SUY NIỆM LỜI CHÚA
Thứ Hai 17/02/2014 – Sau
CN VI Thường Niên
Bài đọc: Gc 1, 1-11
Tôi là Gia-cô-bê, tôi tớ của Thiên Chúa và của Chúa Giê-su
Ki-tô, kính gửi mười hai chi tộc đang sống tản mác khắp nơi. Chúc anh em được
an vui mạnh khoẻ! Thưa anh em, anh em hãy tự cho mình là được chan chứa niềm
vui khi gặp thử thách trăm chiều. Vì như anh em biết: đức tin có vượt qua thử
thách mới sinh ra lòng kiên nhẫn. Chớ gì anh em chứng tỏ lòng kiên nhẫn đó ra
bằng những việc hoàn hảo, để anh em nên hoàn hảo, không có chi đáng trách,
không thiếu sót điều gì. Nếu ai trong anh em
thiếu đức khôn ngoan, thì hãy cầu xin Thiên Chúa, Người sẽ ban cho. Vì Thiên
Chúa ban cho mọi người cách rộng rãi, không quở trách. Nhưng người ấy phải cầu
xin với lòng tin không chút do dự, vì kẻ do dự thì giống như sóng biển bị gió
đẩy lên vật xuống. Người ấy đừng tưởng mình sẽ nhận được cái gì của Chúa: họ là
kẻ hai lòng, hay thay đổi trong mọi việc họ làm. Người anh em phận hèn hãy tự
hào khi được Chúa nâng lên; còn người giàu có hãy tự hào khi bị Chúa hạ xuống,
vì họ sẽ qua đi như hoa cỏ. Quả thế, mặt trời mọc lên toả ra sức nóng làm cho
cỏ khô, khiến hoa rụng xuống, vẻ đẹp tiêu tan. Người giàu có cũng sẽ héo tàn
như vậy trong các việc họ làm.
Tin Mừng: Mc 8, 11-13
Khi ấy, những người Pha-ri-sêu kéo ra và bắt đầu
tranh luận với Đức Giê-su, họ đòi Người một dấu lạ từ trời để thử Người. Người
thở dài não nuột và nói: “Sao thế hệ này lại xin một dấu lạ? Tôi bảo thật cho
các ông biết: thế hệ này sẽ không được một dấu lạ nào cả.” Rồi bỏ họ đó, Người
lại xuống thuyền qua bờ bên kia.
SUY NIỆM:
“Tôi bảo thật
cho các ông biết: thế hệ này sẽ không được một dấu lạ nào cả.”
Đây
là cơ hội để Chúa Giêsu chứng tỏ mình, thể hiện quyền lực con Thiên Chúa hay mở
mắt những con người yếu lòng tin vào Ngài. Vậy tại sao Chúa Giêsu lại khước từ
cơ hội quý báu này? Có nhiều cách lý giải khác nhau cho quyết định của Thiên
Chúa. Và một cách chúng ta có thể nhận rằng Chúa Giêsu hiểu rõ lòng trí của những
người Pha-ri-sêu và biệt phái đang thách đố Chúa. Vì xưa kia, để thuyết phục
cha ông họ vâng nghe và thực thi lời Thiên Chúa, các ngôn sứ đã phải xác thực bằng
các hiện tượng. Như Mô-sê đã xin Chúa ban manna cho dân Ngài trong sa mạc hay
ngôn sứ Ezekiel từng làm mưa cho dân Israel sau bảy năm hạn hán. Rồi dân Israel
như thế nào sau những phép lạ đó? Họ vẫn như cũ, vẫn cứng đầu và không tin. Vì
vậy, Chúa Giêsu biết dân Ngài và đã thẳng thắn từ chối lời đề nghị đầy thách đố
này. Vẫn còn nhớ hình ảnh Chúa Giêsu trên thập giá! Chính những con người này
đã thách đố Chúa thế nào: “Nếu Ngươi là
con Thiên Chúa thì hãy xuống khỏi thập giá xem nào.” (Mt 27, 40) Hay nói
cách khác, đối với những người không tin thì họ luôn đòi phép lạ, và khi phép lạ
được thực hiện thì họ lấy lý do khác, chẳng hạn như ông ta lấy sứ mạnh của quỷ
vương mà làm. Nhiều người trong chúng ta cũng giống như nhóm người Pha-ri-sêu
và kinh sư, chúng tax in phép lạ không phải để xác tín niềm tin của mình, nhưng
một cách nào đó là để ngụy biện cho sự trốn chạy sự thật.
Cũng
vậy, trong cuộc sống hằng ngày, đã bao lần chúng ta xin Chúa cho ta một dấu chỉ
để biết và tin đó là thánh ý cho cuộc đời mình. Xin được rồi thì chúng ta quay
lại kỳ kèo, trả giá với Chúa vì sao Ngài lại cho phép điều này điều kia xảy ra.
Hay chúng ta cho rằng đây là điều quá sức để có thể thực hiện. Rồi lý do nối tiếp
lý do. Cuối cùng, chúng ta cũng giống như dân Do Thái xưa.
Qua
Tin Mừng hôm nay, chúng ta được đánh thức đức tin của mình và được mời gọi tín
thác trọn vẹn vào chương trình của Thiên Chúa dành cho cuộc đời mỗi người chúng
ta.
0 comments:
Post a Comment