Lắng Nghe và Đáp Trả

Khiêm Nhu

Tình Yêu Trọn Vẹn

Giản Dị nhưng Tinh Khiết

Hy Sinh

An Lạc, Trọn Vẹn và Khiêm Tốn

Bình Dị, Thân Thương và Chân Quê

Đẹp Thanh Cao, Tinh Khiết

Tình Yêu Cao Đẹp và Trong Sáng

October 30, 2012

Thực Hiện Thánh Ý Cha-Sống Mật Thiết Với Thiên Chúa: Đời Sống Cầu Nguyện


"Ước muốn tột đỉnh của tôi và cũng là Thánh Ý Chúa là nên Thánh bằng mọi cách."
Thánh Rafaela Maria

Trong những bài suy niệm trước, chúng ta đã thấy đời sống hiệp thông trong cộng đoàn rất quan trọng trong đời sống thánh hiến. Nhưng chắc hẳn chúng ta cũng đã có nghe những thắc mắc về sự sống chung đụng của nam hay nữ tu sĩ. Có người cho rằng họ khó sống hiệp tâm vì những cá tính khác nhau. Có người ngạc nhiên sao trong một dòng quốc tế , những người khác chủng tộc hay ngôn ngữ có thể hòa đồng được. Những thắc mắc này có lý. Vì ngay cả trong một gia đình, với tình liên hệ máu mủ thật gần gũi, vậy mà không thiếu những tin giật gân về sự bất đồng hay cả những tranh cãi và bạo động.

Bí mật của sự chấp nhận, kính trọng lẫn nhau, và hòa mình trong yêu thương chính là sự hỗ trợ của ơn Thánh, và sự hiệp thông tìm hiểu và sống thánh ý một Cha chung trên trời. Yêu nhau trong tình yêu Chúa Kitô, người tu sĩ cùng chia sẻ một lý tưởng, cũng như một sứ nhiệm rao giảng tình yêu đó.

Trước hết, đâu là lý do của sự hiệp thông này? Là Kitô hữu, chúng ta không được cứu rỗi và thánh hóa như những phần tử riêng rẽ. Theo gương ba Ngôi Thiên Chúa, luôn hoạt động trong tinh thần hiệp thông, người giáo hữu được kêu mời cộng tác cùng nhau tìm kiếm, kiến tạo và sống nước trời. Nhưng tìm kiếm, kiến tạo và sống nước trời vẫn chưa đủ. Tông Huấn “Rao Giảng Tin mừng” ( Evangelium Nuntiandi) đã xác định rằng: Những ai đã lãnh nhận Tin Mừng, cũng như những người đã được triệu tập lại thành cộng đoàn của ơn cứu chuộc, có thể và phải thông truyền và quảng bá Tin Mừng khắp nơi” (RGTM, số13).

Xem thế, tất cả những ai đã gia nhập gia đình Giáo Hội đều có nhiệm vụ sống Tin Mừng hầu thi hành sứ mệnh tông đồ mở rộng nước Tình yêu. Thế có nghĩa là muốn trở thành chứng tá thiết thực, người Kitô cần có đời sống cộng đồng trong tinh thần hiệp thông. Người giáo hữu kết hiệp cùng đồng bạn trong  giáo xứ, trong khi người tu hành sống ước muốn tận hiến hoàn toàn cho Chúa trong cộng đoàn.

Dĩ nhiên tình thân giữa những giáo dân không thể đạt được mức thân thiện của người tu sĩ. Lý do hiển nhiên là họ không cùng sinh sống. Truyền thống Kitô ở Đông Phương và Tây Phương nêu lên khía cạnh giao ước duy nhất với Thiên Chúa của đời tu, và cả khía cạnh ước hôn với Đức Kitô trong sự hiệp thông với Chúa Thánh Thần. Hiểu như thế bản tóm  kết chương trình mọi cuộc đời thánh hiến phải là hướng về sự thánh thiện. Tông Huấn về đời tận hiến khẳng định: “Khởi điểm của chương trình này là sự kiện phải rời bỏ tất cả để theo Đức Kitô” (ĐSTH số 93) Thánh Phaolô đã hiểu đúng điều đó, khi Ngài công bố:
Tôi coi tất cả mọi sự là thiệt thòi, so với mối lợi tuyệt vời, là được biết Đức Kitô Giêsu, Chúa của tôi…được biết chính Đức Kitô, nhất là biết Người quyền năng thế nào nhờ đã Phục Sinh. (Pl 3: 8,10)

 Gương hoàn toàn cố gắng gắn bó cùng Chúa của các Tông Đồ đã được truyền lại qua các thời đại. Theo chương một câu 14 sách Tông Đồ Công Vụ, các Tông Đồ tụ họp nhau trong nhà Tiệc Ly chuyên cần và cùng chung lòng hiệp nhất trong lời cầu nguyện. Tinh thần cầu nguyện này lan tỏa ra tất cả các cộng đồng các tín hữu. Theo chương hai, câu 46 và47 :
Họ đồng tâm nhất trí, ngày ngày chuyên cần đến Đền Thờ. Khi làm lễ bẻ bánh tại tư gia, họ dùng bữa với lòng đơn sơ vui vẻ. Họ ca tụng Thiên Chúa, và được toàn dân  thương mến.

Nếu đồng tâm nhất trí, chia sẻ mọi sự, và cùng ca tụng Chúa, là những điểm đặc trưng của cộng đồng các tông đồ, một cộng đoàn người tu sĩ không thể khác hơn. Tuy nhiên, là một tập hợp của bao người từ những hoàn cảnh khác nhau, đời sống cộng đoàn không thể tránh được những khó khăn xích mích.

Cách nhìn và tiêu chuẩn sống trong các lựa chọn cụ thể trong đời sống hàng ngày thường gây ra những xung khắc. Để thắng vượt chính mình và những khó khăn này, người tu sĩ cần sự trợ giúp  của ơn Thánh Chúa. Muốn thế mỗi tu sĩ cần có đời sống cầu nguyện mạnh mẽ. Mỗi tu sĩ cần được nuôi dưỡng trong tình yêu Cha chung qua các ơn thánh hàng ngày của các phép Bí Tích, nhất là Bí Tích Thánh Thể.

Vì Bí Tích Thánh Thể là tâm điểm của đời sống Giáo Hội cũng như của đời sống tận hiến, người tu sĩ được kêu mời tham gia tích cực sống “Màu nhiệm vượt qua của Đức Kitô hợp nhất với Người trong cuộc hiến dâng mạng sống lên cho Chúa Cha nhờ Thánh Thần.” (ĐSTH số 95)

Cũng như Bí Tích Thánh Thể, và nối kết chặt chẽ với Bí Tích này, các giờ Kinh Phụng Vụ được cử hành trong cộng đoàn hoặc mỗi người riêng cho mình, trong sự hiệp thông vào lời cầu nguyện của Giáo Hội. Vơi quyết tâm hoán cải liên lỉ và cần được thanh luyện, người tu sĩ thường xuyên gặp gỡ Chúa trong Bí Tích Hòa Giải. Nhờ khiêm tốn ý thức tội lỗi của mình, người tu sĩ cảm nghiệm lòng thương xót của Chúa dẫn đến tâm tình hiền dịu, thương cảm cùng anh chị em đồng hành.

Nhưng làm sao có thể sống kết hợp cùng người xa lạ? Người ta chỉ kết thân cùng người quen biết. Đường lối duy nhất để quen biết Chúa là sống lời Người. Ngoài cố gắng của từng cá nhân, cả cộng đoàn phải biết cùng chung nhau lắng nghe và suy niệm lời Chúa. Chính lời Người phải là ánh sáng chiếu soi tất cả mọi hành động, cũng như tư tưởng trong các tiêu chuẩn sống. Nhờ ánh sáng này dần dần sẽ có sự thay đổi trong bậc thang giá trị, tâm thức, và tiêu chuẩn phán đoán. Khi đó anh chị em chung sống sẽ thấy việc cùng nhau tìm kiếm thánh ý Chúa, là suối nguồn tình hiệp thông trong cộng đoàn. Chính cái cùng đích này sẽ giúp cho mỗi thành phần vượt qua được những khác biệt hay những mâu thuẫn có thể có giữa các quyền lợi.

Thấm nhuần lời Chúa, người sống kết hiệp sẽ ý thức được sự tạm bợ của mọi sự trần thế, và yêu thích trầm lặng, hầu được thân thiện cùng đấng vô hình. Theo gương Chúa Giêsu luôn tìm cách lánh xa nơi ồn ào để trao đồi cùng Chúa Cha, người tu sĩ cũng dành thời gian để tâm sự cùng Người. Cách tâm sự trao đổi diễn ra trên khía cạnh cá nhân cũng như cộng đoàn. Để củng cố và phát triển tâm tình yêu mến, người tu sĩ nâng lòng lên cùng Chúa qua những giây phút trao đổi giữa lòng với lòng, trong thầm lặng hay thì thầm nguyện xin, hay những lời ca tụng. Có khi họ chỉ thinh lặng ở bên nhau. Những lúc khác họ cùng hiệp tâm với anh chị em, để ca hát tung hô Chúa, hoặc hợp xướng lời Chúa trong những bài thánh vịnh.

