Lắng Nghe và Đáp Trả

Khiêm Nhu

Tình Yêu Trọn Vẹn

Giản Dị nhưng Tinh Khiết

Hy Sinh

An Lạc, Trọn Vẹn và Khiêm Tốn

Bình Dị, Thân Thương và Chân Quê

Đẹp Thanh Cao, Tinh Khiết

Tình Yêu Cao Đẹp và Trong Sáng

October 31, 2013

Người Pharisêu nhân hậu

SUY NIỆM LỜI CHÚA
Thứ Năm 31/10/2013
Bài đọc 1: Rm 8, 31b – 39
Thưa anh em, có Thiên Chúa bênh đỡ chúng ta, ai còn chống lại được chúng ta? Đến như chính Con Một, Thiên Chúa cũng chẳng tiếc, nhưng đã trao nộp vì hết thảy chúng ta. Một khi đã ban Người Con đó, lẽ nào Thiên Chúa chẳng rộng ban tất cả cho chúng ta? Ai sẽ buộc tội những người Thiên Chúa đã chọn? Chẳng lẽ Thiên Chúa, Đấng làm cho nên công chính? Ai sẽ kết án họ? Chẳng lẽ Đức Giêsu Kitô, Đấng đã chết, hơn nữa đã sống lại và đang ngự bên hữu Thiên Chúa mà chuyển cầu cho chúng ta?
Ai có thể tách chúng ta ra khỏi tình yêu của Đức Kitô? Phải chăng là gian truân, khốn khổ, đói rách, hiểm nguy, bắt bớ, gươm giáo? Như có lời chép: Chính vì Ngài mà mỗi ngày chúng con bị giết, bị coi như bầy cừu để sát sinh..
Nhưng trong mọi thử thách ấy, chúng ta toàn thắng nhờ Đấng đã yêu mến chúng ta.
Đúng thế, tôi tin chắc rằng: cho dầu là sự chết hay sự sống, thiên thần hay ma vương quỷ lực, hiện tại hay tương lai, hoặc bất cứ sức mạnh nào, trời cao hay vực thẳm hay bất cứ một lại thọ tạo nào khác, không có gì tách được chúng ta ra khỏi tình yêu của Thiên Chúa thể hiện nơi Đức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta.
Tin Mừng: Lc 13, 31 – 35
Một hôm, tại Giêrusalem, có mấy người Pharisêu đến thưa Đức Giêsu rằng: “Xin ông ra khỏi đây, vì vua Hêrôđê đang muốn giết ông!” Người bảo họ: “Các ông hãy đi nói với con cáo ấy thế này: ‘Hôm nay và ngày mai tôi trừ quỷ và chữa lành bệnh tật, ngày thứ ba tôi hoàn tất. Tuy nhiên, hôm nay, ngay mai và ngày mốt tôi phải tiếp tục đi, vì một ngôn sứ mà chết ngoài thành Giêrusalem thì không được.’”
“Giêrusalem, Giêrusalem! Ngươi giết các ngôn sứ và ném đá những kẻ được sai đến cùng ngươi! Đã bao lần Ta muốn tập họp con cái ngươi lại, như gà mẹ tập họp gà con dưới cánh, mà các ngươi không chịu. Thì này nhà các ngươi sẽ bị bỏ mặc cho các ngươi. Mà Ta nói cho các ngươi hay: Các ngươi sẽ không còn thấy Ta nữa cho đến thời các ngươi nói: Chúc tụng Đấng ngự đến nhân danh Đức Chúa.”
Suy Niệm:

Xin ông ra khỏi đây, vì vua Hêrôđê đang muốn giết ông!
Hôm nay đọc đoạn Tin Mừng, chúng ta có thể nhận ra một điểm khác biệt mà có lẽ trước đây chúng ta ít khi được nghe đến – hình ảnh người Pharisêu. Đó là mỗi khi nói tới nhóm Pharisêu chúng ta nghĩ ngay đến những con người luôn đóng các vai diễn xấu xí trong xuyên suốt lịch sử Do Thái thời Chúa Giêsu. Nhưng hôm nay, hình ảnh Pharisêu bỗng nổi bật lên như một sự đột phá, bởi vì anh ta đã làm một việc tốt. Anh ta đã đến báo với Đức Giêsu đừng vào thành Giêrusalem lúc này vì vua Hêrôđê đang tìm cách hại Ngài.
Trước tiên chúng ta lượt qua những loại người Pharisêu mà trong các Phúc Âm đã mô tả. Họ là những thành phần rất khác nhau. Chẳng hạn, họ là người hay phô trương và kiêu hãnh với những việc mình làm. Bởi vì họ làm là để cho người khác biết sự tốt lành của mình, chứ không phải là vì người khác (Lc 18, 9 – 14). Hoặc là có những người Pharisêu luôn luôn trì hoãn công việc, mỗi lần được trao công việc, họ luôn tìm cách lẫn tránh (Lc 11, 29 – 32). Hoặc có những người Pharisêu rất bảo thủ và thiếu tôn trọng phụ nữ (Lc 7, 36 – 50). Khi ra đường họ tránh gặp phụ nữ đến mức tối thiểu. Thậm chí trong đám đông đó có thể có mẹ hoặc vợ trong đó. Cũng có những người Pharisêu bảo thủ đến mức khi ra đường gặp phụ nữ, họ chỉ muốn nhắm mắt lại nên không thấy đường và có khi đi đụng đầu vào tường đến chảy cả máu ra. Nhưng khi về nhà với cái đầu máu, họ lại vênh vang khoe khoang với cái công trạng đạo hạnh của mình. Cũng có những người Pharisêu nhác đảm, làm gì cũng sợ, nói thì hay lắm nhưng đụng tới chuyện là hú vía (Lc 17, 5 – 10). Cũng có những người Pharisêu giả hình giả bộ, nói một đường nhưng thực hành lại khác đi (Lc 18, 9 – 14). Nhưng hình ảnh người Pharisêu trong Tin Mừng hôm nay được trình bày với một gương mặt mới, một con người có lòng kính sợ Thiên Chúa. Đây là một nhóm nhỏ Pharisêu sống giới răn Chúa với lòng yêu mến.
Chúng ta đã lượt qua người con người Pharisêu trong hành trình cứu độ của Thầy Giêsu. Người muốn vào thành Giêrusalem để tập hợp những con chiên đang tản mác khắp nơi trở về một ràn, bất chấp mạo hiểm rình rập Ngài từng giây phút. Tất cả chỉ vì tình thương. Và thật vậy, thánh sử Luca đã miêu tả một hình ảnh Chúa Giêsu của tình thương và một người Pharisêu thánh đức với một gương sống truyền giáo khi được Đức Giêsu sai đi loan báo sự thật cho những người lòng chai dạ đá như Hêrôđê. Nhìn vào từng gương mặt của mỗi nhóm người Pharisêu, chúng ta tự hỏi mình rằng tôi thuộc nhóm người nào? Thái độ sống đó có mang đến niềm an bình và hạnh phúc trong cuộc sống hằng ngày của từng người chúng ta không? Nhìn để nhận ra, để giúp mình thay đổi, để phát triển và để lớn lên.

