October 7, 2012

Đời Sống Thánh Hiến: Chương Trình Huấn Luyện Qua Luật Giáo Hội

"Tôi phải cố gắng hết mình để làm tăng lên lòng tin tưởng vào Chúa."
Thánh Rafaela Maria

Như đã gợi qua lần trước, không phải bất cứ ai cảm thấy muốn đi tu là thành tu sĩ. Sức lôi cuốn ban đầu có thể là một cảm hứng nhất thời hay một quyến rũ chốc lát. Người tu sĩ dâng hiến cuộc sống không phải cho một lý tưởng hay một cơ hội. Nhưng là vì họ đã khám phá ra tình yêu của một người rồi để mình cuốn vào tình yêu người đó như lẽ sống duy nhất. Tiếng gọi bí nhiệm thâm sâu, một trao đổi kỳ diệu giữa Thiên Chúa quyền năng và con người hèn yếu, một hạt bụi giữa vũ trụ bao la, chỉ ý thức được trong đức tin. Một cuộc gặp gỡ không thể quên được. Qua kinh nghiệm ban đầu, người tu sĩ tiếp tục cuộc hành trình đi tìm Chúa để trao phó cả bản thân cho Đức Kitô, Người đã nâng một tạo vật lên ngang hàng cùng Đấng vô hình, biến cái mong manh phù dung thành vĩnh cửu, cái hữu hạn thành vô biên, sự yếu đuối thành ơn phước cứu độ. Công cuộc hành trình tìm kiếm kết hợp cùng Chúa chính là chương trình đào tạo của đời sống thánh hiến. Tông Huấn Đời Sống Thánh Hiến nhắc nhở:
Sau những giây phút phấn khởi của lần gặp gỡ đầu tiên với Chúa Kitô, dĩ nhiên cần phải cố gắng kiên trì đáp trả mỗi ngày hầu biến ơn gọi thành một mối tình bằng hữu với Chúa. ( ĐSTH số 64)

Về phía hội dòng, người phụ trách huấn luyện cộng đoàn, và vị có thẩm quyền nghiên cứu “Ơn gọi tu sĩ “ sẽ quan sát, nghiệm xét, hướng dẫn, theo dõi qua cuộc sống hàng ngày, nhất là đời sống chung với cộng đoàn, cũng như qua việc học tập, rèn luyện, thể nghiệm, và cả trắc nghiệm tâm lý nữa, để xác định thánh ý Chúa. Tông Huấn bàn tiếp:
  • Việc đào tạo phải thấm nhập sâu xa chính con người sao cho toàn bộ cách ăn ở, trong những lúc quan trọng và trong những lúc bình thường của cuộc sống, cho thấy người đó vui sướng thuộc về Chúa cách trọn vẹn. Việc đào tạo toàn diện phải bao gồm mọi lãnh vực của đời sống Kitô hữu và đời sống thánh hiến. Do đó phải tiên liệu việc chuẩn bị nhân bản, văn hóa, thiêng liêng, mục vụ, sao cho các yếu tố đó được hội nhập hài hòa với nhau. ( ĐSTH số 64)
Để giảm bớt khó khăn trong tiến trình đào tạo. Bộ Giáo Luật điều 642 khuyên: Các Bề Trên hãy cẩn thận ý tứ, chỉ nên thu nhận những ai đã đủ tuổi cần thiết, có sức khoẻ, tính nết thích hợp, các đức tính đầy đủ của kẻ trưởng thành, hầu có thể theo đuổi nếp sống tu trì riêng biệt của dòng. Nếu cần, việc chứng minh sức khoẻ, tính nết và sự trưởng thành có thể nhờ đến các chuyên viên. Luật riêng có thể thiết lập các ngăn trở khác của việc thu nhận, kể cả chi phối sự hữu hiệu, hoặc đặt thêm các điều kiện khác.

Vì đặc tính đoàn sủng của mỗi hội dòng, nhu cầu mỗi hội dòng đòi hỏi một lộ trình đào tạo khác nhau. Nhưng trên bình diện căn bản, thường mỗi tuyển sinh cần trải qua Tập viện và Kinh viện cho phái nữ và Tập viện, Triết lý, Thần học và Mục vụ cho phái nam.



