng: Ai đã tra tay cầm cày, còn ngoái lại đằng sau, thì không xứng đáng với nước Thiên Chúa.
Lc 9, 61 – 62
Như những đứa trẻ trong vùng, chị cũng gắn bó đời học sinh của mình ở trường các Sơ với biết bao mộng mơ. Nhưng sâu thẳm tâm hồn chị trăn trở với hoài bão của ba mẹ “Khi về hưu, con gái út sẽ là người chăm lo cho ba mẹ phải không?” Chữ “hiếu” nhắc nhở chị trong từng quyết định, ngay cả khi chọn trường đại học, chị cũng chọn trường gần nhà để cuối tuần có thể về thăm gia đình, mặc dù đó là trường chị không thích, ngành học chị cũng chẳng đam mê. Nhưng chị vẫn chọn và theo đuổi đến khi ra trường chỉ vì “được gần ba mẹ”.
Đối với nhiều người, cuộc đời chị được trải thảm hồng. Và chính chị cũng an phận với những gì mình đang có. Chiếc thảm này tiếp tục nối dài. Chị tìm được một công việc tốt, lại gần nhà. Nhiều cây si đang trồng trước cổng nhà. Chọn đi rồi chọn lại, cuối cùng chị cũng chọn được một cây si cho đời mình với sự khuyến khích của cả hai gia đình. Vậy là đủ! Chị thở phào nhẹ nhõm.
Có ai may mắn hơn chị không?
Nhưng cuộc đời dường như luôn có những ngang trái mà không ai lý giải được, bởi con người vốn dĩ mang bản chất ‘tham lam’ (tuy tay con nhỏ bé, bao nhiêu cũng không vừa). Có lẽ vì vậy mà con người cứ phải dành cả cuộc đời để tìm kiếm và thực hiện. Chị cũng vậy, cuộc sống quá dễ dàng và lắm thuận lợi khiến chị cảm thấy nhàm chán, để rồi tự hỏi mình “Cuộc sống tôi chỉ quanh quẩn vậy thôi sao?” Chị đã từng nghĩ ngông, đã từng muốn thử một lần bước chân ra khỏi màu hồng kia để khám phá thêm nhiều màu sắc khác của cuộc đời. Thế nhưng, sự sợ hãi đã giữ chân chị lại. Cũng đã hai năm rồi kể từ khi đi làm, chị cứ mãi dằn vặt vì sự yếu đuối, nhu nhược của chị. Chị cứ mãi cho phép người khác sắp xếp đời chị mà chưa một lần dám nghĩ hay dám thực hiện điều chị ước mơ?
Ngày Chúa Nhật hôm ấy, chính ngày ấy đã xen chân vào cuộc đời chị và thay đổi tất cả. Như các ngày Chúa Nhật, chị vẫn tay trong tay cùng người yêu tham dự thánh lễ. Có thể đó là một thói quen, một trách nhiệm hay một nghĩa vụ mà chị phải thực hiện để tránh những bài ca con cá của mẹ. Hôm nay lại khác. Đôi mắt chị mở to hơn. Đôi tai chị căng ra lớn hơn. Nhịp tim chị đập nhanh hơn chỉ vì một nữ tu cùng với một nhóm trẻ em đang đứng trước cộng đoàn dân Chúa, trên tay là một bức hình quả địa cầu đang bị vỡ vụn và bức hình thứ hai là nhiều bàn tay gắn lại những mảnh vỡ này. Họ được giới thiệu là con cái của những gia đình di dân và đang theo học tại một trường tình thương của các Sơ Nữ Tỳ Thánh Tâm Chúa Giê-su. Gia đình các em và các em bé này chính là những mảnh vỡ của quả địa cầu kia. Ai sẽ làm công việc hàn gắn những mảnh vỡ này? Chị đã nhìn, đã nghe và đã thấy một sắc màu khác rất thật của cuộc đời.
Trên đường về, chị chẳng buồn buông chuyện với anh. Hai bức ảnh kia chiếm trọn suy nghĩ chị. Nhìn đôi bàn tay mình, chị tự hỏi “Có đôi bàn tay tôi trong bức ảnh thứ hai không?” Chị muốn cộng tác trong việc hàn gắn lại quả địa cầu kia. Nhưng bằng cách nào?
Chị tìm kiếm thông tin về nhà Dòng của nữ tu hôm nọ. Chị tìm và đã gặp. Xin nghỉ việc một buổi sáng, chị rủ người yêu cùng đến nhà … D ò n g. Lưỡng lự, nhưng vì chìu người yêu nên anh cũng phải nghỉ việc một buổi. Đứng trước cổng nhà theo địa chỉ trên tay, sự tưởng tượng của chị đã có lời đáp. Nơi đây không yên lặng, không tĩnh mịch nhưng vỡ òa những tiếng nô đùa, la hét của bọn trẻ nhễ nhại mồ hôi trong những bộ quần áo ngã màu. “Đây là nhà Dòng?” chị hỏi người yêu. Thay câu trả lời của chị, anh bấm chuông cổng.
Cứ thế cũng được một năm, anh và chị dành thời gian lui tới nhà Dòng cùng vui, cùng chơi, cùng sẻ chia sự hiện diện và tình thương với các em. Cả hai cùng nhận ra một lời mời gọi – theo Thầy Giê-su.
Làm sao chị có thể theo bước chân Thầy Giê-su khi chị đang như chiếc gậy cho tuổi xế chiều của ba mẹ? Chị không đủ can đảm để thưa chuyện vì chị sợ bị khước từ. Nhưng chị cũng không thể sống ương ương dở dở với lời mời gọi thiêng liêng mà chị cảm nhận rõ ràng “đây là cuộc sống tôi”. Dù gì thì chỉ cũng phải mạnh mẽ một lần.
Chị đã làm.
Bỏ lại tất cả, chị bước chân vào nhà Dòng với niềm bình an đong đầy. Chữ hiếu dằn vặt, thách thức con tim và lý trí chị, có lúc chị tưởng chừng phải bỏ cuộc giữa đường. Nhưng chị xác tín điều Chúa Giê-su đã dạy “Ai tra tay vào cày mà ngoái lại sau lưng thì bất xứng” (Lc 9, 62). Điều này cũng không có nghĩa là chị bất hiếu. Thiên Chúa cũng rất coi trọng việc thờ cha kính mẹ được dạy trong điều răn thứ tư (Mt 15, 4). Chị tin vào lời hứa của Chúa Giê-su “Hãy tìm kiếm Nước Thiên Chúa trước hết, còn những thứ khác Ngài sẽ ban cho” (Mt 6, 33)
Như Abraham, như Giu-se, hay như Maria, khi đã quyết định, chị quyết định dứt khoát. Khi chọn từ bỏ, chị không day dưa. Khi ra đi, chị không ngoái đầu lại.

Ở cái tuổi 96, chị vẫn hạnh phúc với sự chọn lựa của mình – người Nữ Tỳ Thánh Tâm Chúa Giê-su.


Lê Đỗ Quyên, aci

June 4, 2015

ĐỜI TU…. ĐÓNG HAY MỞ?


ĐỜI TU…. ĐÓNG HAY MỞ?

May 21, 2015

Muốn thúc đẩy và gia tăng ơn gọi sống tận hiến? Cần phải cải thiện đời sống gia đình.


Muốn thúc đẩy và gia tăng ơn gọi sống tận hiến?Phải cải thiện đời sống gia đình.