Ước mong mỗi người chúng ta ý thức rằng, chúng ta có thể đóng góp gì cho cuộc sống này dẫu là một chút, một chút thôi nhưng cũng đủ để tạo nên men nồng muối mặn cho đời.

October 30, 2013

Cửa hẹp!!!

SUY NIỆM LỜI CHÚA
Thứ Tư 30/10/2013
Bài Đọc 1Rm 8, 26-30
     Anh em thân mến, có Thánh Thần nâng đỡ sự yếu hèn của chúng ta. Vì chúng ta không biết cầu nguyện như thế nào cho xứng hợp. Nhưng chính Thánh Thần cầu xin cho chúng ta bằng những tiếng than khôn tả. Mà Đấng thấu suốt tâm hồn, thì biết điều Thánh Thần ước muốn. Bởi vì Thánh Thần cầu xin cho các thánh theo ý Thiên Chúa.
Nhưng chúng ta biết rằng những kẻ yêu mến Thiên Chúa, thì Người giúp họ được sự lành, họ là những người theo dự định của Chúa, được kêu gọi nên thánh. Vì chưng, những kẻ Chúa đã biết trước, thì Người đã tiền định cho họ nên hình ảnh giống Con Người, để Ngài trở nên trưởng tử giữa đoàn anh em đông đúc. Những ai Người đã tiền định, thì Người cũng kêu gọi; những ai Người đã kêu gọi, ?thì Người cũng làm cho nên công chính; mà những ai Người đã làm cho nên công chính, thì Người cũng cho họ được vinh quang.
Tin Mừng: Lc 13, 22-30
Khi ấy, Chúa Giêsu rảo qua các đô thị và làng mạc, vừa giảng dạy vừa đi về Giêrusalem. Có kẻ hỏi Người rằng: "Lạy Thầy, phải chăng chỉ có một số ít sẽ được cứu độ?" Nhưng Người phán cùng họ rằng: "Các ngươi hãy cố gắng vào qua cửa hẹp, vì Ta bảo các ngươi biết: nhiều người sẽ tìm vào mà không vào được. Khi chủ nhà đã vào đóng cửa lại, thì lúc đó các ngươi đứng ngoài mới gõ cửa mà rằng: 'Thưa ngài, xin mở cửa cho chúng tôi'. Chủ sẽ trả lời các ngươi rằng: 'Ta không biết các ngươi từ đâu tới'. Bấy giờ các ngươi mới nói rằng: 'Chúng tôi đã ăn uống trước mặt Ngài và Ngài đã giảng dạy giữa các công trường của chúng tôi'. Nhưng chủ sẽ trả lời các ngươi rằng: 'Ta không biết các ngươi từ đâu mà tới, hỡi những kẻ làm điều gian ác, hãy lui ra khỏi mặt ta'.
Khi các ngươi sẽ thấy Abraham, Isaac, Giacóp và tất cả các tiên tri ở trong nước Thiên Chúa, còn các ngươi bị loại ra ngoài, nơi đó các ngươi sẽ khóc lóc nghiến răng. Và người ta sẽ từ đông chí tây, từ bắc chí nam đến dự tiệc trong nước Thiên Chúa. Phải, có những người sau hết sẽ trở nên trước hết, và những người trước hết sẽ nên sau hết".
Suy Niệm:

