Lắng Nghe và Đáp Trả

Khiêm Nhu

Tình Yêu Trọn Vẹn

Giản Dị nhưng Tinh Khiết

Hy Sinh

An Lạc, Trọn Vẹn và Khiêm Tốn

Bình Dị, Thân Thương và Chân Quê

Đẹp Thanh Cao, Tinh Khiết

Tình Yêu Cao Đẹp và Trong Sáng

April 8, 2015

Không Là Tôi, Ai Sẽ?





Người người đang sống trong niềm vui của Chúa đã Phục Sinh, nhưng với tôi dường như vẫn còn lẩn quẩn trong ngày thứ Sáu Tuần Thánh mà chưa bước ra khỏi ngày cái ngày thứ Sáu ảm đạm này. Hình ảnh một Giê-su với đoạn kết của một cuộc đời là thân xác bị treo thập giá kia, giữ tôi lại để cảm, để ngẫm rồi để nghĩ về cuộc đời, về lối sống và về một xã hội hiện tại.
Vì đâu?
Vì phải chăng dân trí ngày càng cao thì người ta gian lận nhiều hơn. Người ta tìm ra lắm trò để lừa gạt nhau. Đối thủ, đối tác, đồng nghiệp, đồng hương và ngay cả đến anh chị em ruột thịt hay cha mẹ với con cái cũng có những chuyện gian lận, tráo trở và lọc lừa. Và không đâu xa, ngay chính tại nơi được gọi là “tiên học lễ, hậu học văn” mà gian lận, lọc lừa xảy ra như chuyện ‘xưa rồi diễm ơi’.
Trước nhu cầu có con của nhiều người hiếm muộn hay vô sinh, nhiều người chọn cách thụ tinh nhân tạo với ước muốn có được tiếng trẻ con trong nhà hay cũng là cách để gìn giữ gia đình. Đây là một ước chân chính. Thế nhưng, Giáo Hội vẫn giữ trọn lập trường KHÔNG. Chúng ta đều ý thức rằng chỉ mình Thiên Chúa mới là chủ sự sống. Vậy mà chúng ta đang xâm phạm đến chủ quyền tuyệt đối của Thiên Chúa trong lĩnh vực sự sống. Chúng ta phải hiểu rằng, để có một đứa trẻ được sinh ra từ thụ tinh nhân tạo, người ta sẽ phải sản xuất nhiều đứa trẻ khác cùng một lúc, sau đó chọn lọc và giữ lại một đứa trẻ. Có nghĩa là những đứa trẻ kia bị giết chết. Đó là bản chất của việc thụ tinh nhân tạo. Và Giáo Hội trả lời KHÔNG với sáng tạo này. Nhưng nhiều người, ngay cả một số Kitô hữu vẫn chọn biện pháp này.
Dường như tôi quá bi quan khi nhìn thấy thực trạng cuộc sống như đang đóng thêm đinh vào thân xác Ngài. Dường như chẳng có gì là hy vọng. Nhưng bạn và tôi không được phép bi quan. Chúng ta không được phép thất vọng. Vì chúng ta tin rằng, nếu không có cái ngày thứ Sáu này thì có lẽ mỗi người chúng ta sẽ không thể cảm nhận được một tình yêu vô điều kiện, không nhìn thấy được ánh huy hoàng của Chúa Phục Sinh đang và sẽ tiếp tục chiếu tỏa trong từng ngõ hẹp của cuộc sống:
Khi vẫn còn những người trả dám dấn thân giúp những nông dân miền Trung bán hết nông sản bị ngập lũ.
Khi vẫn còn những tấm lòng như Tống Phước Phúc.
Khi vẫn còn một Nguyễn Xuân Trang, tài xế taxi chưa vợ, nhanh trí và quả cảm đã kịp cứu sản phụ trên đường đi sinh nở. 
Khi vẫn còn nhiều và nhiều hình ảnh đẹp giữa đời mà đôi lúc ta vội bước qua.

Và mỗi người chúng ta sẽ hỏi chính mình: “Không là tôi, ai sẽ là?” Là cánh tay nối dài của Thiên Chúa mang ánh sáng và niềm vui Phục Sinh đến với mọi người?