Trong thời điểm giáo hội đang đặt trọng tâm vào tầm quan trọng của đời sống gia đình,một nữ tu dòng Đa Minh trong một cuộc phỏng vấn với CNA cho biết  việc ĐTC Phanxico chọn năm này là Năm Đời Sống Thánh Hiến là không có gì lạ.
“Gia đình nuôi dưỡng ơn gọi [và ngược lại]", Nt Maria Magdalene cho biết. "Ơn gọi sẽ không đến từ không khí, nó cần phải được nuôi dưỡng từ trong gia đình.”
Năm Đời Sống Tận Hiến bắt đầu ngày 30 tháng mười một năm 2015, và sẽ kết thúc ngày 02 Tháng Hai năm 2016, vào dịp Lễ Dâng Chúa Giêsu trong Đền Thờ. Năm nay cũng là năm  Giáo hội đã tổ chức 2 sự kiện lớn về Gia Đình, một là Hội nghị toàn Thế giới về gia đình vào tháng chín này, và Thượng Hội Đồng về gia đình vào tháng Mười, như là một chương tiếp theo của Thượng Hội Đồng năm ngoái cũng về chủ đề gia đình.

NT. Magdalene miêu  tả tính mầu nhiệm của hành trình khám phá ơn gọi không  khác gì việc tìm kiếm ý trung nhân. Theo chị "ơn gọi là một mầu nhiệm." Cũng như trong đời sống hôn nhân, người ta cũng có thể đặt câu hỏi: "Tại sao lại là người đó mà không phải là ai khác?"
"Ơn gọi cũng giống như khi ta cảm thấy mình bắt đầu yêu một ai đó. Bạn đặt lòng tin vào Thiên Chúa, vào cách mà Ngài dẫn dắt bạn.”
Chị Magdalene cũng chia sẽ về hành trình theo Chúa của mình. Chị sinh ra và lớn lên trong một đại gia đình Công giáo. Nhưng ý tưởng dâng hiến không còn hiện diện trong chị khi chị đã trưởng thành. Cho đến khi sau khi tốt nghiệp đại học và sau khi lời hứa hôn của chị đã không thành, chị bắt đầu suy nghĩ một cách nghiêm túc hơn về ý tưởng sống đời dâng hiến.
"Tôi thực sự cảm thấy mình đã bắt đầu yêu Chúa, và  tôi thường xuyên đến nhà Chầu Thánh Thể hơn. Ý nghĩ sống đời tận hiến cũng đeo đuổi tôi dai dẵng hơn. Khi tham dự một kỳ tỉnh tâm, tôi cảm nhận một “giây phút hồng ân trước Bí Tích Thánh Thể.” Tôi cảm thấy hoàn toàn bị chinh phục và chính giây phút đó, tôi biết tôi hoàn toàn tự do để đáp trả tiếng Chúa. Đây chính là nơi tôi cảm thấy niềm hạnh phúc thật sự.” Ngoài ra, chị cũng được tác động bởi một câu nói được đính trên tường của nhà tỉnh tâm “ Chiêm niệm và chia sẻ với tha nhân hoa quả của chiêm niệm.”
Ơn gọi không giống như đi kiếm việc. Đó là quá trình nhận định về một “tiếng gọi” chứ không phải là việc so sánh lợi nhuận từ  những nơi khác nhau. Thế nên chị không hề có ý tưởng đi đến nhiều dònh khác nhau để “xem họ có những ưu đãi nào.”
Khi được hỏi về những tác động của Năm Đời sống Tận Hiến, chị Magdalene cho biết “ Tuy đời sống tận hiến vẫn còn ẩn bên lề cuộc sống thì nhận thức về đời sống này ngày càng tăng.” Chị chia sẻ “ chúng ta nhìn thấy các linh mục nhiều hơn, nhưng các nữ tu thì không. Ở cộng đoàn của tôi, rất nhiều nữ tu nhưng lại chỉ ở một nơi.”

"Nếu mỗi giáo xứ tổ chức cầu nguyện  hoặc các sự kiện cổ võ  ơn gọi linh mục và tu sĩ Trong năm Đời Sống Thánh Hiến, chúng ta có quyền tin rằng nhận thức về đời sống này sẽ được tăng lên.”

Bách Hợp, aci
Lược dịch

April 8, 2015

Không Là Tôi, Ai Sẽ?





Người người đang sống trong niềm vui của Chúa đã Phục Sinh, nhưng với tôi dường như vẫn còn lẩn quẩn trong ngày thứ Sáu Tuần Thánh mà chưa bước ra khỏi ngày cái ngày thứ Sáu ảm đạm này. Hình ảnh một Giê-su với đoạn kết của một cuộc đời là thân xác bị treo thập giá kia, giữ tôi lại để cảm, để ngẫm rồi để nghĩ về cuộc đời, về lối sống và về một xã hội hiện tại.
Vì đâu?
Vì phải chăng dân trí ngày càng cao thì người ta gian lận nhiều hơn. Người ta tìm ra lắm trò để lừa gạt nhau. Đối thủ, đối tác, đồng nghiệp, đồng hương và ngay cả đến anh chị em ruột thịt hay cha mẹ với con cái cũng có những chuyện gian lận, tráo trở và lọc lừa. Và không đâu xa, ngay chính tại nơi được gọi là “tiên học lễ, hậu học văn” mà gian lận, lọc lừa xảy ra như chuyện ‘xưa rồi diễm ơi’.
Trước nhu cầu có con của nhiều người hiếm muộn hay vô sinh, nhiều người chọn cách thụ tinh nhân tạo với ước muốn có được tiếng trẻ con trong nhà hay cũng là cách để gìn giữ gia đình. Đây là một ước chân chính. Thế nhưng, Giáo Hội vẫn giữ trọn lập trường KHÔNG. Chúng ta đều ý thức rằng chỉ mình Thiên Chúa mới là chủ sự sống. Vậy mà chúng ta đang xâm phạm đến chủ quyền tuyệt đối của Thiên Chúa trong lĩnh vực sự sống. Chúng ta phải hiểu rằng, để có một đứa trẻ được sinh ra từ thụ tinh nhân tạo, người ta sẽ phải sản xuất nhiều đứa trẻ khác cùng một lúc, sau đó chọn lọc và giữ lại một đứa trẻ. Có nghĩa là những đứa trẻ kia bị giết chết. Đó là bản chất của việc thụ tinh nhân tạo. Và Giáo Hội trả lời KHÔNG với sáng tạo này. Nhưng nhiều người, ngay cả một số Kitô hữu vẫn chọn biện pháp này.
Dường như tôi quá bi quan khi nhìn thấy thực trạng cuộc sống như đang đóng thêm đinh vào thân xác Ngài. Dường như chẳng có gì là hy vọng. Nhưng bạn và tôi không được phép bi quan. Chúng ta không được phép thất vọng. Vì chúng ta tin rằng, nếu không có cái ngày thứ Sáu này thì có lẽ mỗi người chúng ta sẽ không thể cảm nhận được một tình yêu vô điều kiện, không nhìn thấy được ánh huy hoàng của Chúa Phục Sinh đang và sẽ tiếp tục chiếu tỏa trong từng ngõ hẹp của cuộc sống:
Khi vẫn còn những người trả dám dấn thân giúp những nông dân miền Trung bán hết nông sản bị ngập lũ.
Khi vẫn còn những tấm lòng như Tống Phước Phúc.
Khi vẫn còn một Nguyễn Xuân Trang, tài xế taxi chưa vợ, nhanh trí và quả cảm đã kịp cứu sản phụ trên đường đi sinh nở. 
Khi vẫn còn nhiều và nhiều hình ảnh đẹp giữa đời mà đôi lúc ta vội bước qua.

