October 20, 2012

Đời Sống Thánh Hiến: Chiêm Niệm, Tông Đồ, và Ba Lời Khấn Phúc Âm


"Tôi phải chết cho mọi sự, nếu tôi muốn sống cho Đức Kitô."
Thánh Rafaela Maria

Lịch sử đời tu cho thấy, các hội dòng tu, nam cũng như nữ, phát nguồn từ những thời điểm khác nhau. Qua các thời đại, các vị lập dòng đã nhạy cảm dưới tác dụng đặc sủng của Thần Khí, đáp ứng nhu cầu của con người đương thời. Thánh Phaolô trong thư thứ nhất gởi Corintô viết:
Có nhiều đặc sủng khác nhau, nhưng chỉ có một Thần Khí. Có nhiều việc phục vụ khác nhau, nhưng chỉ có một Chúa. Có nhiều hoạt động khác nhau, nhưng vẫn chỉ có một Thiên Chúa làm mọi sự trong mọi người. Thần Khí tỏ mình ra nơi mỗi người một cách, là vì ích chung. Người thì được Thần Khí ban cho ơn khôn ngoan để giảng dạy, người thì được Thần Khí ban cho ơn hiểu biết để trình bày. Kẻ thì được Thần Khí ban cho lòng tin; Kẻ thì cũng được chính Thần Khí duy nhất ấy ban cho những đặc sủng để chữa bệnh. Người thì được ơn làm phép lạ, người thì được ơn nói tiên tri; kẻ thì được ơn phân định thần khí; kẻ khác thì được ơn nói các thứ tiếng lạ; kẻ khác nữa lại được ơn giải thích các tiếng lạ.
 (I cor. 12: 4-10)

Nhiều cách phục vụ trong một Chúa. Nhiều hình thái sống nhưng một sứ nhiệm mến Chúa yêu người. Đây là lý do nhiều phẩm trật khác nhau trong Giáo Hội. Nhưng ngay cả trong hàng ngũ những người được gọi theo sát Chúa, có dòng chuyên việc tông đồ, nối bước Đức Giêsu, khi thì rao giảng Tin Mừng, hàn huyên với những người ngoài lề xã hội, lúc giang tay chữa bệnh, hay an ủi kẻ tật nguyền; lại cũng có dòng  “chiêm niệm ”, cũng có nơi gọi là “Đan Viện” tiếp tục tinh thần cầu nguyện của Đức Giêsu trong sa mạc, ngày đêm chăm chú cầu nguyện, đặt  nặng đời sống khổ chế, âm thầm lao động kín đáo trong tu viện . Cách thể hiện có khác nhưng bản chất đời tu vẫn là một . Khấn hứa trong bất cứ hội dòng nào,  người được gọi theo sát Chúa cũng chỉ ràng buộc mình cùng đấng Vô Hình qua ba lời khuyên Phúc Âm.

Thiết tưởng nên ghi nhớ, là đời tu trì từ khởi đầu tới thời Thánh Tôma Aquinas, chưa có một thể thức nhất định. Mặc dầu đã được thực tập trong hình thái sống, ba lời khuyên Phúc Âm chưa được thể định rõ ràng. Thuở đó một đan sĩ , hay một nữ tu , chỉ khác một tín hữu trong sự chọn lựa sống ẩn dật , để được hoàn toàn thuộc về Chúa. Thánh Gregory Nazianzus diễn tả đời tu như một cuộc hành hương với chấp nhận khó nghèo, sẵn sàng chịu sỉ nhục, khinh chê và giữ đức khiết tịnh. Trong cuốn Apophtegmata Patrum , Đan viện trưởng Andrew, nhìn vị đan sĩ như một người đã từ bỏ quê hương, để sống nghèo hèn, và chịu đựng đau khổ trong thầm lặng. Đan Viện trưởng Poemen lại coi khó nghèo, hoạn nạn, đau khổ, và ăn chay, là những điều cần thiết cho đời sống ẩn dật. Đan viện Trưởng Elias nhìn nhận khó nghèo, hiền lành, và ăn chay là những nhân đức cần thiết. Với Đan viện Trưởng Gioan, đan sĩ là một người bạn của đau khổ, luôn từ bỏ mình trên mọi phương diện.