Tin tưởng ơn cứu độ là kết quả của sự gặp gỡ và hiệp thông với Chúa Kitô, và sự tiếp tục mầu nhiệm nhập thể, thiết tưởng không ai hơn Đức Maria sẽ dẫn dắt người tu sĩ vào mầu nhiệm này. Hơn nữa lịch sử Giáo Hội đã minh chứng công cuộc đồng công cứu chuộc của Mẹ Maria. Người tu sĩ sẽ không bị từ chối khi cầu xin Mẹ bầu cử cũng như dẫn dắt đến cùng Con Người.

Ước mong những bài suy niệm trên đây giúp mỗi người trong chúng ta thông hiểu phần nào ý nghĩa đời sống tu trì. Riêng phần tu sĩ, cầu mong sự hiểu biết rằng họ không đơn phương độc mã, mà cũng tiến bước với nhiều bạn đường khác, luôn nâng đỡ, và hỗ trợ nhau trong lời cầu nguyện liên lỉ. Nguyện xin Thiên Chúa chúc lành cho tất cả mọi người trong chúng ta.


Các bạn có thể tìm hiểu hoặc liên lạc thêm qua những trang mạng và số điện thoại dưới đây:

0966 771 913/0166 47 57 705

Hiệp Thông Với Đức Kitô: Thánh Hóa Trong Đời Sống Cộng Đoàn


"Lúc này hơn bao giờ hết tôi phải lập lại ước muốn nên thánh của tôi. tôi phải ước muốn bằng mọi giá. đây chính là bổn phận của tôi trước Chúa cũng như Hội Dòng"
Thánh Rafaela Maria


Như chúng ta đã thấy, những lời khuyên Phúc Âm là những điểm đặc trưng của người tuyên khấn dâng mình hoàn toàn cho Chúa. Nhưng người tu sĩ không chỉ khấn hứa âm thầm riêng tư, mà công khai tự hiến sống trong cộng đoàn của Hội Dòng. Tại sao cộng đoàn lại cần thiết vậy? Có thể thực hiện công việc tông đồ ngoài cộng đoàn không? Để trả lời thắc mắc này, chúng ta cùng nhau đi ngược dòng lịch sử để tìm đến nguồn gốc đời sống cộng đoàn.

Biết rằng cuộc đời nơi trần thế có hạn, Chúa Giêsu đã kêu mời các tông đồ tiếp tay Ngài trong sứ mệnh cứu chuộc. Là những người bình dân, nhưng các tông đồ đã ý thức nhiệm vụ mình. Đời sống hiệp thông trong tình huynh đệ đã củng cố các anh em trong lúc hoạn nạn. Ngay sau khi Chúa lên trời, họ đã tụ tập chung sống. Sách Tông Đồ Công Vụ thuật lại tình thương gắn bó của cộng đòan đầu tiên: “Tất cả các tín hữu hợp nhất với nhau, cùng chia sẻ những gì họ có. của cải, ruộng đất, họ đều bán đi và chia cho tất cả, mỗi người tùy theo nhu cầu của mình.” (TĐCV 2:44) Đồng tâm nhất trí trong việc thờ phượng cũng như hòa đồng cùng nhau, cộng đoàn tiên khởi đã được Chúa chúc phúc tăng thêm phần tử. Rất tiếc cộng đòan lý tưởng dần dần bị sa sút. Thêm vào đó khi bị bắt bớ, lòng nhiệt thành hiệp thông như bị phai nhòa và lãng quên. Trong bối cảnh này đã có những người muốn khơi lại tâm tình gắn bó cùng Chúa thuở ban đầu. Đây chính là lý do cho những tự nguyện dâng hiến sống cho Chúa của những vị ẩn tu trong sa mạc.

Chấp nhận đời sống “tu sĩ của hoang địa” là phương tiện duy nhất để được gần gũi Người.  Làm thế, người tận hiến coi như đã dứt bỏ tất cả để sống độc thân cho Chúa. Nhưng qua dòng thời gian, nhiều vị ẩn tu đã tìm kiếm những vị nổi tiếng thánh thiện để thụ huấn. Để tiện lợi gần gũi Thầy mình, họ đã cất những túp lều gần nhau. Đây là bước đầu của nhóm cộng đòan sơ khởi. Phía nữ tu, từ thế kỷ thứ ba, đã có những nhóm trinh nữ chung sống. Có lẽ để tránh nguy hiểm, chỉ có một số ít nữ ẩn sĩ sống hoàn toàn cách biệt như  Mary the Singer. Cũng có trường hợp người nữ ẩn sĩ phải giả dạng ăn mặc như nam ẩn sĩ. Ngoài mục đích của cả nhóm sống khó nghèo và độc thân, họ thường kết hợp với nhau trong cố gắng tìm thánh ý Chúa. Chung sống trong cùng lý tưởng, họ muốn tạo dựng một giáo hội giữa lòng giáo dân. Như thế cộng đồng tu sĩ như đại diện cộng đồng nhân loại, thực hành sứ mệnh yêu thương.

Nhóm hội dòng Pachomian thành lập vào thế kỷ thứ tư, được coi như nhóm cộng đoàn đầu tiên, sống chung dưới sự chỉ dẫn của vị linh hướng (Pachomian Congregation). Thánh Pachomius khi trở lại đã hứa đem mình phục vụ người khác. Nhưng với lòng nhiệt thành sống cho Chúa, Ngài đã sống ẩn dật trong bảy năm. Sau đó nhớ lại lời hứa giúp đỡ người khác, Ngài cộng tác cùng em mình để xây dựng từng nhóm nhà riêng, với ít phòng chung, hầu tiện lợi giúp đỡ anh em tu sĩ khác. Khu nhà này được gọi là “làng tu”. Trong khi chung sức cùng em mình, nhà ẩn tu Pachomius thấy bảy năm sống cách biệt đã làm Ngài khó chịu trước một lời chỉ trích nhẹ, dẫn chứng của sự thiếu sót của nếp sống riêng biệt, và sự quan trọng của tình tương thân tương ái.

Lối sống trong sự hiệp thông với Thiên Chúa, và với nhau thật đẹp đẽ và tiện lợi cho đức ái. Nhưng cuộc sống chung đụng không tránh khỏi khó khăn của sự khác biệt, hay sự sung khắc của những cách nhìn, và tiêu chuẩn sống trong các chọn lựa cụ thể hàng ngày. Vì vậy luật lệ của cộng đoàn hơi nghiêng về củng cố trật tự. Họ xưng hô anh em và thường dâng  Thánh Lễ chung với giáo dân bản xứ. Ngày Chúa Nhật họ dâng thánh lễ trong cộng đồng. Dần dần nhóm anh em tăng thêm. Để đảm bảo sự cách biệt cùng giáo dân, họ bắt đầu xây bức tường chung quanh khu cộng đồng, và từ đó, người giáo dân không được cùng cầu nguyện với các anh em nữa. Luật nghiêm nhặt đến nỗi sau này ngăn cấm cả những linh mục khác, hoặc những tu sĩ không thuộc vào nhóm được dự. Khi nhóm trở thành quá đông, nhóm được chia thành những nhóm nhỏ khác, dưới sự lãnh đạo của một bề trên, và những bề trên này lại thuộc quyền lãnh đạo của vị linh hướng chung. Đây chính là khởi đầu của hệ thống trung tâm tập quyền.

Về phía cộng đoàn nữ có nhóm của chị nhà ẩn sĩ Pachomius. Họ cũng theo cách tổ chức của phía nam.

Từ đó nhiều hình thức cộng đoàn được thành lập. Tựu trung có:

Cộng đòan như một phương thế của đời sống tận hiến:
Lối sống này chú tâm vào sự tận hiến phục vụ Chúa qua lời tuyên xưng sống theo Phúc Âm. Đời sống cộng đồng chia sẻ giúp đạt đến đích trên. Thuộc nhóm này có các nhóm dưới Thánh Basil,  nhóm Thánh Phanxicô, và nhóm các anh Tiểu Đệ và các chị Tiểu Muội. Thánh Basil với em là Gregory, cùng một nhóm học trò cũ kết hợp thành một cộng đồng sống bên bờ sông. Theo Thánh Basil họ không muốn dính líu chi với đời sống thế trần, nơi mà người ta không dành cho Chúa địa vị cao nhất thích hợp cho Đấng tạo Hóa. Nhưng họ cũng không muốn đi ngược lại bản tính bẩm sinh của con người là khuynh hướng xã hội ngoài xã hội của thế trần.

