Lắng Nghe và Đáp Trả

Khiêm Nhu

Tình Yêu Trọn Vẹn

Giản Dị nhưng Tinh Khiết

Hy Sinh

An Lạc, Trọn Vẹn và Khiêm Tốn

Bình Dị, Thân Thương và Chân Quê

Đẹp Thanh Cao, Tinh Khiết

Tình Yêu Cao Đẹp và Trong Sáng

March 29, 2015

Sống Là Chọn

Trong vùng thăm thẳm tối của cuộc đời,
Cha cho con niềm tin để bước đi.
Trong miên trường giằng co giữa con tim và khối óc,
Cha đã cho con tự do để chọn lựa.”
Sống là chọn!
Chọn giữa cái tốt với cái xấu, giữa cái xấu với cái tồi tệ, giữa cái tốt với cái tốt hơn và giữa cái tốt hơn với cái tốt nhất. Ta phải chọn. Trung lập? “Thà ngươi thật nóng, thà ngươi thật lạnh, nếu ngươi không nóng không lạnh, cứ ương ương dở dở, Ta sẽ mửa ngươi ra khỏi miệng Ta.” (Kh 3, 15 – 16) Bạn chọn gì?
Sau khi biến hình trên núi Tabor (Mc 9, 2 – 10), Chúa Giê-su chọn xuống núi, dù Ngài biết trước điều gì đang chờ đợi Ngài khi tiến về Giê-ru-sa-lem. Đó là bước vào một cuộc thương khó.
Phê-rô, Gia-cô-bê và Gioan chọn ở lại sau khi chứng kiến sự vinh quang của Thầy, các ông chọn “Thưa Thầy, chúng con ở đây thì hay quá. Chúng con xin dựng ba cái lều …” (Mc 9, 5).
Bạn đã chọn?
Chọn một con đường để bước đi, dẫu biết rằng con đường này đặt nhiều biển báo về sự gập ghềnh và rủi ro, nhưng cũng lắm sự kỳ thú? Chọn một cuộc đời sống để dấn thân? Chọn một lý tưởng để sống và sống tròn đầy sung mãn?
Ta chọn vì ta có quyền tự quyết.
Nhưng điều gì đảm bảo cho sự chọn lựa của ta là đúng?
Chọn lựa không có nguyên tắc chung. Mỗi người là một cá vị, là một kiệt tác riêng biệt Thiên Chúa đã tạo dựng nên. Do đó, không ai giống ai và không hành trình cuộc đời nào giống cuộc đời nào. Và ta phải chọn. Chọn gì và chọn như thế nào sao cho thích hợp với sự cá vị của mình.
Khi đứng trước những điều quan trọng cần phải chọn lựa, ta quyết định thế nào? Ta có tin vào chính mình? Tin vào một lời mời gọi từ trong thẳm sâu tâm hồn? Ta có biết yên lặng để lắng nghe? Ta có bị áp lực từ bên ngoài? Ta có nửa vời?
Trong đời, đã có những lần ta chọn lựa sai. Ta không nên xấu hổ về điều này mặc dù nó có thể ảnh hưởng nhiều đến cuộc đời ta. Nhưng điều quan trọng hơn là ta có biết đứng dậy và rút ra bài học cho mình. Chọn lựa đòi hỏi sự can đảm và niềm tin. Can đảm để quyết định và hành động. Niềm tin để bước đi và để thực hiện.
Chọn lựa là dám bước ra khỏi lối thẳng và an toàn để chọn một lối đi cho riêng mình.
Bạn đã chọn?
Bạn đang chọn?
Bạn sẽ chọn?
Mục đích cuối cùng và duy nhất của sự chọn lựa là Niềm Hạnh Phúc! Và đó là sự chọn lựa đúng.

