SUY NIỆM LỜI CHÚA
Thứ Sáu 14/02/2014 – Sau
CN V Thường Niên
Bài đọc: 1 V 11, 29-32; 12, 19
Một hôm, khi Gia-róp-am từ Giê-ru-sa-lem đi ra, thì dọc
đường gặp ngôn sứ A-khi-gia, người Si-lô; ông này khoác một chiếc áo choàng
mới. Lúc ấy chỉ có hai ông ở ngoài đồng. Ông A-khi-gia lấy chiếc áo mới mình
đang mặc, xé ra làm mười hai mảnh. Rồi ông nói với Gia-róp-am: “Anh cầm lấy
mười mảnh, vì Đức Chúa, Thiên Chúa Ít-ra-en phán như sau: ‘Này Ta sẽ giựt vương
quốc khỏi tay Sa-lô-môn để trao cho ngươi mười chi tộc. Nhưng nó vẫn còn được
một chi tộc, vì Đa-vít, tôi tớ Ta, và vì Giê-ru-sa-lem thành đô Ta đã chọn
trong tất cả chi tộc Ít-ra-en.’” Thế là
Ít-ra-en ly khai với nhà Đa-vít cho tới ngày nay.
Tin Mừng: Mc 7, 31-37
Khi ấy, Đức Giê-su bỏ vùng Tia, đi qua ngả Xi-đôn, đến
biển hồ Ga-li-lê vào miền Thập Tỉnh. Người ta đem một người vừa điếc vừa ngọng
đến với Đức Giê-su, và xin Người đặt tay trên anh. Người kéo riêng anh ta ra khỏi
đám đông, đặt ngón tay vào lỗ tai anh, và nhổ nước miếng mà bôi vào lưỡi anh. Rồi
Người ngước mắt lên trời, thở dài và nói: Ép-pha-tha, nghĩa là: hãy mở ra! Lập
tức tai anh ta mở ra, lưỡi như hết bị buộc lại. Anh ta nói được rõ ràng. Đức
Giê-su cấm họ không được kể chuyện đó với ai cả. Nhưng Người càng cấm, họ càng
đồn ra. Họ hết sức kinh ngạc, và nói: “Ông ấy làm việc gì cũng tốt đẹp cả: ông
làm cho kẻ điếc nghe được, và kẻ câm nói được.”
SUY NIỆM:
“Ông ấy làm việc gì cũng tốt đẹp cả: ông làm cho kẻ điếc nghe được, và kẻ
câm nói được.”
Đoạn Tin Mừng chúng ta vừa nghe, kể
về câu chuyện Chúa Giêsu chữa lành cho một người vừa điếc vừa ngọng. Sau khi Chúa
chữa lành cho người này, dân chúng vô cùng kinh ngạc và thán phục: “Ông ấy làm việc gì
cũng tốt đẹp cả: ông làm cho kẻ điếc nghe được, và kẻ câm nói được.” Lời thán
phục của dân chúng cũng chính là là ngôn sứ Isaiah đã loan báo với dân Israel về
Đấng Cứu Thế. Ông nói: “Đấng Thiên Sai sắp
đến, lúc đó người mù được mở ra, tai người điếc được nghe, chân người què sẽ nhảy
như nai và lưỡi người câm sẽ được mở ra.” Như vậy, dân chúng trong bài Tin
Mừng hôm nay nhận ra Đấng Thiên Sai đã đến và Ngài đang thực hiện lời ngôn sứ
Isaiah đã loan báo trước.
Cùng
đám đông chứng kiến phép lạ của Chúa, nhưng vẫn có những người đã điếc đã câm
trước Lời của Thiên Chúa. Họ kiên quyết không đón nhận Chúa. Đó là những người
Pharisêu và kinh sư. Họ có mắt mà không thấy, có tai mà không nghe. Họ đang điếc
trước công lý, mù trước sự thật. Họ chẳng những không chịu hiểu lời Chúa mà con
loan truyền những điều lệch lạc sai trái. Họ thay thế lời Chúa bằng cách tập tục
của cha ông họ mà chúng ta mới nghe những đoạn Tin Mừng của các ngày trước. Vì
vậy, họ chính là những người phải cần đến Thiên Chúa mở tai, mở mắt, mở lưỡi để
chính họ được đón nhận ơn cứu độ.
Thật
vậy, nghe và nói là hai yếu tố luôn đi đôi với nhau. Con người muốn tương quan
và sống hạnh phúc thì phải tiếp cận chân lý, trao đổi và đối thoại. Nhưng nếu
chúng ta không vượt qua được những duy lý chủ quan lệch lạc của chúng ta thì chắc
chắn sẽ dẫn đến những phát biểu hoặc những hành động cố chấp, sai trái và có
khi lỗi thời. Thử nghĩ xem, nếu trong gia đình mà vợ chồng không biết lắng nghe
nhau, ông nói gà bà nói vịt, không ai chịu nghe ai nữa thì làm sao gia đình có
được hạnh phúc. Cho nên, biết lắng nghe nhau và đối thoại cởi mở chân thành sẽ
giúp cho gia đình hạnh phúc. Cũng thế, tình gia đình sẽ trở nên đậm đà khi con
cái biết lắng nghe cha mẹ và đồng thời cha mẹ cũng biết lắng nghe con cái. Cha
mẹ phải bình tĩnh để lắng nghe con cái mình nghĩ gì, cảm gì, muốn gì, để rồi từ
đó cha mẹ khuyên răn dạy dỗ hợp tình hợp lý. Những đôi lứa yêu nhau cũng vậy, sự
lắng nghe luôn luôn cần thiết trong tương quan. Và nhất là khi chúng ta đến
tham dự thánh lễ, hãy để cho tai mình được mở ra để lắng nghe lời Chúa, để tìm
hiểu ý Chúa muốn nói gì với chúng ta, để chúng ta biết cao rao chúc tụng Thiên
Chúa.
Chúng
ta không chỉ biết lắng nghe trong nhà thờ, trong gia đình và trường học, nhưng
chúng ta cũng phải biết lắng nghe ngoài cuộc sống xã hội nữa. Hãy tập lắng nghe
tiếng nói của những người cô đơn, âu lo, thất vọng, đau khổ, vất vả. Đối với
nhiều người, liều thuốc hữu hiệu nhất, món quà giá trị nhất có thể đó là sự lắng
nghe. Qua đó, họ có thể cảm thấy được nâng đỡ, được thông hiểu, yêu thương và
được ủi an.
Thế
giới hôm nay thiếu thốn nhiều sự đối thoại và cảm thông. Ngày càng có nhiều người
bị câm điếc về mặt tinh thần. Căn bệnh này làm cho người ta cảm thấy mình chẳng
có gì để cho và cũng chẳng có gì để nhận. Người ta bị điếc nặng nề hơn khi
không còn khả năng lắng nghe tiếng nói của lương tâm để làm lành lánh dữ. Người
ta bị câm điếc tinh thần khi đóng lòng mình lại, không còn nghe nỗi đau của những
con người khốn khổ. Người ta cũng có thể bị câm điếc khi đóng tai mình lại vì sợ
nghe tiếng nói của Thiên Chúa, tiếng nói của sự thật, tiếng nói của lời yêu
thương. Thay vào đó là những lời độc hại, gây đau khổ cho nhau.
Lời
Chúa hôm nay mời gọi sống đức tin mà Thiên Chúa gieo vào trong tâm hồn mỗi người
chúng ta, để chúng ta cũng biết mở miệng cao rao tình yêu Thiên Chúa cho những
anh chị em khác.
0 comments:
Post a Comment