Cửa hẹp là gì mà Chúa Giêsu đang nói với chúng ta bước vào trước khi quá muộn? Cửa hẹp là con đường dẫn đưa chúng ta đến với Chúa Giêsu. Chúa Giêsu luôn luôn mời gọi chúng ta làm mới lại cuộc đời và theo Ngài bước qua cửa hẹp.
Tất cả chúng ta đều biết rằng không có gì là tồn tại vĩnh cửu trong thế giới tạm bợ nào. Những gì chúng ta đang chiếm hữu có thể bị lấy đi bất cứ lúc nào, ngay cả cuộc sống của chúng ta có thể kết thúc một cách đột ngột bất cứ lúc nào. Nhưng trước khi tất cả những điều này xảy ra, Chúa Giêsu muốn chúng ta sống một cuộc sống xứng đáng trong mắt Ngài. Như vậy nếu tất cả kết thúc, chúng ta có thể vượt qua được cánh cửa hẹp và mãi mãi với Ngài trên quê trời.
    Chúng ta đang chờ mong điều gì lúc này đây? Hãy làm mới lại cuộc đời chúng ta và hãy tránh xa tội lỗi. Đây là điều Chúa Giêsu mời gọi chúng ta thực hiện. Điều này không dễ để thực hành bởi vì chúng ta quá quen thuộc với những sự cám dỗ và tội lỗi của thế gian này. Nhưng những thứ tạm bợ của thế giới này đã dẫn đưa chúng ta đến đâu? Nó dẫn chúng ta đến tội lỗi và từ chúng mang chúng ta xa Chúa.
Hãy cảnh giác!
Hãy nối kết lại với Thiên Chúa qua cửa hẹp.


October 29, 2013

Ba đấu bột và men

SUY NIỆM LỜI CHÚA
Thứ Ba 29/10/2013
Bài Ðọc I:  Ep 5, 21-33
       Anh em thân mến, anh em hãy phục tùng nhau trong sự kính sợ Ðức Kitô. Người vợ hãy phục tùng chồng mình, như đối với Chúa: vì chồng là đầu người vợ, như Ðức Kitô là đầu Hội Thánh: chính Người là Ðấng Cứu Chuộc thân thể mình. Nhưng như Hội Thánh phục tùng Ðức Kitô thể nào, thì người vợ cũng phục tùng chồng mình trong mọi sự như vậy.
      Hỡi những người làm chồng, hãy yêu thương vợ mình, như Ðức Kitô yêu thương Hội Thánh và phó mình vì Hội Thánh để thánh hoá Hội Thánh, khi Người dùng nước và lời hằng sống rửa sạch Hội Thánh, ngõ hầu bày tỏ cho mình một Hội Thánh vinh quang, không vết nhơ, không nhăn nheo, hay phải điều gì khác tương tự, nhưng thánh thiện và vẹn tuyền.
      Cũng thế, người chồng phải yêu thương vợ mình như chính thân mình. Ai yêu thương vợ mình, là yêu thương chính mình. Vì không ai ghét thân xác mình bao giờ, nhưng nuôi dưỡng và nâng niu nó, như Ðức Kitô đối với Hội Thánh: vì chúng ta là chi thể của thân xác Người, do xương thịt Người. "Bởi thế, người ta lìa bỏ cha mẹ mình mà kết hợp với vợ mình: và cả hai nên một thân xác". Mầu nhiệm này thật lớn lao, tôi muốn nói về Ðức Kitô và Hội Thánh. Dù sao, mỗi người trong anh em hãy yêu vợ như bản thân mình, còn vợ thì hãy kính sợ chồng.
Tin Mừng: Lc 13, 18-21
     Khi ấy, Chúa Giêsu phán rằng: "Nước Thiên Chúa giống như cái gì? Và Ta sẽ so sánh nước đó với cái gì? Nước đó giống như hạt cải mà người kia lấy gieo trong vườn mình. Nó mọc lên và trở thành một cây to, và chim trời đến nương náu trên ngành nó".
     Người lại phán rằng: "Ta sẽ so sánh Nước Thiên Chúa với cái gì? Nước đó giống như tấm men mà người đàn bà kia lấy bỏ vào ba đấu bột, cho tới khi tất cả khối đều dậy men".
Suy niệm:
Bài Tin Mừng hôm nay Chúa Giêsu dùng hình ảnh hạt giống gieo vào lòng đất và nắm men vùi vào ba thúng bột. Hình ảnh rất gần gũi và nhỏ bé như để nói lên một ý tưởng cao siêu. Chúng ta có thể thấy sự nhỏ bé, nhỏ bé ở chỗ một nắm men để được vùi vào ba thúng bột. Đó là một cái gì đó rất nhỏ bé, nhỏ bé lắm nhưng có thể thay đổi cả thúng bột. Hình ảnh này muốn nói lên sự mạnh mẽ mà Chúa Giêsu mời gọi mỗi người chúng ta cùng khởi đi từ căn nguyên của sự khiêm tốn, hết sức nhỏ bé của con người chúng ta. Con người hạn hẹp của chúng ta nhưng lại được mời gọi bước đi trong mạnh mẽ và tự tin. Cho dù nắm men ấy có thể thay đổi thúng bột một cách rất từ từ, nhưng bảo đảm sự chắc chắn. Biến đổi này, hoàn cảnh làm làm cho thúng bột ấy trở nên dậy men.
Người ta kể câu chuyện rằng trước đây Liên Xô cũ đã từng đưa dàn phóng tên lửa gần Cuba cạnh nước Mỹ. Cuba cách Mỹ khoảng 200 cây số. Và đây là hoàn cảnh người dân Mỹ rất lo sợ nguy cơ chiến tranh. Quốc hội và người dân Mỹ đều biểu quyết đánh Liên Xô. Với điều kiện và sức mạnh của Mỹ lúc bấy giờ thì chính phủ Mỹ tự tin mình có thể thắng Liên Xô. Nhưng Kenedy, tổng thống đương nhiệm lúc bấy giờ đã gởi một thông điệ đến người dân đại ý: “Khi đất nước lâm nạn, đồng bào có đứng lên đấu tranh không?”. Mọi người đều trả lời: “”. Trong thông điệp ấy có một câu nói rất bất hủ: “Đây không phải là lúc các bạn đòi hỏi đất nước phải làm gì cho các bạn, nhưng là lúc các bạn phải đặt câu trả lời tôi phải làm gì cho đất nước.” Qua thông điệp ấy và sức mạnh vũ bão của dân chúng, ai ai cũng muốn đánh như được thêm sinh khí để chuẩn bị cho cuộc chiến tranh chống lại Liên Xô.
Chúng ta quay trở lại hình ảnh ba hủ bột và nắm men. Đây là hình ảnh khởi đi từ bên trong chứ không phải từ bên ngoài. Đó là một sự đổi mới. Sự đổi mới ấy không phải là đổi mới một căn nhà, đổi mới một chiếc xe hơi, đổi mới một hoàn cảnh hay đổi mới trong một sự may rủi nào đó của cuộc sống này. Nhưng là sự đổi mới từ bên trong. Sự đổi mới ấy có thể là một sức mạnh ghê gớm để làm thay đổi tất cả chúng ta. Nhưng mặt khác, nắm men ấy không phải là cái gì nhợt nhạt không ai thấy, nhưng nó là một sức mạnh. Một sức mạnh khởi đi mà người ta có thể nói đó như là một gánh vàng. Người ta nói, tôn giáo như một gánh vàng. Trước gánh vàng ấy chúng ta có thể nhìn thấy nó thay đổi từng cá nhân, thay đổi cuộc sống, thay đổi cả xã hội này.
Cuộc sống này có thay đổi được hay không là tùy thuộc vào yếu tố cá nhân ấy. Và chính Thầy Giêsu chính là nắm men thay đổi cuộc đời này. Ngài mang lại bình an cho chúng ta, mang đến tình yêu và sự sống vĩnh cữu.
Ước mong rằng mỗi người chúng ta cũng được dậy men, dậy hàng ngày. Chúng ta sẽ nhìn thấy một cách thiếu kiên nhẫn sự chậm chạp, nhưng mang lại điều bền vững được nhận ra qua tình yêu và sự quan phòng của Thiên Chúa dành cho chúng ta.