Em vàmẹ Thánh Basil cũng tụ tập nhóm nữ tu khác.

Kế đến cộng đòan được coi như trường đào tạo lối sống tận hiến.
Các đan viện của Thánh Biển Đức dẫn đầu lối sống này. Một đan sĩ trở thành một phần tử do Lề Luật và vì vị cha chung tức Đan viện trưởng. Ngài được coi như đại diện Chúa Giêsu và tất cả anh em hay chị em tụ tập chung quanh Ngài. Vì cùng chú tâm đến đời sống Lời Chúa, các anh chị em gắn bó cùng nhau. Như thế anh chị em hiệp thông trong vị đại diện và lời Chúa, trong cả khía cạnh thiêng liêng lẫn tự nhiên.

Kiểu cộng đoàn khác chú tâm đến đời sống hiệp thông như chủ chốt của lối sống tận hiến.
Thánh Augustin coi đời sống tận hiến như sự hiệp thông của những người cùng lý tưởng. Chính ơn phước khải hoàn của chúa sống lại liên kết tâm hồn họ trong sự chia sẻ tất cả. Lối sống này hơi tựa cộng đồng của thời sau Chúa Thánh Thần hiện xuống.

Cuối cùng có loại  cộng đoàn trong sứ mệnh truyền giáo. Tất cả những cộng đoàn sau thời dòng Đa Minh và dòng Đức Bàthương xót chú tâm đến sứ nhiệm truyền giáo. Các phần tử nam hay nữ hợp nhau chung sống vì một sứ nhiệm. Hầu hết những hội dòng tông đồ theo khuôn khổ này.

Xem thế,
chiều kích cộng đoàn là nét đặc thù của đời tu. Đời sống huynh đệ là chỗ tốt nhất để nhận định và đón nhận ý Chúa, để cùng nhau tiến bước một lòng một trí với nhau. Nhờ đức ái truyền thêm sinh khí… đời sống cộng đòan còn là môt dấu chỉ đặc biệt của mối dây liên kết các thành viên,…dù có khác chủng tộc, gốc gác, ngôn ngữ hay văn hóa. (ĐSTH số 92)

Tụ tập từ nhiều phương trời khác nhau nhưng các anh, chị em tu sĩ ý thức nhu cầu hiệp nhất trong đa dạng để cùng nhau tôi luyện, tập sống yêu thương, tha thứ, và tương trợ nhau. Chung sống chia sẻ tài năng phục vụ lẫn nhau và tha nhân, anh chị em tu sĩ bổ túc cho nhau, tạo nên kinh nghiệm phong phú tình liên đới. Nhưng khác biệt cá tính đòi hỏi nơi mỗi thành viên một cuộc chiến đấu liên lỉ để đi ngược lại những gì phản tình thương như  ích kỷ, tự ái, kiêu căng, biếng nhác, tham vọng… Cần phải tiêu diệt cái “tôi” để nhường chỗ cho chiều kích cộng đoàn. Tình huynh đệ cộng đoàn trong Chúa Kitô chỉ được đảm bảo và triển nở, khi mỗi phần tử biết lột xác trong chiều kích “Phục Sinh”, nghĩa là phải chết đi cho mình để sống lại với con người mới đầy niềm vui khải hoàn.

Chính mối tình này sẽ tràn qua bức tường tu viện, để tỏa lan tới những người trong môi trường hoạt động tông đồ. Dĩ nhiên có rất nhiều những công việc phục vụ bác ái rất hữu hiệu bởi những cá nhân riêng rẽ. Nhưng dù một tu sĩ không thành thạo trong lãnh vực phục vụ của mình, họ vẫn nêu lên sứ nhiệm chứng tá thương yêu anh chị em như chính mình.

Trong xã hội hiện đại nơi mà chủ nghĩa duy cá nhân được nêu cao, thiết tưởng vai trò chứng nhân sống hợp nhất rất quan trọng, phản ánh phần nào sự hiệp thông của Ba Ngôi Thiên Chúa.


Các bạn có thể tìm hiểu hoặc liên lạc thêm qua những trang mạng và số điện thoại dưới đây:

0966 771 913/0166 47 57 705

Lời Khấn Vâng lời



"Ai không sống tinh thần Chúa Kitô thì không trông mong kết hiệp với Ngài."
Thánh Rafaela Maria

Chúng ta cùng tìm hiểu lời khuyên Phúc  Âm vâng lời.

Vâng lời là gì? Từ chữ Latinh ob-audire có nghĩa là nghe một cách thận trọng sâu xa. Như thế người vâng lời là người biết lắng nghe một cách chín chắn. Đây cũng bao hàm ý nghĩa bổn phận đối đáp. Nghĩa là người nghe cho chắc sứ mệnh để rồi đem ra thực hành. Chính Chúa Giêsu đã nêu cao gương sống kết hợp mật thiết cùng Chúa Cha trong khi thi hành sứ nhiệm.

Lịch sử cứu độ cho thấy Thiên Chúa đã vì tình yêu mà dựng nên con người trong hình ảnh Người. Nhưng tình yêu đó đã không được đáp ứng. Trái lại vì muốn lên ngang hàng cùng Chúa, con người đã bội phản lòng tin tưởng của Người. Tổ tông con người đã không vâng lệnh Chúa. Nhưng Chúa đã không vì thế mà sao lãng con người. Ngược lại chính Chúa đã nối lại giao ước cùng họ. Dòng lịch sử minh chứng sự bất trung của con người. Họ đã lơ là với Chúa để thỏa thuận giao ước cùng những thần khác. Để chuộc tội bất tuân của họ, Thiên Chúa đã hy sinh chính Con một mình. Đức Giêsu đã đến để thi hành Thánh ý Cha Người  “Lạy Cha, nếu chén này không thể rời khỏi con, nhất định con phải uống, thì xin cho ý Cha được thể hiện.” (Mt. 26:42 ) Nhập thể với một sứ mệnh, Đức Giêsu đã trung thành gắn bó cùng Cha mình. “Lương thực của Thày là thi hành ý muốn của Đấng đã sai Thầy, và hoàn tất công trình của Người.” (Gioan 4: 34).

Thấm nhập đường lối của Đức Giêsu, các môn đệ đã ý thức tầm quan trọng của nhu cầu gắn bó cùng Chúa. Khi bị điệu đến giữa Thượng Hội Đồng, và bị răn đe ngăn cấm rao giảng danh Chúa Giêsu, ông Phêrô và các Tông Đồ khác đáp lại: “Phải vâng lời Thiên Chúa hơn là vâng lời người phàm”. (CVTĐ 5:29) Tuyên xưng trung thành cùng đấng Tạo Hóa, các tông đồ đã nêu lên cùng đích của người tín hữu. Vâng lời Thiên Chúa tức là vâng phục Đức Giêsu Con Thiên Chúa, Người đã vì yêu mà nhập thể. Thánh Phaolô quả quyết: “ Chúa Giêsu là nguồn ơn cứu độ vĩnh cửu cho tất cả những ai tòng phục Người,…” (DT.5:9) Vâng theo Đức Giêsu đòi hỏi thực thi sứ điệp Tin Mừng.  Thánh Phêrô tuyên bố: “Nhờ vâng phục sự thật anh em đã thanh luyện tâm hồn….” (1Pet. 1:22)  Ngày nay, muốn theo gót Chúa người tín hữu cũng cần tuân theo, “…quy luật đạo lý…” (Rm.6:17)  của giáo hội .

Như đã vạch ra trong lịch sử đời sống tận hiến, trong thời sống ẩn dật của những “tu sĩ của hoang địa” sự sống cách biệt, lìa thế trần được nâng cao. Mãi thế kỷ thứ 7 mới thấy đề cập đến vâng lời. Thánh Gioan Climacus nêu lên đòi hỏi từ bỏ hoàn toàn. Ngoài hai việc từ bỏ mọi sự và tất cả những người thân, Ngài thêm từ bỏ chính quyền định đoạt của mình. Ở  Ai Cập khi đời sống ẩn dật bắt đầu vào khuôn khổ, đòi hỏi đầu tiên nơi một người muốn nhập tu, là sự tòng phục dưới sự dạy bảo của một vị linh hướng. Dần dần lối sống từ bỏ ý mình để vâng theo lời linh hướng được ca ngợi.

