February 14, 2015

Của Lễ Thánh Hiến - P. II


Việt Nam là một nước nghèo.
Đó là một thực trạng không thể chối cải. Trích đăng từ trang thông tin quốc gia về giảm nghèo bền vững của Bộ Lao Động Thương Binh và Xã Hội ngày 05/02/2015 thì tỉ lệ hộ nghèo của cả nước giảm từ 11,76% năm 2011 xuống khoảng 6% năm 2014. Đó là chuyện ở Việt Nam. Nhưng chuyện của thế giới dường như cũng không mấy khả quan qua báo cáo của chương trình phát triển Liên Hiệp Quốc (UNDP) công bố ngày 24/07/2014 rằng hơn 2,2 tỷ người, chiếm 1/3 dân số thế giới đang sống ở mức nghèo khổ.
Trong khi Việt Nam và cả thế giới đang tìm cách đẩy lui tình trạng nghèo khó nhằm nâng cao cuộc sống của con người thì những người sống đời thánh hiến lại chọn khấn và sống Khó Nghèo trọn cuộc đời! Có phải những con người này dở hơi? Có phải họ đang cổ súy cho việc đẩy lùi sự phát triển của xã hội?
Hoàn toàn không. Đó là tội ác.
Trước tiên, chúng ta phải xác định rõ ràng sự khó nghèo hoàn toàn khác với sự bần cùng. Người tu sĩ chọn sống nghèo khó nghĩa là không để mình bị vật chất ràng buộc và điều khiển cuộc đời mình, chứ không phải sống cảnh bần cùng túng quẫn. Và sẽ có nhiều người đặt dấu chấm hỏi: “Tôi chưa thấy nhà Dòng hay cộng đoàn tu nào nghèo cả. Đâu đâu cũng là những cơ ngơi đồ sộ, các tu sĩ luôn chỉn chu, …” Trả lời cho thắc mắc này, chúng ta cùng trở lại bài giảng về Ngày Cánh Chung “Các dân thiên hạ sẽ được tập hợp trước mặt Người và Người tách biệt họ với nhau như mục tử tách biệt chiên với dê.” (Mat-thêu 25, 31 – 46) Chúng ta sẽ trả lời thế nào khi đứng trước mặt Chúa? Ngài sẽ không hỏi chúng ta làm nghề gì, lương được bao nhiêu, có mấy chiếc xe hay bao nhiêu bộ quần áo, … nhưng Ngài sẽ hỏi từng người đã quãng đại chia sẻ bao nhiêu với anh chị em mình. Vậy nghĩa là Thiên Chúa mời gọi chúng ta hãy biết dùng những của cải vật chất mà Ngài đã chúc lành để phục vụ tha nhân và quy tất cả về cho Thiên Chúa.
Qua lời khuyên Phúc Âm, người tu sĩ được mời gọi sống dấn thân triệt bằng sự giải thoát mình khỏi tình trạng nô lệ vật chất. Đó là nghèo vật chất. Ngoài sống nghèo vật chất, người tu sĩ còn sống nghèo trong hiện hữu. Đây là một câu chuyện thật về một Sơ trong Dòng. Một hôm, trưởng khoa của trường đại học nơi Sơ đang dạy hớn hở gọi Sơ vào văn phòng và trao cho một phong bì rồi bảo Sơ phải mở ra ngay. Chần chừ một lúc, cuối cùng Sơ cũng mở ra, bên trong là một tờ giấy, thư thông báo Sơ được một học bổng học Tiến Sĩ tại Anh. Quả là niềm vui lớn. Nhưng rồi Sơ đã từ chối nhận học bổng này. Với nhiều người, có thể lời từ chối này được xem là một sự ngu ngốc, thế nhưng đó là một sự chọn lựa để sống nghèo trong hiện hữu. Khi con người có được chức vị, quyền lực hay lợi ích thì khuynh hướng quên mất Thiên Chúa là điều có thể. Vì vậy, người tu sĩ sống lời khấn khó nghèo là dám tương đối hóa mọi vật chất và danh vọng để rồi khiêm tốn trước mặt Thiên Chúa vì ý thức rằng không có Thiên Chúa, mình chỉ là kẻ trắng tay.
Cho đến ngày hôm nay, nhiều người vẫn đang lội ngược dòng với trào lưu hưởng thụ và thu góp của xã hội. Họ khước từ sự tư hữu để sống tình huynh đệ hiệp thông và sẻ chia để cùng thực hiện ước muốn của Thiên Chúa “phục vụ kẻ bé mọn nhất là phục vụ Thầy”. Thật vậy, làm cho Thiên Chúa lớn lên trong mọi người là để mình bé nhỏ lại, cho anh chị em mình lớn lên trong ân sủng Thiên Chúa.
Đó là khó nghèo của người tu sĩ.
Trên hết, để có thể sống nghèo hoàn toàn theo tinh thần Phúc Âm, người tu sĩ không thể thiếu đời sống cầu nguyện. Chỉ khi người ta kết hợp mật thiết với Thiên Chúa thì mới có thể nhận ra ta nghèo khó và bất lực. Và Thiên Chúa là nơi ta cậy dựa. Ngài đang hỏi từng người chúng ta: “Nào trong các ngươi đây chỉ lo lắng mà có thể thêm cho đời mình được gang tay nào nữa. Nếu điều nhỏ bé như vậy các ngươi không thể làm, tại sao lại phải lo lắng những điều khác.” (Lc 15, 25 – 26).

Lê Đỗ Quyên, aci

1 comments:

 
Back to Top