October 28, 2013

Cái giá người Môn Đệ

SUY NIỆM LỜI CHÚA
Thứ Hai 28/10/2013
Kính Hai Thánh Simon và Giuđa Tông Đồ


Bài đọc: Ep 2, 19 – 22
Thưa anh em, anh em không còn phải là người xa lạ hay người tạm trú, nhưng là người đồng hương với các thánh, và là người nhà của Thiên Chúa, bởi đã được xây dựng trên nền móng là các Tông Đồ và ngôn sứ, còn đá tảng góc tường là chính Đức Ki-tô Giê-su. Trong Người, toàn thể công trình xây dựng ăn khớp với nhau và vươn lên thành ngôi đền thánh trong Chúa. Trong Người, cả anh em nữa, cũng được xây dựng cùng với những người khác thành ngôi nhà Thiên Chúa ngự, nhờ Thần Khí.
Tin Mừng:  Lc 6,12-19
Trong những ngày ấy, Đức Giê-su đi ra núi cầu nguyện, và Người đã thức suốt đêm cầu nguyện cùng Thiên Chúa. Đến sáng, Người kêu các môn đệ lại, chọn lấy mười hai ông và gọi là Tông Đồ. Đó là ông Si-mon mà Người gọi là Phê-rô, rồi đến ông An-rê, anh của ông; sau đó là các ông Gia-cô-bê, Gio-an, Phi-líp-phê, Ba-tô-lô-mê-ô, Mát-thêu, Tô-ma, Gia-cô-bê con ông An-phê, Si-mon biệt danh là Quá Khích, Giu-đa con ông Gia-cô-bê, và Giu-đa Ít-ca-ri-ốt, người đã trở thành kẻ phản bội. Đức Giê-su đi xuống cùng với các ông, Người dừng lại ở một chỗ đất bằng. Tại đó, đông đảo môn đệ của Người, và đoàn lũ dân chúng từ khắp miền Giu-đê, Giê-ru-sa-lem cũng như từ miền duyên hải Tia và Xi-đon đến để nghe Người giảng và để được chữa lành bệnh tật. Những kẻ bị các thần ô uế quấy nhiễu cũng được chữa lành. Tất cả đám đông tìm cách sờ vào Người, vì có một năng lực tự nơi Người phát ra, chữa lành hết mọi người.
Suy Niệm:
Hôm nay Giáo Hội mừng kính lễ hai Thánh Simon và Giuđa Tông Đồ. Xét về truyền thống trải dài, tiểu sử cả hai vị này ít có được sự chỉ dẫn nào để chúng ta có thể hiểu biết thấu đáo về con đường hoạt động tông đồ cũng như là về đời sống của các ngài.
Trước hết, lược sử về thánh Simon Tông Đồ hay còn được gọi là Simon Nhiệt Thành. Chỉ nghe đến cái tên chúng ta đã cảm nhận đây là một con người hết sức đam mê, nhiệt huyết và trưởng thành trong sứ vụ rao giảng Tin Mừng. Nếu nói đến Simon Nhiệt Thành, chúng ta phải nhớ đến đây là người tham gia vào nhóm Ái Quốc Quá Khích. Bởi vì ngài muốn đấu tranh cho dân tộc mình và chống lại sự thống trị của Rôma thời bấy giờ. Nhưng thay vì chỉ hạn chế mình trong việc đấu tranh bảo vệ quyền lợi trần thế, ngài được mời gọi tiến một bước xa hơn, đấu tranh cho nước trời. Nói đến Simon Nhiệt Thành, người ta nghĩ ngay đến sự hiện diện của Chúa Giêsu và Đức Maria trong tiệc cưới Cana năm xưa. Chữ Cana tự  nó đã có ý nghĩa là Nhiệt Thành. Trong buổi tiệc cưới đó, ngài đã chứng kiến Chúa Giêsu làm phép lạ nước hóa thành rượu. Từ đó có nhiều nguồn cho rằng, ngài đã bỏ tất cả và theo thầy Giêsu với tất cả niềm đam mê mang Chúa đến cho tha nhân. Ngài đã từng truyền giáo trên mảnh đất Ba Tư là nơi mà cũng chính Thánh Giuđa cũng đã đến truyền giáo và tử đạo.
Còn nói đến thánh Giuđa Tông Đồ, ngài thường hay bị lẫn lộn với Giuđa người đã từng phản bội Chúa, là ông Giuđa Iscariot. Giuđa Tông Đồ còn có một cái tên thân thương khác – Giuđa Trung Kiên hay Tađêô hoặc Giuđa Tađêô. Bởi vì ông đã trung thành với sứ vụ rao giảng của mình cho đến hơi thở cuối cùng. Chúng ta biết đến ngài như là tác giả của chính bức thư ngài đã viết và ký tên Giuđa Tông Đồ. Ngài đã vâng theo tiếng gọi Giêsu và đi theo. Ngài đã từng đến mảnh đất Ba Tư. Cũng có người cho rằng ngài đã từng đến Phi Châu. Nhưng nguồn ngài đã đến Ba Tư thì xác đáng hơn cả. Đi đến đâu ngài cũng rao giảng về Ngôi Lời Nhập Thể và làm nhiều phép lạ nhân danh Đức Giêsu Kitô. Và ngài cũng đã tử đạo ở đây.
Như vậy, thánh Simon va Giuđa là hai vị được mừng kính trong ngày hôm nay có lẽ vì hai vị đã hợp tác loan truyền nước Thiên Chúa trên mảnh đất Ba Tư này. Các ngài đã sống, làm việc và để lại ấn tượng tốt cho người dân Ba Tư. Vì vậy, các ngài đã lôi kéo hàng chục ngàn người trở về với Chúa. Đó là sứ vụ cao cả mà các ngài đã làm được. Các ngài còn làm nhiều phép lạ nhân danh Đức Giêsu mà người ta phải nhắc đến bằng chính sự nhiệt thành rất đáng cho chúng ta ngưỡng mộ và tôn vinh.