Cũng nên để ý tới hai khuynh hướng thực tập vâng lời thời đó: Vâng lời trong đức ái, và vâng lời trong đức tin. Trong thời tu ẩn dật của hội dòng Pachomian và các thánh Basil, Augustine và Phanxico, đức Vâng Lời được thi hành như một phương tiện để duy trì trật tự trong đời sống cộng đòan cũng như củng cố đức ái. Hiểu như thế đức vâng lời được xem như mối dây ràng buộc sự thông công của những tấm lòng theo đuổi cùng lý tưởng. Luật lệ gắn bó họ với nhau trong tinh thần tận hiến. Qua truyền thông của các đan viện, đan tu sĩ nam hay nữ luôn mở lòng nghe lời Chúa qua vị linh hướng, và sau này qua vị đan viện trưởng hay bề trên. Thí dụ điển hình của lối thực hành này là cuốn “ Luật của Thày’ và cuốn “ Luật của các Đan Viện” của thánh Benedict (Discipleship, pp.234). Như thế, qua đức tin,  người đan sĩ nhìn Bề trên như đại diện của Chúa.

Thế kỷ 12 chứng kiến sự xuất hiện của hội dòng khất sĩ cũng như những hội dòng tông đồ khác. Vì sứ nhiệm hoạt động tông đồ, đức vâng lời cho sứ nhiệm bắt đầu thịnh hành. Vâng lời cho sứ nhiệm tức là vâng lời trong sứ nhiệm truyền giáo của Giáo Hội, và do đó cần có sự hợp nhất cùng các phẩm trật trong Hội Thánh. Vâng lời trong hiệp thông với sứ mạng rao giảng của Giáo Hội và hiệp thông với quyền bính trong Giáo Hội.

Ngày nay, trong Bộ Giáo Luật điều 601 chúng ta đọc:         
Lời khuyên Phúc Âm Vâng Lời, được chấp nhận trong tinh thần tin yêu để theo Đức Kitô vâng lời cho đến chết, bó buộc ý chí phải tùng phục các Bề Trên hợp pháp, khi họ thay mặt Thiên Chúa truyền khiến hợp theo hiến pháp riêng.

Sự vâng phục Chúa Cha làm cho tu sĩ hiệp nhất với Chúa Kitô, Đấng được sai đến để cứu độ trần thế, nữ tu hay nam tu, một khi cam kết bước vào đời tận hiến, công khai tỏ lộ ý chí nối gót Đức Kitô, dốc quyết bỏ ý mình vâng theo sự hướng dẫn, có đối thoại, của Bề Trên, hay của các vị có thẩm quyền, trong cộng đoàn mà mình chung sống. Họ không còn quyền định đoạt trên đời sống mình nữa. Qua lòng tòng phục, họ chứng tỏ mình được Chúa Giêsu Kitô chiếm hữu. Họ được mời gọi tham gia vào thứ tự do khải hoàn của Chúa Kitô phục sinh. Họ sẵn sàng đi bất cứ nơi nào, làm bất cứ việc gì Chúa muốn. Bằng chính cuộc sống của mình, họ loan  báo cho anh chị em đồng đạo, cũng như toàn thế giới biết rằng một trật tự mới, qua cái chết trên thập giá và sự phục sinh của Chúa Kitô đã được thiết lập.       

Sống trong lòng Giáo Hội, tu sĩ hiệp nhất với giáo hội để làm chứng về tình thương trước mắt mọi người. Với những người ôm ấp đời sống chiêm niệm, họ tháp tùng các công tác tông đồ của anh chị em bằng lời cầu nguyện và sự hy sinh. Nhưng với những tu sĩ thuộc hội dòng tông đồ, những người được mời gọi tích cực tham gia rao giảng Tin Mừng, vâng theo sự chỉ định của Bề trên, nhiều khi đặc sủng riêng của hội dòng đưa họ ra ngoài biên giới tổ quốc, cũng như những liên hệ máu mủ của họ. Nhưng đức vâng lời không có nghĩa thụ động. Ngược lại, người tu sĩ được khuyến khích cộng tác cùng bề trên tìm hiểu thánh ý Chúa. Tình yêu phải là động cơ chính của sự tòng phục. Phải có đàm thoại, chia sẻ và tham khảo ý kiến. Cần có sự cởi mở cả đôi bên.

Bề trên phải nên nhớ tinh thần phục vụ trong khi thi hành nhiệm vụ. Chính Chúa Giêsu đã khẳng định Ngài không đến để được phục vụ. Với tinh thần khiêm nhường luôn sẵn sàng tìm lợi ích chung, các đấng Bề trên luôn khuyến khích anh em hay chị em dưới sự chăm sóc của mình, để tận dụng tài năng mở mang nước tình yêu. Nhất là trong thời kỳ huấn luyện, người tu sĩ cần được chỉ dẫn sống hoàn toàn sẵn sàng. Với tấm lòng rộng lớn không màng đến những biên giới trong bất cứ  phương diện địa lý, văn hóa, lý trí hay tình cảm, người tu sĩ phải coi cả cộng đồng nhân loại là anh em mình. Muốn được như vậy, người tu sĩ cần có hai tư cách: đó là từ bỏ hoàn toàn, không gắn bó cùng bất cứ người nào hay sự vật nào; và sẵn lòng làm bất cứ một nhiệm vụ nào miễn là danh Chúa cả sáng.

Sống trong một xã hội nơi
“những quan niệm về tự do đã tách rời tự do đích thật là quyền thiết yếu của con người, ra khỏi tương quan căn bản với chân lý và tiêu chuẩn đạo đức” (ĐSTH số 91),  “Đức vâng phục đặc thù của đời thánh hiến là một lời đáp ứng hữu hiệu cho tình trạng trên” (Ibid.)

Noi gương Đức Giêsu vâng phục chúa Cha, người tu sĩ nêu cao “ý thức tương quan nghĩa tử” tuyên xưng uy quyền tối cao của vị Cha nhân lành trên gia đình nhân loại. Để được nhạy cảm trong nhận định thánh ý Chúa, người tu sĩ cần  sự hỗ trợ của anh chị em đồng lý tưởng. Đây chính là lý do quan trọng của đời sống cộng đoàn của tu sĩ.


Các bạn có thể tìm hiểu hoặc liên lạc thêm qua những trang mạng và số điện thoại dưới đây:

0966 771 913/0166 47 57 705

October 26, 2012

Lời Khấn Khó Nghèo



"Tôi thuộc về Chúa và chỉ thuộc về Chúa mà thôi. Và như thế tôi phải chấp nhận mọi sự như đến từ bàn tay của Ngài."
Thánh Rafaela Maria


Chúng ta cùng suy ngẫm lời khuyên Phúc Âm Khó Nghèo.

Trong điều luật số 600, Giáo Hội khẳng định:
Lời khuyên Phúc Âm Khó Nghèo để bắt chước Đức Kitô, Đấng tuy giàu sang nhưng đã trở nên nghèo vì chúng ta…

Đây chính là tiếng vọng lại của Thánh Phaolô trong thư gởi tín hữu Corintô:
Quả thật, anh em biết Đức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta, đã có lòng quảng đại như thế nào: Người vốn giàu sang phú quý, nhưng đã tự ý trở nên nghèo khó vì anh em, để lấy cái nghèo của mình mà làm cho anh em trở nên giàu có”. (2Cor. 8: 9)

Là Chúa tể càn khôn, Chúa đâu cần thiết chi. Nhưng để hòa đồng cùng tạo vật hèn yếu, Đức Giêsu đã,  theo lời Thánh Phaolô gởi Philiphê:
…vốn dĩ là Thiên Chúa, mà không nghĩ phải nhất quyết duy trì địa vị ngang hàng với Thiên Chúa, nhưng đã hoàn toàn trút bỏ vinh quang mặc lấy thân nô lệ, trở nên giống phàm nhân sống như người trần thế (Phil. 2:6-7)

Sống như người trần thế để phục vụ con người, nhất là những người ngoài lề xã hội. Chấp nhận sống nghèo không có nghĩa là Chúa tâng bốc sự nghèo khổ. Trong Cựu Ước, ý thức sự ghê tởm của nghèo khổ, các tiên tri đã không ngần ngại sống đời ngôn sứ, để chống trả lại những kẻ bắt bớ, đàn áp kẻ hèn yếu, nghèo nàn. Thiết tưởng cũng nên ôn lại ý nghĩa của nghèo hèn  qua Kinh Thánh. Thuở đầu, khi người Do Thái còn là dân mục, tình liên đới còn chặt chẽ trong lối sống ít khác biệt nên chẳng có nghèo khổ. Nhưng khi họ định cư ở đất hứa, với công việc trồng trọt và chăn nuôi, nhiều người bắt đầu thu thập nhiều bổng lợi và trở nên giàu có.

Của cải, thành công, là những dấu chỉ được chúc lành. Những người kém may mắn, bị liệt vào hạng tội lỗi không được Chúa để ý tới. Hoàn cảnh này đổi ngược khi họ phải đi đầy qua Babylon. Trong lúc hoạn nạn, họ cho là Chúa đã ở lại đền Giêrusalem, và đã không theo họ trong lưu đầy. Đúng lúc này, các ngôn sứ hoạt động mạnh hơn, để trấn an họ và gầy lại niềm tin. Chúa vẫn yêu họ, mặc dù họ đã bất trung. Chúa luôn sẵn sàng chờ đón họ. Trong lúc khốn đốn họ kêu đến Chúa và Người nghe lời.

