October 1, 2012

Đời Sống Thánh Hiến Có Cần Thiết Trong Bối Cảnh Thời Đại?

"Tôi phải đặt hết tin tưởng vào tay Chúa, chấp nhận mọi sự xảy đến cho tôi như đã đến từ bàn tay nhân hậu của Người. Chúa Giêsu mãi mãi và chỉ có Người là đối tượng duy nhất của lòng tin tưởng của tôi."                                                                                                                                    
Thánh Rafaela Maria

Thượng hội đồng Giám Mục thế giới lần thứ IX về đời tu và tận hiến đã nhóm họp khẩn trương tháng 10 năm 1994 và đã nhấn mạnh: "Đời sống tận hiến tất nhiên từ bản chất là điều trường tồn không thể thiếu được trong Giáo Hội. Trái lại nhiều hình thức cơ chế qua đi với thời gian và không được đảm bảo có tính chất trường cửu qua các thế hệ và ngày nay vẫn có nhiều dòng tu, tu hội, các nhóm với hình thức tu trì mới rất khác biệt nhau..."


Thiết nghĩ, cần ghi nhớ câu hỏi này chỉ thích hợp với Châu Âu và Bắc Mỹ. Ở những nơi đó, "Đời Tu Có Cần Thiết Không?" đã là câu hỏi của không những giới tu sĩ nam nữ sau Công Đồng Vatican II, mà cỏn là thắc mắc của cả những người có trách nhiệm trong hàng Giáo Phẩm, cũng như của nhiều tín hữu khác. Các cuộc ra đi ồ ạt đã như hồi chuông báo tử của đời tu trì. Thay vì canh tân đổi mới, người tu sĩ chìm vào tâm trạng bồn chồn lo lắng. Mầm sống mới không thấy trong khi cây già cứ từ từ ngã xuống. Trong cuốn đời sống tu trì của tác giả Michel Rondet viết: "Người ta chờ đợi mùa xuân, nhưng mùa đông đã đến với sự suy sụp của các ơn gọi với cuộc ra đi và với sự già nua đau đớn của toàn thể các dòng tu, nhất là các dòng tu thuộc đời sống tông đồ." (Michel Rondet, La vie Religieuse, Desclee de Brower, 1994, tr. 77)




Cùng số phận với nhiều tôn giáo khác khắp nơi trên hoàn cầu, Kitô giáo cũng đang trong tình trạng suy thoái. Giữa những băn khoăn, người Công Giáo cũng như tín đồ của những giáo phái khác đang hoang mang hầu như thất vọng. Tình trạng này gợi lên ý nghĩa gì? Chúa không còn nữa? Chúa đi vắng hay ngủ quên? tại sao lại hậu Kitô giáo? nếu hiểu "hậu" là sau thì chúng ta đang thuộc thành phần còn xót lại? Phải chăng thời đại Kitô giáo đã thuộc về quá khứ? Thế có nghĩa Kitô giáo là một sự kiện lịch sử? Cuộc khủng hoảng tôn giáo nói chung và khủng hoảng đời tu nói riêng buộc chúng ta phải đặt lại vấn đề. Tôn giáo lỗi thời? Đời tu lỗi thời? Hay cách sống đức tin, cách sống đời tận hiến lỗi thời?


Một cuộc hành hương có trở nên vô nghĩa khi có người bỏ cuộc chăng? Dĩ nhiên là không. Cũng như đời sống gia đình, cảnh "anh đi đàng anh, tôi đi đàng tôi" giữa những cặp vợ chồng không may đổ vỡ, có nghĩa là đời sống gia đình không còn cần thiết chăng? Dĩ nhiên là không. Lịch sử toàn cầu cho thấy qua bao nhiêu thế hệ, nền tảng đời sống gia đình luôn bị đe dọa vì những cuộc ly dị hay ly thân. Nhưng cùng đích là tình thân gia đình vẫn là tối cần cho sự sống còn của con người. Tuy thế, chúng ta phải công nhận, mặc dù có những người đã bỏ cuộc  trong sự kết hiệp cùng đấng vô hình, đời sống tu trì vẫn cần thiết.


Vì sao? Thưa, vì đời sống tận hiến chính là Tin Mừng trong hình thức sống động. Vì vậy, bao lâu Tin Mừng được rao giảng, bấy lâu đời sống thánh hiến còn cần thiết


Sống Phúc Âm thuần túy, vô điều kiện, người tu sĩ làm chứng cho những giá trị siêu việt của Phúc Âm trong một tình yêu không phân chia, minh chứng Thiên Chúa là ưu tiên trên mọi sự. Điều này chứng tỏ đời sống thánh hiến  chỉ có giá trị trong ánh sáng Phúc Âm. Sồng Tin  Mừng, người tu sĩ cùng nhau tiếp tục xây dựng nước tình yêu mà Chúa Giêsu đã khởi sự. Để củng cố Giáo Hội Chúa giữa trần gian. Vì tình yêu phải được diễn tả trong việc làm. Cảm nghiệm tình yêu Chúa, khắp nơi, người tu sĩ dấn thân phục vụ anh em đồng loại.



Các bạn có thể tìm hiểu hoặc liên lạc thêm qua những trang mạng và số điện thoại dưới đây:

0966 771 913/0166 47 57 705

0 comments:

Post a Comment

 
Back to Top