Rồi biết đâu, qua gương sống của các ngài, chúng nhìn nhận lại đời sống của mình và những góc cạnh khác nhau của cuộc sống để sống lạc quan, tin tưởng hơn vào cuộc sống chúng ta đang đối diện dường như khó khăn và khốn khổ từng ngày. Và rồi cho dù cuộc sống như thế nào chăng nữa, chúng ta vẫn có niềm tin, lòng trông cậy vào lòng thương xót của Thiên Chúa.

October 22, 2013

Từ đó, vâng từ đó ...

Em phải chọn giữa một người đàn ông đang chờ em đồng ý để tiến tới hôn nhân và Giêsu, Người đã mang lại cho em sự an bình...
Tất cả bắt đầu bởi một bộ phim!
Em chỉ biết và có ý tưởng về các Sơ cũng như đời tu khi còn là một cô bé lớp ba hay lớp bốn gì đó. Nói là biết các Sơ nhưng thật ra không phải ở ngoài đời bằng xương bằng thịt, nhưng qua một bộ phim trên tivi. Đó là câu chuyện của một Sơ được gởi đi phục vụ ở Châu Phi qua các công việc giúp đỡ người nghèo, chăm sóc người già neo đơn và chia sẻ các công việc tốt lành khác. Sự hiện diện của Sơ mang lại niềm vui và sự đoàn kết cho mọi người ở ngôi làng xa xôi hẻo lánh đó.
Phim kết thúc, lòng em nao nao một điều ước khó tả. Những hình ảnh về nữ tu kia lẩn quẩn trong tâm trí một đứa bé như em, rồi bật ra thành lời với mẹ: “Mẹ ơi, sau này lớn lên con sẽ làm những công việc giống bà Sơ trong phim.” Em ấp ủ ước mơ này bằng việc cố gắng học thật tốt trở thành đứa con ngoan trò giỏi. Cuối cùng, phần thưởng cho những tháng năm chuyên chăm miệt mài bên đèn sách là em học xong đại học và ra trường với tấm bằng danh dự. Ước mơ năm xưa vẫn còn đó. Cơm áo gạo tiền cần phải được giải quyết tức thời. Rồi em chọn đi làm việc ở nước ngoài để kiếm tiền phụ giúp gia đình. Ở đó, em vẫn giữ thói quen tham dự thánh lễ ngày Chúa Nhật và phục vụ trong các hoạt động của giáo xứ và ca đoàn. Những ngày cuối tuần, em tìm đến các trung tâm xã hội của các Sơ giúp chăm sóc các cụ già bị bỏ rơi. Đôi lúc, em đơn sơ suy nghĩ: “Biết đâu đây là các Sơ trong phim đã đến đây làm sứ vụ”.
Sau những ngày tháng rong ruổi nơi xứ người, em tìm được công việc ổn định nơi quê nhà. Em tiếp tục hăng say dấn thân trong các công việc nhà Chúa như khi còn ở xa quê hương. Em tập cho mình thói quen viếng Thánh Thể Chúa mỗi ngày và đặc biệt hơn là mỗi thứ sáu đầu tháng. Trước Thánh Thể em luôn cảm thấy mình thật nhỏ bé trước tình yêu biển trời của Thiên Chúa.
Những cảm nghiệm thiêng liêng thay đổi tương quan của em đối với Thiên Chúa. Sự hiện diện của Ngài trong đời em thật sống động. Em như có thêm năng lượng để làm việc hăng say. Mệt mỏi được thay bằng niềm vui dấn thân. Bạn bè không hiểu và cho em là đứa bất thường khó hiểu, dở hơi không có việc gì làm. Mặc kệ suy nghĩ của họ, em hăng say phục vụ và trở thành thói quen từ lúc nào mà chính em cũng không hay. Mỗi tháng nhận lương, em trích một phần nhỏ đóng góp vào công việc nhà Chúa như một cách thể hiện lòng biết ơn. 
Một lần kia, cô bạn trong ca đoàn rủ em tham dự buổi tĩnh tâm Định Hướng Ơn Gọi được tổ chức ở Giáo Xứ. Đây là một hoạt động quy tụ nhiều Dòng tu đến chia sẻ ơn gọi và đặc sủng. Thoáng chút do dự nhưng cuối cùng em gật đầu đồng ý. Cái ngày đáng nhớ đó thay đổi cuộc đời em. Em cảm thấy sự hiện diện của Thiên Chúa thật sống động trong các tu sĩ nam nữ qua các sắc phục khác nhau cũng như cách tiếp cận. Đáng nhớ hơn là các Sơ Dòng Nữ Tỳ Thánh Tâm Chúa Giêsu hướng dẫn cả nhóm cầu nguyện dùng trí tưởng tượng thật thú vị. Em miên man trong tình yêu Chúa.
Một buổi tối nọ, em đi đổi bầu không khí. Rảo bước dọc bãi biển lắng nghe tiếng sóng vỗ rì rào trong không gian tĩnh mịch, tâm hồn em miên man. Cầm cuốn sách Kinh Thánh trên tay, em mở ra đọc và đắm chìm mình trong sự yêu thương của Chúa qua từng lời từng chữ trong kinh thánh. Chúa hứa rằng Ngài sẽ gìn giữ em, gia đình em và những người thân của em. Ngài mời em bước theo Ngài. Từng lời yêu thương và sự hiện diện đó đã chiến thắng nỗi sợ hãi trong em.
Và em đã nói tiếng XIN VÂNG!
Được thôi thúc, em đến thăm cộng đoàn các Sơ Dòng Nữ Tỳ Thánh Tâm Chúa Giêsu. Sự chào đón qua những nụ cười thân thiện của các Sơ giúp em giảm bớt sự căng thẳng cho dù có một chút lo lắng hiện hiện trên khuôn mặt em. Trong nhà nguyện của các Sơ, hình ảnh Chúa Giêsu Thánh Thể được đặt giữa bàn thờ đã lay động trái tim em và làm em quên đi những lo lắng đó. Em quyết định xin ở lại với các Sơ vài ngày để lắng nghe lời mời gọi rõ ràng hơn. Cuối cùng, em chọn theo Ngài với cả sự tự tin và xác tín rằng giấc mơ năm xưa của em chính là giấc mơ mà Thiên Chúa đã cố ý đặt vào cuộc đời em. Ngài muốn em biến giấc mơ ấy thành thực hiện, không phải qua chiếc đũa thần kỳ diệu nhưng qua những biến cố cụ thể trong đời mà em sẽ đồi diện trên hành trình theo Chúa.



October 15, 2013

Chờ Con

Ngài thật kiên nhẫn trong khi tôi vẫn còn mãi loay hoay giữa những chọn lựa. Nhưng tôi tin rằng điều gì thuộc về Chúa thì sẽ mãi mãi là của Ngài.
Được sinh ra trong một gia đình mưu sinh bằng nghề buôn bán, không ai nói tôi cũng phải tự hiểu mình sẽ kế nghiệp gia đình. Nhưng dự tính của con người khác với kế hoạch Thiên Chúa.
   