Nhập thể, Đức Giêsu đã là hiện thân của tin mừng này. Người mặc khải lòng thương vô biên của Chúa Cha. Như người Cha nhân hậu, luôn chờ đón đứa con hoang trở về, Chúa diễn tả niềm vui của cả triều thần Thiên quốc đón nhận con chiên lạc. Đặc biệt Chúa chú tâm đến những người nghèo khổ, bị xã hội rẻ rúng. Chính Chúa Giêsu đã tuyên bố trong Tin Mừng của thánh Luca:
Thần khí Chúa ngự trên tôi, vì Chúa đã sức dầu tấn phong tôi, để tôi loan báo tin mừng cho kẻ nghèo hèn”. (Lk 4: 18)   hay:

Phúc cho anh em là kẻ nghèo khó, vì nước Thiên Chúa là của anh em. Phúc cho anh em là những kẻ bây giờ đang phải đói, vì Thiên Chúa sẽ cho anh em no lòng. Phúc cho anh em là những kẻ bây giờ đang phải khóc, vì anh em sẽ được vui cười. (Lk. 6: 20-21)

Đây không phải là một phản ứng nghịch lại quan niệm trong Cựu Ước. Hồi đó người thành công là người được chúc phúc, ở đây người nghèo là người được chúc phúc. Ơn lành không hệ tại hình thái sống. Cũng không hệ tại công phước con người. Nhưng ơn phước, phép lành tùy thuộc lòng nhân từ của Chúa. Dụ ngôn những thợ làm vườn nho là một thí dụ điển hình. Những người vô làm muộn, cũng được trả công bằng những người cặm cụi cả ngày. Vì ơn phước tùy thuộc lòng nhân từ Chúa, người cảm nghiệm nhu cầu khấn xin sẽ không bị từ chối. Đức Giêsu đã quả quyết: “Hãy xin thì sẽ được!”

Chính đời sống phàm trần của Đức Giêsu, đã là hiện thân của lối sống thanh bần. Người đã trút bỏ vinh quang hầu trở nên giống phàm nhân. Hoàn toàn hòa đồng cùng người nghèo, Người đã nói: “Con chồn có hang, chim trời có tổ, nhưng con người không có chỗ tựa đầu.” (Mt. 8: 20). Nối bước Đức Giêsu, qua sự tình nguyện sống thanh bần, không những người tu sĩ chứng tỏ tình liên đới, chia sẻ yêu thương với những người nghèo khổ, bị khinh khi mà còn tuyên xưng Thiên Chúa tuyệt đối là sự giàu có duy nhất của họ. Tận hiến cho Thiên Chúa và qua Chúa cho tất cả mọi loài thụ tạo, họ hùng hồn xác tín vững chắc về hạnh phúc mai hậu trong giáo hội. Người tu sĩ chấp nhận thiếu thốn để tuyên xưng cho thế giới hiện đại với những ràng buộc bởi những lời hứa hẹn giả trá, niềm vui phúc thật duy nhất chính là Thập Giá của Chúa Kitô. Vì vinh phúc sống lại không thể đạt được ngoài con đường phó thác của thập giá.

Đức khó nghèo làm chứng cho Thiên Chúa, kho tàng đích thực của trái tim con người. Tuyên khấn lời khuyên khó nghèo người tu sĩ nêu lên ba khía cạnh: đó là niềm tin cần hoàn toàn trong tình Chúa quan phòng, chỉ tiên vàn chú tâm tìm kiếm nước trời; tiếp đó người tận hiến được mời làm chứng cho Tin Mừng một cách mới mẻ và mạnh mẽ, trong sự từ bỏ và tiết độ bằng một nếp sống huynh đệ, với nét nổi bật là đơn sơ và hiếu khách, hầu giảm bớt phần nào thái độ dửng dưng, khuyến khích chia sẻ nhu cầu của người lân cận. Vì từ bỏ tất cả, người tu sĩ  không còn quyền tự do xử dụng hoặc định đoạt tài sản nữa. Chính nét sống thanh đạm nêu lên ý thức sự giới hạn của tài nguyên thiên nhiên hầu củng cố tôn trọng, và bảo vệ công trình tạo dựng, bằng cách giảm bớt tiêu thụ, tránh phung phí và biết tự kiềm chế những ước muốn của mình.

Sống nghèo khó và đơn giản về tiện nghi vật chất, người tu sĩ có tâm hồn tự do, không lệ thuộc, không bám trụ, luôn ở thế lữ hành, sẵn sàng cho không những gì được lãnh nhận nhưng không, để mang bình an cho muôn người. Một cách tóm tắt theo lời Bộ Giáo Luật, người tu sĩ, ngoài một nếp sống nghèo cả về vật chất lẫn tinh thần, cần cù và thanh đạm, không dính bén tài sản thế tục, còn mang kèm theo sự lệ thuộc và hạn chế trong việc sử dụng và định đoạt tài sản, chiếu theo quy tắc của luật riêng của từng hội dòng.

Sống thanh bần, người tu sĩ đi ngược lại khiêu khích của “chủ nghĩa vật chất thèm khát sở hữu, dửng dưng với những nhu cầu và nỗi đau khổ của những người yếu đuối,” (ĐSTH số 89).  Sống thanh bần, người tu sĩ biến mình thành những máng thông ban những gì lãnh nhận được, vật chất, trí thức, hay thiêng liêng, cho những anh em kém may mắn. Nghĩa là trong cuộc sinh hoạt hàng ngày, người tu sĩ cũng thu nhận thù lao hay quà cáp. Sau khi dùng đủ cho nhu cầu cộng đòan cũng như bản thân, những gì dư giả cần được chia sẻ cùng phần tử nghèo nàn của chi thể Chúa Kitô. Cũng thế trong vấn đề trí thức, vì có nhiều phương tiện hơn, người tu sĩ có bổn phận tận dụng tài năng thu thập để phục vụ anh em đồng loại. Người tu sĩ cần cầu nguyện cho toàn Giáo Hội, cũng như những anh em đang trong cơn khốn khó.

Tuy nhiên, vì xã hội tiêu thụ hiện tại hướng về vật chất, người tu sĩ hay bị cám dỗ tự tạo cho mình một lối sống dư dật, thu thập của vải phù du. Chúng ta cần chung lời cầu để họ được mạnh dạn đặt hết tin tưởng vào Chúa, Người đã xuống thế đảm nhận thân phận yếu hèn của nhân loại.


Các bạn có thể tìm hiểu hoặc liên lạc thêm qua những trang mạng và số điện thoại dưới đây:

0966 771 913/0166 47 57 705

October 22, 2012

Lời Khấn Khiết Tịnh


"Tôi phải chết cho mọi sự, nếu tôi muốn sống cho Đức Kitô."
Thánh Rafaela Maria

Trong chương trên chúng ta đã thấy rõ ý nghĩa nơi Mẹ Giáo Hội về ba lời khuyên Phúc Âm. Bây giờ chúng ta sẽ cùng suy ngẫm về lời khuyên Phúc Âm Khiết Tịnh.

Dấu chỉ cụ thể của khấn hứa lời khuyên Phúc Âm Khiết Tịnh “bao hàm nghĩa vụ tiết chế hoàn toàn trong sự độc thân”. Nhưng thiết tưởng chỉ chú tâm đến phương diện này có vẻ quá tiêu cực. Lời khấn không hệ tại sự từ bỏ, nhưng chủ chốt trong “lựa chọn”. Khi nghe các môn đệ phát biểu ý kiến về đời sống hôn nhân, Đức Giêsu đã dùng một hình ảnh cụ thể dẫn chứng những trường hợp khác nhau, để đề cập đến việc tự nguyện sống độc thân trọn vẹn, suốt đời như một lối sống đặc biệt để phục vụ nước Trời. Người phán: “Có những người là hoạn nhân vì bị người ta hoạn; và có những người là hoạn nhân do họ tự ý sống như thế vì nước Trời”. (Mt. 19: 12)

Người tu sĩ không dấn thân vào một tình yêu duy nhất, qua sự gắn bó hôn nhân, nhưng tự hiến mình cho một tình yêu khác thường. Không kết thân cùng một người khác, không phải là chạy trốn gánh nặng gia đình, cũng không phải vì một khuyết tật. Nhưng từ chối kết thân cùng một người khác, người tu sĩ tận hiến để chỉ thuộc về Thiên Chúa, hoàn toàn vâng theo kế hoạch của Ngài, phục vụ nhân loại, nhất là phục vụ Tình yêu cứu độ. Sống độc thân, người tu sĩ hội nhiều điều kiện thuận lợi để thực thi Đức Mến cách hoàn hảo. Đi tu không để tránh nợ đời, tránh dây dưa tình cảm. Thay vì hiến dâng trái tim cho một người, đời tận hiến mở rộng biên giới tình yêu mình cho mọi người, ôm lấy một chiều kích đại đồng, phổ quát hơn. Mọi người là thân thuộc họ. 