Lê Đỗ Quyên, aci

March 21, 2015

Vâng Phục - Tự Hủy (Phần Cuối)

Có một Abraham, người đàn ông ở tuổi gần trăm, hoàn toàn vâng theo tiếng gọi của Thiên Chúa “Hãy rời bỏ xứ sở, họ hàng, nhà cha ngươi mà tới vùng đất Ta sẽ chỉ cho người” (St 12, 1). Ông đáp lời ngay cả ý thức rõ ràng lời mời này buộc ông phải bỏ lại phía sau tất cả những gì gần gũi và thân thương nhất mà cả đời ông đã gắn bó. Một người đã sống một cuộc sống mà Thiên Chúa liên tục thách đố, đôi lúc dường như quá khả năng chịu đựng. Thế nhưng, hai chữ tín trung vâng phục, ông vẫn vẹn toàn.
Có một Maria thưa tiếng “Xin Vâng” là hoàn toàn chấp nhận thánh ý Thiên Chúa, ngay cả khi có thể bị kết án vì tội ngoại tình, phải bị ném đá cho đến chết. Maria vẫn thưa xin vâng. Mẹ dám lấy thánh ý Thiên Chúa, lấy chương trình của Thiên Chúa làm kim chỉ nam cho quyết định cuộc đời mình.
Có một Giu-se mau mắn vâng lời thánh ý Thiên Chúa giữa bóng đêm mơ hồ của những giấc mộng. Ngài không do dự khi phải từ bỏ những dự định riêng, chấp nhận bị quấy rầy, bị đảo lộn, để được thay đổi hoàn toàn.
Có một Giê-su, con Thiên Chúa, Đấng chí thánh “đã tự hạ mình mà vâng phục cho đến chết” (Phil 2, 8).
Có một Rafaela Maria Porras vâng lời dấn thân vào một cuộc tìm kiếm thánh ý Thiên Chúa trong những năm tháng đầu thành lập Dòng. Rồi ba muoi hai năm cuối đời sống ẩn dật, bị hiểu lầm, bị chỉ trích và bị lãng quên. Ấy vậy mà ngài vẫn liên lỉ trọn hai tiếng xin vâng trong niềm tin, sự tín thác và niềm hy vọng.
Xuyên suốt lich sử Giáo Hội, có biết bao người sống chứng ta với chọn lựa “sự vâng phục” thánh ý Thiên Chúa làm kim chỉ nam cho đời mình. Họ đã sống nên thánh trọn lành trong bậc sống của mình.
Ngày hôm nay, có biết bao người trẻ dám bước ra khỏi vòng vây của “cái tôi” để sống cho một lý tưởng “tự hủy”, một lý tưởng chết cho ý riêng của mình trong sự tự do và lòng mến.
Và đó là ý nghĩa đích thực của lời khấn dòng “vâng phục”
Thật vậy, sống giữa một xã hội xấu tốt lẫn lộn, giữa những thách đố, cám dỗ và đầy cạm bẫy của cuộc đời, người tu sĩ đang “sống khác” với trào lưu chung của xã hội. Dường như họ đã và đang khước từ “cái quyền” căn bản nhất của mỗi người, quyền tự quyết hay quyền chọn lựa, hoặc tóm gọn lại là quyền tự do. Nhưng với người tu sĩ, một khi họ tuyên khấn vâng phục đồng nghĩa với việc dám gạt ra ý riêng mình để phụng sự cho mục đích tốt đẹp hơn, thánh ý Thiên Chúa. Đó là sử dụng sự tự do trong sự khôn ngoan.
Còn bạn thì sao? Thiên Chúa đang chờ đợi những tâm hồn quãng đại, những trái tim giàu lòng yêu thương và những tấm lòng nhân nghĩa dám dấn thân vào việc kiến tạo một nền văn minh tình thương và sự sống.