Là cô gái quê lạc lõng giữa đất Sài Thành tấp nập, bon chen trong những ngày đầu xa nhà để thực hiện ước mơ trở thành cô giáo ngoại ngữ. Xác định rõ mục đích của mình nên tôi hạn chế tham gia các sinh hoạt bạn bè. Ngược lại tôi thích đến thăm và chơi với các em nhỏ ở một ngôi trường tình thương gần nhà trọ. Nơi đây, tôi gặp một Sơ Dòng Nữ Tỳ Thánh Tâm Chúa Giêsu vào ngày lễ Đức Mẹ Vô Nhiễm Nguyên Tội. Chúng tôi trò chuyện, trao đổi với nhau kinh nghiệm sinh viên sống xa nhà cũng như những câu chuyện đầy thú vị về Dòng và về Thánh Rafaela Maria, Đấng Sáng Lập Dòng. Trước khi chia tay, Sơ gởi cho tôi một tấm thiệp nhỏ với địa chỉ liên lạc. Mới nhìn cũng thấy hay hay nhưng chẳng mấy quan tâm vì không nghĩ tôi sẽ giữ liên lạc với Sơ khi cuộc sống và việc học chiếm hết thời  gian của tôi. Thử hỏi làm sao tôi có thể bận tâm với những việc không liên quan đến cuộc đời?
Rồi một sáng Chúa Nhật kia chợt nhớ đến Sơ được gặp hôm nọ, tôi cảm nhận một sự thôi thúc đến thăm Sơ thêm lần nữa. Nhưng thật không may mắn, tôi để lạc mất địa chỉ Sơ cho hôm trước. Tôi bắt đầu lục tung căn phòng trọ của mình để tìm cho được tấm thiệp có địa chỉ. Tôi thật không nhớ là mình đã để nó ở đâu. Sau nỗ lực cuối cùng, sự kiên nhẫn đã có kết quả. Điều đánh động tôi khi nhìn kĩ lại tấm thiệp là dòng chữ được in trên đó: “Hãy sống khiêm tốn, khiêm tốn, khiêm tốn!”. Trên đường đến chỗ Sơ, tâm trí tôi quanh quẩn với suy nghĩ: “Tại sao phải sống khiêm tốn trong thế giới hôm nay? Khiêm tốn sẽ khiến tôi bị thua thiệt hay sao?” Mải mê hỏi chính mình, tôi đã đến trước cổng nhà Sơ lúc nào không hay. Gặp lại Sơ, cả hai chúng tôi tay bắt mặt mừng. Sơ giới thiệu các bạn trẻ khác đang sống cùng nhà và kiên nhẫn trả lời những thắc mắc của tôi. Sau buổi gặp gỡ thân tình này, tôi được mời đến thăm cộng đoàn thường xuyên hơn. Tôi cảm thấy thích thú và phấn khởi tìm hiểu thêm về nhà Dòng, cách sống và công việc của các chị em ở đây. Cuối cùng, tôi cho phép mình làm bài toán thử bằng cách thường xuyên tham dự những buổi sinh hoạt của cộng đoàn vào mỗi Chúa Nhật. Càng học hỏi tôi càng được biết thêm cuộc đời Thánh Rafaela Maira và yêu mến Thánh nữ nhiều hơn cũng như khâm phục đời sống của các chị em Nữ Tỳ.
Tôi đã bị chinh phục!
Thời gian cho tôi cơ hội để lắng nghe và nhận ra lời mời gọi của Thiên Chúa. Tôi nhận ra Ngài thật kiên nhẫn với tôi trong khi tôi vẫn cứ loay hoay đời mình giữa những chọn lựa. Tôi tin điều gì thuộc về Chúa thì sẽ mãi mãi là của Ngài. Tình yêu Thiên Chúa đã chiếm đoạt trái tim tôi nhẹ nhàng nhưng mãnh liệt. Không có lý do nào để tôi chần chừ đáp lại lời mời gọi này. Tôi bước đi theo Ngài và tiếp tục theo Chúa với trọn niềm tin.



October 7, 2013

Một nữa!

Trái tim tôi thao thức với câu hỏi: “Thiên Chúa muốn tôi làm gì?” Và cuộc đời tôi sang trang từ đây. Tôi hạnh phúc với những gì mình đang có, nhưng vẫn  cảm thấy chưa đủ.
Lần nọ, một người chị họ cho tôi Bản kinh cầu cho một nửa hoàn hảo của cuộc đời. Đối với một đứa học sinh trung học như tôi đây thật là một món quà thú vị và đầy ngạc nhiên. Dù chẳng hiểu nhiều nhưng tôi trung thành đọc hằng ngày với hy vọng Thiên Chúa sẽ chúc lành cho tương lai tôi.