Về Tập Viện, Giáo Luật điều 646 cách nghĩa:
Mục tiêu của năm tập, khởi đầu của đời sống trong dòng, là để các tập sinh hiểu rõ hơn ơn thiên triệu, cách riêng ơn gọi đặc biệt của dòng, thử nghiệm lối sống của dòng, rèn luyện lòng trí của mình theo tinh thần của dòng, cũng như được trắc nghiệm về ý định và khả năng của mình.

Giáo Luật điều 648 dạy tiếp:
1) Để được hữu hiệu, năm tập phải kéo dài mười hai tháng trong chính cộng đồng tập viện.
2) Để kiện toàn việc huấn luyện các tập sinh, hiến pháp có thể quy định thêm vào thời gian trên,  một hay nhiều  thời gian thực tập tông đồ ngoài cộng đoàn tập viện. Không được kéo dài quá hai năm.

Về sứ nhiệm của người phụ trách, Giáo luật điều 652 vạch rõ:
Giám tập và các vị phụ tá có nhiệm vụ nhận định và trắc ngiệm ơn gọi của các tập sinh, rèn luyện họ dần dần để được sống đời trọn lành theo bản chất của dòng. Các tập sinh phải được hướng dẫn để phát huy các đức tính nhân bản và Kitô giáo. Họ cần được chỉ bảo cách chiêm ngắm mầu nhiệm cứu chuộc, đọc và suy gẫm Kinh Thánh. Họ cần được chuẩn bị vào sự thờ phượng Chúa trong phụng vụ. Họ cần được học hỏi về đời sống tận hiến cho Thiên Chúa và cho nhân loại trong Đức Kitô qua các lời khuyên Phúc Âm. Họ cần được dạy dỗ về đặc tính, tinh thần, mục đích, kỷ luật, lịch sử, đời sống của dòng, và cần được thấm nhuần lòng yêu mến Giáo Hội cùng các vị chủ chăn Giáo Hội.

Kết thúc tập viện, tập sinh kể như đã sẵn sàng để tiến thêm một bước nữa. Giáo Luật điều 653 trình bày:
Khi mãn thời gian tập, tập sinh sẽ được thâu nhận khấn tạm nếu được xét thấy là có khả năng; còn không thì sẽ bị loại. Nếu còn hoài nghi về khả năng, Bề Trên cao cấp có thể kéo dài thời gian thử luyện, dựa theo luật riêng, nhưng không được quá sáu tháng.

Khi được chấp nhận  khấn tạm, tập sinh sẽ công khai tuyên  hứa giữ ba lời khuyên Phúc Aâm : Khiết Tịnh, Khó Nghèo, và Vâng Lời  “ trong kỳ hạn mà luật riêng ấn định, không dưới ba năm và không trên sáu năm”(BGL đ. 655). Thời gian huấn luyện này phía nữ tu được gọi là Kinh Viện. Phía nam tu thì tùy hội dòng: có nơi được biết là Triết học và Thần học. Chương trình huấn luyện lúc này tùy thuộc ”…nhu cầu của Giáo Hội, và các điều kiện của nhân loại và thời cuộc, theo như mục đích và đặc tính của dòng đòi hỏi” (BGL đ. 659). Giáo Luật điều 660 nói thêm:
  • Sự huấn luyện phải có hệ thống, thích hợp với trình độ của các phần tử, bao gồm lãnh vực thiêng liêng và tông đồ, đạo lý và thực hành. Nếu tiện có thể lấy các bằng cấp đạo đời.


Sau đó, khi đã mãn kỳ hạn khấn tạm, tu sĩ phải tự ý xin và được chấp nhận thì sẽ được tuyên khấn trọn đời.

Trong bài này các bạn đã cùng trải qua lộ trình đào tạo của một tu sĩ theo luật lệ của Giáo Hội. Xin mời các bạn theo dõi lộ trình này qua những thí dụ cụ thể của một số hội dòng thường được nhắc tới.


Các bạn có thể tìm hiểu hoặc liên lạc thêm qua những trang mạng và số điện thoại dưới đây:

0966 771 913/0166 47 57 705

0 comments:

Post a Comment

 
Back to Top