Và mỗi người chúng ta sẽ hỏi chính mình: “Không là tôi, ai sẽ là?” Là cánh tay nối dài của Thiên Chúa mang ánh sáng và niềm vui Phục Sinh đến với mọi người?

Lê Đỗ Quyên, aci

April 1, 2015

Cúi Xuống

Trong đời có những cái cúi xuống làm người ta trở nên VinhCao, nhưng cũng có những cái cúi xuống làm người ta trở nên NhụcHèn.
Năm 2013, người đẹp Ngô Thanh Vân được khán giả đánh giá cao khi chị rời khỏi chiếc ghế hạng A của mình để cúi xuống nhặt một chiếc đế giầy của người mẫu bị rơi trong buổi biểu diễn thời trang Elle Fashion Show.
Hay đầu năm 2014, S.T., thành viên của nhóm 365 được ống kính ghi lại hình ảnh khi đang cúi xuống nhặt những chiếc ly nhựa của tham dự viên bỏ lại trên nền nhà trong khuôn viên lễ ký tặng sách của nhà văn trẻ Iris Cao.
Gần đây nhất, trong The Remix Liveshow 7 được tổ chức ngày 22/03/2015, một bạn trẻ có tên Isaac đã có hành động ghi điểm trong mắt khán giả khi cúi xuống nhặt chiếc điện thoại của MC Nguyên Khang bị rơi trong quá trình tác nghiệp, đang khi chương trình được truyền hình trực tiếp.
Và cái tên Lê Doãn Ý đang trở thành một hiện tượng hạt vàng giữa bãi cát sa mạc mênh mông. Em đã cúi xuống nhặt cái không phải là của mình, tài sản giá trị hơn 1,3 tỉ đồng, và em đã trả lại cho chủ nhân của nó.
Vì sao những cái cúi xuống tưởng chừng đơn giản này lại trở nên một hiện tượng “nóng bỏng” ngay giữa xã hội chúng ta đang sống được cho là văn minh và hiện đại?
Phải chăng chúng ta đang sống giữa một thế giới phát triển và thay đổi được tính từng giây thì tâm hồn chúng ta càng tụt hậu? Phải chăng người người, nhà nhà đang giàu lên thì tâm hồn chúng ta càng nghèo nàn đi? Phải chăng cuộc sống chúng ta càng sung túc thì tâm hồn chúng ta càng kiệt quệ? Phải chăng xung quanh chúng ta càng sầm uất thì tâm hồn chúng ta càng hoang vu?
Phải chăng chúng ta đang đẩy mình vào sự nghèo nàn túng quẫn trong tương quan giữa con người với con người, trong tình đồng loại khi lối sống chủ nghĩa cá nhân, chủ nghĩa “mặc kệ nó” đang tấn công và chiếm hữu cuộc sống chúng ta? Phải chăng nghèo nàn đang diễn ra nơi tâm khảm mỗi người chúng ta? Phải chăng nhiều người trong chúng ta đang để cho cảm xúc và con tim mình trở nên khô cằn chai cứng trước những đau khổ và bất công của cuộc đời? Thấy người đói khát – mặc kệ nó. Thấy người đau bệnh – mặc kệ nó. Thấy người gặp tai nạn – mặc kệ nó. Vì thế, khi có người khước từ chủ nghĩa “mặc kệ nó”, tâm hồn chúng ta bị đánh thức và họ trở thành một hiện tượng đẹp và nhân văn giữa xã hội?
Cũng có những cái cúi xuống để lại di chứng không lường. Ngày nay, nhiều cặp vợ chồng không còn muốn ăn đời ở kiếp với nhau nữa. Họ sẵn sàng cúi xuống để ký vào đơn ly hôn, ly dị. Họ sẵn sàng bỏ nhau vì bất cứ lý do gì, mặc cho những đứa con đang gào thét để níu kéo hai người lớn lại với nhau vì chúng khao khát một gia đình có cha có mẹ. Khuynh hướnng sống của nhiều cha mẹ, nhiều cặp vợ chồng, nhiều đôi bạn trẻ không còn nâng niu, không còn trân trọng đón nhận, không còn cưu mang, không còn duy trì và bảo vệ sự sống nữa. Họ sẵn sàng ngăn cản, sẵn sàng chà đạp và sẵn sàng giết chết những đứa trẻ ngay khi đang còn trong bụng mẹ. Nạn phá thai tràn lan khắp cõi. Người ta sẵn sàng cúi xuống để giết chết những mầm sống với bất cứ lý do gì. Có thai ngoài ý muốn – phá thai. Đã có một vài đứa con – phá thai. Gặp khó khăn về tài chính – phá thai. Để thuận lợi trong công việc – phá thai, … Người ta phá thai vì rất nhiều lý do. Có những lý do vô cùng lạnh lùng và tàn nhẫn, những lý do chẳng đâu ra đâu, hay những lý do ích kỷ và nông cạn.
Nghìn năm xưa, trong Bữa Tiệc Ly, Chúa Giê-su cũng đã cúi xuống. Ngài cúi xuống để rửa chân cho các môn đệ với lời nhắn nhủ “Nếu Thầy là Chúa, là Thầy, mà còn rửa chân cho anh em, thì anh em cũng phải rửa chân cho nhau.” (Gn 13, 14) Một tư thế thể hiện sự khiêm nhu và yêu thương trọn vẹn.
Chúng ta đã học và thực hành những cái cúi xuống nào trong đời mình? Chúng ta chọn cái cúi xuống nào cho đời mình? Lời giảng dạy và bài thực hành cúi xuống của Chúa Giê-su vẫn còn sống động trong cuộc sống hằng ngày của chúng ta. Và Ngài cũng đảm bảo với chúng ta rằng “Cứ dấu này, mọi người sẽ nhận biết anh em là môn đệ Thầy: là anh em yêu thương nhau.” (Gn 13, 35)

Lê Đỗ Quyên, aci


March 29, 2015

Sống Là Chọn

Trong vùng thăm thẳm tối của cuộc đời,
Cha cho con niềm tin để bước đi.
Trong miên trường giằng co giữa con tim và khối óc,
Cha đã cho con tự do để chọn lựa.”
Sống là chọn!
Chọn giữa cái tốt với cái xấu, giữa cái xấu với cái tồi tệ, giữa cái tốt với cái tốt hơn và giữa cái tốt hơn với cái tốt nhất. Ta phải chọn. Trung lập? “Thà ngươi thật nóng, thà ngươi thật lạnh, nếu ngươi không nóng không lạnh, cứ ương ương dở dở, Ta sẽ mửa ngươi ra khỏi miệng Ta.” (Kh 3, 15 – 16) Bạn chọn gì?
Sau khi biến hình trên núi Tabor (Mc 9, 2 – 10), Chúa Giê-su chọn xuống núi, dù Ngài biết trước điều gì đang chờ đợi Ngài khi tiến về Giê-ru-sa-lem. Đó là bước vào một cuộc thương khó.
Phê-rô, Gia-cô-bê và Gioan chọn ở lại sau khi chứng kiến sự vinh quang của Thầy, các ông chọn “Thưa Thầy, chúng con ở đây thì hay quá. Chúng con xin dựng ba cái lều …” (Mc 9, 5).
Bạn đã chọn?
Chọn một con đường để bước đi, dẫu biết rằng con đường này đặt nhiều biển báo về sự gập ghềnh và rủi ro, nhưng cũng lắm sự kỳ thú? Chọn một cuộc đời sống để dấn thân? Chọn một lý tưởng để sống và sống tròn đầy sung mãn?
Ta chọn vì ta có quyền tự quyết.
Nhưng điều gì đảm bảo cho sự chọn lựa của ta là đúng?
Chọn lựa không có nguyên tắc chung. Mỗi người là một cá vị, là một kiệt tác riêng biệt Thiên Chúa đã tạo dựng nên. Do đó, không ai giống ai và không hành trình cuộc đời nào giống cuộc đời nào. Và ta phải chọn. Chọn gì và chọn như thế nào sao cho thích hợp với sự cá vị của mình.
Khi đứng trước những điều quan trọng cần phải chọn lựa, ta quyết định thế nào? Ta có tin vào chính mình? Tin vào một lời mời gọi từ trong thẳm sâu tâm hồn? Ta có biết yên lặng để lắng nghe? Ta có bị áp lực từ bên ngoài? Ta có nửa vời?
Trong đời, đã có những lần ta chọn lựa sai. Ta không nên xấu hổ về điều này mặc dù nó có thể ảnh hưởng nhiều đến cuộc đời ta. Nhưng điều quan trọng hơn là ta có biết đứng dậy và rút ra bài học cho mình. Chọn lựa đòi hỏi sự can đảm và niềm tin. Can đảm để quyết định và hành động. Niềm tin để bước đi và để thực hiện.
Chọn lựa là dám bước ra khỏi lối thẳng và an toàn để chọn một lối đi cho riêng mình.
Bạn đã chọn?
Bạn đang chọn?
Bạn sẽ chọn?
Mục đích cuối cùng và duy nhất của sự chọn lựa là Niềm Hạnh Phúc! Và đó là sự chọn lựa đúng.