Lê Đỗ Quyên, aci

March 7, 2015

Sống Chứng Tá

Khi còn tấm bé, chúng ta được dạy dỗ rằng Chúa yêu thương loài người nên mới ban con một của Người xuống để cứu thế gian tội lỗi này. Rồi khi lớn lên, bài học này được lặp lại với con cháu chúng ta. Thế nhưng, làm sao có thể chứng minh được tình yêu Thiên Chúa dành cho loài người khi xung quanh chúng ta đang sống dường như sự ác đang làm ô nhiễm bầu không khí của sự thiện, đâu đâu cũng nhan nhãn những cảnh tai ương, hận thù, cướp bóc, ghen ghét, chiến tranh, chết chóc, bệnh tật, …
Vậy Thiên Chúa ở đâu?
Trong một lần chia sẻ giáo lý, tôi thao thao bất tuyệt với các em rằng Thiên Chúa yêu các em nhiều lắm. Tình yêu này cụ thể qua cuộc sống hằng ngày, các em có cha mẹ yêu thương và chăm sóc, có nhà ở, có cơm ăn, có quần áo đẹp và có cơ hội học hành. Hơn thế nữa, Ngài còn ban cho các em không khí để thở, nước để uống, cây cối cho bóng mát, những thân thể khỏe mạnh, xinh gái, đẹp trai, … Bất chợt, một em nhỏ cắt ngang bài chia sẻ và hỏi: “Mỗi ngày đến trường, em gặp nhiều bạn cùng tuổi lang thang đường phố không nhà cửa, không cha mẹ và có cả những cụ già xin ăn bên vệ đường. Rồi có rất nhiều bạn nhỏ tật nguyền mà em gặp được trong lần đi cùng mẹ đến thăm một trung tâm chăm sóc bệnh nhân phong. Có phải Thiên Chúa không yêu họ? Sao Ngài không ban cho họ những ơn lành như chúng em?
Tôi ý thức rằng tôi đang rất bối rối.
Chính lúc này đây tôi mới thật sự hiểu điều mình đã chia sẻ với các em. Thiên Chúa ở đâu nơi những con người bất hạnh này? Tôi chợt nhớ đến cuốn sách “Lạy Chúa, tại sao Ngài im lặng?” của tác giả Giuse Đinh Thanh Bình, ngay chương đầu có đoạn “Làm sao tôi có thể tiếp tục hướng dẫn hay xoa dịu những con người đau khổ bằng những lý thuyết của lòng Chúa nhân từ, yêu thương? Làm sao tôi có thể mở miệng ca tụng công lý, hòa bình của một thế giới tốt đẹp?” Vậy tình yêu Thiên Chúa ở đâu giữa một thế giới xô bồ? Cái chết của Ngài trở nên vô nghĩa sao?
Điều đầu tiên và duy nhất mà mỗi người Ki-tô hữu cần phải xác tín "Thiên Chúa là tình yêu" ngay chính trong kinh nghiệm cuộc đời của mỗi người. Vì yêu nên Ngài đã trao ban và tôn trọng sự tự do của con người. Hiển nhiên, quyền lợi luôn đi đôi với trách nhiệm. Chúng ta thực sự có trách nhiệm với quyền lợi mình nhận được chưa? Câu trả lời có lẽ rõ ràng mà ngay cả một đứa trẻ cũng có thể nhận ra mặt trái của cái quyền lợi này. Hãy nhìn xem môi trường thiên nhiên đang bị chúng ta làm tổn thương thế nào? Quyền làm người của biết bao hài nhi bị tước đoạt một cách lạnh lùng và tàn nhẫn ngay từ khi còn trong bụng mẹ. Chủ nghĩa cá nhân, lối sống hưởng thụ, chủ nghĩa "mackeno" đang giày xéo lên nhân phẩm của biết bao người, nhất là người phụ nữ. Tình yêu nam nữ đích thức đang bị xem nhẹ, thay vào đó nhiều người đang hướng đến một mối tương quan khác - tương quan đồng giới. Đáng buồn hơn nữa, con người đang xâm phạm đến chủ quyền tuyệt đối của Thiên Chúa trong lĩnh vực trao ban sự sống - thụ tinh nhân tạo.
Tình yêu Thiên Chúa dường như biến mất giữa nhiễu nhương của cuộc sống. Là người Ki-tô hữu, chúng ta cụ thể hóa tình yêu Thiên Chúa với tha nhân thế nào? Chúng ta sẽ vẽ khuôn mặt của một Thiên Chúa yêu thương thế nào?
Cháu bé trong lớp giáo lý đang đợi bạn và tôi câu trả lời.
Và những anh chị em khốn cùng đang đợi bạn và tôi minh chứng niềm tin của chúng ta vào một Thiên Chúa giàu lòng yêu thương.
Hãy trả lời bằng chính thái độ sống đức tin hằng ngày của chúng ta!

