November 25, 2013

Ai Là Vua Dời Tôi?

SUY NIỆM LỜI CHÚA
CN 24/11/2013 Lễ Chúa Kitô Vua - Lễ Trọng 
Bài đọc 1: 2 Sm 5, 1-3
Hồi đó, toàn thể các chi tộc Ít-ra-en đến gặp vua Đa-vít tại Khép-rôn và thưa: “Chúng tôi đây là cốt nhục của ngài. Ngay cả trước kia, khi ông Sa-un làm vua cai trị chúng tôi, chính ngài đã chỉ huy các cuộc hành quân của Ít-ra-en. Đức Chúa đã phán với ngài: ‘Chính ngươi sẽ chăn dắt Ít-ra-en, dân Ta, chính ngươi sẽ là người lãnh đạo Ít-ra-en’.” Toàn thể kỳ mục Ít-ra-en đến gặp vua tại Khép-rôn. Vua Đa-vít lập giao ước với họ tại Khép-rôn, trước nhan Đức Chúa. Rồi họ xức dầu tấn phong Đa-vít làm vua Ít-ra-en.
Bài đọc 2: Cl 1, 12-20
Thưa anh em, anh em hãy vui mừng cảm tạ Chúa Cha, đã làm cho anh em trở nên xứng đáng chung hưởng phần gia nghiệp của dân thánh trong cõi đầy ánh sáng. Người đã giải thoát chúng ta khỏi quyền lực tối tăm, và đưa vào vương quốc Thánh Tử chí ái; trong Thánh Tử, ta được ơn cứu chuộc, được thứ tha tội lỗi. Thánh Tử là hình ảnh Thiên Chúa vô hình, là trưởng tử sinh ra trước mọi loài thọ tạo, vì trong Người, muôn vật được tạo thành trên trời cùng dưới đất, hữu hình với vô hình. Dẫu là hàng dũng lực thần thiêng hay là bậc quyền năng thượng giới, tất cả đều do Thiên Chúa tạo dựng nhờ Người và cho Người. Người có trước muôn loài muôn vật, tất cả đều tồn tại trong Người.Người cũng là đầu của thân thể, nghĩa là đầu của Hội Thánh; Người là khởi nguyên, là trưởng tử trong số những người từ cõi chết sống lại, để trong mọi sự Người đứng hàng đầu. Vì Thiên Chúa đã muốn làm cho tất cả sự viên mãn hiện diện ở nơi Người, cũng như muốn nhờ Người mà làm cho muôn vật được hoà giải với mình. Nhờ máu Người đổ ra trên thập giá, Thiên Chúa đã đem lại bình an cho mọi loài dưới đất và muôn vật trên trời.
Tin Mừng: Lc 23, 35-43