Lê Đỗ Quyên, aci

March 21, 2015

Vâng Phục - Tự Hủy (Phần Cuối)

Có một Abraham, người đàn ông ở tuổi gần trăm, hoàn toàn vâng theo tiếng gọi của Thiên Chúa “Hãy rời bỏ xứ sở, họ hàng, nhà cha ngươi mà tới vùng đất Ta sẽ chỉ cho người” (St 12, 1). Ông đáp lời ngay cả ý thức rõ ràng lời mời này buộc ông phải bỏ lại phía sau tất cả những gì gần gũi và thân thương nhất mà cả đời ông đã gắn bó. Một người đã sống một cuộc sống mà Thiên Chúa liên tục thách đố, đôi lúc dường như quá khả năng chịu đựng. Thế nhưng, hai chữ tín trung vâng phục, ông vẫn vẹn toàn.
Có một Maria thưa tiếng “Xin Vâng” là hoàn toàn chấp nhận thánh ý Thiên Chúa, ngay cả khi có thể bị kết án vì tội ngoại tình, phải bị ném đá cho đến chết. Maria vẫn thưa xin vâng. Mẹ dám lấy thánh ý Thiên Chúa, lấy chương trình của Thiên Chúa làm kim chỉ nam cho quyết định cuộc đời mình.
Có một Giu-se mau mắn vâng lời thánh ý Thiên Chúa giữa bóng đêm mơ hồ của những giấc mộng. Ngài không do dự khi phải từ bỏ những dự định riêng, chấp nhận bị quấy rầy, bị đảo lộn, để được thay đổi hoàn toàn.
Có một Giê-su, con Thiên Chúa, Đấng chí thánh “đã tự hạ mình mà vâng phục cho đến chết” (Phil 2, 8).
Có một Rafaela Maria Porras vâng lời dấn thân vào một cuộc tìm kiếm thánh ý Thiên Chúa trong những năm tháng đầu thành lập Dòng. Rồi ba muoi hai năm cuối đời sống ẩn dật, bị hiểu lầm, bị chỉ trích và bị lãng quên. Ấy vậy mà ngài vẫn liên lỉ trọn hai tiếng xin vâng trong niềm tin, sự tín thác và niềm hy vọng.
Xuyên suốt lich sử Giáo Hội, có biết bao người sống chứng ta với chọn lựa “sự vâng phục” thánh ý Thiên Chúa làm kim chỉ nam cho đời mình. Họ đã sống nên thánh trọn lành trong bậc sống của mình.
Ngày hôm nay, có biết bao người trẻ dám bước ra khỏi vòng vây của “cái tôi” để sống cho một lý tưởng “tự hủy”, một lý tưởng chết cho ý riêng của mình trong sự tự do và lòng mến.
Và đó là ý nghĩa đích thực của lời khấn dòng “vâng phục”
Thật vậy, sống giữa một xã hội xấu tốt lẫn lộn, giữa những thách đố, cám dỗ và đầy cạm bẫy của cuộc đời, người tu sĩ đang “sống khác” với trào lưu chung của xã hội. Dường như họ đã và đang khước từ “cái quyền” căn bản nhất của mỗi người, quyền tự quyết hay quyền chọn lựa, hoặc tóm gọn lại là quyền tự do. Nhưng với người tu sĩ, một khi họ tuyên khấn vâng phục đồng nghĩa với việc dám gạt ra ý riêng mình để phụng sự cho mục đích tốt đẹp hơn, thánh ý Thiên Chúa. Đó là sử dụng sự tự do trong sự khôn ngoan.
Còn bạn thì sao? Thiên Chúa đang chờ đợi những tâm hồn quãng đại, những trái tim giàu lòng yêu thương và những tấm lòng nhân nghĩa dám dấn thân vào việc kiến tạo một nền văn minh tình thương và sự sống.