Ý thức được tình yêu bao la của Thiên Chúa, theo lời Thánh Gioan, Người đã yêu họ “…trước và đã sai Con Một mình giáng thế để chúng ta nhờ đó mà được sống” (1Gioan 4: 9-10), người tu sĩ cũng muốn đáp trả bằng một tình yêu vô điều kiện, không tính toán. Sống tình yêu, người tu sĩ làm chứng cho tình yêu hoàn thiện của đời sống vĩnh cưủ, thực hiện được ngay giữa cảnh tạm bợ của kiếp sống phù dung. Theo gót Đức Giêsu, người tu sĩ dấn thân phục vụ không phân biệt giàu sang, quyền chức, hay vị thế, màu da. Như Đức Giêsu tìm đến kẻ tội lỗi cùng đinh trong xã hội, những “con chiên lạc”, người tu sĩ cũng chú tâm đến người bần cùng, nghèo khó, đói rách, trần truồng, người sa cơ thất thế, kẻ số phận hẩm hiu, người bị xã hội chê bai.

Giữa một nền văn hóa hưởng thụ coi thường
mọi quy tắc đạo đức khách quan của tính dục, hay còn giản lược tính dục thành một thứ trò chơi và một món hàng tiêu thụ, buông trôi tôn thờ bản năng, các phương tiện truyền thông đại chúng lại đồng lõa trong việc đó. (ĐSTH số 88)

Đời sống “đức khiết tịnh hoàn hảo”, được coi “như một chứng tá về quyền năng của tình yêu Thiên Chúa trong sự mỏng dòn  của  thân  phận  con người” (Ibid.)  

Chứng tá,
trong đức Kitô người ta có thể yêu mến Chúa với hết cả con tim, đặt Ngài lên trên mọi mối tình, và yêu thương mọi thụ tạo với sự tự do của Thiên Chúa…minh chứng rằng sức mạnh của tình yêu Thiên Chúa có thể làm những điều phi thường ngay giữa cảnh thảm khốc của tình thương nơi loài người (Ibid).

Chọn lựa sống độc thân vì nước Trời không có ý nâng cao tầm quan trọng của lối sống này trên cuộc sống lứa đôi. Tính cách đa dạng của sự hiện hữu, đòi hỏi nhiều ơn gọi khác nhau. Sự khác biệt chỉ nêu lên tính cách bổ túc chứ không hẳn để so sánh. Mỗi người hoàn thành sứ nhiệm trong đấng bậc của mình là cha mẹ, hay con cái, người ở vậy, hay tu sĩ. Giá trị sự dâng hiến không hệ tại phương cách dâng hiến, nhưng trong sự trọn vẹn của lễ vật.

Nhưng dâng hiến hoàn toàn cho Chúa, không cùng nghĩa với thoát trần. Bao lâu còn sống giữa xã hội, người tu sĩ còn bị ảnh hưởng của đòi hỏi bản thân và lối sống trần tục. Người tu sĩ cũng cảm nghiệm cô đơn lẻ loi, cái lẻ loi của kiếp làm người. Ngay cả những người sống đời hôn nhân, mặc dù luôn chia sẻ tình thân mật cùng bạn đời, cũng không thoát khỏi kinh nghiệm buồn tẻ đơn côi. Người tu sĩ cũng bị thu hút bởi khuynh chiều tìm khoái lạc, mong ước những tiện lợi hưởng thụ hầu thỏa mãn đòi hỏi bản thân. Đây chính là cạm bẫy xui khiến người tu sĩ tìm quên trong sự bận rộn công việc. Hay người tu sĩ cũng có thể sa vào cám dỗ,  dùng chức vị của mình để làm người khác lệ thuộc vào ho,ï hầu che đậy cái trống rỗng trong lòng. Nhất là lúc cuộc đời về chiều, khi sức lực hăng say của tuổi trẻ tàn dần, khi người tu sĩ thấy mình gần như bị tước khỏi tất cả những thành công hay mối liên hệ bạn bè. Người tu sĩ không thể đặt tin cậy vào những giải thoát không bền vững này. Người tu sĩ cần biết tìm thỏa mãn trong Chúa mà thôi, không sự vật nào có thể thay thế được. Trong cách hành xử hàng ngày, người tu sĩ cần có những tình bạn có thể thân thiết, với anh em, chị em cùng cộng đoàn, hay cả người khác giới, miễn tình bạn đó đặt trong tình yêu Chúa. Mối liên kết với người cùng lý tưởng có thể góp phần quan trọng cùng cố bước đường hành hương của họ.

Điều nên nhớ là không thể đóng khung cuộc sống trong một mẫu mực hay quy chế. Mỗi ngày đến với những mới mẻ và bất ngờ của nó. Chỉ những ai sẵn sàng tiến tới trong đức tin,  mới nhận ra sự gần gũi của Thiên Chúa. Họ luôn cởi mở,sẵn sàng đón nhận tất cả anh em đồng loại, cũng như những sự vật, như những món quà từ chính Chúa. Họ không để bất cứ người nào, hay sự vật nào chi phối, mà thỏa mãn dừng lại như đã tới đích. Không, họ nhận ra giá trị đích thực của tất cả như môi giới dẫn tới Chúa.

Khiết Tịnh không là một nhân đức để bảo tồn khỏi mất mát. Nhưng là một thể chất sống động cần được nuôi dưỡng hầu nảy nở. Càng lớn lên trong tình thân mật cùng Chúa, người tu sĩ càng thấy trái tim mở rộng để chia sẻ, hướng về đối tượng duy nhất của lòng. Ơn đặc sủng của những vị lập dòng và hiến chương dòng,  không những là khiên mộc, mà còn là đuốc sáng soi đường cho họ.

Ca dao ta có câu: “Yêu nhau yêu cả đường đi…”  Muốn yêu cả đường đi nước bước của Chúa để nên đồng hình đồng dạng với Người, người tu sĩ cần phải biết Chúa mật thiết hơn. Muốn biết Chúa mật thiết hơn, cần quen thuộc với lối sống của Chúa. Muốn thông thạo lối sống của Chúa, chỉ có cách sống lời Chúa qua tâm tình cầu nguyện liên lỉ.

Các bạn có thể tìm hiểu hoặc liên lạc thêm qua những trang mạng và số điện thoại dưới đây:

0966 771 913/0166 47 57 705

October 20, 2012

Đời Sống Thánh Hiến: Chiêm Niệm, Tông Đồ, và Ba Lời Khấn Phúc Âm


"Tôi phải chết cho mọi sự, nếu tôi muốn sống cho Đức Kitô."
Thánh Rafaela Maria

Lịch sử đời tu cho thấy, các hội dòng tu, nam cũng như nữ, phát nguồn từ những thời điểm khác nhau. Qua các thời đại, các vị lập dòng đã nhạy cảm dưới tác dụng đặc sủng của Thần Khí, đáp ứng nhu cầu của con người đương thời. Thánh Phaolô trong thư thứ nhất gởi Corintô viết:
Có nhiều đặc sủng khác nhau, nhưng chỉ có một Thần Khí. Có nhiều việc phục vụ khác nhau, nhưng chỉ có một Chúa. Có nhiều hoạt động khác nhau, nhưng vẫn chỉ có một Thiên Chúa làm mọi sự trong mọi người. Thần Khí tỏ mình ra nơi mỗi người một cách, là vì ích chung. Người thì được Thần Khí ban cho ơn khôn ngoan để giảng dạy, người thì được Thần Khí ban cho ơn hiểu biết để trình bày. Kẻ thì được Thần Khí ban cho lòng tin; Kẻ thì cũng được chính Thần Khí duy nhất ấy ban cho những đặc sủng để chữa bệnh. Người thì được ơn làm phép lạ, người thì được ơn nói tiên tri; kẻ thì được ơn phân định thần khí; kẻ khác thì được ơn nói các thứ tiếng lạ; kẻ khác nữa lại được ơn giải thích các tiếng lạ.
 (I cor. 12: 4-10)

Nhiều cách phục vụ trong một Chúa. Nhiều hình thái sống nhưng một sứ nhiệm mến Chúa yêu người. Đây là lý do nhiều phẩm trật khác nhau trong Giáo Hội. Nhưng ngay cả trong hàng ngũ những người được gọi theo sát Chúa, có dòng chuyên việc tông đồ, nối bước Đức Giêsu, khi thì rao giảng Tin Mừng, hàn huyên với những người ngoài lề xã hội, lúc giang tay chữa bệnh, hay an ủi kẻ tật nguyền; lại cũng có dòng  “chiêm niệm ”, cũng có nơi gọi là “Đan Viện” tiếp tục tinh thần cầu nguyện của Đức Giêsu trong sa mạc, ngày đêm chăm chú cầu nguyện, đặt  nặng đời sống khổ chế, âm thầm lao động kín đáo trong tu viện . Cách thể hiện có khác nhưng bản chất đời tu vẫn là một . Khấn hứa trong bất cứ hội dòng nào,  người được gọi theo sát Chúa cũng chỉ ràng buộc mình cùng đấng Vô Hình qua ba lời khuyên Phúc Âm.