Khi ấy, Đức Giê-su bị đóng đinh trên thập giá, dân chúng thì đứng nhìn, còn các thủ lãnh thì buông lời cười nhạo: “Hắn đã cứu người khác, thì cứu lấy mình đi, nếu thật hắn là Đấng Ki-tô của Thiên Chúa, là người được tuyển chọn!” Lính tráng cũng chế giễu Người. Chúng lại gần, đưa giấm cho Người uống và nói: “Nếu ông là vua dân Do-thái thì cứu lấy mình đi!” Phía trên đầu Người, có bản án viết: “Đây là vua người Do-thái.” Một trong hai tên gian phi bị treo trên thập giá cũng nhục mạ Người: “Ông không phải là Đấng Ki-tô sao? Hãy tự cứu mình đi, và cứu cả chúng tôi với!” Nhưng tên kia mắng nó: “Mày đang chịu chung một hình phạt, vậy mà cả Thiên Chúa, mày cũng không biết sợ! Chúng ta chịu như thế này là đích đáng, vì xứng với việc đã làm. Chứ ông này đâu có làm điều gì trái!” Rồi anh ta thưa với Đức Giê-su: “Ông Giê-su ơi, khi ông vào Nước của ông, xin nhớ đến tôi!” Và Người nói với anh ta: “Tôi bảo thật anh, hôm nay, anh sẽ được ở với tôi trên Thiên Đàng.”
SUY NIỆM:
     Vì sao hằng năm chúng ta mừng lễ Chúa Kitô Vua vào tuần cuối cùng của năm phụng vụ?
Ở nước Anh tuần qua vừa xảy ra một vụ việc động trời, đó là một chú chó thân thương trong gia đình đã cắn chết cô chủ 4 tuổi của mình. Không ai có thể tin được điều này và các nhà khoa học bắt tay vào nghiên cứu. Cách đây khoảng chừng ba tháng, tại miền Tây, người con gái theo lời tình nhân đã giết mẹ mình. Con chó cắn chủ mình đã là một chuyện động trời. Vậy con giết mẹ thì như thế nào? Đây là chỉ sự giết chóc giữa một con người với một con người. Nhưng nhìn vào lịch sử qua hai cuộc thế chiến, bao nhiêu sinh mạng đã nằm xuống? Hơn bốn mươi triệu con người! Đây là giết hàng loạt. Vậy có ghê gớm không?
Nhìn vào chính mình, chúng ta phải thừa nhận rằng trong con người chúng ta luôn mang hai bản tính: tính thú và tính nhân. Khi nào tính nhân nổi lên thì sống rất hiền hòa, nhưng khi tính thú nổi lên thì không còn kiểm soát hành vi của mình. Nhìn lại tất cả các sự kiện, Đức Cố Giáo Hoàng Pio XI đã chọn ngày 11/12/1925 là ngày lễ Chúa Kitô Vua, đại diện cho vị vua của hòa bình và yêu thương. Vậy chúng ta có chọn vị vua này là gương mẫu và cùng đích cho cuộc đời mình không?
Khi nói đến vua thì phải có quân có lính, có người hầu hạ. Chúa Giêsu thì không. Thời đai ngày hôm nay nhìn vị trí vua ở những điểm khác như vua kinh tế, vua dầu hỏa, vua xe hơi, vua bóng đá, vua tình, vua tiền … Vậy ngày hôm nay tôn phong vị trí vua với những điều kiện nào? Cái gì hay nhất thì được cho làm vua. Có lẽ chúng ta chúng ta đang tôn thờ một trong những vị vua này. Nhưng chúng ta nói mình theo Chúa Giêsu, vậy lối sống của mình có giống lối sống của vua Giêsu không?
Thật vậy, mỗi người chúng ta là một vị vua. Chúng ta được lãnh nhận bí tích rửa tội, nhắc nhở chúng tat ham dự vào các chức vụ tư tế, ngôn sứ vương đế. Vậy đó là gì? Thưa là vua! Đó là cái trong mỗi người chúng ta. Vì vậy chúng ta luôn luôn có tính cạnh tranh vì muốn thống trị và hơn người. Thử nhìn xem, khi ra đường ai cũng muốn mình vượt trước người khác. Chúng ta nhìn vị vua Giêsu để xem vị vua này có ngai có tòa không? Thưa không nhưng là cây thập giá. Nhìn những linh mục trong nhà thờ, mỗi người đều có cái ngai nho nhỏ riêng cho mình, một chiếc ghế to lớn oai phong. Gương sống của Đức Giáo Hoàng Phanxico là một ví dụ cụ thể trong việc thay đổi não trạng của các ông vua con. Khi ngài nắm giữ vị trị Đức Giáo Hoàng, ngài đã yêu cầu đổi chiếc ghế của mình. Điều này nói lên sự chấp nhận từ bỏ uy quyền. Hôm nay vua không phải là vậy. Nhìn thầy Giêsu, cuối cùng bị treo trên thập giá giữa hai tên tử tội.
Hôm nay chúng ta mừng lễ Chúa Kitô vua là cơ hội để nhìn lại ý nghĩa cuộc đời mình, vị Vua Giêsu có chiếm hữu được lòng chúng ta không để giúp mình từ bỏ tính thú, ham muốn danh vọng thay vào cái nhìn trong sáng, thánh thoát. Để chúng ta cũng học từ vị vua hòa mình này một thái độ dám quỳ xuống rửa chân, dám cho phép mình đụng chạm vào những con người đau khổ thể xác cũng như tinh thần. Xin cho mỗi người chúng ta biết đặt Chúa Giêsu là vị vua duy nhất của cuộc đời mình và để Ngài biến đổi chúng ta nên giống hình ảnh Ngài.


0 comments:

Post a Comment

 
Back to Top