Lê Đỗ Quyên, aci

March 7, 2015

Sống Chứng Tá

Khi còn tấm bé, chúng ta được dạy dỗ rằng Chúa yêu thương loài người nên mới ban con một của Người xuống để cứu thế gian tội lỗi này. Rồi khi lớn lên, bài học này được lặp lại với con cháu chúng ta. Thế nhưng, làm sao có thể chứng minh được tình yêu Thiên Chúa dành cho loài người khi xung quanh chúng ta đang sống dường như sự ác đang làm ô nhiễm bầu không khí của sự thiện, đâu đâu cũng nhan nhãn những cảnh tai ương, hận thù, cướp bóc, ghen ghét, chiến tranh, chết chóc, bệnh tật, …
Vậy Thiên Chúa ở đâu?
Trong một lần chia sẻ giáo lý, tôi thao thao bất tuyệt với các em rằng Thiên Chúa yêu các em nhiều lắm. Tình yêu này cụ thể qua cuộc sống hằng ngày, các em có cha mẹ yêu thương và chăm sóc, có nhà ở, có cơm ăn, có quần áo đẹp và có cơ hội học hành. Hơn thế nữa, Ngài còn ban cho các em không khí để thở, nước để uống, cây cối cho bóng mát, những thân thể khỏe mạnh, xinh gái, đẹp trai, … Bất chợt, một em nhỏ cắt ngang bài chia sẻ và hỏi: “Mỗi ngày đến trường, em gặp nhiều bạn cùng tuổi lang thang đường phố không nhà cửa, không cha mẹ và có cả những cụ già xin ăn bên vệ đường. Rồi có rất nhiều bạn nhỏ tật nguyền mà em gặp được trong lần đi cùng mẹ đến thăm một trung tâm chăm sóc bệnh nhân phong. Có phải Thiên Chúa không yêu họ? Sao Ngài không ban cho họ những ơn lành như chúng em?
Tôi ý thức rằng tôi đang rất bối rối.
Chính lúc này đây tôi mới thật sự hiểu điều mình đã chia sẻ với các em. Thiên Chúa ở đâu nơi những con người bất hạnh này? Tôi chợt nhớ đến cuốn sách “Lạy Chúa, tại sao Ngài im lặng?” của tác giả Giuse Đinh Thanh Bình, ngay chương đầu có đoạn “Làm sao tôi có thể tiếp tục hướng dẫn hay xoa dịu những con người đau khổ bằng những lý thuyết của lòng Chúa nhân từ, yêu thương? Làm sao tôi có thể mở miệng ca tụng công lý, hòa bình của một thế giới tốt đẹp?” Vậy tình yêu Thiên Chúa ở đâu giữa một thế giới xô bồ? Cái chết của Ngài trở nên vô nghĩa sao?
Điều đầu tiên và duy nhất mà mỗi người Ki-tô hữu cần phải xác tín "Thiên Chúa là tình yêu" ngay chính trong kinh nghiệm cuộc đời của mỗi người. Vì yêu nên Ngài đã trao ban và tôn trọng sự tự do của con người. Hiển nhiên, quyền lợi luôn đi đôi với trách nhiệm. Chúng ta thực sự có trách nhiệm với quyền lợi mình nhận được chưa? Câu trả lời có lẽ rõ ràng mà ngay cả một đứa trẻ cũng có thể nhận ra mặt trái của cái quyền lợi này. Hãy nhìn xem môi trường thiên nhiên đang bị chúng ta làm tổn thương thế nào? Quyền làm người của biết bao hài nhi bị tước đoạt một cách lạnh lùng và tàn nhẫn ngay từ khi còn trong bụng mẹ. Chủ nghĩa cá nhân, lối sống hưởng thụ, chủ nghĩa "mackeno" đang giày xéo lên nhân phẩm của biết bao người, nhất là người phụ nữ. Tình yêu nam nữ đích thức đang bị xem nhẹ, thay vào đó nhiều người đang hướng đến một mối tương quan khác - tương quan đồng giới. Đáng buồn hơn nữa, con người đang xâm phạm đến chủ quyền tuyệt đối của Thiên Chúa trong lĩnh vực trao ban sự sống - thụ tinh nhân tạo.
Tình yêu Thiên Chúa dường như biến mất giữa nhiễu nhương của cuộc sống. Là người Ki-tô hữu, chúng ta cụ thể hóa tình yêu Thiên Chúa với tha nhân thế nào? Chúng ta sẽ vẽ khuôn mặt của một Thiên Chúa yêu thương thế nào?
Cháu bé trong lớp giáo lý đang đợi bạn và tôi câu trả lời.
Và những anh chị em khốn cùng đang đợi bạn và tôi minh chứng niềm tin của chúng ta vào một Thiên Chúa giàu lòng yêu thương.
Hãy trả lời bằng chính thái độ sống đức tin hằng ngày của chúng ta!

Nguyễn Thị Kim Thoa, aci

March 1, 2015

Quà Mừng Sinh Nhật

Ngày 1 tháng 3 năm 1850, Rafaela Maria Porras, chào đời trong sự chờ mong và vòng tay yêu thương của mọi người. Ngài đã trở thành một vị thánh, một Đấng Sáng Lập Dòng Nữ Tỳ Thánh Tâm. Ngày 5 tháng 11 năm 2007, cháu gái đầu lòng của gia đình tôi cũng đã chào đời trong bầu khí ngột ngạt của sự hồi hợp xen lẫn sự lo sợ. Và cũng chính ngày 5 tháng 11 này đã xé toang bức màn sợ hãi để đón nhận một sự sống và một niềm hy vọng. Vượt trên tất cả, tôi tin rằng, vì lời cầu bầu của thánh Rafaela mà cháu tôi đã được mọi sự bình an.
Hôm nay, Dòng Nữ Tỳ Thánh Tâm Chúa Giê-su mừng sinh nhật thứ 165 của Thánh Rafaela, tôi muốn viết lại câu chuyện của cháu tôi như món quà mừng sinh nhật thánh nữ cũng như nói lên lòng tri ân vì lời cầu bầu của ngài làm đẹp lòng Chúa.
Năm 2007, được tin chị gái có em bé đầu lòng sau hơn hai năm chờ đợi, tôi vui lắm. Nhưng chưa trọn niềm vui thì lại nhận được hung tin “đứa bé trong bụng có thể sẽ bị bỏ đi”. Tai tôi như ù đi khi dòng tin trên email vẫn chưa đọc hết. Lấy lại bình tĩnh, tôi đọc lại email của chị thêm vài lần nữa để tin chắc là minh không bị cảm xúc đánh lừa. Đây đúng là tai ương. Chị bị lây bệnh thủy đậu từ học trò và nguy cơ thai nhi bị nhiễm bệnh là có thể. Qua nhiều lời khuyên, trong sợ hãi, chị lặng lẽ một mình đi siêu âm. Quả đúng như lời cảnh báo, kết quả siêu âm cho thấy, thai nhi có dấu hiệu dị dạng. Vì vậy, bác sĩ khuyên nên bỏ thai nhi.
Là vợ chồng trẻ, chị chưa sẵn sàng cả thể lý lẫn tinh thần để đón đứa con đầu lòng dị tật. Là người Công Giáo, chị không được phép phá thai vì chị hiểu rõ ràng rằng không ai có quyền tước đoạt quyền sống của người khác. Là một cô giáo, chị không cảm thấy mình xứng đáng đứng trên bục giảng dạy những đứa trẻ khi chị làm gương xấu. Hơn thế nữa, là một người mẹ, chị có thể giết chết đứa con đang sống trong cung lòng mình không? Tiếng nói lương tâm và trách nhiệm đang thách thức chị phải có một sự chọn lựa.
Với tôi, cảm giác bất lực thật kinh khủng. Tôi cũng không biết phải làm gì, chia sẻ gì khi mình ở quá xa, hay nói đúng hơn là suy sụp hoàn toàn. Tôi chỉ biết bám víu vào sự quan phòng của Thiên Chúa và tin vào sức mạnh của lời cầu nguyện. Tôi chỉ làm được như vậy.
Rồi tôi khuyên chị liên hệ với Sơ ở Dòng Nữ Tỳ Thánh Tâm Chúa Giê-su để xin sự hướng dẫn, đồng thời gặp cha xứ để được giúp đỡ. Tôi không biết những người này đã khuyên gì, hay nói gì với chị tôi. Nhưng chị biết rằng các Sơ đang đồng hành với chị qua việc liên lỉ làm Tuần Cửu Nhật với Thánh Rafaela cho hai mẹ con được vuông tròn. Vậy mà, kết quả cuối cùng vẫn là quyết định bỏ đứa bé. Các Sơ thất vọng lắm, nhưng vẫn không bỏ cuộc. Các Sơ cầu nguyện nhiều hơn và tin mạnh mẽ hơn vào lời cầu bầu của thánh Rafaela. Và phép lạ xảy ra cho những kẻ có lòng cậy trông.
Ngày chị đến bệnh viện để bỏ đi thai nhi có bên cạnh là ba mẹ tôi, anh trai và bạn bè, nhưng chồng chị không có mặt. Anh quá sợ hãi. Khi đang nằm đợi đến lượt mình, cô y tá bước vào chuẩn bị tiêm thuốc tê cho chị. Bất ngờ, chị từ chối và ngồi bật dậy rồi bảo với cô ý tá: “Em về. Con em có thế nào thì em cũng sẽ nuôi con.” Cô y tá chưa hiểu hết chuyện gì đang xảy ra thì chị cũng đã ra đến cửa nơi gia đình đang đợi. Ai cũng bật đứng dậy và tròn xoe mắt. Chị vừa khóc vừa nói lớn tiếng: “Đi về! Đi về!” Chẳng ai hiểu gì nhưng vẫn cứ chạy theo chị. Ba tôi là người cuối cùng bước theo ra khỏi bệnh viện trước khi kịp đập nát cái am đang cầm trên tay.
Những tháng còn lại trong bụng mẹ, thai nhi phá mẹ nhiều hơn như nóng lòng được chào đời để nhìn thấy ành mặt trời, trong khi đó ai ai cũng lo lắng lẫn hồi hợp. Ngày sinh cũng đến. Một bé gái dễ thương chào đời với đầy đủ các bộ phận của cơ thể. Chị tôi khóc òa cùng gia đình khi nhìn thấy đứa con đỏ hoãn của mình nguyên vẹn.
Vậy là đủ! Bà Elizabeth trong Tin Mừng đã tự nhủ “Chúa đã làm cho tôi như thế đó!” (Lc 1, 25) Chị tôi cũng đã thốt lên như vậy.
Đứa trẻ lớn lên mỗi ngày xinh đẹp, ngoan ngoãn và có nhiều năng khiếu về nghệ thuật. Gia đình chị luôn tin rằng, dù thầm lặng nhưng Thánh Rafaela đã bước vào gia đình chị bằng chính lời cầu bầu cùng Thiên Chúa. Thiên Chúa đã đoái nghe và thực hiện tình yêu của Ngài trên hài nhi bé bỏng này.
Cảm ơn thánh Rafaela. Cảm ơn món quà sự sống mà Ngài đã hiện diện và đồng hành trong thời gian khó khăn và thử thách nhất. Thánh nữ đã làm đẹp lòng Chúa qua lời cầu bầu của ngài thì xin thánh nữ tiếp tục cầu bầu cùng Chúa soi sáng và hướng dẫn những bậc cha mẹ đủ khôn ngoan để quyết định theo thánh ý Chúa. Và qua lời chuyển cầu của thánh nữ, xin Chúa chúc lành cho những gia đình hiếm muộn sớm có được những tiếng trẻ thơ trong gia đình họ.
Hãy xin thì sẽ được, tìm thì sẽ gặp và gõ thì sẽ mở cho.”  (Mt 7, 7)
Lê Đỗ Quyên, aci