Bước vào cái tuổi cặp kê như các bạn đồng trang lứa, tôi cũng có một người để thương thầm nhớ trộm. Khi gặp anh, tôi hăng hái đọc kinh cầu này hơn, ước mong anh sẽ là người sẻ chia cùng tôi trọn cuộc đời. Sau một thời gian bên nhau cùng bao kỷ niệm vui buồn, mơ rằng một ngày nào đó anh sẽ cùng tôi tiến lên bàn thánh. Nhưng cái ngày đó đã và sẽ không bao giờ đến. Nếu …
Xa anh, tôi tiếp tục sống và thực hiện hoài bão của mình. Xa nhà vào đại học là thời gian tôi nhận ra mình trưởng thành hơn cũng như học được nhiều bài học quý giá. Ra trường, tôi chọn đi làm một nơi xa với mục tiêu duy nhất là làm việc để kiếm thật nhiều tiền giúp đỡ gia đình. May mắn mỉm cười. Tôi có công việc ổn định, kiếm được số tiền như ý, thực hiện ước mong giúp đỡ người thân và chu toàn trách nhiệm với gia đình. Tôi tham gia vào các hoạt động xã hội để chia sẻ những khó khăn, tôi đứng về phía những nạn nhân của bất công để lên tiếng cho họ. Với cá tính mạnh mẽ, tôi không dễ dàng bị nhụt chí hay thoái lui khi tất cả nỗ lực của tôi dành cho cuộc đời như muối bỏ bể. Ngược lại, càng bị thách đố tôi càng dấn thân hăng say hơn để san sẻ vui buồn với nhiều người. Trái tim tôi thao thức với câu hỏi: “Thiên Chúa muốn tôi làm gì?
Tôi nhận ra rằng tất cả những gì tôi đã và đang làm không mang lại sự thoả mãn nào trong tâm hồn. Để lấp đầy những khoảng trống đó, tôi trở lại với thói quen thuở bé như năng tham dự thánh lễ ngày Chúa Nhật và thứ tư và dành thêm thời gian viếng nhà chầu Thánh Thể. Những phút thinh lặng trong cầu nguyện mang lại cho tôi cảm giác an bình thư thái trước Thánh Thể.
Rồi trong một trạm xe buýt khi đi thăm người Dì, tôi thấy hai Sơ mặc áo Dòng màu xanh đang loạng choạng tìm xe. Không hiểu sao hai Sơ có vẻ đang tiến lại phía tôi đang đứng. Một động lực gì đó thật khó giải thích thúc giục tôi đến gần Sơ và hỏi: “Sơ ơi, Dòng Sơ tên gì vậy?” Một Sơ nhẹ nhàng trả lời: “Nữ Tỳ Thánh Tâm Chúa Giêsu. Em có bao giờ nghe đến tên này chưa?” Chúng tôi trò chuyện vội vàng rồi ai nấy cũng vội chia tay để kịp chuyến xe của mình. Hai Sơ gởi cho tôi một tấm thiệp ngăn sách mà phía sau là địa chỉ cộng đoàn các Sơ. Ngay lập tức, tôi bị thu hút bởi dòng chữ trên đó: “Cuộc đời tôi phải là một hành động yêu thương liên lỉ” – Thánh Rafaela Maria.
Tôi cảm thấy quý mến hai Sơ sau lần gặp gỡ đó. Nhưng vì công việc cơm aó gạo tiền đã chiếm hết thời gian, tôi nhiều lần lỗi hẹn đến thăm các Sơ. Cuối cùng, tôi cũng thực hiện được ước mơ của mình. Ngày đến thăm các Sơ cũng là ngày tĩnh tâm định hướng ơn gọi, tôi được mời ở lại để dành chút thời gian cho Chúa. Trong bầu khí thinh lặng và lắng nghe, tôi sống lại với chính mình và cầu nguyện cách thân mật với Chúa.
Sau buổi gặp gỡ ấy, tâm hồn tôi giao động giữa hai sự chọn lựa. Đi tu hay tiếp tục sống cuộc sống mà tôi đang sống. Những ngày tiếp theo là những chuỗi ngày nặng nề. Là một người chị cả trong gia đình, tôi cần hy sinh nhiều hơn để lo cho gia đình và chín người em, rời bỏ công việc tôi đã làm bao năm qua là một thách đố lớn. Hơn thế nữa, nếu chọn sống đời tận hiến, không ai có thể bảo đảm tôi sẽ trung thành cho đến cùng. Nếu chọn theo Chúa và phải bỏ việc, rồi giả như đời tu trì cũng chẳng thành, tôi phải bắt đầu lại từ hai bàn tay trắng sao? Tôi hỏi Chúa rồi hỏi chính tôi: “Chúa ơi, những thách đố này có vượt quá sức con chăng?
Tôi tin Thiên Chúa có thời gian riêng của Ngài!
Tôi chọn.