Thiết tưởng nên ghi nhớ, là đời tu trì từ khởi đầu tới thời Thánh Tôma Aquinas, chưa có một thể thức nhất định. Mặc dầu đã được thực tập trong hình thái sống, ba lời khuyên Phúc Âm chưa được thể định rõ ràng. Thuở đó một đan sĩ , hay một nữ tu , chỉ khác một tín hữu trong sự chọn lựa sống ẩn dật , để được hoàn toàn thuộc về Chúa. Thánh Gregory Nazianzus diễn tả đời tu như một cuộc hành hương với chấp nhận khó nghèo, sẵn sàng chịu sỉ nhục, khinh chê và giữ đức khiết tịnh. Trong cuốn Apophtegmata Patrum , Đan viện trưởng Andrew, nhìn vị đan sĩ như một người đã từ bỏ quê hương, để sống nghèo hèn, và chịu đựng đau khổ trong thầm lặng. Đan Viện trưởng Poemen lại coi khó nghèo, hoạn nạn, đau khổ, và ăn chay, là những điều cần thiết cho đời sống ẩn dật. Đan viện Trưởng Elias nhìn nhận khó nghèo, hiền lành, và ăn chay là những nhân đức cần thiết. Với Đan viện Trưởng Gioan, đan sĩ là một người bạn của đau khổ, luôn từ bỏ mình trên mọi phương diện.

Vì đời sống cộng đòan chưa là nhu cầu cho lối sống ẩn dật, vẫn chưa có hình thức tuyên khấn hay thề hứa công khai. Nơi nào có nhóm ẩn sĩ, thì chiếc áo dòng thô sơ biểu hiện tình huynh đệ của họ. Trong cuốn Luật Lệ Theo Thầy (Rule of the Master) của một tác giả vô danh bên Ý, hồi thế kỷ thứ 6, có đề nghị thêm vào một nghi lễ công cộng để đón nhận người anh em mới. Qua thế kỷ thứ 7, Thánh Gioan Climacus khẳng định rõ ràng ba điều kiện cần thiết cho một tu sĩ. Đó là: chấp nhận từ bỏ mọi sự, xa cách mọi người, kể cả những người thân, và từ bỏ chính ý riêng mình. Ba điều kiện này chính là ba lời khuyên Phúc  Âm Khó nghèo, Khiết tịnh, và Vâng lời. Đến thế kỷ 13, Đức Giáo Hoàng Innocent IV đã khẳng định cùng các nữ tu đan viện thánh Clara hay dòng “Chị Em Thanh Bần”, vai trò chủ chốt của ba lời khuyên Phúc  Âm trong đời sống thánh hiến. Một thời gian ngắn sau Thánh Toma Aquinas ghi nhận những lời khuyên này trong thuyết Thần Học đời sống thánh hiến của Ngài.

Từ đó cho tới ngày nay, ba lời khuyên Phúc Âm là định nghĩa của đời sống thánh hiến. Để hiểu rõ ý nghĩa ba lời khuyên Phúc Âm Khiết Tịnh, Khó Nghèo và Vâng Lời, chúng ta cùng suy niệm qua ý hiểu của Giáo hội trong cuốn Bộ Giáo Luật.

Thể theo Giáo Luật điều 598:
Mỗi Hội Dòng phải quy định trong Hiến Pháp cách thức tuân giữ các lời khuyên  Phúc Âm Khiết Tịnh, Khó Nghèo và Vâng Lời, trong lối sống của mình, chiếu theo đặc tính và cứu cánh riêng. (BGL, số 598)

Về Khiết Tịnh Giáo Luật điều 599 khẳng định:
Lời khuyên Phúc Âm Khiết Tịnh chấp nhận vì nước Trời, xét vì là dấu chỉ của thế giới tương lai và nguồn mạch phong nhiêu trù phú trong một con tim không chia sẻ, bao hàm nghĩa vụ tiết chế hoàn toàn trong sự độc thân.

Về Khó Nghèo Giáo Luật điều 600 giảng giải:
Lời khuyên Phúc Âm Khó Nghèo để bắt chước Đức Kitô, Đấng tuy giàu sang nhưng đã trở nên nghèo vì chúng ta, ngoài một nếp sống nghèo cả về vật chất lẫn tinh thần, cần cù và thanh đạm, không dính bén tài sản thế tục, còn mang kèm theo sự lệ thuộc và hạn chế trong việc sử dụng và định đoạt tài sản, chiếu theo quy tắc của luật riêng của từng hội dòng.

Về Vâng Lời Giáo Luật điều 601 đọc:
Lời khuyên Phúc Âm Vâng Lời, được chấp nhận trong tinh thần tin yêu để theo Đức Kitô vâng lời cho đến chết, bó buộc ý chí phải tùng phục các Bề Trên hợp pháp, khi họ thay mặt Thiên Chúa truyền khiến hợp theo hiến pháp riêng.

Đáp lại lời kêu mời theo sát Chúa không có nghĩa là dự tu nam hay nữ đang hợp đủ điều kiện để nên thánh. Thực sự ra thánh thiện không là một điều kiện tối cần để chọn lựa bất cứ một lối sống nào. Ngược lại người thỉnh tu nhập viện với tất cả những gì là bản thân của họ, với nhân đức thánh thiện cũng như những thiếu xót cá tính. Với trái tim biết rung động trước những gợi cảm, người thỉnh tu cũng nghiêng chiều kết nghĩa riêng tư trong một mái ấm gia đình. Theo bản năng tự nhiên, người thỉnh tu cũng ham muốn làm chủ nhân những gia tài đồ sộ, hầu đảm bảo nếp sống dư giả nhàn hạ.  Hơn bao giờ hết, giữa thời đại duy thân này, người thỉnh tu cũng tha thiết bảo tồn quyền tự định đoạt. Nhưng “từ bỏ tất cả” chính là giá cả kết nghĩa cùng Chúa. 

Hai chữ “từ bỏ” bao hàm ý nghĩa chủ động. Nhưng thực ra quyết định của người tu sĩ chỉ là một đáp trả lời kêu mời của Chúa. Được yêu thương, người tu sĩ muốn đáp lại tình yêu đó. Đứng trước mối tình bao la này, con người nhỏ bé chỉ biết dâng trọn trái tim, tất cả lý trí, và tất cả những gì mình có cho Đấng Tình Quân. Hiệp cùng Đức Giêsu, lúc đó người tu sĩ có thể thân thưa: “Lạy Chúa này con xin đến để thi hành Thánh ý Cha!”


Các bạn có thể tìm hiểu hoặc liên lạc thêm qua những trang mạng và số điện thoại dưới đây:

0966 771 913/0166 47 57 705

October 17, 2012

Lịch Sử Đời Sống Thánh Hiến - Phần II

"Ở đời này, điều vinh danh duy nhất của tôi là được sống không ai biết đến và bị khinh dễ, chà đạp không ai thương xót."
Thánh Rafaela Mary



Song song những cải tổ nội bộ, thánh Bernardo cũng có tham dự vào các phong trào thánh chiến (crusade). Để giải phóng thánh địa đã bị Hồi Giáo chiếm đóng, thế kỷ 12 là thế kỷ của những dòng Chiến Sĩ (militant order). Tu Hội Đền Thờ (Temple Order) được gọi là đền thờ của vua Salomon, nơi mà vua Giêrusalem đã ban căn nhà đầu tiên cho 8 người tiên khởi. Bernardo nhận giúp đỡ những người này và sửa đổi hiến chương của hội dòng Xitô theo nhu cầu của họ. Mục tiêu của hội dòng là chiếm đoạt thánh địa. Nhưng vì những di chuyển và cách gởi tiền của họ, tu hội này trở thành những nhà ngân hàng đầu tiên của Âu Châu. Năm 1312, vì Vua Pháp muốn chiếm đoạt của cải của dòng đã ép buộc Đức Giáo Hoàng giải tán toàn tu hội.