February 28, 2015

Tôi Chọn

Chiều tối cuối năm định mệnh ấy!
Đến trưa hai mươi tám Tết, công ty tôi chính thức cho nhân viên nghỉ Tết. Tranh thủ mua thêm chút quà rồi ghé qua nhà trọ thu xếp đồ đạc để ra bến xe cho kịp giờ. Loay hoay mãi với đồ đạc và bao nhiêu món quà Tết lỉnh ca lỉnh kỉnh, tôi cũng vào được bên trong phòng vé để ngồi đợi đến giờ xe khởi hành về quê. Giữa biển người đang chen chúc nhau, những va quẹt nhau vì ai ai cũng giỏ to giỏ nhỏ, rồi tiếng nói cười xung quanh như làm tôi mất phương hướng. Nhưng cuối cùng, tôi cũng tìm được cho mình một chỗ ngồi hiếm hoi. Thở phào nhẹ nhõm, tôi bắt đầu tưởng tượng ra cảnh gia đình sum vầy với những ánh mắt tròn xoe của mấy đứa cháu khi được quà, nụ cười ông bà và những lời thăm hỏi của ba mẹ và anh chị làm tôi chợt nhớ ra từ trưa đến giờ chưa có gì trong bụng cả. Tôi nhìn quanh tìm xem có ai tin cẩn để gởi đồ mà đi mua ít thức ăn lót dạ. À, ba dãy ghế phía trước tôi có một người trông dáng rất giống một nữ tu. Vậy là tôi đánh liều đến hỏi thăm và có ý gởi nhờ đồ. Linh tính tôi thật đúng. Đó là một nữ tu.
Năm ba bảy chuyện với Sơ thì mới biết Sơ đang dạy học ở trường tình thương dành cho các trẻ em nhập cư cũng như đang sinh hoạt với các bạn sinh viên Công Giáo. Cứ vậy, câu chuyện giữa hai chúng tôi tiếp tục làm tôi quên mất mục đích chính của mình là gởi đồ để đi mua thức ăn. Hiểu được mục đích của tôi, Sơ đưa cho tôi phần thức ăn đi đường của Sơ và bảo tôi dùng. Được ăn đồ ăn của các Sơ, tôi cảm giác như mình đang ăn đồ thánh. Tôi nhận ngay và không ngớt lời cảm ơn. Rồi chúng tôi tiếp tục câu chuyện đi tu của Sơ. Đang đến phần ly kỳ nhất thì nhà xe thông báo lên xe. Tôi phải chào Sơ trong luyến tiếc và vẫn muốn được nghe phần sau câu chuyện đi tu của Sơ. Nhưng đành chịu vậy.
Đang ổn định chỗ ngồi của mình, tôi nghe tiếng ai đó gọi tên tôi. Quay lại nhìn thì ra là Sơ. Tôi ngạc nhiên vì mình đã mang hết đồ lên xe rồi mà, nhưng không, Sơ gởi cho tôi tờ rơi về Dòng của Sơ và nhắn tôi rằng Sơ rất vui nếu được gặp lại tôi. Như mở cờ trong bụng vì nghĩ mình sẽ được nghe tiếp câu chuyện của Sơ, tôi gật đầu đồng ý ngay.
Một cái Tết bên người thân và bạn bè cũng qua đi. Tôi trở lại thành phố để làm việc. Tất bật đầu năm làm tôi cũng quên bẵng đi lời hứa của mình. Hơn tháng sau, mẹ gọi điện thoại hỏi tôi: “Con dự tính đi tu à?” Tôi ngạc nhiên lắm, nhưng cũng hỏi lại: “Sao mẹ lại hỏi vậy?” Mẹ bảo: “Hôm nay xếp ít đồ con còn để lại đây để gửi vào cho con, Mẹ thấy có tờ rơi của Dòng Nữ Tỳ Thánh Tâm trong tủ quần áo của con.” Tôi aha thật to rồi cười bảo: “Mẹ nghĩ sao mà con đi tu!” nhưng không quên nhờ mẹ gởi tờ rơi vào cho tôi.
Theo số điện thoại trên tờ rơi, tôi liên lạc với Sơ. Chúng tôi gặp nhau ở trường tình thương nơi Sơ đang làm việc. Nơi đây, tôi gặp nhiều bạn trẻ khác như tôi đang giúp cho các em học sinh kém may mắn này với sự yêu thương và niềm vui. Tôi trộm nghĩ: “Cuộc đời này có nhiều người trẻ dám sống cho người khác vậy sao? Họ thật là vĩ đại.” Tôi cũng muốn giống như các bạn trẻ này, nhưng tôi vẫn còn có công việc ở công ty???
Thế nhưng, tôi không hiểu trường tình thương này có gì đó giữ chân tôi nên tôi tìm lý do để đến thường xuyên hơn. Tôi tin chắc rằng đó là những giờ chầu thánh thể cùng cộng đoàn của Sơ, cũng như những ánh mắt thơ ngây của những đứa trẻ kém may mắn này đã níu chân tôi lại. Và khi ra về lòng tôi luôn là niềm vui ngập tràn vì cảm nhận ý nghĩa thực sự của cuộc đời, khi tôi dám cho đi một chút hy sinh bé nhỏ của mình là thời gian và sự hiện diện của mình với các em.
Tôi chọn!
Tôi chọn nơi cho tôi cảm nhận được lý do của cuộc sống.

Tôi cảm tạ Chúa cho buổi chiều tối hai mươi tám Tết của mười sáu năm trước để tôi hôm nay được là người Nữ Tỳ Thánh Tâm Chúa Giê-su và sẽ mãi mãi là.