Nguyễn Thị Kim Thoa, aci

March 1, 2015

Quà Mừng Sinh Nhật

Ngày 1 tháng 3 năm 1850, Rafaela Maria Porras, chào đời trong sự chờ mong và vòng tay yêu thương của mọi người. Ngài đã trở thành một vị thánh, một Đấng Sáng Lập Dòng Nữ Tỳ Thánh Tâm. Ngày 5 tháng 11 năm 2007, cháu gái đầu lòng của gia đình tôi cũng đã chào đời trong bầu khí ngột ngạt của sự hồi hợp xen lẫn sự lo sợ. Và cũng chính ngày 5 tháng 11 này đã xé toang bức màn sợ hãi để đón nhận một sự sống và một niềm hy vọng. Vượt trên tất cả, tôi tin rằng, vì lời cầu bầu của thánh Rafaela mà cháu tôi đã được mọi sự bình an.
Hôm nay, Dòng Nữ Tỳ Thánh Tâm Chúa Giê-su mừng sinh nhật thứ 165 của Thánh Rafaela, tôi muốn viết lại câu chuyện của cháu tôi như món quà mừng sinh nhật thánh nữ cũng như nói lên lòng tri ân vì lời cầu bầu của ngài làm đẹp lòng Chúa.
Năm 2007, được tin chị gái có em bé đầu lòng sau hơn hai năm chờ đợi, tôi vui lắm. Nhưng chưa trọn niềm vui thì lại nhận được hung tin “đứa bé trong bụng có thể sẽ bị bỏ đi”. Tai tôi như ù đi khi dòng tin trên email vẫn chưa đọc hết. Lấy lại bình tĩnh, tôi đọc lại email của chị thêm vài lần nữa để tin chắc là minh không bị cảm xúc đánh lừa. Đây đúng là tai ương. Chị bị lây bệnh thủy đậu từ học trò và nguy cơ thai nhi bị nhiễm bệnh là có thể. Qua nhiều lời khuyên, trong sợ hãi, chị lặng lẽ một mình đi siêu âm. Quả đúng như lời cảnh báo, kết quả siêu âm cho thấy, thai nhi có dấu hiệu dị dạng. Vì vậy, bác sĩ khuyên nên bỏ thai nhi.
Là vợ chồng trẻ, chị chưa sẵn sàng cả thể lý lẫn tinh thần để đón đứa con đầu lòng dị tật. Là người Công Giáo, chị không được phép phá thai vì chị hiểu rõ ràng rằng không ai có quyền tước đoạt quyền sống của người khác. Là một cô giáo, chị không cảm thấy mình xứng đáng đứng trên bục giảng dạy những đứa trẻ khi chị làm gương xấu. Hơn thế nữa, là một người mẹ, chị có thể giết chết đứa con đang sống trong cung lòng mình không? Tiếng nói lương tâm và trách nhiệm đang thách thức chị phải có một sự chọn lựa.
Với tôi, cảm giác bất lực thật kinh khủng. Tôi cũng không biết phải làm gì, chia sẻ gì khi mình ở quá xa, hay nói đúng hơn là suy sụp hoàn toàn. Tôi chỉ biết bám víu vào sự quan phòng của Thiên Chúa và tin vào sức mạnh của lời cầu nguyện. Tôi chỉ làm được như vậy.