Tu hội Bệnh Viện của Thánh Gioan của Giêrusalem được thành lập bởi một đan sĩ Biển Đức nhưng với hiến chương của thánh Augustin. Năm 1120, một số hiệp sĩ được sát nhập vào tu hội.  Chủ đích tu hội là chăm sóc những người hành hương ngã bệnh, nhưng dần dần họ cũng có hoạt động như ngân hàng. Vì chiến tranh, trụ sở chính được dời qua Malta, một đảo ở Địa Trung Hải, và năm 1930 đã được Đức Thánh Cha Piô XII công nhận là hội dòng Kinh Sĩ của Malta. Hiện nay song song cùng hội dòng này có Tổ chức Kinh Sĩ của Malta với trụ sở chính tại Roma.

Đến thế kỷ XIII, xã hội Âu Châu chứng kiến nhiều thay đổi. Biên giới thành thị nới rộng với nhiều trung tâm đại học thu hút làn sóng di dân từ thôn quê đổ về. Trước những biến chuyển ồ ạt, Giáo Hội vẫn khư khư khuôn khổ cũ. Giới lãnh đạo được chọn từ các đan viện với nền huấn luyện rất thô sơ. Thông hiểu tiếng La Tinh là đòi hỏi duy nhất để được truyền chức. Thêm vào đó sự giàu  sang của giáo hội phản ngược đòi hỏi đơn sơ nghèo khó của Phúc Âm. Để đi ngược lại những khuynh hướng này, những dòng Khất Sĩ đã ra đời với những người hành hương hòa bình, gần gũi với người nghèo như dòng Anh Em Hèn Mọn của thánh Phanxicô thành Assisi; hoặc là những người nghiên cứu và rao giảng chân lý như dòng Đaminh. Dòng Đức Bà Thương Xót (Mercedaria) để chuộc người nô lệ của Hồi giáo được thánh Pherô Nolasco sáng lập năm 1220. Cũng trong thời gian này, những người kế vị của nhóm môn đồ Tiên Tri Elia, các ẩn sĩ  trên núi Carmel, ở Liban đã thành lập dòng chiêm niệm Carmel. Dòng này được thánh Teresa của Avila và Thánh Gioan Thánh Giá phục hồi vào thế kỷ thứ XVI.

Thế kỷ XIV và XV chứng kiến nhiều hậu quả của thời kỳ Phục Hưng, đồng thời cũng là thời kỳ ly khai. Sự hiện diện của hai ba Đức Giáo Hoàng tranh chấp quyền lợi gây hoang mang cho các tín hữu. Tiền bạc có thể mua chức Đan Viện Trưởng. Nhiều tu sĩ nhập dòng để tránh quân dịch. Những xì căng đan về luân lý nảy sinh đòi hỏi cải huấn và canh tân. Năm 1450 máy in được ông Johannes Guttenberg sáng kiến ở Đức. Năm 1521, cử chỉ chống đối hiện thân trong Luther đã làm giáo hội phải điêu đứng.

Thế kỷ XVII dung dưỡng hai chủ trương lạc đạo Jansenism và Đường Lối Thầm Lặng. Trong thuyết Jansen, Chúa được coi như vị quan tòa. Con người quá tội lỗi đến nỗi ơn phước cũng không cứu được. Chỉ có cách mua chuộc Chúa bằng đánh tội phạt xác. Một nhóm nữ đan sĩ  Xitô ở Port Royal được tả là “trong trắng như thiên thần nhưng kiêu ngạo như quỉ”. Đúng lúc này Thánh Tâm Chúa đã hiện ra cùng thánh nữ Margaret Marie Alacoque mặc khải tình yêu nồng thắm của Chúa. Nhóm theo Đường Lối Thầm lặng cổ võ cắt đứt liên lạc cùng người khác. Mỗi cá nhân phải vươn tới kết hợp cùng Chúa mà thôi. Ngay cả các thánh cũng bị coi như thừa thãi.

Thế kỷ này cũng chứng kiến sự nở rộ của triết lý đưa đến danh hiệu thời đại ánh sáng. Những người được thông (enlightened) cho mình thông hiểu mọi sự. Họ không cảm thấy cần Chúa nữa. Quyền thế trần gian được đặt trên quyền năng của Giáo hội.

Nhiều tư tưởng mới phát sinh từ Tin Lành (protestantism), hay từ thuyết nhân bản giảm bớt niềm tin trong Giáo hội. Dù gặp nhiều khó khăn, thế kỷ này cũng chứng kiến sự ra đời của nhiều dòng tông đồ như dòng Thừa Sai Vinh Sơn của Thánh Vinh Sơn, dòng Chúa Cứu Thế dưới sự sáng lập của Thánh Alphonso Maria de Liguori năm 1732; dòng La salle bởi Thánh Gioan Bautista de Lasalle; dòng Chúa chịu nạn của Thánh Phaolô Thánh Giá năm 1720; dòng Phan Sinh de Sales, dòng Đức Mẹ Maria, tu hội Nguyện Đường của Peter de Breuille, tu đoàn Nữ Tử Bác Ái Vinh Sơn. Được Thánh Vincent de Paul và Louise de Marillac thành lập, tu đoàn đánh dấu một bước tiến xa của phái nữ tu, vì đây là một dòng “lấy bệnh viện làm nhà dòng, lấy đường phố làm nhà ở…”

Quyền  chức của Đức Giáo Hoàng thời này thường , hoặc bị lợi dụng bởi những gia đình quí tộc, hoặc bị quyền lực vua chúa đàn áp. Ranh giới chính trị và tôn giáo không rõ ràng. Aûnh hưởng những tư tưởng mới như thuyết nhân bản, khiến nhiều người nguội lạnh cùng Giáo Hội. Quang cảnh hỗn loạn kéo dài qua thế kỷ XVIII. Ơû Austria năm 1872 nhà vua ra lệnh đóng cửa tất cả các dòng tu. Liên lạc với Roma cũng bị cắt đứt. Cuộc cách mạng bên Pháp năm 1789 chứng kiến một cuộc bắt bớ chống đạo gắt gao. Tất cả sản nghiệp của Giáo hội đều bị tịch thu. Lời khấn trọn đời bị hủy bỏ. Một năm sau một nghị định đóng cửa các dòng tu. Tình trạng đó cũng diễn ra tại Bỉ. Năm 1796 khoảng 10,000 tu sĩ bị giải tán. Năm 1773 dòng Tên bị Đức Giáo Hoàng giải tán. Lúc đó dòng đã đếm được 23,000 người! Riêng nước Nga và Prussia không cho thi hành sắc lệnh Đức Thánh Cha nên đã là nơi lánh nạn cho họ. Năm 1814 dòng được phục hồi.

Thế kỷ XIX được coi là thời kỳ phục hưng của truyền giáo. Sau thể chế “kinh hoàng” của cách mạng Pháp, Napoleon công nhận vai trò của Giáo Hội trong xã hội, mặc dù ông vẫn chủ trương độc quyền. Âu Châu cũng dần dần phục hồi những cơ chế cổ truyền. Các dòng thừa sai đi truyền đạo ở nước ngoài, hay phục vụ các tầng lớp quần chúng trong nước. Dòng Tên, dòng Phan Sinh, dòng các cha Thừa sai, dòng Ngôi Lời là những hội dòng nổi tiếng. Về giáo dục có các sư huynh Lasalle. Đặc biệt dòng Don Bosco chuyên về giáo dục thanh niên. Cũng có dòng về đại kết, hành hương và báo chí. Sau thế chiến lần thứ nhất, xuất hiện các dòng tu nhằm phục vụ giới thợ thuyền, phục vụ nông thôn, hay theo gương và theo tinh thần của cha Charles de Foucauld.

Năm 1940 Đức Giáo Hoàng Piô XII công khai chấp nhận các tu hội đời. Đây là bước đầu đánh dấu chú tâm của Giáo hội đến vai trò quan trọng của giáo dân. Trong tinh thần này, nhiều cộng đoàn mới xuất hiện, quy tụ những người độc thân, những người đã có gia đình, những linh mục triều v.v. như tu hội Opus Dei, hay tu hội Đức Mẹ Chúa Ba Ngôi. Năm 1965, sau cộng đồng Vatican II, các dòng tu đã có những định hướng lại chọn lựa của mình. Tinh thần hiệp nhất mời gọi trao đổi giữa các hội dòng. Công bình xã hội cũng được chú tâm tới, và được khuyến khích biến thành một trong những hoạt động tông đồ của hội dòng.

Tóm lại, ngược dòng thời gian, đời sống thánh hiến, sự hiến dâng hoàn toàn bản thân dưới tác động của Thánh Linh, mặc dù đã có khi phải thử thách bắt bớ gắt gao, không những đã được duy trì, mà nhiều khi còn nở rộ trong lịch sử Giáo Hội. Ngay tại nước Phi trong vòng mới 5 thế kỷ mà Giáo Hội Phi đã có 68 tu hội nam và 214 tu hội nữ.


Các bạn có thể tìm hiểu hoặc liên lạc thêm qua những trang mạng và số điện thoại dưới đây:

0966 771 913/0166 47 57 705

 
Back to Top