Lê Đỗ Quyên, aci

February 23, 2015

Tôi Có Quyền ...?

“Sự thành công, xe cộ, nhà cửa, là những thứ mà tôi nghĩ đã đem hạnh phúc đến cho tôi. Nhưng tôi đã sai.”

Richard Teo Keng Siang, sinh năm 1972, là một bác sĩ giải phẫu thẩm mỹ, rất ham sống, ham làm việc và … ham làm giàu. Năm 40 tuổi, anh đã thành một nhà triệu phú. Một ngày, anh khám phá ra mình bị ung thư phổi đã tới thời kỳ thứ tư. Chính biến cố cuộc đời này đã giúp anh nhận ra chân lý cuộc sống: Tôi đang tìm kiếm điều gì? Cuộc đời tôi sẽ đi về đâu? Điều gì đang chờ đợi tôi?
Sau đây là chia sẻ về nói chuyện với các sinh viên Nha Khoa diễn ra ngày 19/1/2012, tám tháng sau khi anh biết mình đã bị ung thư (một số đoạn bị cắt).
Từ lúc trẻ, tôi là một sản phẩm đặc trưng của xã hội ngày nay, một sản phẩm khá thành công mà xã hội đòi hỏi. Hồi nhỏ tôi lớn lên trong một gia đình có mức sống dưới mức trung bình. Tôi được bảo ban bởi người chung quanh và môi trường rằng thành công thì hạnh phúc. Thành công có nghĩa là giàu có. Với suy nghĩ này, tôi trở nên cực kỳ ganh đua ngay từ nhỏ.
Không những chỉ cần đi học ở trường giỏi, tôi cần phải thành công trong mọi lĩnh vực, từ các hoạt động tập thể đến chạy đua, mọi điều. Tôi cần phải đoạt được cúp, phải thành công, phải được giải, giải quốc gia, mọi thứ. Tôi rất ganh đua. Tôi vào trường y và trở thành bác sĩ. Chắc một số em biết rằng trong ngành y, giải phẫu mắt là một trong những chuyên khoa khó vào nhất. Tôi cũng vào được và được học bổng nghiên cứu của NUS (National University of Singapore – ĐH Quốc gia Singapore) phát triển tia laser để chữa bệnh mắt.
Trong khi nghiên cứu, tôi có hai bằng phát minh, một về dụng cụ y khoa và một về tia lasers. Nhưng các em có biết không, tất cả các thành tựu này không mang lại cho tôi sự giàu có. Sau khi học hoàn tất, tôi quyết định rằng theo đuổi ngành phẫu thuật mắt mất quá nhiều thời gian trong khi ra ngoài làm tư kiếm được nhiều tiền hơn. Nếu các em để ý, vài năm qua, ngành thẩm mỹ đang lên, kiếm được khối tiền. Vì vậy, tôi quyết định bỏ ngành giải phẫu mắt giữa chừng và nhảy qua mở trung tâm giải phẫu thẩm mỹ trong tỉnh.
Các em có biết, rất mâu thuẫn, một người có thể không vui vẻ khi trả 20 đôla Mỹ cho một bác sĩ tổng quát, nhưng cũng chính người đó không ngần ngại trả 10 nghìn đôla Mỹ để hút mỡ bụng, 15 nghìn đôla Mỹ cho sửa ngực … Không cần phải suy nghĩ nhiều, phải không? Tại sao lại muốn thành bác sĩ tổng quát mà không là bác sĩ thẩm mỹ? Do vậy, thay vì chữa bệnh, tôi quyết định trở thành người sửa sắc đẹp.
Công việc làm ăn rất khấm khá. Bệnh nhân mới đầu chờ đợi một tuần, rồi 3 tuần, sau lên một tháng, hai tháng, đến ba tháng. Quá nhiều bệnh nhân. Tôi choáng váng. Tôi thuê một bác sĩ, hai bác sĩ, ba bác sĩ, rồi bốn bác sĩ. Chỉ trong vòng năm thứ nhất, chúng tôi đã lên hàng triệu phú. Nhưng chẳng thế nào là đủ vì tôi trở nên mê muội. Tôi bắt đầu khuếch trương tới Nam Dương, thu hút các “tai-tais” (tiếng dùng để chỉ các bà mệnh phụ nhiều tiền không đi làm) những người muốn có cuộc giải phẫu trong chớp mắt. Cuộc sống thật lên hương.
Tôi làm gì với mớ tiền dư thừa? Cuối tuần tôi tiêu khiển ra sao? Thông thường tôi đến tụ tập tại câu lạc bộ đua xe hơi. Tôi sắm riêng cho tôi một chiếc xe đua. Chúng tôi đến Sepang ở Malaysia và đua xe. Cuộc sống của tôi là thế đó.
Tôi làm gì sau khi có chiếc xe? Đến lúc mua nhà, xây cửa. Chúng tôi bắt đầu tìm kiếm đất để xây nhà nghỉ mát. Tôi đã sống cuộc đời như thế nào? Chúng tôi nghĩ rằng phải cần hòa nhập với những người giàu có, nổi tiếng. Chúng tôi bắt đầu giao tiếp với mỹ nhân, người giàu sang và danh tiếng, như hoa hậu thế giới hay người sáng lập mạng Internet, ăn uống ở mọi nhà hàng kể cả nhà hàng nổi tiếng của đầu bếp Michelin.
Tôi đã có được mọi thứ trong cuộc sống, đến tột đỉnh của sự nghiệp và tất cả. Đó là tôi của một năm trước đây. Lúc ở trong câu lạc bộ thể thao, tôi nghĩ tôi đã chế ngự được mọi chuyện và đạt đến đỉnh vinh quang. Nhưng tôi lầm. Tôi không chế ngự được mọi chuyện. Khoảng tháng ba năm ngoái, đột nhiên tôi bắt đầu bị đau lưng. Tôi nghĩ chắc tại tôi thường vận động manh. Tôi đi đến SGH (Singapore General Hospital: Bệnh viện chính của Singapore) và nhờ bạn học làm MRI (phương pháp tối tân soi chụp hình bộ phận trong người để chẩn bệnh) để xem chắc là không bị trật đốt sống hay thứ nào khác. Tối hôm đó, anh ta gọi tôi và cho biết tủy sống thay đổi trong cột sống của tôi. Tôi hỏi như thế nghĩa là sao? Tôi biết nó có nghĩa như thế nào nhưng không thể chấp nhận sự thật.
Ngày hôm sau chúng tôi có nhiều khám nghiệm hơn và họ tìm thấy tôi đang ở giai đoạn thứ tư của ung thư phổi. Ung thư đã lan tới não, cột sống và nội tuyến. Các em biết, có lúc tôi hoàn toàn nghĩ mình đã chế ngự được tất cả, đã đạt đến tột đỉnh của cuộc sống, nhưng kế đó, tôi mất tất cả. Tôi được cho biết, ngay cả với hóa trị, tôi cũng chỉ còn được ba đến bốn tháng tối đa. Cuộc sống tôi bị nghiền nát.
Điều mâu thuẫn là mọi thứ tôi có được – sự thành công, cúp thưởng, xe cộ, nhà cửa, tất cả những thứ mà tôi nghĩ đã mang hạnh phúc đến cho tôi; khi tôi xuống tinh thần, tuyệt vọng, chúng lại không mang đến cho tôi niềm vui. Tôi chẳng thể ôm chiếc xe hơi đắt tiền mà ngủ. Chúng không mang lại một sự an ủi nào trong những tháng cuối cùng của cuộc đời tôi. Vậy mà tôi đã tưởng những thứ này là hạnh phúc; không phải vậy. Và những thứ tôi sở hữu, đáng lý ra mang lại hạnh phúc, nhưng không, tôi đã chẳng cảm thấy vui khi nghĩ đến.