Tôi xin nghỉ việc nhưng ban lãnh đạo công ty không chấp nhận. Mọi người chọc ghẹo và cho tôi là một con ngốc. Sáu năm để nhận định, suy nghĩ và chọn lựa có lẽ đã đủ, tôi phải quyết định và quyết định này sẽ là một cú sốc cho cả gia đình. Mẹ khóc thật nhiều vì sợ tôi không bền đổ đến cùng và phải chịu nhiều khổ cực. Tôi hiểu cảm giác của mẹ, nhưng đời sống giản dị, gần gủi của các Sơ Dòng Nữ Tỳ Thánh Tâm Chúa Giêsu đã để lại trong tôi một ấn tượng tốt và đảm bảo cho tôi sự bình an nội tâm. Bởi vì hằng ngày tôi được chiêm ngắm Chúa Giêsu Thánh Thể, là nguồn sống của các Sơ và sẽ là của tôi trong trong suốt cuộc đời người Nữ Tỳ.


October 6, 2013

Đến và Xem - P. VIII

"Hãy vui mừng vì có niềm hy vọng, cứ kiên nhẫn lúc gặp gian truân và chuyên cần cầu nguyện."
Rom 10, 12


Các Bạn Trẻ thân mến!

Là một Kitô hữu, chúng ta tin rằng mọi vật, mọi sự trong cuộc đời không phải tự nhiên mà có. Tất cả đều do lòng nhân hậu Thiên Chúa ban tặng cho chúng ta. Nhưng có những lúc chúng ta thiếu trân trọng quà tặng của Ngài. Rồi cũng có lúc chúng ta trách móc Ngài đã gởi đến thánh giá quá nặng nề so với khả năng chúng ta.

Tin rằng Thiên Chúa có sự khôn ngoan của Ngài. Mỗi sự kiện, mỗi vật đều có ý nghĩa và lý do để tồn tại. Tin hay không tin?  



Mỗi người bạn trẻ được mời gọi lắng đọng nhìn lại mình và tất cả mọi thứ đang hưởng dùng, rằng chúng ta có sống chứng nhân của người có lòng biết ơn. Mời các bạn hãy đến tham gia Tĩnh Tâm Định Hướng trong chương trình "Đến và Xem" Phần VIII với chủ đề:

TÂM TÌNH BIẾT ƠN

sẽ được tổ chức

- NgàyChủ Nhật 13/10/2013
- Thời gian8.00 giờ sáng đến 17.00 giờ chiều
Địa Điểm: Nhà Tĩnh Tâm Damiano - 42 Đường Đinh Phong Phú - P. Tăng Nhơn Phú B- Q.9 - Tp.HCM.

CHƯƠNG TRÌNH TĨNH TÂM

8h00     CHÀO ĐÓN
8h15     LÀM QUEN
8h30     GIỚI THIỆU ĐỀ TÀI TĨNH TÂM
8h45     ĐIỂM 1
10h00   ĐIỂM 2
11h30   CƠM TRƯA
12h15   NGHỈ TRƯA
13h30   ĐIỂM 3
15h30   CHẦU THÁNH THỂ và CẦU NGUYỆN CHIA SẺ
16h45   CHIA TAY RA VỀ


Mời các bạn trẻ đang định hướng cho hành trình của đời mình, hãy đến tham dự buổi Tĩnh Tâm này. 

Mọi chi tiết xin liên hệ:
- Email: nutyttcg@gmail.com
- ĐTDĐ: 0166 47 57 705/0966 77 19 13 

 
Back to Top