December 4, 2013

Sống Sứ Vụ Kitô hữu

SUY NIỆM LỜI CHÚA
Thứ Ba 03/12/2013 Lễ Kính Thánh Phanxicô Xaviê
Bài đọc: 1 Cr 9, 16-19. 22-23
Thưa anh em, đối với tôi, rao giảng Tin Mừng không phải là lý do để tự hào, mà đó là một sự cần thiết bắt buộc tôi phải làm. Khốn thân tôi nếu tôi không rao giảng Tin Mừng! Tôi mà tự ý làm việc ấy, thì mới đáng Thiên Chúa thưởng công; còn nếu không tự ý, thì đó là một nhiệm vụ Thiên Chúa giao phó. Vậy đâu là phần thưởng của tôi? Đó là khi rao giảng Tin Mừng, tôi rao giảng không công, chẳng hưởng quyền lợi Tin Mừng dành cho tôi. Phải, tôi là một người tự do, không lệ thuộc vào ai, nhưng tôi đã trở thành nô lệ của mọi người, hầu chinh phục thêm được nhiều người. Tôi đã trở nên yếu với những người yếu, để chinh phục những người yếu. Tôi đã trở nên tất cả cho mọi người, để bằng mọi cách cứu được một số người. Vì Tin Mừng, tôi làm tất cả những điều đó, để cùng được thông chia phần phúc của Tin Mừng.
Tin Mừng: Mc 16, 15-20
Khi ấy, Đức Giê-su hiện ra với Nhóm Mười Một và nói với các ông rằng: “Anh em hãy đi khắp tứ phương thiên hạ, loan báo Tin Mừng cho mọi loài thọ tạo. Ai tin và chịu phép rửa, sẽ được cứu độ; còn ai không tin, thì sẽ bị kết án. Đây là những dấu lạ sẽ đi theo những ai có lòng tin: nhân danh Thầy, họ sẽ trừ được quỷ, sẽ nói được những tiếng mới lạ. Họ sẽ cầm được rắn, và dù có uống nhằm thuốc độc, thì cũng chẳng sao. Và nếu họ đặt tay trên những người bệnh, thì những người này sẽ được mạnh khoẻ.” Nói xong, Chúa Giê-su được đưa lên trời và ngự bên hữu Thiên Chúa. Còn các Tông Đồ thì ra đi rao giảng khắp nơi, có Chúa cùng hoạt động với các ông, và dùng những dấu lạ kèm theo mà xác nhận lời các ông rao giảng.
SUY NIỆM:
Trong bài đọc hôm nay, thánh Phaolô đã mạnh mẽ nhắc nhở: “Thật khốn thân tôi, nếu tôi không rao giảng Tin Mừng!” (1Cr 9, 16) Chúa Giêsu mong muốn mọi người nhận biết Thiên Chúa là Cha và Ngài đã đi rao giảng điều đó cho người Do Thái đón nhận. Và Ngài đã mời gọi các môn đệ của mình tiếp tục công việc loan báo Tin Mưng đến cuối tận cùng trái đất. Và chúng ta thấy, Phaolô đã nhiệt thành trong công cuộc truyền giáo sau một thời gian bắt bớ đạo Chúa. Cũng như thánh Phanxicô chúng ta mừng kính hôm nay, ngài đã sống một cuộc sống vương giả với nhiều cơ hội thăng tiến trong cuộc đời, nhưng nhờ một câu nói thách đố của thánh Inhaxiô “lời lãi cả và thế gian mà mất phần linh hồn thì được ích gì” (Mt 16, 26), ngài đã bị biến đổi hoàn toàn.
Ngày hôm nay, mỗi người chúng ta có bao giờ tự hỏi: “Tôi có thể làm gì để danh Chúa được biết đến?” Có những lúc chúng ta cảm thấy quá sức mình với đòi hỏi của cuộc sống và thách đố sống chứng nhân giữa đời khi lợi ích cá nhân và chủ nghĩa cá nhân đang xâm chiếm thế giới chúng ta. Chúng ta không nhất thiết phải như thánh Phanxicô Xaviê, đi đây đi đó để rửa tội và nói về nước Thiên Chúa cho dân ngoại. Nhưng chúng ta có thể là một Phanxicô Xaviê nhỏ ngay chính trong nơi chúng ta sống và làm việc. Mỗi cử chỉ, mỗi hành vi là một sự phản chiếu hình ảnh Chúa tình thương nơi tha nhân.

Ước gì mỗi người chúng ta ý thức trách nhiệm và vai trò Kitô hữu của mình để Chúa Giêsu luôn hiện diện sống động trong cuộc sống mỗi ngày của chúng ta. 

0 comments:

Post a Comment

 
Back to Top