Vì đời sống cộng đòan chưa là nhu cầu cho lối sống ẩn dật, vẫn chưa có hình thức tuyên khấn hay thề hứa công khai. Nơi nào có nhóm ẩn sĩ, thì chiếc áo dòng thô sơ biểu hiện tình huynh đệ của họ. Trong cuốn Luật Lệ Theo Thầy (Rule of the Master) của một tác giả vô danh bên Ý, hồi thế kỷ thứ 6, có đề nghị thêm vào một nghi lễ công cộng để đón nhận người anh em mới. Qua thế kỷ thứ 7, Thánh Gioan Climacus khẳng định rõ ràng ba điều kiện cần thiết cho một tu sĩ. Đó là: chấp nhận từ bỏ mọi sự, xa cách mọi người, kể cả những người thân, và từ bỏ chính ý riêng mình. Ba điều kiện này chính là ba lời khuyên Phúc  Âm Khó nghèo, Khiết tịnh, và Vâng lời. Đến thế kỷ 13, Đức Giáo Hoàng Innocent IV đã khẳng định cùng các nữ tu đan viện thánh Clara hay dòng “Chị Em Thanh Bần”, vai trò chủ chốt của ba lời khuyên Phúc  Âm trong đời sống thánh hiến. Một thời gian ngắn sau Thánh Toma Aquinas ghi nhận những lời khuyên này trong thuyết Thần Học đời sống thánh hiến của Ngài.

Từ đó cho tới ngày nay, ba lời khuyên Phúc Âm là định nghĩa của đời sống thánh hiến. Để hiểu rõ ý nghĩa ba lời khuyên Phúc Âm Khiết Tịnh, Khó Nghèo và Vâng Lời, chúng ta cùng suy niệm qua ý hiểu của Giáo hội trong cuốn Bộ Giáo Luật.

Thể theo Giáo Luật điều 598:
Mỗi Hội Dòng phải quy định trong Hiến Pháp cách thức tuân giữ các lời khuyên  Phúc Âm Khiết Tịnh, Khó Nghèo và Vâng Lời, trong lối sống của mình, chiếu theo đặc tính và cứu cánh riêng. (BGL, số 598)

Về Khiết Tịnh Giáo Luật điều 599 khẳng định:
Lời khuyên Phúc Âm Khiết Tịnh chấp nhận vì nước Trời, xét vì là dấu chỉ của thế giới tương lai và nguồn mạch phong nhiêu trù phú trong một con tim không chia sẻ, bao hàm nghĩa vụ tiết chế hoàn toàn trong sự độc thân.

Về Khó Nghèo Giáo Luật điều 600 giảng giải:
Lời khuyên Phúc Âm Khó Nghèo để bắt chước Đức Kitô, Đấng tuy giàu sang nhưng đã trở nên nghèo vì chúng ta, ngoài một nếp sống nghèo cả về vật chất lẫn tinh thần, cần cù và thanh đạm, không dính bén tài sản thế tục, còn mang kèm theo sự lệ thuộc và hạn chế trong việc sử dụng và định đoạt tài sản, chiếu theo quy tắc của luật riêng của từng hội dòng.

Về Vâng Lời Giáo Luật điều 601 đọc:
Lời khuyên Phúc Âm Vâng Lời, được chấp nhận trong tinh thần tin yêu để theo Đức Kitô vâng lời cho đến chết, bó buộc ý chí phải tùng phục các Bề Trên hợp pháp, khi họ thay mặt Thiên Chúa truyền khiến hợp theo hiến pháp riêng.

Đáp lại lời kêu mời theo sát Chúa không có nghĩa là dự tu nam hay nữ đang hợp đủ điều kiện để nên thánh. Thực sự ra thánh thiện không là một điều kiện tối cần để chọn lựa bất cứ một lối sống nào. Ngược lại người thỉnh tu nhập viện với tất cả những gì là bản thân của họ, với nhân đức thánh thiện cũng như những thiếu xót cá tính. Với trái tim biết rung động trước những gợi cảm, người thỉnh tu cũng nghiêng chiều kết nghĩa riêng tư trong một mái ấm gia đình. Theo bản năng tự nhiên, người thỉnh tu cũng ham muốn làm chủ nhân những gia tài đồ sộ, hầu đảm bảo nếp sống dư giả nhàn hạ.  Hơn bao giờ hết, giữa thời đại duy thân này, người thỉnh tu cũng tha thiết bảo tồn quyền tự định đoạt. Nhưng “từ bỏ tất cả” chính là giá cả kết nghĩa cùng Chúa. 

Hai chữ “từ bỏ” bao hàm ý nghĩa chủ động. Nhưng thực ra quyết định của người tu sĩ chỉ là một đáp trả lời kêu mời của Chúa. Được yêu thương, người tu sĩ muốn đáp lại tình yêu đó. Đứng trước mối tình bao la này, con người nhỏ bé chỉ biết dâng trọn trái tim, tất cả lý trí, và tất cả những gì mình có cho Đấng Tình Quân. Hiệp cùng Đức Giêsu, lúc đó người tu sĩ có thể thân thưa: “Lạy Chúa này con xin đến để thi hành Thánh ý Cha!”


Các bạn có thể tìm hiểu hoặc liên lạc thêm qua những trang mạng và số điện thoại dưới đây:

0966 771 913/0166 47 57 705

0 comments:

Post a Comment

 
Back to Top