Rồi tôi khuyên chị liên hệ với Sơ ở Dòng Nữ Tỳ Thánh Tâm Chúa Giê-su để xin sự hướng dẫn, đồng thời gặp cha xứ để được giúp đỡ. Tôi không biết những người này đã khuyên gì, hay nói gì với chị tôi. Nhưng chị biết rằng các Sơ đang đồng hành với chị qua việc liên lỉ làm Tuần Cửu Nhật với Thánh Rafaela cho hai mẹ con được vuông tròn. Vậy mà, kết quả cuối cùng vẫn là quyết định bỏ đứa bé. Các Sơ thất vọng lắm, nhưng vẫn không bỏ cuộc. Các Sơ cầu nguyện nhiều hơn và tin mạnh mẽ hơn vào lời cầu bầu của thánh Rafaela. Và phép lạ xảy ra cho những kẻ có lòng cậy trông.
Ngày chị đến bệnh viện để bỏ đi thai nhi có bên cạnh là ba mẹ tôi, anh trai và bạn bè, nhưng chồng chị không có mặt. Anh quá sợ hãi. Khi đang nằm đợi đến lượt mình, cô y tá bước vào chuẩn bị tiêm thuốc tê cho chị. Bất ngờ, chị từ chối và ngồi bật dậy rồi bảo với cô ý tá: “Em về. Con em có thế nào thì em cũng sẽ nuôi con.” Cô y tá chưa hiểu hết chuyện gì đang xảy ra thì chị cũng đã ra đến cửa nơi gia đình đang đợi. Ai cũng bật đứng dậy và tròn xoe mắt. Chị vừa khóc vừa nói lớn tiếng: “Đi về! Đi về!” Chẳng ai hiểu gì nhưng vẫn cứ chạy theo chị. Ba tôi là người cuối cùng bước theo ra khỏi bệnh viện trước khi kịp đập nát cái am đang cầm trên tay.
Những tháng còn lại trong bụng mẹ, thai nhi phá mẹ nhiều hơn như nóng lòng được chào đời để nhìn thấy ành mặt trời, trong khi đó ai ai cũng lo lắng lẫn hồi hợp. Ngày sinh cũng đến. Một bé gái dễ thương chào đời với đầy đủ các bộ phận của cơ thể. Chị tôi khóc òa cùng gia đình khi nhìn thấy đứa con đỏ hoãn của mình nguyên vẹn.
Vậy là đủ! Bà Elizabeth trong Tin Mừng đã tự nhủ “Chúa đã làm cho tôi như thế đó!” (Lc 1, 25) Chị tôi cũng đã thốt lên như vậy.
Đứa trẻ lớn lên mỗi ngày xinh đẹp, ngoan ngoãn và có nhiều năng khiếu về nghệ thuật. Gia đình chị luôn tin rằng, dù thầm lặng nhưng Thánh Rafaela đã bước vào gia đình chị bằng chính lời cầu bầu cùng Thiên Chúa. Thiên Chúa đã đoái nghe và thực hiện tình yêu của Ngài trên hài nhi bé bỏng này.
Cảm ơn thánh Rafaela. Cảm ơn món quà sự sống mà Ngài đã hiện diện và đồng hành trong thời gian khó khăn và thử thách nhất. Thánh nữ đã làm đẹp lòng Chúa qua lời cầu bầu của ngài thì xin thánh nữ tiếp tục cầu bầu cùng Chúa soi sáng và hướng dẫn những bậc cha mẹ đủ khôn ngoan để quyết định theo thánh ý Chúa. Và qua lời chuyển cầu của thánh nữ, xin Chúa chúc lành cho những gia đình hiếm muộn sớm có được những tiếng trẻ thơ trong gia đình họ.
Hãy xin thì sẽ được, tìm thì sẽ gặp và gõ thì sẽ mở cho.”  (Mt 7, 7)
Lê Đỗ Quyên, aci

 
Back to Top