Khi tôi bằng tuổi các em, tôi ở khu King Edward VII. Tôi có một người bạn khá lạ lùng đối với tôi. Cô ta tên là Jennifer. Chúng tôi vẫn là bạn thân của nhau. Khi chúng tôi thả bộ, nếu cô ta thấy một con ốc sên trên đường, cô ta sẽ nhặt nó lên và đặt lại trong thảm cỏ. Tôi thắc mắc tại sao phải làm như thế? Tại sao phải để bẩn tay? Chỉ là một con ốc sên. Sự thật là cô ấy đã thấy được nguy cơ con ốc có thể bị đạp nát chết. Đối với tôi, nếu không tránh đường thì đáng bị đạp nát, chỉ là luật tự nhiên thôi. Đối ngược nhau quá, phải không?
Tôi được huấn luyện thành bác sĩ để có từ tâm, đồng cảm. Nhưng tôi không có. Sau khi tốt nghiệp y khoa, tôi làm việc ở khoa ung thư tại NYH. Hàng ngày, tôi chứng kiến cái chết trong khoa ung thư. Tôi nhìn thấy tất cả đau đớn mà bệnh nhân phải chịu đựng. Tôi thấy tất cả các thuốc giảm đau, và họ cứ vài phút phải bấm vào người. Tôi thấy họ vật lộn với hơi thở cuối, thấy tất cả. Nhưng đây chỉ là một công việc. Tôi đến bệnh xá mỗi ngày lấy máu, cho thuốc nhưng bệnh nhân có “thật” đối với tôi không? Không. Tôi chỉ làm công việc và nóng lòng về nhà để làm việc riêng của mình.
Và thật ra, không có gì sai trái với thành công, giàu có, tuyệt đối không gì sai trái. Điều phiền toái duy nhất là nhiều người chúng ta, như bản thân tôi, không thể kiềm chế được.
Tại sao tôi nói như vậy? Bởi vì càng tích tụ, càng có nhiều, tôi lại muốn nhiều hơn. Càng ham muốn, tôi càng trở nên mê muội. Như tôi đã đề cập trước đây, tôi muốn sở hữu nhiều hơn, đạt tới đỉnh vinh quang như xã hội muốn đào tạo chúng ta. Tôi trở nên mê muội đến nỗi mà chẳng còn việc gì thành vấn đề đối với tôi nữa. Bệnh nhân chỉ là một nguồn lợi tức và tôi vắt cạn từng xu từ họ.
Nhiều khi chúng ta quên đi mình cần phục vụ ai. Chúng ta lầm lạc đến nỗi chẳng phục vụ ai cả ngoài chính mình. Điều đó đã xảy ra với tôi. Dù là ở y hay nha khoa, tôi có thể nói với các em ngay bây giờ rằng, trong khi khám bệnh, đôi khi chúng ta khuyên bệnh nhân chữa trị bệnh không hẳn có, không rõ rệt và ngay cả khi không cần thiết.
Ngay tại thời điểm này, tôi biết ai là bạn tôi, chân thành lo lắng cho tôi và ai chỉ muốn làm tiền tôi bằng cách bán buôn “hy vọng” cho tôi. Chúng ta đánh mất lương tâm vì chúng ta chỉ muốn kiếm tiền.
Về số lượng bệnh nhân, dù ở bệnh viên công hay tư. Tôi có thể kể cho các em nghe, khi tôi làm trong bệnh viện, với tập hồ sơ bệnh lý, tôi chỉ muốn làm cho xong càng nhanh, càng tốt. Tôi chỉ muốn họ ra khỏi phòng khám bệnh của tôi càng nhanh, càng tốt vì có quá nhiều bệnh nhân. Thực tế là vậy. Đây chỉ là một công việc, một công việc thường nhật. Lúc đó, tôi có thật sự biết về cảm xúc của bệnh nhân của tôi như thế nào không? Không. Sự sợ hãi, nỗi lo âu của họ, tôi có thật sự hiểu điều gì họ đang trải qua không? Không, mãi cho đến khi sự cố xảy ra với tôi. Tôi nghĩ rằng đây là một lỗi lầm lớn nhất trong xã hội của chúng ta.
Chúng ta được huấn luyện để trở thành lương y, nhưng chúng ta không cảm được cho bệnh nhân. Tôi không đòi hỏi các em phải xúc động, vì như vậy cũng không chuyên nghiệp, mà chỉ hỏi chúng ta có thật sự cố gắng tìm hiểu nỗi đau đớn của họ không? Phần lớn là không, tôi có thể chắc chắn như vây. Do đó, tôi thử thách các em luôn đặt mình vào cương vị của bệnh nhân.
Các em có cả tương lai sáng lạn phía trước với tất cả tài năng và nhiệt huyết. Tôi thử thách các em, ngoài bệnh nhân của mình, hiểu thêm rằng có nhiều người ngoài kia đang thật sự đau đớn, thật sự khó khăn, đừng nghĩ rằng chỉ có người nghèo mới phải khổ. Điều này không đúng. Những người nghèo khó vốn sẵn không có gì, họ dễ dàng chấp nhận. Do đó, họ hạnh phúc hơn các em và tôi. Nhưng có nhiều người đang đau khổ về tâm thần, thể xác, tình cảm, vật chất…
Họ có thật. Chúng ta lựa chọn làm lơ hoặc chúng ta không muốn biết đến sự hiện hữu của họ. Do đó đừng quên, khi các em được thành danh, hãy với tay đến những người cần sự giúp đỡ. Bất cứ việc gì các em làm điều có thể mang đến sự khác biệt lớn cho họ. Bây giờ tôi ở vị trí của người tiếp nhận, tôi hiểu rõ, thấy khác khi có người thật sự chăm lo, khuyến khích mình. Nhờ vậy mà tôi vẫn có thể nói chuyện với các em hôm nay.
Trong cuốn sách có tựa đề là “Những ngày thứ ba với Morris”. Có lẽ một số các em đã đọc cuốn này. Mọi người đều biết rằng sẽ có ngày phải chết, chúng ta ai cũng biết như vây. Nhưng sự thật, không ai tin, vì nếu tin chúng ta đã sống một cách khác. Khi tôi phải đối diện với cái chết, tôi lột bỏ mọi thứ, chỉ tập tung vào thứ thiết yếu. Thật trái ngược rằng, chỉ khi sắp chết thì mình mới biết nên sống như thế nào. Tôi biết điều này nghe qua trông thật mơ hồ, nhưng đó là sự thật và tôi đang trải qua.
Đừng để xã hội bảo ban các em cách sống!
Đừng để môi trường bắt các em phải làm gì!
Điều này đã xảy ra cho tôi. Tôi tưởng như vậy là hạnh phúc. Tôi hy vọng các em suy nghĩ lại và sẽ tự quyết định cuộc sống của chính các em. Không phải do người khác bảo ban mà là các em quyết định, sống cho mình hay mang đến sự tốt đẹp cho đời sống của người khác. Hạnh phúc thật sự không có được khi chỉ sống cho mình. Sự thật không như tôi đã tưởng.Tôi xin tóm lược, trong cuộc sống, chúng ta biết sắp xếp thứ tự trước sau càng sớm, càng tốt.
Đừng giống như tôi. Tôi không còn cách nào khác và đã phải trả giá đắt cho bài học này.
Sưu Tầm


 
Back to Top