Lê Đỗ Quyên, aci

April 1, 2015

Cúi Xuống

Trong đời có những cái cúi xuống làm người ta trở nên VinhCao, nhưng cũng có những cái cúi xuống làm người ta trở nên NhụcHèn.
Năm 2013, người đẹp Ngô Thanh Vân được khán giả đánh giá cao khi chị rời khỏi chiếc ghế hạng A của mình để cúi xuống nhặt một chiếc đế giầy của người mẫu bị rơi trong buổi biểu diễn thời trang Elle Fashion Show.
Hay đầu năm 2014, S.T., thành viên của nhóm 365 được ống kính ghi lại hình ảnh khi đang cúi xuống nhặt những chiếc ly nhựa của tham dự viên bỏ lại trên nền nhà trong khuôn viên lễ ký tặng sách của nhà văn trẻ Iris Cao.
Gần đây nhất, trong The Remix Liveshow 7 được tổ chức ngày 22/03/2015, một bạn trẻ có tên Isaac đã có hành động ghi điểm trong mắt khán giả khi cúi xuống nhặt chiếc điện thoại của MC Nguyên Khang bị rơi trong quá trình tác nghiệp, đang khi chương trình được truyền hình trực tiếp.
Và cái tên Lê Doãn Ý đang trở thành một hiện tượng hạt vàng giữa bãi cát sa mạc mênh mông. Em đã cúi xuống nhặt cái không phải là của mình, tài sản giá trị hơn 1,3 tỉ đồng, và em đã trả lại cho chủ nhân của nó.
Vì sao những cái cúi xuống tưởng chừng đơn giản này lại trở nên một hiện tượng “nóng bỏng” ngay giữa xã hội chúng ta đang sống được cho là văn minh và hiện đại?
Phải chăng chúng ta đang sống giữa một thế giới phát triển và thay đổi được tính từng giây thì tâm hồn chúng ta càng tụt hậu? Phải chăng người người, nhà nhà đang giàu lên thì tâm hồn chúng ta càng nghèo nàn đi? Phải chăng cuộc sống chúng ta càng sung túc thì tâm hồn chúng ta càng kiệt quệ? Phải chăng xung quanh chúng ta càng sầm uất thì tâm hồn chúng ta càng hoang vu?
Phải chăng chúng ta đang đẩy mình vào sự nghèo nàn túng quẫn trong tương quan giữa con người với con người, trong tình đồng loại khi lối sống chủ nghĩa cá nhân, chủ nghĩa “mặc kệ nó” đang tấn công và chiếm hữu cuộc sống chúng ta? Phải chăng nghèo nàn đang diễn ra nơi tâm khảm mỗi người chúng ta? Phải chăng nhiều người trong chúng ta đang để cho cảm xúc và con tim mình trở nên khô cằn chai cứng trước những đau khổ và bất công của cuộc đời? Thấy người đói khát – mặc kệ nó. Thấy người đau bệnh – mặc kệ nó. Thấy người gặp tai nạn – mặc kệ nó. Vì thế, khi có người khước từ chủ nghĩa “mặc kệ nó”, tâm hồn chúng ta bị đánh thức và họ trở thành một hiện tượng đẹp và nhân văn giữa xã hội?
Cũng có những cái cúi xuống để lại di chứng không lường. Ngày nay, nhiều cặp vợ chồng không còn muốn ăn đời ở kiếp với nhau nữa. Họ sẵn sàng cúi xuống để ký vào đơn ly hôn, ly dị. Họ sẵn sàng bỏ nhau vì bất cứ lý do gì, mặc cho những đứa con đang gào thét để níu kéo hai người lớn lại với nhau vì chúng khao khát một gia đình có cha có mẹ. Khuynh hướnng sống của nhiều cha mẹ, nhiều cặp vợ chồng, nhiều đôi bạn trẻ không còn nâng niu, không còn trân trọng đón nhận, không còn cưu mang, không còn duy trì và bảo vệ sự sống nữa. Họ sẵn sàng ngăn cản, sẵn sàng chà đạp và sẵn sàng giết chết những đứa trẻ ngay khi đang còn trong bụng mẹ. Nạn phá thai tràn lan khắp cõi. Người ta sẵn sàng cúi xuống để giết chết những mầm sống với bất cứ lý do gì. Có thai ngoài ý muốn – phá thai. Đã có một vài đứa con – phá thai. Gặp khó khăn về tài chính – phá thai. Để thuận lợi trong công việc – phá thai, … Người ta phá thai vì rất nhiều lý do. Có những lý do vô cùng lạnh lùng và tàn nhẫn, những lý do chẳng đâu ra đâu, hay những lý do ích kỷ và nông cạn.
Nghìn năm xưa, trong Bữa Tiệc Ly, Chúa Giê-su cũng đã cúi xuống. Ngài cúi xuống để rửa chân cho các môn đệ với lời nhắn nhủ “Nếu Thầy là Chúa, là Thầy, mà còn rửa chân cho anh em, thì anh em cũng phải rửa chân cho nhau.” (Gn 13, 14) Một tư thế thể hiện sự khiêm nhu và yêu thương trọn vẹn.
Chúng ta đã học và thực hành những cái cúi xuống nào trong đời mình? Chúng ta chọn cái cúi xuống nào cho đời mình? Lời giảng dạy và bài thực hành cúi xuống của Chúa Giê-su vẫn còn sống động trong cuộc sống hằng ngày của chúng ta. Và Ngài cũng đảm bảo với chúng ta rằng “Cứ dấu này, mọi người sẽ nhận biết anh em là môn đệ Thầy: là anh em yêu thương nhau.” (Gn 13, 35)

Lê Đỗ Quyên, aci


 
Back to Top